Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ và những việc cha mẹ nên làm

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ mặc dù không phải là hội chứng thường gặp nhưng cần hết sức cẩn trọng. Bởi nếu bệnh khởi phát trước tuổi 15 thì rất dễ tiến triển nặng và có tiên lượng xấu. Gia đình cần phát hiện và quan tâm điều trị cho trẻ kịp thời để hạn chế biến chứng xảy ra.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em
Cha mẹ cần cẩn trọng với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ là bệnh gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một dạng rối loạn lo âu có thể ảnh hưởng tới đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ em bị OCD trải qua những suy nghĩ, lo lắng hay thôi thúc không mong muốn được gọi là ám ảnh. Các ý nghĩ ám ảnh này thường rất khó chịu, khó kiểm soát, buộc trẻ phải thực hiện các hành động lặp đi lặp lại để làm dịu sự lo lắng, được gọi là cưỡng chế.

Thông thường, sự cưỡng chế không liên quan tới sự ám ảnh một cách thực tế. Ví dụ, một đứa trẻ có thể có nỗi sợ ám ảnh rằng cha mẹ của chúng sẽ bị tai nạn xe hơi. Để đối phó với nỗi sợ hãi này thì chúng có thể bật và tắt đèn nhiều lần. Ngay cả khi chúng biết điều đó không có ý nghĩa nhưng chúng cảm thấy rằng nghi thức này sẽ giúp cha mẹ không bị tổn thương.

Trên thực tế, trẻ em dưới 5 tuổi vẫn có thể phát triển chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Ở độ tuổi này, trẻ thậm chí còn không thể nhận ra rằng những suy nghĩ và nỗi sợ hãi của chúng là phóng đại hoặc phi thực tế.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Một đứa trẻ bị OCD có thể cố gắng che giấu các nghi thức của mình cho tới khi chúng trở nên quá sức. Lúc này, trẻ sẽ ngăn chặn các nghi thức, hành vi của mình khi ở trường nhưng sau đó lại hành động khi về nhà.

Các trường hợp rối loạn ám ảnh cưỡng chế khởi phát sớm trước 15 tuổi thường tiến triển mãn tính và tiềm ẩn nhiều biến chứng nặng về. Thực tế cho thấy, OCD ở trẻ em có biểu hiện nghiêm trọng và diễn tiến phức tạp hơn so với OCD ở người trưởng thành.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em

Các dấu hiệu nhận biết của rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em có thể được phân thành 2 loại. Bao gồm ám ảnh và cưỡng chế, cụ thể như sau:

1. Triệu chứng ám ảnh

Ám ảnh đề cập đến những suy nghĩ, hình ảnh hay sự thôi thúc xảy ra lặp đi lặp lại. Những suy nghĩ này sẽ mắc kẹt trong tâm trí của đứa trẻ mắc chứng OCD.

Ám ảnh có thể đi kèm với cảm giác không thoải mái, lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ và ghê tởm. Đây là một trong những tình trạng đáng quan ngại mà cha mẹ cần quan tâm.

Dưới đây là một số ví dụ về những nỗi ám ảnh phổ biến mà những đứa trẻ mắc chứng OCD phải trải qua:

  • Mối bận tâm với chất lỏng hay chất thải của cơ thể, vi trùng, bụi bẩn, hóa chất hoặc các chất dính. Sợ bị ô nhiễm hoặc lây lan các chất gây ô nhiễm có thể cảm nhận được.
  • Lo lắng về việc bị ốm hoặc mắc bệnh tật.
  • Lo lắng quá mức về những điều tồi tệ xảy ra, làm điều sai trái hoặc nói dối.
  • Quan tâm đến cách trình bày và hình thức. Chẳng hạn như sự sắp xếp đối xứng của các đồ vật, quần áo, thức ăn hay giao diện của bài tập về nhà.
  • Lo lắng về việc vô tình khiến cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè bị tổn thương.

2. Triệu chứng cưỡng chế

Đề cập đến những hành vi lặp đi lặp lại mà trẻ cảm thấy bị thúc đẩy phải thực hiện để đối phó với sự ám ảnh. Hoặc các hành vi cũng có thể phải thực hiện theo các quy tắc được áp dụng một cách cứng nhắc.

dấu hiệu rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em
Trẻ có thể rửa tay rất nhiều lần do bị suy nghĩ sợ nhiễm khuẩn điều khiển

Mặc dù không phải lúc nào trẻ cũng có thể giải thích được mục đích của bản thân nhưng các hành vi cưỡng chế sẽ giúp ngăn chặn hoặc làm bớt sự lo lắng, căng thẳng. Tuy nhiên hành vi cưỡng chế rõ ràng là quá mức. Hơn nữa còn không được kết nối một cách thực tế với kết quả mà chúng mong muốn.

Ví dụ về các hành vi cưỡng chế ở trẻ mắc chứng OCD bao gồm:

  • Rửa tay quá mức, tắm vòi sen rất lâu, chải chuốt, lau chùi hoặc thực hiện các nỗ lực khác để khử nhiễm.
  • Tuân thủ theo các quy tắc cứng nhắc hay các hành vi nghi thức nhằm đảm bảo an toàn.
  • Kiểm tra để chắc chắn rằng không gây ra tổn tại hay không có sai lầm nào xảy ra.
  • Liên tục đặt câu hỏi, tìm kiếm sự tái đảm bảo và thú nhận.
  • Thực hiện các nghi lễ tinh thần như những lời cầu nguyện, nói những câu đặc biệt hoặc xem xét lại các tình huống.
  • Sắp xếp lại mọi thứ theo một cách cụ thể hoặc đối xứng.
  • Liên tục tìm kiếm sự trấn an từ gia đình và bạn bè.
  • Tránh những tình huống mà trẻ nghĩ rằng sẽ có điều gì đó tồi tệ xảy ra.

Các hành vi cưỡng chế và né tránh của trẻ mắc chứng OCD đôi khi được gọi là “hành vi an toàn”. Bởi chúng được sử dụng để ngăn ngừa rủi ro và sự khó chịu. Tuy nhiên, triệu chứng của OCD ở trẻ em không tuân theo quy tắc thông thường. Theo thời gian các hành vi có thể trở nên nghiêm trọng và gây ra các hệ quả đáng quan ngại.

Nguyên nhân gây rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ

Cho đến nay, mặc dù đã trải qua nhiều nghiên cứu nhưng nguyên nhân chính xác gây ra chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể đóng vai trò trong cơ chế bệnh sinh.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, OCD ở trẻ em là hệ quả của sự kết hợp giữa các yếu tố sinh học và sự tác động từ môi trường. Cụ thể như sau:

1. Yếu tố di truyền và gia đình

Mặc dù không có gen cụ thể gây OCD nhưng yếu tố di truyền đóng một vai trò trong cơ chế bệnh sinh. Nghiên cứu cho thấy rằng, những đứa trẻ được sinh ra bởi cha hoặc mẹ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế thì nguy cơ mắc bệnh lý này cao gấp 4 lần.

Ngoài ra, một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy, trẻ có thể bị OCD khi sinh sống với người mắc bệnh trong thời gian dài (ngay cả khi không cùng huyết thống). Nguyên nhân được lý giải là do trong quá trình phát triển nhận thức, trẻ có thể học theo các suy nghĩ và hành vi của người bệnh.

2. Bất thường trong cấu trúc não bộ

Thông qua chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), CT và MRI để nghiên cứu não bộ của trẻ bị OCD, các chuyên gia cho biết, phần thùy trái và các hạch đáy não tăng hoạt động. Ngoài ra, nhân đuôi 2 bên còn bị giảm kích thước.

nguyên nhân gây OCD ở trẻ em
Trẻ có thể phát triển chứng OCD do các bất thường trong cấu trúc của não bộ

Phát hiện này cho thấy cấu trúc não bộ có đóng một vai trò nhất định trong cơ chế bệnh sinh của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em. Tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu chuyên sâu hơn để có được khẳng định chính xác.

3. Mất cân bằng các yếu tố nội sinh

Não bộ sinh ra các chất nội sinh để chi phối hoạt động của tất cả mọi cơ quan và điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ, hành vi. Đối với những đứa trẻ mắc chứng OCD thì nồng độ chất dẫn truyền thần kinh trong não thường bị mất cân bằng.

Qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy nồng độ serotonin suy giảm rõ rệt. Hơn nữa còn có hiện tượng tăng nhạy cảm đối với chất dẫn truyền thần kinh này. Sự sụt giảm của serotonin sẽ gây ra bất thường về mặt cảm xúc, nhận thức,…

Sụt giảm serotonin ngoài làm tăng nguy cơ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế thì còn là căn nguyên của một số vấn đề tâm lý khác. Điển hình như căng thẳng thần kinh, rối loạn lo âu lan tỏa,…

4. Yếu tố môi trường

Trên thực tế, một số yếu tố từ môi trường bên ngoài cũng có thể tác động và làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em. Chẳng hạn như:

  • Bị lạm dụng thể chất và tinh thần
  • Người thân qua đời
  • Cha mẹ ly hôn, ly thân khiến trẻ phải sống chung với 1 trong 2 người
  • Trải qua hoặc chứng kiến tai nạn thảm khốc
  • Chuyển môi trường sống quá đột ngột
  • Bị bạn bè tẩy chay, cô lập
nguyên nhân gây rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ
Trẻ bị bạn bè tẩy chay, cô lập có nhiều nguy cơ phát triển chứng OCD hơn

Số liệu thống kê ghi nhận, có tới hơn 50% trẻ khởi phát các triệu chứng OCD sau khi phải đối mặt với những sang chấn tâm lý. Tuy nhiên đây chỉ là yếu tố khởi phát bệnh, hoàn toàn không phải căn nguyên gây bệnh.

5. OCD khởi phát đột ngột

Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 5% trẻ em mắc chứng OCD được gây ra bởi một phản ứng miễn dịch bên trong não. Trường hợp này được gọi là OCD dạng PANDAS hay kiểu phụ tự miễn dịch.

OCD dạng PANDAS được cho là do nhiễm trùng với cùng một loại vi khuẩn gây bệnh ban đỏ và viêm họng (liên cầu khuẩn). Khi hệ thống miễn dịch của trẻ chống lại nhiễm trùng thì nó có thể bị nhầm lẫn và bắt đầu tấn công vào hạch nền bên trong não bộ.

OCD dạng PANDAS có một số điểm đặc trưng, chẳng hạn như các triệu chứng khởi phát nhanh chóng. Nghiên cứu cho thấy rằng, những trẻ có khuynh hướng di truyền với OCD mới dễ mắc phải OCD dạng PANDAS.

Ảnh hưởng của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em gây ra rất nhiều phiền toái và tác động tiêu cực đến cuộc sống của trẻ. Cụ thể như gây hao tổn thời gian, làm gián đoạn quá trình sinh hoạt cũng như học tập của trẻ.

Những ý nghĩ không theo chủ đích xuất hiện lặp đi lặp lại sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu và không thể tập trung trong quá trình học tập. Từ đó khiến cho kết quả học tập suy giảm, trẻ sẽ thường xuyên bị điểm kém. Điều này có thể khiến cho lo lắng tăng lên, bị bạn bè chế giễu, chê bai.

Trường hợp trẻ không thực hiện các hành vi cưỡng chế thì căng thẳng, phiền muộn và lo lắng sẽ tăng lên đáng kể. Điều này khiến cho trẻ trở nên nhạy cảm hơn, dễ tức giận và gắt gỏng với những người xung quanh. Một số trẻ bị OCD còn có thể tự cào da, nhổ tóc hay cắn móng tay do bị điều khiển bởi các ý nghĩ ám ảnh.

ảnh hưởng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể khiến cho hiệu quả học tập của trẻ bị giảm sút

Theo đánh giá từ các chuyên gia, OCD ở trẻ em nếu không sớm điều trị có thể ảnh hưởng xấu tới quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các dạng rối loạn tâm lý, tâm thần khác. Chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn TIC và trầm cảm.

Cha mẹ nên làm gì khi con bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Hiện nay hiểu biết về chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng còn hạn chế. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh không biết xử lý ra sao khi phát hiện con trẻ có triệu chứng OCD. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho cha mẹ:

1. Trò chuyện cùng con

Một số trẻ có thể không cho cha mẹ biết về những suy nghĩ, hành vi và nỗi sợ hãi mà OCD gây ra. Các con có thể cảm thấy bối rối hoặc xấu hổ và cố gắng che giấu những nghi thứ mà chúng làm. Nhiều trẻ còn khởi phát các triệu chứng OCD một thời gian dài trước khi cha mẹ nhận ra.

Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường ở con trẻ thì tốt nhất cha mẹ nên nói chuyện với chúng. Cần nói chuyện theo cách lắng nghe, ủng hộ và thể hiện tình yêu thương. Cần nói những điều phù hợp với hoàn cảnh của con, tuyệt đối không nạt nộ hay gây thêm áp lực khi thấy con có các hành vi bất thường.

2. Đưa con đi khám bác sĩ

Cha mẹ cần trao đổi trước với con rằng một cuộc kiểm tra với bác sĩ có thể tìm hiểu xem các triệu chứng của con có đáng quan ngại hay không. Hãy giải thích cho con hiểu, thăm khám bác sĩ sẽ giúp con trở nên tốt hơn. Bởi có rất nhiều đứa trẻ rất sợ hãi mỗi khi đề cập đến vấn đề đi gặp bác sĩ.

Hiện nay, các bệnh viện nhi đều có phòng khám tâm lý nên cha mẹ rất dễ dàng trong việc đưa trẻ đi thăm khám. Ngoài ra, có thể đưa con đi gặp các chuyên gia tư vấn tâm lý để được hỗ trợ.

Để chẩn đoán OCD ở trẻ em, bác sĩ và các chuyên gia sẽ khai thác triệu chứng, tiền sử cá nhân và gia đình. Ngoài ra, trẻ cũng có thể được yêu cầu làm trắc nghiệm tâm lý và thực hiện các chẩn đoán lâm sàng khác.

Hiện nay, tiêu chuẩn ICD-10 hoặc DSM-5 là được sử dụng phổ biến nhất để đưa ra chẩn đoán xác định cho chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em. Sau đó, bác sĩ sẽ dựa vào từng trường hợp cụ thể để có phương pháp điều trị phù hợp.

cha mẹ nên làm gì khi con bị OCD
Khi phát hiện các triệu chứng OCD ở trẻ thì cha mẹ nên chủ động đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ

3. Tham gia trị liệu cho con

Tâm lý trị liệu hiện đang là phương pháp điều trị chính cho chứng OCD ở trẻ em. Ở phương pháp này, chuyên gia tâm lý sẽ giao tiếp với trẻ bằng lời nói và cử chỉ. Từ đó giúp trẻ bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc một cách chân thật nhất.

Sau khi thấu hiểu và đánh giá được diễn biến tâm lý của trẻ thì chuyên gia sẽ có sự can thiệp phù hợp. Mục đích là giúp trẻ thay đổi suy nghĩ. Đồng thời làm giảm sự lo lắng và hạn chế việc thực hiện các hành vi cưỡng chế do các suy nghĩ ám ảnh gây ra.

Điều quan trọng là phụ huynh cần tham gia trị liệu cùng con. Bởi một phần của tâm lý trị liệu cho chứng OCD ở trẻ em là hướng dẫn cha mẹ cách đối phó với các triệu chứng OCD ở con họ.

Cha mẹ sẽ được chuyên gia cung cấp về các cách ứng xử. Đồng thời có lời nói phù hợp khi con yêu cầu cha mẹ thực hiện các hành vi cưỡng chế. Việc gia đình tham gia trị liệu còn giúp trẻ có cảm giác yên tâm. Đặc biệt là tránh được các suy nghĩ như bản thân kỳ dị, khác thường so với mọi người.

4. Kiểm soát quá trình con dùng thuốc

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu điều trị OCD ở trẻ bằng cách kết hợp tâm lý trị liệu và dùng thuốc. Trong đó, điều trị bằng thuốc chỉ được cân nhắc trong các trường hợp thật sự nghiêm trọng.

Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) thường được bác sĩ kê toa. Nhóm thuốc này có thể giúp làm giảm lo lắng ở trẻ em. Tuy nhiên, cần phải được sử dụng rất thận trọng bởi chúng có thể làm tăng nguy cơ tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Một số loại SSRIs đã được FDA chấp thuận để dùng cho trẻ em và thanh thiếu niên bị OCD bao gồm:

  • Zoloft (sertraline): Có thể dùng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
  • Luvox (fluvoxamine): Được chấp thuận dùng cho trẻ từ 8 tuổi trở lên.
  • Prozac (fluoxetine): Sử dụng được cho trẻ từ 8 tuổi trở lên.

Trường hợp trẻ bị OCD dạng PANDAS thì việc điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh (penicillin, azithromycin)
  • NSAID và corticosteroid
  • Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch
  • Phương pháp trao đổi huyết tương
  • Cắt amidan

Các loại thuốc dùng điều trị OCD ở trẻ em cần nghiêm ngặt tuân thủ chỉ định từ bác sĩ. Cha mẹ cần theo dõi quá trình trẻ dùng thuốc. Nhắc con uống thuốc đúng liều lượng và thời gian. Tuyệt đối không để trẻ dùng quá liều hay dừng thuốc một cách đột ngột.

điều cha mẹ nên làm khi con bị OCD
Cha mẹ cần giám sát quá trình con dùng thuốc để đảm bảo sử dụng đúng liều lượng và thời gian

Đồng thời cha mẹ cần theo dõi biểu hiện của trẻ trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc để hỗ trợ con tốt hơn. Hãy báo ngay cho bác sĩ được biết để có sự điều chỉnh kịp thời khi con gặp phải các triệu chứng bất thường.

5. Chăm sóc con đúng cách

Thực tế cho thấy, việc điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em còn gặp rất nhiều hạn chế. Bởi căn nguyên và cơ chế bệnh sinh còn có rất nhiều điểm chưa được nghiên cứu rõ ràng.

OCD khởi phát sớm thường có tiên lượng xấu, đa số các trường hợp này đều có xu hướng tiến triển mãn tính. Trong khi đó, những trẻ bị OCD khởi phát muộn sẽ đáp ứng tốt hơn với điều trị và bệnh tình giảm dần theo thời gian.

Ngoài việc tham gia điều trị cùng con thì cha mẹ cần chú ý chăm sóc con đúng cách. Điều này sẽ hỗ trợ làm giảm nhẹ chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ.

Dưới đây là cách chăm sóc trẻ bị OCD:

  • Sự tái diễn của các ý nghĩ không có chủ đích có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng và trầm cảm. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vui chơi, đàn hát, vẽ tranh,… để giải tỏa stress.
  • Có thể xây dựng các trò chơi có tính tập thể để giúp trẻ rèn luyện khả năng giao tiếp và hòa nhập. Lúc đầu phạm vi trò chơi có thể chỉ là các thành viên trong gia đình. Sau đó hãy mời thêm bạn bè và người thân cùng tham gia để trẻ dần quen với việc tiếp xúc cùng người lạ.
  • Bên cạnh những trò chơi trong nhà có thể cho trẻ ra ngoài để vui chơi. Đơn giản chỉ là cùng trẻ chăm sóc cây cối hay thú cưng cũng sẽ giúp trẻ giảm bớt nỗi ám ảnh về việc sợ nhiễm bệnh.
  • Nếu bạn nhận thấy con đã thoải mái hơn thì có thể để trẻ vui chơi tự do ngoài trời. Đồng thời khuyến khích trẻ kết bạn và vui chơi với những trẻ đồng trang lứa.
  • Tuyệt đối không tỏ thái độ khó chịu khi trẻ yêu cầu cha mẹ thực hiện các hành vi cưỡng chế. Hãy làm theo ý trẻ muốn và dần giải thích cho trẻ hiểu các hành vi ấy là không cần thiết.
  • Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học cho trẻ. Đây là yếu tố quan trọng giúp con bạn phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí não.
  • Nên khuyến khích trẻ tập thể dục, chơi thể thao hay theo đuổi các sở thích cá nhân như vẽ tranh, học đàn,… Điều này giúp trẻ nâng cao sức khỏe, đồng thời làm giảm stress và lo âu hiệu quả.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em gây ra rất nhiều phiền toái. Cha mẹ cần sớm đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ khi phát hiện các triệu chứng bất thường. Đồng thời tham gia điều trị cùng con và chăm sóc con đúng cách. Từ đó giúp sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ được cải thiện tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *