Cảm xúc cùn mòn (Emotional Blunting): Dấu hiệu, Cách khắc phục

Cảm xúc cùn mòn là thuật ngữ dùng để chỉ việc tê liệt cảm xúc của một người. Người bị cảm xúc cùn mòn không hề cảm thấy vui vẻ hay buồn bã, và không gì có thể gợi lên những trạng thái cảm xúc cần có trong tâm trí của họ. Họ không thể hiện cảm xúc thông qua ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Cảm xúc cùn mòn là gì?

Cảm xúc cùn mòn khiến người bệnh tê liệt với cả cảm xúc tích cực và tiêu cực. Những người rơi vào tình trạng này không thể bày tỏ cảm xúc một cách bình thường. Họ không thể cười với những điều thường khiến bản thân vui vẻ và hạnh phúc, cũng không thể khóc với những điều từng khiến họ buồn bã và đau khổ.

cùn mòn cảm xúc là gì
Cùn mòn cảm xúc là tình trạng chai lỳ trong việc thể hiện cảm xúc, không cảm thấy vui vẻ hay buồn bã, không gì có thể tác động đến cảm xúc của bạn.

Họ không thể hiện cảm xúc bằng lời nói, nét mặt, cử chỉ hay giọng nói, dù là trong những tình huống có thể dễ dàng khơi gợi cảm xúc của con người. Tình trạng này khiến người bị ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp, khi thưởng thức các loại hình nghệ thuật, và trong những tình huống cần thể hiện cảm xúc.

Sự cùn mòn cảm xúc có thể là tạm thời, hoặc kéo dài trong vài phút, vài giờ, vài ngày, vài tháng hay vài năm tùy vào nguyên nhân và mức độ cùn mòn. Không ai đoán trước được tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu. Cảm xúc cùn mòn có thể ảnh hưởng đến nhận thức về thế giới, và các mối quan hệ trong cuộc sống của người bệnh.

Việc trải nghiệm và thể hiện cảm xúc là điều cần thiết trong cuộc sống. Chúng giúp ta thả lỏng hoặc phát tiết những nguồn năng lượng tích cực và cảm xúc tiêu cực. Nếu không có cảm xúc, con người sẽ trở nên lạnh lùng, vô cảm, không có khả năng đồng cảm với người khác, và không thể cảm nhận sự đa dạng của thế giới.

Trong cuộc sống, sẽ có những người dễ dàng cảm thấy xúc động, dễ dàng thể hiện cảm xúc. Nhưng cũng có những người gặp khó khăn trong việc cảm nhận hay bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên, cùn mòn cảm xúc nghiêm trọng hơn nhiều so với tình trạng khó thể hiện cảm xúc.

Nguyên nhân gây cảm xúc cùn mòn

Cảm xúc cùn mòn không phải là một loại bệnh, là mà một triệu chứng do một số nguyên nhân gây ra. Cùn mòn cảm xúc có thể là triệu chứng của bệnh tự kỷ, trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, dấu hiệu của tổn thương não, hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm.

  • Thuốc chống trầm cảm: Dựa trên khảo sát của Đại học Oxford, có hơn 46% số người dùng thuốc chống trầm cảm có biểu hiện cảm xúc cùn mòn trong một giai đoạn nhất định. Đây được xem là một trong những tác dụng phụ thường thấy khi điều trị trầm cảm bằng thuốc. Bất kỳ loại thuốc chống trầm cảm nào cũng có khả năng gây ra tình trạng này, tuy nhiên nhóm thuốc được ghi nhận nhiều nhất là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc SSRI (Paroxetine, Fluoxetin, Escitalopram), và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine SNRI (Desvenlafaxine, Duloxetine, Duloxetine)
  • Chứng mất trí nhớ: Chứng mất trí nhớ khiến nhiều người rơi vào tình trạng khó khăn trong việc nhớ lại những ký ức trong quá khứ, cảm thấy mệt mỏi, khó xác định và miêu tả cảm xúc thật sự mình đang cảm thấy. Điều này có thể gây ra tình trạng chai lỳ về mặt cảm xúc.
  • Các rối loạn tâm thần: Những người rơi vào tình trạng tâm thần phân liệt, trầm cảm, tự kỷ, rối loạn nhân cách,… đều có thể xuất hiện trạng thái cảm xúc cùn mòn. Những triệu chứng tiêu cực của các rối loạn tâm thần khiến người bệnh bị tách biệt khỏi thế giới, mất khả năng tương tác, mất khả trải nghiệm những cung bậc cảm xúc bình thường. Rối loạn nhân cách còn có thể khiến người bệnh mất ý thức, rơi vào tinh trạng mất kết nối với thế giới, không thể cảm nhận cảm xúc.
nguyên nhân gây cùn mòn cảm xúc
Các rối loạn tâm thần và tác dụng phụ của thuốc chồng trầm cảm được xem là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng củn mòn cảm xúc này.
  • Lạm dụng rượu và chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lắc, chất gây nghiện, chất kích thích,… đều có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, làm tê liệt và chai lỳ cảm xúc. Những người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu và chất gây nghiện trong thời gian dài bị ức chế cảm xúc, từ đó sinh ra tình trạng thờ ơ. Ngoài ra, hội chứng Korsakoff do thiếu hụt vitamin B1, xuất phát từ việc nghiện rượu cũng là nguyên nhân khiến con người mất khả năng cảm nhận và thể hiện cảm xúc.
  • Rối loạn căng thẳng sau sang chấn PTSD: Những người gặp phải chấn thương tâm lý nghiêm trọng, mắc phải rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể bị cùn mòn cảm xúc trong một số khoảng khắc.
  • Chấn thương sọ não: Theo một số nghiên cứu được ghi nhận, có hơn 40% người bị chấn thương sọ não rơi vào tình trạng rối loạn chức năng cảm xúc xã hội, bao gồm sự cùn mòn cảm xúc.

Có thể thấy, cùn mòn cảm xúc gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên tỷ lệ bị ảnh hưởng bởi thuốc chống trầm cảm chiếm tỷ lệ rất lớn. Nhiều người phản hồi rằng họ mất khả năng trải nghiệm và thể hiện cảm xúc trong quá trình điều trị trầm cảm bằng thuốc. Mức độ trầm cảm trước khi chữa trị tỉ lệ thuận với mức độ cùn mòn cảm xúc trong điều trị.

Các dấu hiệu của cảm xúc cùn mòn

Cho dù tình trạng cùn mòn cảm xúc xảy ra trong thời gian dài hay ngắn, chúng ta vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy một vài dấu hiệu tiêu biểu cho trạng thái này. Đặc trưng của cùn mòn cảm xúc là tình trạng chai lỳ, đơ cứng trong việc cảm nhận và thể hiện cảm xúc, cùng với một số dấu hiệu sau đây:

  • Không cảm thấy vui vẻ hay đau buồn, rời vào trạng thái tê liệt cảm xúc
  • Cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung khi làm việc, hay quên
  • Không còn ham muốn trong chuyện tình dục
  • Thiếu sự đồng cảm với những sự vật, sự việc xung quanh
  • Chán nản, mệt mỏi, không quan tâm đến việc chăm sóc bản thân
  • Cảm thấy bị ngắt kết nối với thế giới bên ngoài, thường xuyên thừ người và lơ đễnh
  • Thích nhốt mình trong nhà, ít giao tiếp với những người xung quanh
  • Không thể duy trì các mối quan hệ xã hội bình thường
  • Có hành vi tự làm hại bản thân

Cách vượt qua tình trạng cùn mòn cảm xúc

Để vượt qua tình trạng này chúng ta có rất nhiều phương pháp, tuy nhiên điều quan trọng là xác định chính xác nguyên nhân gây cùn mòn để có biện pháp cải thiện phù hợp. Cần biết rằng tình trạng này gây ra bởi thuốc chống trầm cảm, hay những nguyên nhân khác.

1. Cân nhắc khi sử dụng thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây nên cùn mòn cảm xúc. Tình trạng này có thể xảy ra do thuốc không phù hợp với người bệnh, dùng thuốc sai liều lượng, hoặc thời gian dùng thuốc quá dài. Tất cả đều dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực lên hệ thần kinh.

cải thiện cùn mòn cảm xúc
Nếu cùn mòn cảm xúc gây ra do ảnh hưởng của thuốc chống trầm cảm, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý, không được tự tiện dừng thuốc.

Trong nhiều các trường hợp, tình trạng này có thể biến mất khi bạn ngưng thuốc, hoặc chuyển sang một loại thuốc khác phù hợp hơn. Nhưng điều này cần thực hiện theo chỉ dẫn và giám sát của bác sĩ chuyên khoa, bạn không được tự ý ngưng thuốc, thay đổi liều lượng, hay đổi sang thuốc khác mà chưa được cho phép.

Đầu tiên là nên giảm liều lượng thuốc chống trầm cảm. Liều lượng thuốc quá cao có thể gây cùn mòn cảm xúc, do thuốc tác động mạnh đến hệ thần kinh. Liều lượng thuốc càng cao khả năng cùn mòn cảm xúc càng cao, và tình trạng cũng nghiêm trọng hơn. Hãy bắt đầu với liều lượng nhẹ, sau đó theo dõi tác dụng và tăng liều một cách phù hợp để hạn chế tình trạng này.

Tiếp theo, bạn có thể ngừng thuốc chống trầm cảm nếu cảm thấy cần thiết. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng hạn chế những cảm xúc và hành vi quá khích, do đó việc thuốc có thể khiến cảm xúc con người bị tê liệt là điều dễ hiểu. Nếu tình trạng này quá nghiêm trọng, nhiều người sẽ chọn cách dừng thuốc để cảm nhận lại cảm xúc một cách bình thường.

Tuy nhiên, việc dừng thuốc ra sao, kèo dài trong bào lâu, và có những lưu ý gì cần quan tâm thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ và làm đúng hướng dẫn. Nếu không, việc dừng thuốc đột ngột không chỉ gây ra những ảnh hưởng xấu, mà còn khiến tình trạng cùn mòn cảm xúc nghiêm trọng hơn.

Nếu bắt buộc phải dùng thuốc chống trầm cảm, người bệnh có thể phải thử rất nhiều loại khác nhau để tìm được một loại thích hợp. Nếu thuốc chống trầm cảm đang sử dụng không có hiệu quả rõ rệt và gây cùn mòn cảm xúc, bạn có thể hỏi ý kiến bác sỉ để đổi sang loại khác phù hợp hơn. Hiện nay thuốc chống trầm cảm SSRI và SNRI được ghi nhận là gây ra nhiều trường hợp chai lỳ cảm xúc nhất.

2. Áp dụng các liệu pháp tư vấn tâm lý

Các liệu pháp tâm lý có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng của cùn mòn cảm xúc đến người bệnh, trong trường hợp họ bị sang chấn tâm lý, rối loạn tâm thần, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, hay lạm dụng rượu bia và chất kích thích . Thông qua những cuộc trị liệu, người bệnh có thể nhận thức được vấn đề của bản thân và thay đổi hành vi.

Trong quá trình điều trị tâm lý, các chuyên gia có thể giúp người cùn mòn cảm xúc:

  • Đối mặt với những ám ảnh, những vấn đề khó nói trong quá khứ hay hiện tại
  • Thay đổi suy nghĩ và hành vi theo hướng tích cực bằng liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)
  • Chấp nhận tình trạng của bản thân và tìm cách khắc phục
  • Trải lòng và hướng đến sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè
  • Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, hạn chế những hành vi dại dột như tự tử
  • Học cách cảm nhận lại cuộc sống, biết cách duy trì những mối quan hệ bình thường

Gia đình nên đưa người bị cùn mòn cảm xúc đến những bệnh viện lớn, hoặc những trung tâm tư vấn tâm lý uy tín, chuyên nghiệp để được hỗ trợ tốt nhất. Ngoài ra, nên theo sát những người bị cảm xúc cùn mòn trong quá trình điều trị để xem xét sự thay đổi, và ngăn cản những tình huống bất ngờ.

cải thiện cùn mòn cảm xúc
Người nhà nên đưa người bị cùn mòn đến các trung tâm tư vấn tâm lý uy tín để được tư vấn, hướng dẫn, và tìm cách cải thiện hiệu quả nhất.

Ngoài ra, cũng có một số cách khác giúp người bị cùn mòn cảm xúc cải thiện tâm trạng, và có thể thực hiện tại nhà như:

  • Học cách kích thích các giác quan nhằm gợi lại những ký ức, những cảm xúc tích cực và cải thiện tâm trạng. Người bị chai lỳ cảm xúc có thể tham khảo các chuyên gia tâm lý để biết cách kích thích giác quan chính xác và hiệu quả.
  • Tham gia các nhóm hỗ trợ và gặp gỡ những người có cùng hoàn cảnh giúp bạn cảm thấy thoải mái và đồng cảm hơn. Những chia sẻ từ người đi trước có thể cải thiện cảm xúc, mang đến động lực chữa trị, và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực.
  • Bạn cũng nên tìm một hoạt động có ích như vẽ tranh, khiêu vũ, đọc sách, vận động ngoài trời, hay bất cứ hoạt động nào có thể kích thích sự hưng phấn, nâng cao khả năng tập trung và mang đến niềm vui cho bản thân. Đây là một cách để kích thích cảm xúc, giảm ảnh hưởng của sự cùn mòn bạn đang chịu đựng.
  • Sự cùn mòn cảm xúc có thể xuất phát từ việc lạm dụng rượu bia và chất kích thích. Vì thế hãy tránh xa những yếu tố này nếu bạn không muốn tình trạng tồi tệ hơn.
  • Hãy xây dựng thói quen sống khoa học, lành mạnh bằng việc ăn ngủ đúng giờ, ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, vận động nhiều hơn, tránh thức khuya và tránh để bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng.

Cảm xúc bị cùn mòn gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và sinh hoạt cua con người. Chính vì thế những người bị cùn mòn cảm xúc nên tìm đến bác sĩ, hoặc các trung tâm tư vấn tâm lý càng sớm càng tốt để điều trị. Điều trị càng sớm thì những tác động tiêu cực của tình trạng này gây ra cho cơ thể càng nhỏ, giúp người bị ảnh hưởng nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống bình thường.

Có lẽ bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *