3 Dấu hiệu nhận biết stress ở nam giới và cách vượt qua

Tình trạng stress ở nam giới đang ngày càng trở nên phổ biến do rất nhiều yếu tố tác động. Đặc biệt, stress ở nam giới có xu hướng tiến triển dai dẳng do phái mạnh không có thói quen chia sẻ các vấn đề mà mình gặp phải. Cần sớm có biện pháp kiểm soát stress để hạn chế tác động tiêu cực tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

stress ở nam giới
Stress ở nam giới là tình trạng đang ngày càng phổ biến hiện nay

Stress ở nam giới đang ngày càng phổ biến

Stress (căng thẳng) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả phản ứng của cơ thể trước áp lực và những thay đổi trong cuộc sống. Trên thực tế, đây là tình trạng phổ biến có thể gặp phải ở bất cứ đối tượng nào.

Khảo sát cho thấy, stress có xu hướng ảnh hưởng chủ yếu đến nữ giới. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nam giới cũng có thể bị stress do nhiều yếu tố tác động. Chẳng hạn như áp lực công việc, cuộc sống, mâu thuẫn trong mối quan hệ hôn nhân, xã hội,…

Tình trạng stress ở nam giới thường có xu hướng kéo dài dai dẳng. Một phần là do nam giới không chịu thừa nhận mình bị ảnh hưởng bởi stress, phần còn lại thường do phái mạnh không có thói quen chia sẻ cảm xúc của bản thân với người khác.

Ngoài ra, nam giới cũng ít thừa nhận rằng căng thẳng dẫn tới các triệu chứng thể chất so với phái nữ. Thực tế, chỉ có khoảng 30% nam giới thừa nhận họ bị đau đầu do căng thẳng, trong khi vấn đề này lên đến 41% ở nữ giới. Chỉ có 21% nam giới bị rối loạn tiêu hóa do stress trong khi nữ giới là 32%.

Trong khi chỉ có 15% nam giới thừa nhận rằng stress khiến họ có cảm giác muốn bật khóc thì có đến 44% nữ giới cho biết họ muốn khóc để giải tỏa cảm xúc mỗi khi bị ảnh hưởng bởi tình trạng căng thẳng.

Mặc dù nữ giới có nhiều nguy cơ bị stress hơn nam giới lên tới 2 – 4 lần nhưng nam giới lại có hành vi tự làm hại cao hơn nữ giới 3 – 4 lần. Hơn nữa, nam giới bị stress thường giải tỏa bằng rượu bia và chất kích thích. Điều này khiến cho tình trạng căng thẳng càng nghiêm trọng hơn và dễ phát triển thêm nhiều vấn đề sức khỏe khác.

3 Nhóm dấu hiệu nhận biết stress ở nam giới

Nhiều nam giới thường có xu hướng chủ quan với các vấn đề tâm lý mà bản thân gặp phải. Đôi khi họ biết rằng mình đang có biểu hiện bất thường nhưng vẫn thờ ơ với chúng. Nhiều người còn không chịu thừa nhận rằng mình đang bị stress.

Trên thực tế, biểu hiện của triệu chứng stress ở từng nam giới là khác nhau. Để dễ dàng nhận biết, cần chú ý quan sát cả các dấu hiệu tâm lý, hành vi và thể chất. Cụ thể như sau:

1. Dấu hiệu tâm lý

Các triệu chứng về mặt tâm lý được cho là dấu hiệu quan trọng giúp nhận biết tình trạng căng thẳng ở nam giới. Một số biểu hiện thường thấy bao gồm:

  • Thường trực cảm giác lo âu
  • Cảm thấy bản thân luôn bị đè nén
  • Không còn cảm thấy vui vẻ, lạc quan
  • Tinh thần mệt mỏi và tâm lý luôn nặng nề
  • Cảm thấy buồn bã, cô đơn, rất dễ cáu gắt
  • Giảm hoặc mất hứng thú với các thói quen hay sở thích cũ
  • Tăng mức độ nhạy cảm
dấu hiệu stress ở nam giới
Nam giới bị stress luôn thường trực cảm giác lo âu, buồn bã, mệt mỏi

2. Dấu hiệu hành vi

Ngoài chú ý đến các biểu hiện tâm lý thì có thể nhận biết stress ở nam giới thông qua các dấu hiệu hành vi. Chẳng hạn như:

  • Chán ăn hoặc ăn nhiều bất thường
  • Có phản ứng thái quá với các sự vật, sự việc xung quanh
  • Ít hòa đồng, ngại giao tiếp với mọi người
  • Dễ nổi nóng, khó kiểm soát hành vi của bản thân
  • Giật tóc/ cắn móng tay trong vô thức
  • Trì hoãn công việc hoặc ép bản thân vào công việc quá mức

3. Dấu hiệu thể chất

Nam giới bị stress có thể gặp phải một số biểu hiện về mặt thể chất như sau:

  • Rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, mất ngủ, ngủ chập chờn,…)
  • Dễ bị mệt mỏi, đau đầu, giảm thị lực
  • Đau dạ dày, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng
  • Khó thở, đau thắt ngực, tăng thân nhiệt, vã mồ hôi
  • Đau nhức cơ thể, đặc biệt là đau lưng và đau cổ vai gáy
  • Nổi mụn, da sạm đen, tóc gãy rụng
  • Tăng hoặc giảm cân một cách bất thường
  • Giảm ham muốn tình dục, có thể bị xuất tinh sớm, rối loạn cương dương,…

Nguyên nhân gây stress ở nam giới

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho nam giới rơi vào trạng thái stress. Tuy nhiên khác với nữ giới, tình trạng căng thẳng ở phái mạnh rất hiếm khi liên quan đến nồng độ hormone trong cơ thể.

Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến khiến nam giới bị stress:

1. Chấn thương tâm lý

Theo đánh giá từ các chuyên gia, chấn thương tâm lý là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới stress và nhiều rối loạn tâm thần khác ở nam giới. Chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,…

Chấn thương tâm lý (sang chấn tâm lý) đề cập đến tình trạng sức khỏe tinh thần và thể chất bị ảnh hưởng bởi một hay nhiều sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Chẳng hạn như mất người thân, phá sản, áp lực tài chính, ly hôn, ly thân, bản thân, con cái hoặc người thân bị chẩn đoán mắc bệnh nan y,…

2. Áp lực từ công việc và cuộc sống

Hiện nay, tình trạng làm việc quá 8 giờ/ ngày hay học tập với cường độ cao đang ngày càng diễn ra phổ biến. Dưới áp lực của cuộc sống cộng thêm lo lắng về tài chính, rất nhiều nam giới phải nỗ lực học lập, lao động để cải thiện chất lượng cuộc sống cho cả bản thân và gia đình.

Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho não bộ bị căng thẳng. Kèm theo đó cơ thể cũng sẽ dần bị suy nhược. Nếu không sớm điều chỉnh thì nam giới không chỉ bị stress mà còn tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần khác.

nguyên nhân gây stress ở nam giới
Áp lực từ công việc kéo dài có thể khiến nam giới rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh

3. Xung đột gia đình, xã hội

Trong nhiều trường hợp, căng thẳng ở nam giới cũng có thể là do những xung đột từ gia đình hoặc xã hội. Chẳng hạn như mâu thuẫn với bạn đời, mâu thuẫn trong quá trình làm việc, người thân tranh chấp tài sản,…

Các xung đột kéo dài có thể dẫn tới việc tích tụ áp lực ở não bộ và gây ra tình trạng căng thẳng thần kinh. Trường hợp xung đột không sớm được giải quyết thì stress sẽ càng thêm nghiêm trọng, thậm chí dai dẳng và mãn tính.

4. Mắc các bệnh mãn tính

Có một sự thật là nam giới mắc các bệnh mãn tính thường có nguy cơ bị stress cao hơn những người có sức khỏe tốt. Cụ thể, stress ở nam giới xảy ra phổ biến ở những người mắc bệnh ung thư, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tuyến giáp hoặc các bệnh nan y.

Các bệnh lý mãn tính gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe tinh thần. Nó khiến cho nam giới thường xuyên bị mệt mỏi, uể oải và đau nhức. Cơn đau và các triệu chứng do bệnh lý mãn tính gây ra sẽ kích hoạt phản ứng căng thẳng và lo âu.

Ngoài ra, việc mắc bệnh mãn tính còn khiến nam giới gia tăng lo lắng. Các lo lắng có thể liên quan đến chi phí điều trị, nguy cơ lây nhiễm, di truyền cho con, giảm hiệu suất lao động,… Những điều này rất dễ gây ra stress.

Có thể thấy rằng, stress và các bệnh lý mãn tính có tác động qua lại lẫn nhau. Mức độ căng thẳng càng gia tăng thì các bệnh lý trong cơ thể sẽ tiến triển càng nặng, dễ phát sinh biến chứng cùng những hệ lụy nặng nề. Ngược lại bệnh tình càng nặng thì stress cũng sẽ càng nghiêm trọng.

5. Một số yếu tố rủi ro

Ngoài các nguyên nhân cơ bản nêu trên thì một số yếu tố rủi ro khác cũng làm tăng nguy cơ bị stress ở nam giới. Chẳng hạn như:

nguyên nhân gây stress ở nam giới
Hút thuốc lá thường xuyên cũng có thể làm tăng nguy cơ bị stress ở nam giới
  • Nam giới có ít bạn bè cũng như các mối quan hệ
  • Không có người thân đáng tin cậy để có thể chia sẻ các vấn đề tâm lý
  • Nam giới bắt đầu bước vào tuổi trung niên và già đi
  • Thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá và dùng chất gây nghiện

Các chuyên gia cho biết, tình trạng stress ở nam giới thường xuất hiện do sự tác động của nhiều yếu tố, hiếm khi do một nguyên nhân cụ thể. Tuyệt đối không được chủ quan bởi stress kéo dài gây ra rất hiệu hệ lụy cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Stress ở nam giới và các ảnh hưởng

Căng thẳng thực sự gây ra rất nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe của một người. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ báo cáo rằng có 60 – 80% các cuộc thăm khám của bác sĩ có thể sẽ có một yếu tố liên quan tới căng thẳng.

Stress cũng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bao gồm cả các bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư. Sau đây là các biến chứng và ảnh hưởng của stress đến sức khỏe nam giới:

– Ung thư tuyến tiền liệt:

Một nghiên cứu năm 2013 phát hiện ra rằng stress làm gia tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Đồng thời thúc đẩy khối u phát triển và lây lan nhanh chóng hơn. Điều này có liên quan đến hoạt động của hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm.

Căng thẳng khiến cho hệ thần kinh giao cảm (SNS) giải phóng chất hóa học noradrenaline. Chất này được tìm thấy để kích hoạt phản ứng kích thích ung thư. Ngoài ra, khi căng thẳng các sợi thần kinh phó giao cảm (PNS) cũng giải phóng một chất hóa học khác giúp tế bào ung thư phá vỡ và di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.

– Rối loạn cương dương:

Căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ bị rối loạn cương dương ở nam giới ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, stress cá nhân, nghề nghiệp và mối quan hệ được xác định là nguyên nhân hàng đầu của rối loạn cương dương ở nam giới tuổi trung niên.

Căng thẳng ảnh hưởng trực tiếp tới các tín hiệu não đến dương vật để tăng lưu lượng máu giúp dương vật cương cứng. Ngoài ra, stress mãn tính còn làm suy giảm hoạt động sản xuất testosterone. Điều này có thể gây ra bất lực ở nam giới.

ảnh hưởng stress ở nam giới
Stress kéo dài có thể khiến nam giới gặp phải các rối loạn tình dục

– Vô sinh nam:

Căng thẳng mãn tính có thể ảnh hưởng xấu đến mức testosterone, sản xuất tinh trùng và chất lượng tinh trùng. Những điều này có thể làm gia tăng nguy cơ bị vô sinh ở nam giới, không ngoại lệ với các nam giới trẻ tuổi.

– Bệnh tim mạch:

Tất cả các loại căng thẳng đều đã được chứng minh là có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Stress làm tăng huyết áp và cholesterol. Trong khi đó đây lại là những yếu tố nguy cơ chính đối với sự phát triển bệnh tim. Các đợt căng thẳng lặp đi lặp lại còn có thể gây viêm động mạch vành và làm tăng nguy cơ đau tim.

– Các vấn đề mãn tính về đường tiêu hóa:

Căng thẳng liên tục có thể gây tàn phá hệ tiêu hóa. Ngay cả những đợt stress ngắn hạn cũng có thể gây đau dạ dày. Tuy nhiên với căng thẳng mãn tính thì nam giới có thể gặp phải các vấn đề liên tục. Chẳng hạn như táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy, viêm loét dạ dày, ợ nóng, trào ngược axit,…

– Đau mãn tính:

Stress có thể liên quan tới việc làm tăng mức độ nhạy cảm với cơn đau. Nó làm cho các cơ căng ra, có thể dẫn tới các cơn đau liên tục ở cổ, vai và lưng. Căng thẳng cũng là nguyên nhân phổ biến của chứng đau đầu và đau nửa đầu. Ngược lại, sống chung với cơn đau mãn tính cũng làm gia tăng căng thẳng và lo lắng.

– Thường xuyên bị cảm lạnh và nhiễm trùng:

Căng thẳng mãn tính có thể ảnh hưởng xấu đến hệ thống miễn dịch của nam giới. Từ đó làm gia tăng các phản ứng viêm trong cơ thể khiến nam giới dễ bị cảm lạnh và nhiễm trùng hơn.

Ngoài các ảnh hưởng nêu trên thì stress ở nam giới còn khiến chất lượng cuộc sống suy giảm rõ rệt. Hơn nữa còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần. Chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực,…

Cách vượt qua chứng stress ở nam giới

Như đã phân tích, căng thẳng kéo dài gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nam giới. Việc kiểm soát tốt căng thẳng là rất cần thiết để giúp nam giới luôn khỏe mạnh về cả tinh thần và thể chất.

Trong đa số các trường hợp, nam giới có thể vượt qua chứng stress với các giải pháp đơn giản tại nhà. Rất ít trường hợp phải can thiệp điều trị y tế. Dưới đây là các mẹo giúp nam giới vượt qua stress hiệu quả:

1. Cân bằng công việc và nghỉ ngơi

Điều chỉnh giờ giấc nghỉ ngơi và làm việc cho phù hợp là một trong những cách hiệu quả giúp nam giới vượt qua stress. Trên thực tế, đa phần các trường hợp stress ở nam giới đều có liên quan tới thói quen làm việc và học tập với cường độ cao kéo dài.

vượt qua stress ở nam giới
Nam giới nên dành thời gian nghỉ ngơi để giải tỏa căng thẳng và cải thiện tâm trạng

Để xoa xịu các cảm xúc tiêu cực và làm giảm căng thẳng thì nam giới cần học cách cân đối giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Chỉ nên làm việc tối đa 8 tiếng/ ngày, chú ý đi ngủ đúng giờ, đủ giấc.

Nếu cảm thấy sự căng thẳng đang ngày càng leo thang thì nam giới có thể tạm gác lại công việc và nghỉ ngơi. Hãy sắp xếp đi du lịch vài ba ngày để lấy lại nguồn năng lượng tích cực. Tinh thần được thoải mái sẽ giúp cho nam giới trở lại công việc hiệu quả hơn.

2. Chia sẻ với người đáng tin cậy

Như đã đề cập, tình trạng stress ở nam giới thường có xu hướng tiến triển dai dẳng. Nguyên nhân là do nam giới ít có thói quen chia sẻ cảm xúc, tâm trạng với những người xung quanh. Điều này sẽ khiến cho áp lực ngày một gia tăng, tình trạng căng thẳng càng trở nên tồi tệ.

Các chuyên gia khuyên rằng, những nam giới bị stress nên chủ động tìm kiếm một người đáng tin cậy để chia sẻ, tâm sự. Đó có thể là một người bạn thân hoặc người thân trong gia đình. Việc chia sẻ sẽ giúp giải tỏa nhanh tâm lý căng thẳng và mệt mỏi.

Ngoài ra, người thân cũng có thể cho nam giới những lời động viên và lời khuyên hữu ích. Đây chính là “liều thuốc” quý giá giúp xoa dịu các cảm xúc tiêu cực, đồng thời lan tỏa những điều tích cực, vui vẻ và lạc quan.

3. Hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất luôn là vấn đề được khuyến khích thực hiện mỗi ngày. Ngoài giúp kiểm soát stress hiệu quả thì tập thể dục thường xuyên còn hỗ trợ sức khỏe tổng thể cho nam giới.

Nam giới bị stress được khuyên là nên thực hiện các bài tập đơn giản như bơi lội, đi bộ, đạp xe,… để giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài ra cũng có thể lựa chọn luyện tập các bộ môn mang lại hiệu quả trị liệu cao. Chẳng hạn như ngồi thiền, yoga, thái cực quyền,…

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hoạt động thể chất thúc đẩy cơ thể sản xuất nhiều hormone endorphin hơn. Đây là loại hormone có tác dụng xoa dịu cơn đau, thư giãn cơ bắp và tạo cảm giác vui vẻ, hạnh phúc.

Trên thực tế, những người chăm chỉ tập thể dục hằng ngày thường có một nền tảng sức khỏe tốt. Đồng thời ít gặp phải tình trạng stress và các vấn đề tâm lý hơn so với những người lười vận động.

cách giảm stress ở nam giới
Hoạt động thể chất là “liều thuốc” tự nhiên giúp nam giới cải thiện sức khỏe tinh thần hiệu quả

Ngoài tốt cho sức khỏe tinh thần thì hoạt động thể chất còn hỗ trợ cải thiện các triệu chứng thể chất do căng thẳng gây ra. Nam giới cần xây dựng kế hoạch tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày để vượt qua stress và nâng cao sức khỏe tổng thể.

4. Ăn uống lành mạnh

Căng thẳng ở nam giới ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần thì còn tác động xấu tới thể chất. Như đã đề cập, stress có thể gây chán ăn, mất ngủ, mệt mỏi, thiếu năng lượng và suy nhược.

Để vượt qua stress và làm giảm các ảnh hưởng của nó, nam giới được khuyên là nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Tốt nhất hãy bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, đồng thời cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể.

Trên thực tế, hiệu quả làm giảm stress của các loại thực phẩm cũng đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra. Trong đó, một số thực phẩm giúp thúc đẩy cơ thể sản xuất serotonin, endorphin và dopamine nhiều hơn. Từ đó cải thiện tâm trạng và đẩy lùi stress hiệu quả.

Chế độ ăn uống cho nam giới bị stress cần chú ý đến các vấn đề sau:

  • Tăng cường ăn trái cây, rau củ, sữa, hải sản, nước ép hoa quả, socola,… để hỗ trợ cải thiện căng thẳng.
  • Nên ăn đủ 3 bữa/ ngày (nếu gặp các vấn đề về tiêu hóa có thể chia nhỏ 5 – 6 bữa). Tuyệt đối không được bỏ bữa hoặc ăn uống thất thường.
  • Tránh tiêu thụ các loại thức ăn chứa nhiều muối, đường, dầu mỡ.
  • Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn và chất kích thích.

5. Áp dụng các giải pháp thư giãn

Nhiều giải pháp có thể giúp nam giới cải thiện căng thẳng thần kinh rất hữu hiệu. Chúng sẽ giúp mang đến nguồn năng lượng tích cực và xoa dịu những tổn thương trong tâm trí. Từ đó giúp cải thiện tình trạng stress ở nam giới và mang lại tâm trạng vui vẻ.

Các giải pháp thư giãn rất hữu ích bao gồm:

  • Tắm nước ấm: Tắm nước ấm khoảng 10 phút vào buổi tối có thể giúp thư giãn gân cơ. Đồng thời làm giảm mệt mỏi sau 1 ngày làm việc vất vả. Đây cũng là một cách hữu hiệu giúp nam giới vượt qua chứng stress.
  • Liệu pháp mùi hương: Tiếp xúc với các hương thơm yêu thích giúp thư giãn tinh thần và làm giảm căng thẳng hiệu quả. Nam giới có thể ngửi trực tiếp mùi hương, pha vào nước tắm hoặc dùng máy khuếch tán,…
  • Nghe nhạc: Khi bị căng thẳng, nam giới có thể nghe những bản nhạc nhẹ nhàng hoặc vui tươi để giải tỏa áp lực. Nghiên cứu đã chứng minh, âm nhạc có khả năng chữa lành các tổn thương tinh thần rất hữu hiệu.
  • Đọc sách: Đây là thói quen tốt giúp trau dồi kiến thức. Ngoài ra đọc sách còn giúp giải tỏa áp lực và căng thẳng cho nam giới. Tuy nhiên nam giới nên đọc những đầu sách có văn phong nhẹ nhàng và dễ hiểu. Tuyệt đối không đọc các cuốn truyện tình cảm bi đát, kinh dị hay trinh thám.
cách kiểm soát căng thẳng cho nam giới
Đọc các tựa sách có văn phong nhẹ nhàng giúp nam giới cải thiện tâm trạng rất tốt

Stress ở nam giới khi nào cần thăm khám?

Trong một số trường hợp, tình trạng stress ở nam giới có tiến triển dai dẳng và không đáp ứng với các giải pháp cải thiện tại nhà. Hoặc nam giới bị stress sau các chấn thương tâm lý. Lúc này nên chủ động tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.

Việc điều trị y tế là rất cần thiết để giúp nam giới sớm vượt qua stress và hạn chế các rủi ro cho sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Điều trị y tế có thể bao gồm tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc. Cụ thể như sau:

  • Tâm lý trị liệu: Đây là phương pháp giúp điều chỉnh nhận thức, cảm xúc, hành vi,… thông qua việc giao tiếp với chuyên gia tâm lý. Mục tiêu là giúp nam giới nhận thức rõ vấn đề mà mình đang gặp phải. Đồng thời trang bị các kỹ năng cần thiết để điều chỉnh cảm xúc và đối phó với các vấn đề trong cuộc sống.
  • Sử dụng thuốc: Có thể được áp dụng kết hợp với tâm lý trị liệu. Thuốc thường được dùng ngắn hạn theo chỉ định của bác sĩ để tránh rủi ro và tác dụng phụ. Bác sĩ có thể kê toa thuốc an thần nhóm benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ, thuốc kháng histamin H1,… để điều trị stress ở nam giới.

Tuyệt đối không được chủ quan với tình trạng stress ở nam giới. Cần sớm phát hiện và có sự quan tâm đúng mực để vượt qua stress, giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Nếu các giải pháp tại nhà không thể giúp ích hãy chủ động tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *