Sợ các con số (Arithmophobia): Căn bệnh gây trở ngại đáng kể

Sợ các con số (Arithmophobia) là hội chứng tâm lý kỳ lạ đặc trưng bởi nỗi sợ mãnh liệt, dai dẳng và vô lý về các con số. Người bệnh có thể sợ hãi tất cả các con số hoặc chỉ sợ hãi với một số con số mang ý nghĩa “xui xẻo” như số 13, số 4,…

sợ các con số
Arithmophobia là hội chứng tâm lý hiếm gặp với triệu chứng điển hình là nỗi sợ vô lý về các con số

Hội chứng sợ các con số là gì?

Hội chứng sợ các con số (Arithmophobia/ Numerophobia) là tình trạng vô cùng hiếm gặp với triệu chứng điển hình là nỗi sợ tột độ, quá mức và phi lý về các con số. Con số và ngôn ngữ là phương tiện được sử dụng trong giao tiếp và nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy, nỗi sợ quá mức về các con số sẽ gây ra nhiều phiền toái nếu không được điều trị.

Hội chứng sợ các con số được chia thành 2 dạng:

  • Sợ tất cả các con số: Ở dạng này, bệnh nhân sợ tất cả các con số, không phân biệt là số tự nhiên, số nguyên tố, số âm hay số dương,… Nỗi sợ hãi các con số khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống, đặc biệt là trong quá trình học tập và mua sắm, chi tiêu.
  • Sợ những con số cụ thể: Một số người chỉ sợ hãi quá mức về những con số cụ thể như số “13”. Trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo, số 13 được xem là con số xui xẻo. Những câu chuyện có tính chất huyền bí, tâm linh về con số này chính là nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ hãi quá mức về số 13. Ngày nay, nhiều chung cư và tòa nhà sử dụng ký hiệu 12+1 hoặc 12A, 12B thay vì dùng số 13.

Arithmophobia là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi hay còn gọi là chứng ám ảnh cụ thể. Thực tế, có rất nhiều người phát triển nỗi sợ vô lý về những tình huống/ đối tượng vô hại như sợ các tình huống xã hội, sợ đi máy bay, sợ khoảng trống, sợ đám đông và sợ con số.

Nỗi sợ vô lý về những yếu tố này sẽ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Bản thân người mắc chứng sợ các con số ý thức được sự bất thường trong nỗi sợ của chính mình nhưng không thể vượt qua. Do đó, tất cả những người mắc hội chứng này đều phải điều trị.

Hiện tại, chứng Arithmophobia chưa được công nhận trong DSM-5 (Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hiệp hội Hoa Kỳ). Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn sẽ tiếp nhận chẩn đoán và điều trị. Vì vậy, bệnh nhân không cần quá lo lắng khi gặp phải tình trạng này.

Nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ về các con số

Chúng ta bắt đầu được tiếp xúc với các con số từ những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, hội chứng sợ con số chỉ phát triển sau này, không xuất hiện ngay từ lần đầu tiếp xúc. Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhưng một số yếu tố đã được xác định có liên quan đến hội chứng Arithmophobia.

hội chứng sợ con số
Hội chứng sợ con số thường gặp ở trẻ bị ép học toán từ sớm hoặc bị trừng phạt nghiêm khắc do học toán kém

Các yếu tố gây ra nỗi sợ vô lý về các con số:

  • Di truyền: Tất cả các vấn đề tâm lý đều có khả năng di truyền bao gồm cả hội chứng sợ các con số. Ngoài ra, nguy cơ cũng tăng lên khi gia đình bị rối loạn lo âu lan tỏa và rối loạn hoảng sợ. Dù chưa tìm thấy cơ chế rõ ràng nhưng qua các nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy vai trò rõ rệt của yếu tố di truyền.
  • Trải nghiệm tiêu cực: Giống như các chứng ám ảnh cụ thể khác, chứng sợ con số có thể phát triển sau những trải nghiệm tiêu cực như bị la mắng, trừng phạt nghiêm khắc vì học toán kém. Nhiều gia đình ép con học toán từ sớm để có thể ưu tú hơn bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến cho trẻ sợ hãi quá mức về các con số.
  • Bị rối loạn lo âu: Những người bị rối loạn lo âu sẽ có nguy cơ cao phát triển các nỗi sợ phi lý do tính cách bi quan và hay lo lắng. Các chuyên gia nhận thấy rằng, phần lớn người mắc hội chứng sợ các con số đều bị rối loạn lo âu lan tỏa.
  • Do ảnh hưởng của tôn giáo, tín ngưỡng: Trong các nền văn hóa, con số mang nhiều ý nghĩa chứ không đơn thuần được sử dụng chỉ để tính toán. Trong Thiên chúa giáo, số 13 được xem là xui xẻo. Trong văn hóa Nhật Bản, số 4 được coi là con số không may mắn vì đồng âm với từ “cái chết”. Ở Việt Nam, con số 49 và 53 được xem là những con số nên tránh vì có thể gây ra tai họa, xui xẻo. Ảnh hưởng của tôn giáo và tín ngưỡng có thể khiến một số người trở nên sợ hãi quá mức với những con số kể trên.

Nhận biết hội chứng sợ các con số

Đặc điểm chung của các chứng ám ảnh sợ cụ thể là nỗi sợ phi lý và quá mức về những đối tượng không nguy hiểm như con số, máy bay, chú hề, gà, các loài chim,… Khác với nỗi sợ thông thường, nỗi sợ vô lý thường chi phối cảm xúc mạnh mẽ và dẫn đến những hành vi né tránh.

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ các con số:

  • Có cảm giác sợ hãi về các con số (bao gồm cả việc nhìn thấy con số hoặc nghe thấy con số trong các cuộc trò chuyện)
  • Cố gắng né tránh các con số bằng cách không đề cập đến, đi thang bộ thay vì đi thang máy, không tính toán và quản lý chi tiêu,…
  • Nỗi sợ về các con số kéo dài dai dẳng dẫn đến nhiều vấn đề trong cuộc sống như sợ hãi khi học toán, không thoải mái khi mua sắm đồ đạc, hạn chế ra đường vì sợ nhìn thấy các con số,…
  • Những người sợ các con số cụ thể sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, việc sợ hãi các con số như số 4, 13 có thể khiến người bệnh nhốt mình trong nhà vào ngày 4, ngày 13 vì sợ hãi quá mức.

Khi nhìn thấy các con số hoặc nghe thấy cuộc trò chuyện liên quan đến con số, bệnh nhân có thể sợ hãi tột độ đi kèm với một loạt các triệu chứng thể chất như:

  • Choáng váng
  • Chóng mặt
  • Ớn lạnh
  • Sợ hãi tột độ
  • Kinh hãi
  • Hoảng loạn
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Tim đập nhanh
  • Đau thắt ngực
  • Run rẩy
  • Nóng bừng
  • Đau thượng vị

Dù ít khi xảy ra nhưng đã có người ngất xỉu vào thứ 6 ngày 13 vì lo sợ sẽ có thảm họa xảy ra.

Ảnh hưởng của hội chứng Arithmophobia

So với các rối loạn ám ảnh sợ hãi thường gặp, chứng Arithmophobia ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến chất lượng cuộc sống. Có thể nói, sự ra đời của chữ viết và con số đánh dấu sự phát triển vượt bậc của con người. Nhờ đó, con người có thể dễ dàng phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau như toán học, thiên văn học, kinh tế – tài chính,…

Nỗi sợ vô lý và quá mức về các con số cần phải được điều trị để bình thường hóa cuộc sống. Nếu để kéo dài, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng như sau:

  • Gặp các vấn đề trong quá trình học tập
  • Giới hạn phạm vi nghề nghiệp
  • Gây ra nhiều vấn đề về việc quản lý chi tiêu
  • Gia tăng các vấn đề tâm lý khác như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa,…
  • Tăng tỷ lệ lạm dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích
  • Mất ngủ, giảm trí nhớ, đau đầu, căng thẳng, suy nhược cơ thể,…
  • Hội chứng sợ các con số còn có thể khiến bệnh nhân tự cô lập và cách ly xã hội. Bởi người bệnh có thể sợ hãi về việc nhìn thấy số nhà và các con số khi ra ngoài.

