Phác Đồ Điều Trị Rối Loạn Dạng Cơ Thể
Phác đồ điều trị rối loạn dạng cơ thể đề cập chi tiết đến nguyên tắc điều trị chung và các phương pháp hiệu quả nhất hiện nay. Trên thực tế, phác đồ sẽ được điều chỉnh tùy theo dạng lâm sàng, mức độ triệu chứng và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân.
Đại cương
Rối loạn dạng cơ thể (tiếng Anh: Somatoform Disorder) còn được gọi là rối loạn chuyển dạng. Thuật ngữ này đề cập đến sự tái diễn của những triệu chứng cơ thể nhưng không tìm ra nguyên nhân thực thể khi thăm khám. Sự tái diễn của những triệu chứng này khiến bệnh nhân có yêu cầu dai dẳng về việc được thăm khám và điều trị – ngay cả khi bác sĩ đã khẳng định người bệnh hoàn toàn không có bất cứ vấn đề sức khỏe nào.
Rối loạn dạng cơ thể khởi phát từ lứa tuổi thanh thiếu niên hoặc đầu giai đoạn trưởng thành. Căn nguyên bệnh chưa được biết rõ nhưng thường có liên quan đến stress trường diễn. Chứng bệnh này gặp nhiều hơn ở nữ giới, quá trình điều trị còn nhiều khó khăn và bệnh dễ bị nhầm lẫn với rối loạn lo âu bệnh tật hoặc rối loạn phân ly.
Chẩn đoán
Rối loạn dạng cơ thể có nhiều dạng lâm sàng. Mỗi dạng sẽ có những biểu hiện và đặc điểm khác nhau.
1. Rối loạn cơ thể hóa
Rối loạn cơ thể hóa là một dạng rối loạn cơ thể thường gặp. Biểu hiện điển hình là sự tái diễn liên tục của các triệu chứng cơ thể thôi thúc bệnh nhân yêu cầu được thăm khám và điều trị y tế trong một thời gian dài. Người mắc bệnh chứng bệnh này luôn có nhu cầu chẩn đoán, điều trị ngay cả khi nhận được kết quả âm tính rất nhiều lần và bác sĩ cũng cam kết người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh.
Rối loạn cơ thể hóa được chẩn đoán khi đáp ứng được những tiêu chí sau:
- Các triệu chứng cơ thể đa dạng, thay đổi và kéo dài trong ít nhất 2 năm mà không thể tìm ra giải thích thỏa đáng nào về mặt cơ thể.
- Từ chối và không chấp nhận lời trấn an, khuyên ngăn của bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân.
- Một số tật chứng của hoạt động gia đình, xã hội có thể quy vào bản chất của hành vi, triệu chứng đã gây ra như rối loạn hoang tưởng, rối loạn nghi bệnh, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tâm thể nhiều loại,…
2. Rối loạn nghi bệnh
Rối loạn nghi bệnh là một dạng rối loạn chuyển dạng mà người bệnh luôn tin rằng những biểu hiện trên cơ thể (dù nhỏ) cũng đều là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tương tự như rối loạn cơ thể hóa, bệnh nhân cũng tìm kiếm dai dẳng sự chăm sóc y tế mặc dù các bác sĩ đã trấn an và khẳng định người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh.
Theo ICD-10, rối loạn nghi bệnh sẽ có những biểu biểu điển hình như sau:
- Tin rằng các triệu chứng bản thân gặp phải là do các bệnh lý nghiêm trọng. Tâm lý này kéo dài dai dẳng khiến bệnh nhân luôn tìm kiếm bác sĩ với mong muốn được thăm khám và điều trị. Tuy nhiên, thăm khám không nhận thấy bất cứ nguyên nhân thỏa đáng nào có thể lý giải cho sự xuất hiện của các triệu chứng.
- Từ chối lời trấn an và lời khuyên của bác sĩ.
- Sự bận tâm quá mức về bệnh tật khiến người bệnh suy giảm đáng kể chức năng xã hội, nghề nghiệp,…
3. Rối loạn chức năng thần kinh tự động dạng cơ thể
Rối loạn chức năng thần kinh tự động dạng cơ thể là một trong những dạng lâm sàng của rối loạn chuyển dạng. Người mắc chứng bệnh này sẽ gặp phải các triệu chứng như bị rối loạn hệ thần kinh thực vật (rối loạn hệ tiết niệu – sinh dục, hô hấp, dạ dày, tim mạch,…). Thường gặp nhất là tình trạng ra nhiều mồ hôi, đỏ bừng mặt, hồi hộp, đánh trống ngực, có cảm giác nóng ran ngoài da,…
Rối loạn chức năng thần kinh tự động dạng cơ thể được chẩn đoán khi đáp ứng được những tiêu chí sau (theo ICD-10):
- Xuất hiện triệu chứng hưng phấn thần kinh tự trị như đỏ mặt, ra nhiều mồ hôi, đánh trống ngực,… Các triệu chứng xảy ra dai dẳng, kéo dài gây ra sự khó chịu nhất định.
- Bệnh nhân bận tâm dai dẳng và đau khổ vì cho rằng bản thân mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng, mặc cho bác sĩ đã trấn an và khẳng định nhiều lần.
- Các triệu chứng chủ quan thêm vào được quy cho hệ thống đặc hiệu hoặc một cơ quan cụ thể
- Không tìm thấy bằng chứng cho thấy các cơ quan bị rối loạn chức năng hay thực thể.
Rối loạn chức năng thần kinh tự động dạng cơ thể sẽ được chẩn đoán phân biệt với rối loạn hoang tưởng, rối loạn cơ thể hóa và rối loạn lo âu lan tỏa.
4. Rối loạn đau dạng cơ thể dai dẳng
Rối loạn đau dạng cơ thể dai dẳng hay còn được gọi là đau tâm căn. Người mắc chứng bệnh này luôn gặp phải tình trạng đau nhức dai dẳng nhưng không thể xác định được nguyên nhân cụ thể.
Theo ICD-10, đau tâm căn sẽ có những triệu chứng như sau:
- Có các triệu chứng cơ thể, trong đó nổi trội với các triệu chứng đau dai dẳng và mức độ đau đủ nghiêm trọng để gây ra sự đau khổ cho người bệnh. Các triệu chứng đau không thể xác định được nguyên nhân dù đã thăm khám kỹ lưỡng.
- Cơn đau xảy ra cùng với xung đột cảm xúc khi người bệnh nhận được sự chú ý, ủng hộ từ nhân viên y tế và những người xung quanh.
5. Rối loạn dạng cơ thể khác
Rối loạn dạng cơ thể còn có khá nhiều dạng lâm sàng khác. Đặc điểm chung của các dạng này là bệnh nhân than phiền về các triệu chứng cơ thể nhưng không qua trung gian là hệ thống thần kinh và thường khu trú ở những vùng đặc hiệu trên cơ thể.
- Vẹo cổ tâm sinh và các rối loạn khác của vận động co thắt (loại trừ hội chứng Tourette)
- Rối loạn kinh nguyệt tâm sinh
- Ngứa tâm sinh (trừ mề đay tâm sinh, viêm da cơ địa, chàm, rụng tóc,…)
- Cảm giác có hòn trong họng gây khó nuốt (được gọi là hòn hysteria) và các thể nuốt khó khác
- Nghiến răng
Ngoài biểu hiện lâm sàng, bệnh nhân nghi ngờ rối loạn dạng cơ thể sẽ phải thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Điện tim
- Đo điện não đồ
- Xét nghiệm công thức máu tổng quát
Rối loạn dạng cơ thể không có bất cứ dấu hiệu cận lâm sàng nào đặc trưng. Tuy nhiên, những xét nghiệm này sẽ giúp ích trong việc loại trừ những khả năng khác có thể xảy ra.
Phác đồ điều trị rối loạn dạng cơ thể
1. Nguyên tắc chung
Căn nguyên của rối loạn dạng cơ thể rất phức tạp và thường có sự hiện diện của cả nguyên nhẫn tâm lý lẫn cơ thể. Đa phần bệnh nhân đều không chấp nhận nguyên nhân tâm lý là căn nguyên gây ra các triệu chứng cơ thể. Chính vì vậy, việc thuyết phục bệnh nhân can thiệp điều trị sẽ mất khá nhiều thời gian và không ít trường hợp tự ý bỏ dở điều trị.
Nguyên tắc chung khi điều trị rối loạn dạng cơ thể:
- Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị rối loạn dạng cơ thể. Liệu pháp này giúp giải quyết những xung đột nội tâm, từ đó mang đến cảm giác thoải mái, thư giãn giúp người bệnh giảm dần sự lo lắng, đau khổ và các triệu chứng cơ thể.
- Với từng nhóm bệnh và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn liệu pháp tâm lý phù hợp.
- Trường hợp nặng, diễn biến phức tạp phải được điều trị ở bệnh viện để phòng tránh biến chứng kịp thời.
- Bệnh nhân rối loạn dạng cơ thể sẽ được áp dụng phương pháp thư giãn luyện tập để giảm các triệu chứng cơ thể. Phương pháp này cũng mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa bệnh tái phát.
- Nâng cao khả năng chịu đựng stress cho người bệnh từ stress do học tập, làm việc, sinh hoạt,… Đồng thời hướng dẫn bệnh nhân cách thích ứng với những điều kiện không thuận lợi để phòng ngừa stress và ngăn ngừa bệnh tái phát.
2. Điều trị cụ thể
Hai phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị rối loạn dạng cơ thể là liệu pháp tâm lý và hóa dược. Phác đồ điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào dạng lâm sàng, mức độ bệnh và các yếu tố cơ địa của từng bệnh nhân.
– Liệu pháp tâm lý:
- Liệu pháp tâm lý có vai trò chủ đạo trong điều trị rối loạn dạng cơ thể, phổ biến nhất là liệu pháp hành vi và liệu pháp nhận thức.
- Hiện tại, hiệu quả của liệu pháp tâm lý vẫn còn nhiều hạn chế do bệnh nhân tự ý bỏ điều trị và nhận thức của những người xung quanh về liệu pháp này chưa thực sự sâu sắc.
- Rối loạn dạng cơ thể là bệnh mãn tính, tiến triển dai dẳng nên nguy cơ kháng điều trị cao.
– Liệu pháp hóa dược:
Liệu pháp hóa dược được cân nhắc khi bệnh nhân có biểu hiện lo âu, trầm cảm, hoảng loạn, kích động,… Loại thuốc được sử dụng sẽ phụ thuộc vào biểu hiện lâm sàng và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
*Thuốc chống trầm cảm
Sự bận tâm dai dẳng về các triệu chứng cơ thể sẽ khiến bệnh nhân dễ bị lo âu, trầm cảm. Trường hợp này sẽ được dùng thuốc chống trầm cảm để cải thiện. Lựa chọn ưu tiên là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
Liều lượng của thuốc tương tự như khi điều trị trầm cảm. Thuốc phát huy tác dụng khá muộn, thường là sau khoảng 4 – 8 tuần sử dụng. Tương tự như khi điều trị trầm cảm, thuốc sẽ được dùng lâu dài để phòng ngừa tái phát.
*Thuốc chống lo âu:
Thuốc chống lo âu được dùng trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện lo âu. Do thuốc có thể gây nghiện nên chủ yếu được dùng ngắn hạn. Hơn nữa, người bệnh cũng sẽ được bác sĩ giải thích và tư vấn rõ ràng về nguy cơ lạm dụng thuốc, nghiện thuốc để sử dụng thuốc đúng cách.
Thuốc chống lo âu sẽ được dùng với liều thấp, sau đó tăng dần liều đến khi đạt được hiệu quả như mong muốn. Tương tự như các loại thuốc có thể gây nghiện khác, cần giảm liều thuốc từ từ trước khi ngưng hẳn để tránh những tác dụng không mong muốn.
Thuốc chống lo âu được dùng trong điều trị rối loạn dạng cơ thể thường là 1 trong 3 loại sau đây:
- Thuốc chống lo âu non-benzodiazepine (Etifoxine Chlorhydrate)
- Thuốc lo âu Benzodiazepine
- Thuốc kháng histamine H1 (Hydroxyzine Hydrochloride)
Phác đồ điều trị rối loạn dạng cơ thể tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng và hạn chế tần suất bệnh tái phát nhằm nâng cao chất lượng của bệnh nhân. Phác đồ thực tế sẽ được cá nhân hóa tùy theo dạng lâm sàng, mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe cụ thể của từng trường hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn thích nghi: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả
- Luôn Ám Ảnh Lo Sợ Bệnh Tật: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
- Rối Loạn Hỗn Hợp Lo Âu Và Trầm Cảm: Dấu Hiệu Và Cách Chữa Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!