Hội chứng sợ độ sâu (Batophobia) là gì? Cách vượt qua

Hội chứng sợ độ sâu (Batophobia) tưởng chừng như vô hại nhưng lại ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Để có thể vượt qua nỗi sợ và trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn, người bệnh cần phải thăm khám và điều trị y tế.

hội chứng sợ độ sâu
Hội chứng sợ độ sâu (Batophobia) là thuật ngữ đề cập đến tình trạng sợ hãi tột độ, mạnh mẽ và vô lý về độ sâu

Chứng sợ độ sâu (Batophobia) là gì?

Hội chứng sợ độ sâu (Batophobia) là tình trạng sợ hãi tột độ và quá mức về độ sâu. Các tình huống có thể gây ra nỗi sợ bao gồm độ sâu của hồ bơi, đại dương, độ sâu của cầu thang và cảm giác sâu hun hút khi nhìn từ tầng cao của tòa nhà. Hội chứng này có thể bị nhầm lẫn với hội chứng sợ biển do biểu hiện tương đồng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể mắc đồng thời cả hội chứng sợ biển và hội chứng sợ độ sâu.

Thuật ngữ Batophobia có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với “bathios” nghĩa là độ sâu và “phobos” có nghĩa là nỗi sợ hãi, ám ảnh. Mặc dù đã được đề cập từ rất lâu nhưng hội chứng này chưa được công nhận là rối loạn tâm lý chính thức trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn sẽ chỉ định điều trị nếu tình trạng này gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với sức khỏe và cuộc sống.

Giống như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, người mắc hội chứng sợ độ sâu có thể bùng phát cơn hoảng loạn và sợ hãi cực độ khi đối diện với những tình huống có liên quan đến độ sâu như đứng trước bể bơi, biển, hồ nước, thung lũng,… Đa số người mắc chứng bệnh này đều nhận ra nỗi sợ của bản thân là vô lý nhưng không thể nào kiểm soát và khống chế.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ độ sâu

Hội chứng sợ độ sâu có cơ chế tương tự như các hội chứng ám ảnh sợ khác như hội chứng sợ chú hề, hội chứng sợ độ cao, hội chứng sợ lái xe,… Giống như các bệnh lý này, nguyên nhân chính xác gây ra chứng sợ độ sâu vẫn chưa được biết rõ. Dù vậy, các chuyên gia vẫn ủng hộ giả thuyết nỗi sợ quá mức và dai dẳng về độ sâu có liên quan đến những sự kiện tiêu cực trong quá khứ.

hội chứng sợ độ sâu
Hội chứng sợ độ sâu thường phát triển từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ

Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng sợ độ sâu:

  • Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ: Nỗi sợ quá mức và bất thường về độ sâu có thể phát triển sau khi trải qua những sự kiện như chứng kiến người thân bị tai nạn ở dưới nước, trượt chân rơi xuống vực thẳm hoặc chính bản thân từng suýt chết trong những tình huống tương tự. Những sự kiện này kích hoạt phản ứng sợ hãi khi nhìn thấy độ sâu để giúp cơ thể cảm nhận được mối nguy hiểm tiềm ẩn.
  • Gen di truyền: Trong quá trình tiến hóa, con người sẽ hình thành nỗi sợ với một số đối tượng/ tình huống tiềm ẩn mối nguy hiểm. Những tình huống có liên quan đến độ sâu thăm thẳm như biển cả, hố sâu, thung lũng,… đều gợi lên cảm giác sợ hãi vì con người không thực sự hiểu rõ đằng sâu độ sâu đó là gì. Về lâu dài, gen biến đổi để giúp con người cảm nhận được mối nguy hiểm về các tình huống này. Do đó, hội chứng sợ độ sâu có thể liên quan đến gen di truyền.
  • Thông tin tiêu cực trên báo đài: Những thông tin tiêu cực từ phim ảnh, báo đài,… cũng vô tình gia tăng nỗi sợ hãi vô lý đối với độ sâu. Khi tiếp nhận những thông tin này, một số người có xu hướng lo lắng và sợ hãi quá mức. Về lâu dài, cơ thể sẽ xuất hiện phản ứng hoảng loạn cực độ khi nhìn thấy các tình huống có liên quan đến độ sâu.
  • Căng thẳng kéo dài: Căng thẳng kéo dài là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn ám ảnh sợ hãi – bao gồm cả chứng Batophobia. Căng thẳng khiến cho não bộ trở nên nhạy cảm hơn và đôi khi hình thành phản ứng lo lắng quá độ trước những tình huống/ đối tượng không thực sự nguy hiểm.
  • Do ảnh hưởng của một số vấn đề sức khỏe: Các chuyên gia nhận thấy, hội chứng sợ độ sâu (Batophobia) có mối liên hệ mật thiết với một số vấn đề sức khỏe như mãn kinh, tiểu đường, hội chứng tiền kinh nguyệt, các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp,… Ngoài ra, những vấn đề tâm lý, tâm thần như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hội chứng sợ độ cao, trầm cảm và rối loạn lo âu lan tỏa cũng vô tình gây ra nỗi sợ hãi về độ sâu.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ độ sâu

Hội chứng sợ độ sâu không đơn thuần là cảm giác bất an và sợ hãi khi đứng trước không gian rộng và sâu thăm thẳm. Hội chứng này gây ra nỗi sợ tột độ, dai dẳng và nỗi sợ này chi phối cảm xúc lẫn hành vi của người bệnh.

hội chứng sợ độ sâu
Người mắc hội chứng sợ độ sâu luôn sợ hãi sẽ gặp phải sinh vật huyền bí, nguy hiểm ẩn náu bên dưới đại dương

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ độ sâu:

  • Luôn có cảm giác sợ hãi, bất an và lo lắng khi nghĩ đến những tình huống liên quan đến độ sâu như đứng trước biển cả, sông hồ, đứng ở trên núi cao hoặc tòa nhà cao tầng
  • Nỗi sợ tăng lên mạnh mẽ đi kèm với các triệu chứng thể chất nếu phải đối mặt với những tình huống liên quan đến độ sâu
  • Có các hành vi né tránh như không đi bơi, không bao giờ tắm biển, không đứng gần ban công của tòa nhà và không dám trải nghiệm các trò chơi ở dưới biển hoặc trên cao

Khi đối diện với những tình huống gây ra nỗi sợ như nhìn thấy độ sâu hun hút của cầu thang, biển cả,… bệnh nhân sẽ trở nên sợ hãi cực độ và có thể ngất xỉu. Trong tình huống này, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như sau:

  • Tim đập nhanh
  • Đau thắt ngực
  • Đổ mồ hôi
  • Nóng bừng mặt
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Ngạt thở, khó thở
  • Run rẩy không thể kiểm soát
  • Choáng váng
  • Muốn thoát ra khỏi tình huống càng nhanh càng tốt
  • Đôi khi có triệu chứng phân ly, tách rời thực tại
  • Trong cơn hoảng loạn, bệnh nhân thường có những nỗi sợ vô lý như sợ phát điên, sợ chết và sợ mất kiểm soát
  • Một số người khi rơi xuống biển sợ hãi sẽ đụng phải xác chết hoặc một thứ gì đó đáng sợ được chôn giấu trong lòng đại dương

Mức độ triệu chứng có sự khác biệt ở từng bệnh nhân. Tuy nhiên, tất cả bệnh nhân đều sẽ có chung đặc điểm là sợ hãi tột độ, quá mức về độ sâu và nỗi sợ này đủ lớn để chi phối cảm xúc cũng như hành vi. Các hành vi né tránh những tình huống liên quan đến độ sâu khiến cho chất lượng cuộc sống tuột dốc và bệnh nhân phải đối mặt với vô vàn trở ngại, khó khăn.

Hội chứng sợ độ sâu có ảnh hưởng gì?

Thực tế, có rất nhiều hội chứng ám ảnh sợ hãi chưa được công nhận. Dù vậy, do những ảnh hưởng sâu sắc đối với chất lượng cuộc sống, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Mặc dù không có tiêu chuẩn chẩn đoán cụ thể nhưng bác sĩ có thể dùng tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi để đưa ra chẩn đoán tổng quát.

Chứng Batophobia không được điều trị sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì sợ độ sâu nên người bệnh thường không thể leo cầu thang bộ mà chỉ chọn cách đi thang máy. Ngoài ra, nỗi sợ cũng chi phối khiến người bệnh không dám đến gần ban công của những tòa nhà cao tầng.

hội chứng sợ độ sâu
Chứng sợ độ sâu khiến bệnh nhân không thể trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn

Trong cuộc sống thường ngày, bệnh nhân có thể né tránh những tình huống này nhưng khi xảy ra hỏa hoạn hay tình huống phát sinh, người bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, một số người sợ hãi đến mức không dám ở nhà cao tầng và từ chối làm việc ở những tòa nhà cao chót vót.