Chẩn đoán hội chứng sợ các con số (Arithmophobia)

Hội chứng sợ con số chưa được công nhận nên trong DSM-5 không có tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng này. Hiện tại, các bác sĩ đều sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi để xác định các chứng ám ảnh sợ hãi chưa được công nhận.

hội chứng sợ con số
Hội chứng sợ con số được chẩn đoán bằng cách loại trừ những khả năng có thể xảy ra

Thông qua việc khai thác triệu chứng, tiền sử cá nhân và gia đình, bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng Arithmophobia. Ngoài ra, một số trường hợp sẽ phải thực hiện các xét nghiệm hình ảnh và cận lâm sàng để loại trừ những khả năng khác có thể xảy ra.

Cách vượt qua hội chứng sợ các con số

Chứng sợ các con số có thể được cải thiện bằng cách điều trị. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ xem xét một số phương pháp sau:

1. Liệu pháp giải mẫn cảm hệ thống

Liệu pháp giải mẫn cảm hệ thống còn được biết đến với tên gọi liệu pháp tiếp xúc và liệu pháp phơi nhiễm. Liệu pháp này có hiệu quả với hầu hết các chứng ám ảnh sợ cụ thể, bao gồm cả chứng sợ các con số.

Liệu pháp giải mẫn cảm hệ thống được phát triển dựa trên nguyên tắc cơ thể/ não bộ có thể thích ứng với nỗi sợ nếu được tiếp xúc thường xuyên. Vì vậy trong hội chứng này, chuyên gia sẽ cho bệnh nhân tiếp xúc với các con số theo mức độ tăng dần lên (ban đầu là thông qua ý nghĩ, sau đó là thông qua lời nói và cuối cùng là bệnh nhân có thể viết các con số, tập tính toán, ghi chép lại,…).

Khi tiếp xúc với con số, bệnh nhân sẽ trở nên hoảng loạn và sợ hãi. Vì vậy, quá trình này chỉ được thực hiện khi có sự đồng hành của chuyên gia. Người thân không nên tự ý thực hiện tại nhà vì có thể khiến nỗi sợ ngày càng gia tăng.

Chuyên gia sẽ hướng dẫn bệnh nhân kỹ năng để đối phó với nỗi sợ, học cách kiểm soát cơn hoảng loạn và những cảm xúc tiêu cực xuất hiện khi tiếp xúc với nỗi sợ. Ngoài ra, chuyên gia cũng sẽ giúp người bệnh ghi chép lại những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện trong cơn hoảng loạn. Thông qua suy nghĩ của người bệnh, chuyên gia sẽ có hướng can thiệp phù hợp nhằm giúp bệnh nhân giảm nỗi sợ vô lý về các con số.

2. Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)

Liệu pháp nhận thức hành vi được thực hiện bằng hình thức trò chuyện. Chuyên gia sẽ trao đổi với người bệnh để hiểu rõ những suy nghĩ tiêu cực về các con số. CBT hướng đến việc điều chỉnh hành vi và cảm xúc bằng cách thay đổi những suy nghĩ tiêu cực bằng cách suy nghĩ phù hợp hơn.

Hiện nay, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được đánh giá là phương pháp tâm lý hoàn thiện và mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Ngoài chứng sợ các con số, liệu pháp này cũng được áp dụng trong điều trị các rối loạn tâm lý, tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, rối loạn hành vi,…

Bên cạnh việc thay đổi suy nghĩ không phù hợp, CBT còn bao gồm cả việc trang bị cho bệnh nhân những kỹ thuật thư giãn và giải tỏa căng thẳng hữu hiệu. Liệu pháp này giúp ích rất nhiều trong việc loại bỏ nỗi sợ vô lý. Ngoài ra, thông qua CBT, bệnh nhân sẽ học được cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực và luôn giữ được tinh thần ổn định.

3. Liệu pháp thôi miên

Liệu pháp thôi miên sẽ được thực hiện bằng cách đưa bệnh nhân vào trạng thái tập trung cao độ. Thông qua trạng thái này, chuyên gia sẽ tìm hiểu nguồn gốc gây ra nỗi sợ các con số là do trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ hay do ảnh hưởng của tín ngưỡng, tôn giáo,… Bên cạnh đó, chuyên gia cũng sẽ giúp bệnh nhân tiếp nhận những suy nghĩ phù hợp và thay đổi các suy nghĩ tiêu cực về các con số.

hội chứng sợ con số
Hội chứng sợ con số có thể được cải thiện thông qua liệu pháp thôi miên

Mặc dù mang lại hiệu quả nhưng liệu pháp thôi miên ít khi được áp dụng. Bởi liệu pháp này chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của bệnh nhân và trên thực tế, nhiều bệnh nhân có “thành kiến” với thuật ngữ thôi miên nên không chấp nhận trị liệu bằng phương pháp này.

4. Dùng thuốc

Thuốc có thể được sử dụng nếu bệnh nhân bị rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu lan tỏa và trầm cảm. Ngoài ra, bệnh nhân hoảng loạn và kinh hãi quá mức trong quá trình trị liệu cũng được cân nhắc sử dụng thuốc.

Các loại thuốc hướng thần đều tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ bên cạnh những lợi ích mang lại. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ đánh giá kỹ lưỡng trước khi chỉ định. Giống như các chứng ám ảnh cụ thể khác, bệnh nhân mắc hội chứng sợ các con số sẽ được xem xét dùng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm và thuốc chẹn beta.

5. Các biện pháp tự cải thiện

Bệnh nhân mắc chứng sợ con số không thể tự khống chế nỗi sợ hãi của bản thân. Tuy nhiên, một số biện pháp hỗ trợ có thể làm giảm các triệu chứng đi kèm như căng thẳng, lo lắng, mất ngủ, đau đầu, đau nhức cơ thể,…

Các biện pháp tự cải thiện dành cho bệnh nhân mắc chứng sợ các con số:

  • Đảm bảo ngủ đủ giấc (7 – 8 giờ/ ngày), tránh tình trạng thiếu ngủ và thức khuya.
  • Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bộ môn có tác dụng giảm căng thẳng và lo âu tốt như đi bộ, đạp xe, yoga,…
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá, chất gây nghiện và giảm lượng caffeine tiêu thụ mỗi ngày.
  • Giảm căng thẳng, lo âu bằng các kỹ thuật thư giãn lành mạnh như hít thở sâu, ngồi thiền, liệu pháp mùi hương, viết nhật ký, vẽ tranh, xoa bóp bấm huyệt, ngâm nước ấm,…
  • Xây dựng chế độ ăn cân bằng và nên tăng cường các loại thực phẩm giảm stress như trái cây, rau xanh, các loại hạt, đậu, sữa chua,… Hạn chế dùng quá nhiều dầu mỡ, gia vị và đồ hộp.
  • Stress trong công việc có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của hội chứng sợ các con số. Do đó, bệnh nhân chỉ nên làm việc tối đa 8 giờ/ ngày và phải học cách kiểm soát stress. Nếu cần thiết, có thể xin nghỉ phép trong thời gian điều trị.

Hội chứng sợ các con số là vấn đề tâm lý rất hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu gặp phải hội chứng này, người bệnh sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng nghiêm trọng – đặc biệt là về khía cạnh học tập và nghề nghiệp. Chủ động thăm khám và điều trị là cách duy nhất có thể vượt qua nỗi sợ vô lý của bản thân. Vì vậy, bệnh nhân không nên chần chừ đến bệnh viện nếu nghi ngờ bản thân mắc hội chứng này.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *