Bệnh hoang tưởng ở người già là gì? Chăm sóc thế nào?
Các chuyên gia ước tính rằng, có đến 23% người lớn tuổi gặp phải các loại rối loạn tâm thần khác nhau. Trong đó 4% trường hợp là bệnh hoang tưởng ở người già đi cùng với sự phát triển những nỗi sợ hãi, lo lắng và phàn nàn dai dẳng. Để kiểm soát chứng hoang tưởng, người cao tuổi cần được chăm sóc và hỗ trợ phù hợp.
Bệnh hoang tưởng ở người già là gì?
Hoang tưởng là thuật ngữ dùng để mô tả những ý nghĩ, quan niệm hay niềm tin sai lầm và không phù hợp với thực tế. Những người bị hoang tưởng thường mất khả năng phán đoán. Do đó họ luôn giữ vững niềm tin ngay cả khi những người xung quanh đã cố gắng chứng minh điều họ nghĩ là sai với những bằng chứng xác thực nhất.
Bệnh hoang tưởng được xác định khi những niềm tin sai lầm kéo dài trong vòng ít nhất 1 tháng. Đồng thời không đi kèm với bất kỳ triệu chứng tâm thần nào khác. Căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, tuy nhiên bệnh hoang tưởng ở người già từ 60 tuổi trở lên là phổ biến nhất.
Người già bị hoang tưởng thường tỏ ra sợ hãi, phàn nàn dai dẳng và có thể tấn công các thành viên trong gia đình (bằng cả lời nói và hành động). Những suy nghĩ của họ thường rất phi lý, xa rời thực tế và đôi khi còn rất lố bịch. Tuy nhiên họ lại có một niềm tin mãnh liệt rằng suy nghĩ của mình là đúng và không ai có thể thay đổi niềm tin này.
Bệnh hoang tưởng ở người già là một dạng tương đối phổ biến của chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng. Người bệnh có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và cả những người xung quanh. Mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này có xu hướng tăng dần theo thời gian. Do đó cần được chăm sóc và điều trị càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây bệnh hoang tưởng ở người già
Các chuyên gia nhận định, hoang tưởng ở người già không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa. Đây là một triệu chứng của các vấn đề khác có thể cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt.
Dưới đây là những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh hoang tưởng ở người già:
– Sử dụng chất kích thích:
Việc lạm dụng rượu hoặc ma túy thường có thể dẫn tới những suy nghĩ hoang tưởng. Tình trạng nghiện làm đảo ngược hoạt động của bộ não. Từ đó khiến chất kích thích được lựa chọn trở thành ưu tiên số một so với mọi thứ khác.
– Sa sút trí tuệ:
Bệnh hoang tưởng ở người già có thể xảy ra khi chứng sa sút trí tuệ khởi phát. Trên thực tế, có khoảng 40% những người bị sa sút trí tuệ trải qua suy nghĩ hoang tưởng. Những ảo tưởng này hình thành khi người già cố gắng tìm hiểu về các chức năng nhận thức đang suy giảm của họ.
– Một số loại thuốc:
Người già là đối tượng rất dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe. Do đó việc phải sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị là tình trạng khá phổ biến. Thật không may là một số loại thuốc có thể tiềm ẩn tác dụng phụ, chẳng hạn như ảo giác thính giác và hoang tưởng.
– Bệnh lý thể chất:
Các căn bệnh về thể chất có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với chức năng tâm thần. Chẳng hạn như mất nước nghiêm trọng, nhiễm trùng và rối loạn chức năng thận đều có thể gây ra các triệu chứng tương tự như sa sút trí tuệ. Nếu suy nghĩ hoang tưởng ở người già xuất hiện đột ngột và không rõ nguyên nhân thì có thể họ đang mắc một vấn đề thể chất tiềm ẩn cần được giải quyết.
– Trầm cảm:
Trong một trường hợp hiếm hoi, người cao tuổi bị trầm cảm cũng có thể mắc bệnh hoang tưởng. Lúc này, hoang tưởng có xu hướng biểu hiện thành một niềm tin mãnh liệt rằng cá nhân đó đáng bị trừng phạt. Hiểu một cách đơn giản là người hoang tưởng thường tự định hướng bản thân thay vì hướng vào người khác.
– Rối loạn ảo tưởng:
Rối loạn ảo tưởng là một loại bệnh tâm thần phân liệt hiếm gặp. Trong một số ít trường hợp nó có thể là nguyên nhân gây ra bệnh hoang tưởng ở người già. Hầu hết bệnh nhân bị rối loạn ảo tưởng được chẩn đoán ở độ tuổi 20 – 30 nhưng rối loạn cũng có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống.
Biểu hiện của bệnh hoang tưởng ở người già
Đa số những người lớn tuổi đều có các biểu hiện bất thường, thậm chí là có phần kỳ lạ về tâm lý. Khi nhận thấy một người già lo lắng quá độ, suy nghĩ nhiều và thường xuyên cáu gắt vô cớ trước các tình huống không thực sự nghiêm trọng thì bạn cũng đừng vội cho rằng họ đang trải qua chứng hoang tưởng.
Trước hết, hãy thử xem xét mức độ nghiêm trọng và tần suất của các ý nghĩ cũng như hành vi hoang tưởng. Dưới đây là một số dấu hiệu “đỏ” có thể giúp bạn nhận biết bệnh hoang tưởng ở người già:
- Cảm giác thận trọng, căng thẳng hoặc tỏ ra cực kỳ kích động nhưng không dễ dàng giải thích.
- Cảm thấy họ đang bị ngược đãi bất công.
- Nghe thấy những tiếng động lạ mà họ không thể nào giải thích được. Chẳng hạn như tiếng động vật bên ngoài hay tiếng cành cây cào vào cửa sổ nhà.
- Nhìn thấy động vật hoặc những người không thực sự ở đó (trong một số trường hợp, đây có thể là tác dụng phụ của thuốc hoặc các vấn đề về thị lực).
- Nghĩ rằng mọi người đang nói chuyện sau lưng.
Mặc dù hoang tưởng là căn bệnh cần được xem xét nghiêm túc nhưng bạn đừng gạt bỏ ngay những lo lắng mà cha mẹ già mắc phải. Nếu họ cho rằng ai đó đang lấy cắp tiền của họ khi họ vừa đặt nhầm hoặc có người đã lấy cắp tờ báo của họ mặc dù tờ báo chưa được giao vào ngày hôm đó thì bạn hãy dành thời gian lắng nghe và cố gắng giúp đỡ họ.
Bệnh hoang tưởng ở người già có nguy hiểm không?
Các chuyên gia nhận định rằng, bệnh hoang tưởng ở người già là vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Người bệnh thường có niềm tin mãnh liệt và luôn cho rằng suy nghĩ của họ là đúng. Không một ai có thể bác bỏ hay giải thích đúng sai. Vì vậy họ luôn có xu hướng hành động theo những ý nghĩ hoang tưởng của mình.
Việc liên tục hành động theo những ý nghĩ hoang tưởng không có thực là điều vô cùng nguy hiểm. Nó không chỉ khiến cho cuộc sống của chính người bệnh bị xáo trộn mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình và toàn xã hội. Thậm chí người bệnh đôi khi còn vướng vào những rắc rối do hành động lệch chuẩn.
Hơn nữa, việc hành động theo những gì họ hoang tưởng đôi khi còn gây nguy hại cho chính bản thân họ và cả những người xung quanh. Chứng hoang tưởng ở người già không được can thiệp điều trị sớm có thể tiến triển nặng. Nhiều trường hợp còn dẫn tới bệnh trầm cảm.
Số liệu thống kê cho thấy rằng, có đến gần 50% các trường hợp người cao tuổi mắc bệnh hoang tưởng phát triển trầm cảm sau đó khoảng 3 – 6 tháng. Ngoài ra, một số người còn có nguy cơ cao gặp phải các rối loạn tâm lý tâm thần khác.
Điều trị bệnh hoang tưởng ở người già
Bệnh hoang tưởng ở người già không được điều trị có thể làm biến đổi nhân cách. Hơn nữa còn làm gia tăng rắc rối và phiền toái trong cuộc sống. Điều trị chứng bệnh này ở người già cần phải được thực hiện một cách thận trọng.
Trước hết cần thiết lập mối quan hệ giữa bác sĩ và người bệnh. Bởi ban đầu bệnh nhân có thể cho rằng bác sĩ đang bị thao túng và luôn có ý hãm hại họ. Việc điều trị đúng cách kết hợp với chăm sóc hợp lý có thể giúp cho người già sống tốt hơn đến cuối đời.
Các phương pháp có thể được áp dụng bao gồm:
1. Tâm lý trị liệu
Điều trị tâm lý được xem là giải pháp chính đối với những người cao tuổi bị hoang tưởng. Tâm lý trị liệu có thể giúp thay đổi những niềm tin lệch lạc. Quá trình trị liệu thường mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa còn đòi hỏi chuyên gia phải có nhiều kinh nghiệm thực tế và thực sự thấu hiểu tâm lý của người bệnh.
Người già bị hoang tưởng thường rất dễ nảy sinh nghi ngờ. Họ luôn cho rằng bác sĩ đang bị một thế lực nào đó khống chế với mục đích ám sát hoặc làm hại mình. Do đó, việc thay đổi niềm tin sai lầm ở những người bệnh là điều không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, can thiệp trị liệu tâm lý sẽ giúp cho người bệnh kiểm soát tốt hơn cảm xúc cũng như hành vi của mình. Ngoài ra, chuyên gia tâm lý cũng giúp người bệnh ý thức rõ hơn vai trò của thuốc. Từ đó cố gắng duy trì thói quen dùng thuốc lâu dài và kiên trì hơn song song với việc trị liệu tâm lý.
2. Sử dụng thuốc
Hiện tại vẫn chưa có loại thuốc nào được chứng minh là có khả năng mang lại hiệu quả tối ưu đối với bệnh hoang tưởng ở người già. Tuy nhiên, thuốc có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng và giúp cho người bệnh ổn định cuộc sống.
Bác sĩ sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét kê toa các loại thuốc phù hợp. Nhất là khi người già bị hoang tưởng kèm theo các biểu hiện trầm cảm, lo âu và stress. Các loại thuốc thường được kê toa bao gồm:
- Thuốc chống loạn thần
- Benzodiazepine hoặc non-benzodiazepine
- Thuốc chống trầm cảm
Trên thực tế, có rất nhiều người già bị hoang tưởng không thừa nhận bệnh và từ chối việc dùng thuốc. Lúc này, cần đưa người bệnh đi nhập viện để được bác sĩ tiêm thuốc và theo dõi. Trường hợp người già bị hoang tưởng có những hành vi gây hấn đe dọa tới sức khỏe của những người xung quanh cũng cần được điều trị nội trú nhằm ngăn ngừa những tình huống đáng tiếc xảy ra.
Cách chăm sóc cha mẹ già mắc bệnh hoang tưởng
Tình trạng hoang tưởng ở người già thật sự không dễ để đối phó. Dù bất kể điều gì đang gây ra tình trạng này thì việc đối phó cũng là một thách thức rất lớn với những người con. Nếu bạn đang có cha mẹ già mắc chứng bệnh hoang tưởng thì một số lời khuyên sau đây có thể giúp ích:
1. Thông cảm với cha mẹ
Khi cha mẹ bạn bị hoang tưởng thì họ không biết phải tin ai. Đồng thời cũng không biết cách để phân biệt thực tế với những suy nghĩ hoang tưởng của mình. Trên thực tế, những suy nghĩ hoang tưởng dường như đã trở thành hiện thực đối với họ.
Dù không dễ dàng nhưng bạn hãy cố gắng thông cảm cho cha mẹ. Hãy luôn nhớ rằng, họ không cố ý thể hiện sự hoang tưởng hay để thu hút sự chú ý. Suy nghĩ hoang tưởng của họ là vấn đề bệnh lý. Chính sự thông cảm và chia sẻ của con cái là yếu tố quan trọng đối với quá trình điều trị của cha mẹ.
2. Theo dõi đồ đạc của cha mẹ
Bệnh hoang tưởng ở người già thường xoay quanh đồ đạc của họ. Khi họ đặt nhầm một đồ vật thì họ có thể buộc tội bạn, người chăm sóc của họ hoặc bất cứ ai khác đã vào nhà của họ.
Nếu có thể hãy lập danh sách nơi để đồ đạc của họ, đặc biệt là khi nọ đã sẵn sàng vứt bỏ chúng. Ví dụ, bạn có thể ghi lại xem cha mẹ bạn đã tặng đồ trang sức cho ai. Hoặc có thể nhớ và ghi lại xem cuốn sách hoặc vật kỷ niệm nào khác mà họ đã quyên góp cho tổ chức từ thiện.
Sẽ đặc biệt hữu ích nếu bạn có thể yêu cầu cha mẹ viết ra những điều này vào các thời điểm họ minh mẫn để họ nhìn thấy chữ viết tay của chính mình. Điều này có thể củng cố niềm tin vững chắc cho họ khi trạng thái “hoang tưởng” kích hoạt.
Tuy nhiên bạn cũng cần nhớ rằng, việc cho cha mẹ xem lại ghi chép và nói rõ sự thật không phải lúc nào cũng thuyết phục được niềm tin của họ về sự thật. Nhưng dù sao nó cũng sẽ giúp cho bạn xác định xem những lời buộc tội của cha mẹ có đúng hay không. Đồng thời hiểu rõ liệu họ có đang phải đấu tranh với suy nghĩ hoang tưởng hay không.
3. Đừng làm mất niềm tin
Có một số lý do giải thích vì sao bạn nên tránh nói với cha mẹ rằng họ đã sai về chứng hoang tưởng của mình. Trong đó lý do lớn nhất là điều này có thể phá vỡ mọi sự tin tưởng mà họ dành cho bạn.
Cũng không có lợi ích thực sự nào mang lại nếu áp dụng lý trí hoặc logic vào sự hoang tưởng của cha mẹ. Trong tâm trí của họ, niềm tin có ý nghĩa hoàn hảo. Việc đánh mất niềm tin có thể gây ra sự hoảng loạn nhiều hơn nữa.
Thay vì nói cho cha mẹ biết rằng họ đúng hay sai thì bạn nên nói những điều khác phù hợp hơn. Chẳng hạn như đồng ý rằng sẽ rất đáng sợ nếu có người lạ ở trong nhà của cha mẹ. Hoặc khi đồ đạc của họ bị đánh cắp thì bạn hãy cho họ thấy rằng cảm giác tức giận của họ là điều hợp lý.
4. Không buộc tội cá nhân
Trong nhiều trường hợp, con cái trở thành mục tiêu cho sự hoang tưởng của người già. Tuy nhiên bạn cần biết rằng chính họ đang gặp phải điều gì đó ảnh hưởng đến suy nghĩ. Bản thân họ cũng đang cố gắng hết sức để hiểu được sự nhầm lẫn của họ.
Nếu bạn đang đấu tranh để đối phó với những lời cáo buộc của cha mẹ thì hãy cân nhắc rút khỏi tình huống này. Sự phân tâm có thể phá vỡ niềm tin của cha mẹ bạn về việc bạn đã làm điều gì đó gây hại cho họ.
5. Dành nhiều thời gian hơn cho cha mẹ
Hoang tưởng ở cha mẹ già là một trong những vấn đề rất khó giải quyết. Chứng hoang tưởng ảnh hưởng tới cả tâm trạng và chức năng nhận thức. Do đó bạn nên cố gắng dành thêm thời gian cho cha mẹ của mình.
Khi ở bên cha mẹ, bạn hãy ghi lại nhật ký chăm sóc họ. Điều này giúp cho bạn dễ dàng nhận thấy những thay đổi của cha mẹ thông qua từng cột mốc. Đồng thời việc ghi chép này cũng giúp bạn có được tư liệu quý giá để giúp đỡ bác sĩ đánh giá chính xác hơn về tiến độ điều trị.
Bệnh hoang tưởng ở người già đang là vấn đề đầy thách thức của rất nhiều gia đình hiện nay. Nếu cha mẹ bạn đang rơi vào tình trạng này thì hãy sớm tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia sức khỏe tâm thần. Ngoài ra sự quan tâm, chăm sóc của con cái cũng được cho là một phần rất quan trọng của quá trình điều trị bệnh hoang tưởng cho cha mẹ già.
Có thể bạn quan tâm:
- Cách Vượt Qua Rối Loạn Lo Âu Nhờ Chia Sẻ Từ Người Đã Trải
- Bệnh hoang tưởng tự cao: Nguyên nhân và Cách khắc phục
- Bệnh hoang tưởng ghen tuông: Triệu chứng và cách chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!