Bệnh hoang tưởng nghi bệnh và những thông tin cần biết
Hoang tưởng nghi bệnh là một dạng tương đối thường gặp của bệnh hoang tưởng, đề cập đến ý nghĩ lệch lạc của người bệnh về vấn đề sức khỏe của bản thân dẫn đến lo lắng quá mức trước điều không thực tế. Nếu không sớm điều trị, chứng rối loạn tâm thần này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống.
Bệnh hoang tưởng nghi bệnh là gì?
Bệnh hoang tưởng là một chứng rối loạn tâm lý nghiêm trọng, người bệnh thường có suy nghĩ lệch lạc và niềm tin mãnh liệt vào suy nghĩ này. Khi bị hoang tưởng, người bệnh có thể thay đổi cả thế giới quan, không tin vào bất cứ ai khác và hình thành các hành động khó đoán định.
Hoang tưởng nghi bệnh là một dạng khá thường gặp của bệnh hoang tưởng. Trong đó, người mắc chứng hoang tưởng này luôn cố gắng tưởng tượng ra bản thân đang gặp phải một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, không có cách chữa trị. Nhiều người còn cho rằng cơ thể của họ sinh ra đã có các khiếm khuyết và không hoàn hảo như những người khác.
Một số trường hợp, người bị hoang tưởng nghi bệnh còn cho rằng cơ thể mình đang có một loại ký sinh trùng nào đó sinh sống. Mặc dù các kiểm tra y tế được thực hiện đều xác định họ hoàn toàn khỏe mạnh nhưng người bị hoang tưởng nghi bệnh vẫn không tin vào điều đó. Họ cho rằng bác sĩ đang bị thao túng, lừa dối với mục đích hãm hại họ.
Ở một mức độ nhẹ hơn, hoang tưởng nghi bệnh đề cập đến những suy diễn thái quá về triệu chứng thể chất mà bản thân đang mắc phải. Chẳng hạn như chỉ bị thương nhẹ ở ngoài da cũng đủ để họ nghĩ đến hàng loạt các biến chứng nghiêm trọng.
Thậm chí, một số người còn tự tưởng tượng ra các triệu chứng “giả” để củng cố thêm niềm tin cho những suy diễn của bản thân là chính xác. Từ đó sinh ra lo lắng, căng thẳng quá mức và luôn bị ám ảnh bởi bệnh tật.
Người mắc bệnh hoang tưởng nghi bệnh thường có xu hướng đến thăm khám ở các cơ sở y tế nhiều hơn. Tuy nhiên, các triệu chứng mà họ chia sẻ với bác sĩ đều do họ tự tưởng tượng ra hoặc họ đang cố ý làm quá mọi chuyện lên.
Nguyên nhân gây hoang tưởng nghi bệnh
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhưng nguyên nhân gây bệnh hoang tưởng nói chung và hoang tưởng nghi bệnh nói riêng vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển chứng bệnh này.
Các yếu tố được nhắc đến nhiều nhất có liên quan đến bệnh hoang tưởng nghi bệnh bao gồm:
- Có người thân cận huyết mắc chứng hoang tưởng nói chung và hoang tưởng nghi bệnh nói riêng.
- Chấn thương não bộ, rối loạn tâm lý – tâm thần,…
- Có người thân qua đời hoặc đang phải sống chung với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Thời thơ ấu từng phải trải qua khoảng thời gian chiến đấu với bệnh tật.
- Những người đang mắc chứng rối loạn lo âu.
- Người sống trong gia đình có thành viên bị rối loạn thần kinh hoặc mắc bệnh tâm thần.
- Thường xuyên xem các bộ phim gây ám ảnh về các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Bị căng thẳng quá mức kéo dài.
Dấu hiệu nhận biết bệnh hoang tưởng nghi bệnh
Người bị hoang tưởng nghi bệnh luôn có suy nghĩ là bản thân họ đang mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng. Và họ có niềm tin rất vững chắc rằng ý nghĩ của họ luôn xác thực. Ý nghĩ này có thể đi kèm với tâm lý căng thẳng và lo âu quá mức.
Các dấu hiệu ở người mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh có thể bao gồm:
- Người bệnh luôn tỏ ra lo lắng, căng thẳng và nghĩ rằng họ đang mắc các căn bệnh nan y không có khả năng chữa trị.
- Chỉ một triệu chứng thể chất nhẹ nào đó cũng đủ khiến họ bị căng thẳng quá mức. Thậm chí họ còn nổi nóng hoặc có biểu cảm khác lạ bởi họ nghĩ rằng đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm.
- Có thói quen khám bệnh và thường xuyên đến nhờ tư vấn của bác sĩ khi chỉ có các triệu chứng nhẹ. Một số người mặc dù không có dấu hiệu bệnh vẫn đi kiểm tra sức khỏe thể chất nhiều quá mức. Tuy nhiên họ lại luôn từ chối thăm khám sức khỏe tâm thần.
- Yêu cầu bác sĩ thực hiện các phương pháp xét nghiệm chuyên sâu mặc dù thực chất không có vấn đề gì xảy ra với họ.
- Phản bác lại ý kiến của bác sĩ khi nhận được kết quả hoàn toàn bình thường. Họ cho rằng bác sĩ đang bị thao túng và nói dối để hãm hại họ. Bởi trong suy nghĩ của họ thì bản thân chắc chắn có bệnh.
- Cố gắng kiểm tra trên cơ thể để tìm ra các điểm dị thường như vết bầm, vết thương, dị tật, khối u,…
- Cố gắng kiểm tra huyết áp, đường huyết và nhịp tim nhiều quá mức mỗi ngày.
- Khi đọc được các thông tin về bệnh tật trên internet thì họ luôn cho rằng bản thân có những dấu hiệu tương tự và bắt đầu lo lắng, đi kiểm tra sức khỏe ngay.
- Tưởng tượng ra các triệu chứng và dấu hiệu mặc dù bản thân không hề mắc phải.
- Cứng đầu, bảo thủ và không bao giờ nghe theo những lời giải thích từ mọi người mặc dù có bằng chứng xác thực được đưa ra.
Hoang tưởng nghi bệnh có nguy hiểm không?
Hoang tưởng nghi bệnh đặc trưng bởi sự quan tâm thái quá đến sức khỏe thể chất. Đi kèm với đó là nỗi sợ hãi quá mức, vô căn cứ và có phần hoang đường về việc bản thân đang gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trong đó, điểm mấu chốt của vấn đề là người mắc chứng hoang tưởng này luôn có một niềm tin rất mãnh liệt vào suy nghĩ của bản thân họ.
Ngay cả khi các kết quả y tế cho thấy rằng họ hoàn toàn bình thường nhưng người bệnh vẫn không tin vào điều này. Suy nghĩ về việc mắc bệnh của bản thân họ vẫn luôn thường trực và không thể kiểm soát được. Điều này gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu cho cả sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như chất lượng cuộc sống.
Chứng hoang tưởng nghi bệnh có thể gây ra các vấn đề sau đây:
- Luôn dành nhiều thời gian suy nghĩ về việc cơ thể mắc bệnh nghiêm trọng nên sẽ làm giảm hiệu suất lao động. Ngoài ra người mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh còn thường xuyên xin nghỉ làm để đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe.
- Hiệu suất lao động giảm cùng với việc kiểm tra sức khỏe nhiều quá mức có thể gây ra áp lực tài chính. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe tinh thần. Đặc biệt là có thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái u uất, buồn chán và đau khổ.
- Tăng nguy cơ mắc các căn bệnh tâm lý – tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn lo âu lan tỏa,…
- Gia tăng nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ, đau nửa đầu, viêm đại tràng co thắt,…
- Gây ra mâu thuẫn trong các mối quan hệ, đặc biệt là trong quan hệ gia đình, hôn nhân. Người nhà đôi khi tỏ ra bất lực và không biết phải làm sao để giúp đỡ người bệnh.
Hướng điều trị bệnh hoang tưởng nghi bệnh
Như đã phân tích, bệnh hoang tưởng nghi bệnh không được điều trị có thể gây ra ảnh hưởng xấu cho sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên việc điều trị chứng rối loạn này cũng không hề đơn giản.
Người bệnh có niềm tin quá mãnh liệt vào việc họ mắc bệnh và ngay cả lời nói của bác sĩ với họ cũng không đáng tin. Họ luôn cho rằng bác sĩ đang bị thao túng nên nói sai về hiện trạng sức khỏe của họ nhằm cố ý hãm hại họ.
Để điều trị được chứng hoang tưởng nghi bệnh thì trước hết cần thiết lập mối quan hệ giữa người bệnh và bác sĩ. Điều trị sớm, đúng cách và liên tục cho thể giúp làm giảm biến chứng, đồng thời mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người bệnh.
Các phương pháp có thể được bác sĩ cân nhắc áp dụng bao gồm:
1. Sử dụng thuốc
Những người mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh thường xuyên bị căng thẳng thần kinh bởi họ có sự quan tâm quá mức và sợ hãi về việc bản thân mắc các căn bệnh nghiêm trọng. Do đó trong giai đoạn đầu điều trị thì việc ổn định tinh thần cho người bệnh là điều hết sức cần thiết.
Bác sĩ có thể cân nhắc cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc Tây có tác dụng làm giảm sự lo lắng, ổn định tinh thần cũng như cải thiện các triệu chứng tiêu cực đi kèm. Các thuốc có thể được sử dụng bao gồm:
- Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
- Thuốc chống loạn thần
- Thuốc an thần (benzodiazepine hoặc non-benzodiazepine)
Các loại thuốc này có thể mang lại những cải thiện tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn các tác dụng phụ nên cần chú ý cẩn trọng. Hãy tuân thủ chỉ định y khoa và thông báo ngay cho bác sĩ được biết để có sự điều chỉnh kịp thời.
Trường hợp người bệnh không thừa nhận mình đang bị hoang tưởng và từ chối dùng thuốc thì có thể sẽ phải nhập viện để nhận được sự chăm sóc y tế phù hợp hơn. Điều trị nội trú là cần thiết để tránh chứng hoang tưởng nghi bệnh tiến triển nặng và gây ra nhiều rủi ro.
2. Tâm lý trị liệu
Dùng thuốc mặc dù có mang lại những cải thiện tích cực nhưng đây không phải là giải pháp duy nhất và lâu dài. Do đó người mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh cần được trị liệu tâm lý để thay đổi những niềm tin sai lệch của mình.
Trên thực tế, Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) được đánh giá là rất phù hợp khi áp dụng cho những người bị hoang tưởng nghi bệnh. Liệu pháp này sẽ giúp người bệnh nhìn nhận lại vấn đề mình đang mắc phải và biết được bản thân đang không đúng ở đâu. Từ đó thay đổi những niềm tin sai lệch bằng suy nghĩ thực tế và hướng đến những điều tích cực.
Ngoài ra, CBT còn trang bị cho người bệnh các kỹ năng cần thiết để kiểm soát tình trạng lo lắng quá mức liên quan đến chứng hoang tưởng nghi bệnh. Đồng thời thay đổi phản ứng của bản thân trước các triệu chứng thực thể cũng như cảm giác của cơ thể. Từ đó giúp hạn chế suy nghĩ thái quá, lệch lạc và không tưởng về hiện trạng sức khỏe của bản thân.
Đối với những người từ chối dùng thuốc thì chuyên gia tâm lý cũng sẽ giúp họ ý thức rõ ràng hơn về vai trò của thuốc. Từ đó duy trì thói quen dùng thuốc đúng cách, kiên trì và đúng kế hoạch điều trị. Trị liệu tâm lý kết hợp với dùng thuốc sẽ giúp người bệnh cải thiện cuộc sống rõ rệt và nhanh chóng hơn.
3. Các biện pháp hỗ trợ
Song song với sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý thì người bệnh cần áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ khác nhằm nâng cao sức khỏe. Các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp làm giảm sự lo âu, cân bằng cảm xúc tiêu cực liên quan đến chứng hoang tưởng nghi bệnh. Hơn nữa còn mang lại lợi ích cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Các biện pháp đơn giản có thể áp dụng bao gồm:
- Trang bị các phương pháp thư giãn để kiểm soát stress hiệu quả như kỹ thuật thở theo kiểu khí công, liệu pháp thư giãn luyện tập,… Chúng sẽ giúp trấn an và chế ngự những ý nghĩ hoang tưởng, đồng thời làm giảm bớt lo lắng quá mức.
- Nên dành thời gian cho hoạt động thể chất 30 phút/ ngày để làm dịu tâm trạng và nâng cao sức khỏe thể chất.
- Tham gia các hoạt động xã hội có thể giúp bạn giảm thời gian suy nghĩ và hoang tưởng về việc bản thân mắc bệnh nghiêm trọng. Hơn nữa công tác thiện nguyên còn giúp bạn sống có lý tưởng, vui vẻ và lạc quan hơn.
- Caffeine, cồn và nicotin có thể làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng hiện có. Do đó cần tránh hút thuốc lá, uống trà đặc, cà phê và các loại đồ uống có cồn khi đang mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh.
- Tự tạo niềm vui cho bản thân bằng cách đi mua sắm, nghe nhạc thư giãn, đọc sách, tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương,… Nên tăng cường kết nối với bạn bè và người thân để chia sẻ vấn đề mình đang gặp phải, đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Nên đa dạng các loại thực phẩm tươi sạch để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Cần làm gì khi người thân mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh?
Những người mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh không ý thức được suy nghĩ của mình là lệch lạc, không có căn cứ và xa rời thực tế. Họ luôn cho rằng điều mình nghĩ chính là sự thật và những người xung quanh khó lòng thay đổi được ý nghĩ của họ mặc dù đã đưa ra đủ mọi bằng chứng xác thực nhất.
Chính vì điều này mà người nhà đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình thăm khám và điều trị của người bệnh. Nếu nhận thấy người thân của mình đang có dấu hiệu mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh thì bạn cần:
1. Đưa người thân đến bệnh viện để kiểm tra
Khi phát hiện người thân có các biểu hiện lo lắng về bệnh tật một cái thái quá và không tưởng thì bạn nên thuyết phục họ đến bệnh viện để được kiểm tra. Tuy nhiên thường họ sẽ từ chối thăm khám tâm thần mà thay vào đó họ luôn muốn thăm khám về các triệu chứng mà họ cho rằng là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm. Dù vậy thì bạn vẫn hãy đưa họ đến bệnh viện và hỗ trợ thêm với bác sĩ.
Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng sức khỏe một cách kỹ lưỡng. Bác sĩ đa khoa sẽ giới thiệu người bệnh đến với bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Tại đây, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện các phương pháp chuyên môn để có thể chẩn đoán xem người bệnh có mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh hay không. Từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn.
2. Đừng vội nói với người bệnh về tình trạng của họ
Dưới ảnh hưởng của chứng hoang tưởng nghi bệnh, người bệnh thường bị lo lắng quá mức. Nếu lúc này họ biết rõ về bệnh án thực tế thì họ sẽ càng trở nên căng thẳng. Triệu chứng hoang tưởng, mất niềm tin vào những người xung quanh có thể sẽ càng tồi tệ hơn.
Do đó, sau khi nhận được kết quả chẩn đoán từ bác sĩ thì người nhà đừng vội chia sẻ với người bệnh ngay. Hãy trò chuyện với họ với một tinh thần lạc quan nhất để cố gắng xua tan mọi lo lắng đang hiện hữu.
3. Thay đổi cách trò chuyện với người bệnh
Bạn nên biết rằng, khi mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh, bệnh nhân sẽ có một niềm tin rất mãnh liệt vào điều mà họ suy nghĩ. Do đó sẽ vô cùng khó khăn để bạn có thể giải thích và thay đổi ý nghĩ lệch lạc của họ.
Thậm chí bạn càng làm trái ý họ thì họ sẽ càng nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Đồng thời càng không chịu hợp tác thăm khám và điều trị. Do đó, điều mà bạn cần làm là hãy nhẫn nhịn và nhẹ nhàng với người bệnh, nhất là trong giai đoạn đầu điều trị.
Sau một thời gian điều trị, khi mà các phương pháp đã phát huy tốt tác dụng thì bạn mới nên thực sự trò chuyện thẳng thắn hơn với người bệnh về vấn đề mà họ đang gặp phải. Tuy nhiên bạn vẫn cần sự nhẹ nhàng, đồng cảm và chia sẻ với họ thay vì chỉ trích họ.
4. Chăm sóc người bệnh tốt hơn
Người mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh luôn cho rằng cơ thể của họ lúc nào cũng ở trong trạng thái không khỏe mạnh. Do đó, sự thờ ơ và thiếu quan tâm từ người thân có thể khiến cho tinh thần của họ nặng nề, u uất và chán nản hơn.
Lúc này, người nhà nên thường xuyên quan tâm, trò chuyện và dành nhiều thời gian hơn cho người bệnh. Môi trường sống lành mạnh và lạc quan có thể mang lại nhiều lợi ích với quá trình điều trị bệnh hoang tưởng cũng như các chứng bệnh tâm lý tâm thần khác.
Hoang tưởng nghi bệnh là chứng rối loạn tâm thần ảnh hưởng không nhỏ đến cả sức khỏe tinh thần, thể chất và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, người bệnh lại có niềm tin quá mãnh liệt vào ý nghĩ hoang tưởng của mình nên thường không hợp tác điều trị. Do đó người nhà cần quan tâm nhiều hơn và cố gắng thuyết phục người bệnh đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh hoang tưởng có chữa được không? Chuyên gia chia sẻ
- Bệnh hoang tưởng ở người già là gì? Chăm sóc thế nào?
- Hoang tưởng bị hại: Biểu hiện và những ảnh hưởng gây ra
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!