Hiểu về cảm giác tội lỗi: Biểu hiện và cách giúp bạn vượt qua
Cảm giác tội lỗi tiêu cực có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhận thức của con người. Nếu không biết cách kiểm soát và loại bỏ nó nhanh chóng thì bạn sẽ đối diện với những tác hại nghiêm trọng mà cảm xúc này gây ra.
Cảm giác tội lỗi là gì?
Tội lỗi là cảm giác có trách nhiệm cho một hành động xấu và sai lầm đã diễn ra. Nó cũng có thể là loại cảm xúc giúp chúng ta trưởng thành hơn, đúc kết bài học từ chính những hành vi xúc phạm, tổn thương người khác hoặc bản thân.
Cảm giác tội lỗi là loại cảm xúc tiêu cực xuất hiện sau những hành động sai trái của bản thân hoặc là sự day dứt về những lỗi lầm đã từng xảy ra trước đó.
Người có cảm giác tội lỗi thường ở trong trạng thái căng thẳng, bế tắc và thậm chí xem mình là gánh nặng cản trở hạnh phúc của mọi người xung quanh. Có những người sẽ luôn dằn vặt, tự trách bản thân, cảm thấy buồn bã, ủ rũ nhưng có trường hợp trở nên phẫn uất, cáu giận, kích động một cách dữ dội.
Nhấn mạnh một điều rằng cảm giác tội lỗi không phải lúc nào cũng xấu vì nó giúp con người biết ăn năn, biết cảm thông và thay đổi hành vi tốt hơn trong tương lai. Tuy nhiên nó có thể trở thành vấn đề khi không giúp thay đổi hành vi, thay vào đó là hình thành tội lỗi và xấu hổ.
Biểu hiện của cảm giác tội lỗi
Cảm giác tội lỗi ám ảnh mọi người ở khắp nơi và cản trở sự phát triển nhân cách. Nó được biểu hiện thông qua:
- Thường xuyên có cảm giác day dứt, nhắc lại sai lầm trong quá khứ
- Khó ngủ hoặc ngủ ít
- Thay đổi khẩu vị
- Bỏ bê các mối quan hệ xung quanh
- Nhức đầu, cảm lạnh dai dẳng
- Nói dối
- Tránh thể hiện thái độ với lời khen hoặc lời phê bình
- Buồn bã và chán nản
- Lòng tự trọng thấp
- Tránh những người, địa điểm hoặc sự kiện liên quan đến nguyên nhân gây ra cảm giác tội lỗi
- Nỗ lực sửa chữa sai lầm quá mức
Nguyên nhân gây ra cảm giác tội lỗi
Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến cảm giác tội lỗi có thể xuất phát từ:
- Thực hiện các hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật
- Tâm lý sợ hãi, lo lắng: Sự lo lắng quá mức có thể khiến chúng ta không thể tiếp tục kiểm soát tốt cảm xúc của chính mình, dễ có những suy nghĩ lệch lạc và hình thành cảm giác tội lỗi, bi quan.
- Tính cách cá nhân: Người có tính cách rụt rè, tự ti, thiếu tin tưởng vào bản thân sẽ hình thành nỗi sợ hãi với lời nói và hành vi của mình dẫn đến những sai lầm tạo ra cảm giác có lỗi.
- Do sự mất mát lớn: Nhiều người cảm thấy tội lỗi, dằn vặt vì chia tay, người thân qua đời,… Việc không chấp nhận được sự thật làm cho nhiều người nghĩ rằng sự mất mát đó đều xuất phát từ bản thân.
- Do bản tính quá lương thiện và có ý thức về trách nhiệm: Việc bản thân luôn làm mọi việc nhưng chỉ một lần nói “không” cũng khiến nhiều người phải cảm thấy có lỗi.
Thực tế cảm giác tội lỗi có thể xuất phát bất cứ lúc nào như do sai sót trong công việc hoặc học tập, nhận thức lệch lạc làm quan trọng hóa vấn đề lên,… Nếu không biết cách kiểm soát nhận thức của mình, bản thân sẽ phải liên tục đối diện với cảm xúc tiêu cực này.
Tác hại do cảm giác tội lỗi gây ra
Mặc dù chỉ tồn tại ở mặt tinh thần nhưng hệ quả mà cảm giác tội lỗi để lại là không hề nhỏ. Nó có thể dẫn đến những hành động không phù hợp như dùng nhiều tiền để bù đắp lỗi lầm hoặc tự đổ lỗi lên bản thân với hành vi nguy hiểm.
Cảm giác tội lỗi kéo dài có thể đẩy con người vào tình trạng trầm cảm trầm trọng. Người có cảm giác tội lỗi sẽ tự hạ thấp lòng tự trọng, thậm chí có hành vi tự sát để trừng phạt bản thân. Điều này còn tác động đến hạnh phúc của những người xung quanh và tạo ra một chuỗi nguy cơ lặp đi lặp lại cảm xúc tội lỗi.
Các chuyên gia chỉ ra rằng cảm xúc tội lỗi có thể gây ra triệu chứng bất ổn về sức khỏe tổng thể như đau dạ dày, đau nửa đầu, mệt mỏi kéo dài, lupus, cảm lạnh, đau lưng, rối loạn miễn dịch,….. Những người mang cảm giác này cũng thường bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều dẫn đến sụt cân, sức khỏe suy giảm.
Về mặt tâm lý, việc mắc kẹt với những cảm giác tội lỗi khiến cơ thể cảm thấy bức bối, không thể tận hưởng niềm vui cuộc sống. Những cảm xúc tiêu cực này sẽ mài mòn dần sự tự tin và lòng tự trọng. Việc bị ám ảnh và dằn vặt bởi sai lầm cũng dẫn đến sự mất tập trung, làm giảm hiệu suất trong công việc và học tập.
Cách giúp bạn vượt qua cảm giác tội lỗi
Cảm giác tội lỗi cứ kéo dài sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên có rất nhiều cách để loại bỏ cảm xúc tiêu cực này chẳng hạn như:
1. Xin lỗi và sửa đổi
Việc nói lời xin lỗi không thể sửa chữa hoàn toàn sai lầm nhưng có thể làm xoa dịu tổn thương và dễ dàng nhận được sự tha thứ của người khác.
Đôi khi sự mất mát, những lỗi lầm không phải do bạn gây ra nhưng hãy cứ nói lời xin lỗi tới người khác và chính mình. Trường hợp những sai lầm do bản thân gây ra thì bạn hãy học cách sửa đổi sai lầm càng sớm càng tốt.
2. Tha thứ cho bản thân
Một cách có thể bắt đầu để vượt qua những sai lầm trong quá khứ là tha thứ cho chính mình. Nếu thấy có lỗi vì mình làm chưa đủ tốt, chưa cố gắng thì hãy xem đó như một bài học để bản thân tốt lên từng ngày.
Ngay cả khi đã bù đắp lỗi lầm cho người khác, chính mình vẫn có thể cảm thấy tội lỗi từ nội tâm. Học cách tha thứ cho bản thân là một cách giúp khôi phục lại lòng tự trọng đã bị hủy hoại bởi cảm giác tội lỗi và xấu hổ.
3. Rút ra bài học
Hãy hiểu rằng mỗi ngày là một khởi đầu mới đầy hy vọng và cơ hội để bắt đầu lại. Tâm trí nên nhận thức được rằng có thể những hành động bản thân đã làm là sai trái, để lại hậu quả nhưng chúng không thể kiểm soát cuộc đời mình.
4. Làm việc tốt
Làm việc tốt không thể thay đổi những sai lầm nhưng lại giúp bản thân hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng giúp đỡ người khác mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tâm lý và thể chất. Chẳng hạn như làm tình nguyện, quyên góp từ thiện cho các tổ chức thiện nguyện,….
5. Chăm sóc bản thân
Dành thời gian cho bản thân nhiều hơn để nghỉ ngơi, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, ngồi thiền hoặc tập yoga là cách hạn chế cảm xúc tội lỗi. Bên cạnh đó bạn có thể tập thể dục và tham gia các hoạt động xã hội. Mặc dù chúng không thể giải quyết gốc rễ vấn đề nhưng lại góp phần làm giảm căng thẳng, mang lại tâm trạng tích cực và giúp con người kết nối xã hội tốt hơn.
6. Trò chuyện với người bạn tin tưởng
Đừng che giấu hay tự vật lộn với cảm giác tội lỗi vì nó chỉ khiến bản thân thêm bế tắc và mệt mỏi. Thay vào đó hãy chủ động trò chuyện và chia sẻ cảm giác với người mà mình tin tưởng. Việc nói ra những cảm xúc tiêu cực trong lòng giúp giảm bớt sự căng thẳng. Đồng thời những người mà bản thân tin tưởng sẽ trở thành chỗ dựa tốt nhất, dành nhiều lời khuyên, động viên bạn thoát khỏi cảm giác tội lỗi.
7. Trị liệu tâm lý
Với một vài người, cảm giác tội lỗi có thể xâm lấn vào tiềm thức và gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hàng ngày. Nó có thể khiến nhiều người hao mòn về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, làm rạn nứt các mối quan hệ và khiến cho chất lượng cuộc sống trở nên tồi tệ.
Cảm giác tội lỗi quá mức có thể là triệu chứng của một chứng bệnh tâm lý ẩn cần được chữa trị. Nói chuyện với chuyên gia trị liệu có thể giúp bạn hiểu được lỗi lầm của mình và quyết định hướng hành động tốt nhất để giải quyết cảm xúc đó.
Nhà trị liệu cũng sẽ giúp cho bạn cân bằng tốt trạng thái tâm lý, xây dựng những kỹ năng cần thiết để ứng phó các vấn đề cản trở xảy ra trong cuộc sống. Nhờ đó mà cảm giác tội lỗi dần được loại bỏ và hạn chế được tối đa những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra.
Chúng ta không thể tránh khỏi những sai lầm và hệ quả mà cảm giác tội lỗi mang đến. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận thức được lỗi lầm và cố gắng sửa đổi, hoàn thiện hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Cảm xúc cùn mòn (Emotional Blunting): Dấu hiệu, Cách khắc phục
- Tự Trách Móc Bản Thân: Làm Sao Để Vượt Qua?
- Hiệu ứng bàng quan: Tâm lý luôn cho mình là người ngoài cuộc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!