Ngoài ra, nỗi sợ độ sâu cũng khiến người bệnh gặp nhiều trở ngại khi trải nghiệm cuộc sống và khó có thể duy trì các mối quan hệ. Người mắc chứng bệnh này thường từ chối đi du lịch vì sợ sẽ phải nhìn thấy biển cả hoặc thung lũng. Ngoài ra, việc lựa chọn nơi ở khi đi du lịch cũng khiến người bệnh bất an, lo lắng. Để tránh hoảng loạn, bệnh nhân thường chọn cách né tránh tất cả những tình huống có liên quan.

Bên cạnh những ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống, bệnh nhân cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe. Vì không thể kiểm soát nỗi sợ của bản thân nên người bệnh luôn trong trạng thái bất lực, căng thẳng và đau khổ.

Để giải tỏa cảm xúc, không ít người chọn cách uống rượu bia, hút thuốc lá và dùng chất kích thích. Nếu không được điều trị, những cảm xúc tiêu cực sẽ dồn nén, tích tụ ngày qua ngày và nhiều khả năng sẽ phát triển chứng trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa,…

Chẩn đoán hội chứng sợ độ sâu

Hội chứng sợ độ sâu sẽ được chẩn đoán tổng quát là rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Hội chứng này được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và xét nghiệm hình ảnh để loại trừ các khả năng có thể xảy ra.

Hội chứng sợ độ sâu thường được chẩn đoán thông qua các tiêu chí sau:

  • Sợ hãi tột độ, lo lắng quá mức và dai dẳng (ít nhất 6 tháng) về độ sâu
  • Có các hành vi né tránh như không tắm biển, không dám leo núi, né tránh cầu thang bộ và tránh đứng ở ban công của tòa nhà cao tầng,…
  • Sợ hãi quá mức, hoảng loạn, thậm chí ngất xỉu khi phải đối mặt với những tình huống có liên quan đến độ sâu
  • Nỗi sợ phải đủ lớn và kéo dài đủ lâu để gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với chất lượng cuộc sống
  • Các triệu chứng gặp phải không do các rối loạn tâm lý, tâm thần khác

Các phương pháp điều trị hội chứng sợ độ sâu

Mặc dù không được công nhận là rối loạn tâm lý chính thức nhưng hội chứng sợ độ sâu sẽ được chỉ định điều trị. Giống như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, hội chứng này được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc và áp dụng thêm một số biện pháp hỗ trợ.

Các phương pháp điều trị hội chứng sợ độ cao bao gồm:

1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là phương pháp chính trong điều trị các hội chứng ám ảnh sợ hãi. Phương pháp này được đánh giá cao về hiệu quả và độ an toàn vì được thực hiện thông qua hình thức giao tiếp.

Liệu pháp tâm lý sẽ được thực hiện bởi chuyên gia được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Trước tiên, chuyên gia sẽ trao đổi để hiểu rõ phần nào tâm lý của người bệnh và cân nhắc hướng can thiệp phù hợp.

batophobia
Chứng Batophobia có thể được cải thiện thông qua liệu pháp tiếp xúc, thôi miên và nhận thức hành vi

Các liệu pháp tâm lý được xem xét cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ độ sâu bao gồm:

  • Liệu pháp phơi nhiễm (tiếp xúc): Liệu pháp phơi nhiễm là giải pháp tối ưu trong điều trị chứng Batophobia. Phương pháp này giúp não bộ thích nghi với nỗi sợ, từ đó giảm sự sợ hãi và hoảng loạn khi đứng trước những tình huống liên quan đến độ sâu. Ban đầu, chuyên gia sẽ cho người bệnh tiếp xúc với nỗi sợ thông qua hình ảnh, video clip, tưởng tượng và cuối cùng là tiếp xúc trực tiếp. Khi bệnh nhân phản ứng sợ hãi và hoảng loạn, chuyên gia sẽ hướng dẫn cách kiểm soát nỗi sợ và giữ bình tĩnh. Kết thúc trị liệu, người bệnh sẽ có phản ứng hoàn toàn bình thường trước những tình huống như nhìn từ trên cao xuống, đi bơi, leo núi,…
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT là “chìa khóa vàng” trong điều trị nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần. Đối với hội chứng sợ độ sâu, phương pháp này giúp thay đổi những suy nghĩ tiêu cực như sợ chạm phải xác chết hoặc sinh vật huyền bí ở dưới biển, sợ tai nạn khi nhìn từ trên cao xuống,… Thông qua việc điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực, chuyên gia sẽ giúp người bệnh thay đổi cảm xúc và hành vi một cách tích cực hơn.
  • Liệu pháp thôi miên: Liệu pháp thôi miên có thể được xem xét trong điều trị hội chứng sợ độ sâu. Liệu pháp này giúp chuyên gia xác định được sự kiện gây ra tổn thương tâm lý trong quá khứ. Ngoài ra, thôi miên đưa bệnh nhân vào trạng thái dễ ám thị. Do đó, chuyên gia có thể giúp bệnh nhân tiếp nhận tích cực những thông tin đúng đắn về độ sâu (chẳng hạn như biển sâu không thực sự nguy hiểm và khả năng gặp phải các sinh vật có hại là rất thấp,…).

Trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả rõ rệt trong điều trị các hội chứng ám ảnh sợ. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng sẽ có sự khác biệt ở từng trường hợp. Theo thống kê, khoảng 90% có cải thiện rõ rệt khi can thiệp phương pháp này.

2. Sử dụng thuốc

Dùng thuốc được cân nhắc khi bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm và rối loạn lo âu. Ngoài ra, một số bệnh nhân trở nên hoảng loạn, kích động khi trị liệu cũng sẽ được xem xét dùng thuốc để nâng đỡ tinh thần.

Giống như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần và thuốc chẹn beta. Nếu hội chứng sợ độ sâu xuất hiện độc lập, thuốc không phải là phương pháp chính mà chỉ được dùng ngắn hạn như một liệu pháp hỗ trợ.

3. Các biện pháp tự chăm sóc

Nỗi sợ về độ sâu sẽ kéo dài dai dẳng và gây ra tâm lý căng thẳng, lo lắng, bất an,… Những cảm xúc tiêu cực này có thể dẫn đến một loạt những vấn đề thể chất như đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiền đình và suy nhược cơ thể.

Các biện pháp tự chăm sóc có thể giảm phần nào những ảnh hưởng tiêu cực của hội chứng sợ độ sâu. Các chuyên gia nhận thấy, những trường hợp kết hợp điều trị y tế và chăm sóc đúng cách thường có đáp ứng tốt hơn so với những bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc và liệu pháp tâm lý.

batophobia
Bệnh nhân nên xem xét tham gia các hội nhóm để được hỗ trợ trong quá trình điều trị và quản lý bệnh

Các biện pháp tự chăm sóc dành cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ độ sâu:

  • Vì phải đối mặt với nỗi sợ và cảm giác lo lắng, căng thẳng kéo dài nên người bệnh cần trang bị những kỹ thuật thư giãn. Ngồi thiền, massage, liệu pháp mùi hương, kỹ thuật hít thở sâu,… là những cách giảm stress hữu hiệu có thể thực hiện hằng ngày để giải tỏa cảm xúc và cải thiện phần nào ảnh hưởng của bệnh.
  • Cân nhắc tham gia các hội nhóm để được chia sẻ kinh nghiệm điều trị. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để bệnh nhân kết bạn và mở rộng mối quan hệ. Vì các bệnh nhân đều có nỗi sợ vô lý về độ sâu nên sẽ dễ dàng hòa hợp và có thể cùng nhau trải nghiệm cuộc sống theo một cách khác.
  • Chia sẻ với người thân, đồng nghiệp và bạn bè tình trạng sức khỏe của bản thân. Việc chủ động chia sẻ sẽ giúp mọi người hiểu rõ vì sao bệnh nhân thường xuyên né tránh đi du lịch cùng mọi người. Từ đó có thể duy trì các mối quan hệ lâu dài và tránh những mâu thuẫn không đáng có.
  • Cố gắng duy trì lối sống lành mạnh bằng cách ngủ đủ giấc, tránh chất kích thích, rượu bia và xây dựng chế độ ăn cân bằng. Ngoài ra, nên tập thể dục mỗi ngày để thư giãn đầu óc và cải thiện các triệu chứng thể chất có liên quan đến hội chứng sợ độ sâu.

Chứng sợ độ sâu ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất, tâm thần. Tuy nhiên, những hậu quả này có thể được ngăn chặn nếu can thiệp trị liệu sớm. Vượt qua nỗi sợ của bản thân là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của người bệnh rất cần sự động viên và hỗ trợ của gia đình, bạn bè.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *