Chứng nhại lời (Echolalia) gây trở ngại gì cho cuộc sống

Chứng nhại lời (Echolalia) có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn nhưng đặc biệt phổ biến ở trẻ bị tự kỷ. Người mắc chứng này có xu hướng lặp lại lời nói hoặc âm thanh nghe được, đồng thời gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ với mục đích giao tiếp.

chứng nhại lời
Chứng nhại lời là tình trạng bệnh nhân thường xuyên lặp lại âm thanh hoặc lời nói nghe được

Chứng nhại lời (Echolalia) là gì?

Chứng nhại lời (Echolalia) là một dạng rối loạn mà người bệnh có xu hướng lặp lại lời nói và âm thanh mà họ nghe được. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ bị tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Người mắc chứng nhại lời sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống bởi khi được đặt câu hỏi, họ sẽ lặp lại câu hỏi của người khác thay vì đưa ra câu trả lời.

Trên thực tế, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi đang tập nói sẽ có xu hướng bắt chước lại lời nói của những người xung quanh. Trong quá trình phát triển ngôn ngữ, trẻ sẽ dần học được cách hiểu lời nói của người khác và đưa ra những câu trả lời phù hợp. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhại lời xảy ra ở trẻ lớn hơn và người trưởng thành, đây có thể là biểu hiện của chứng nhại lời.

Chứng nhại lời có thể bị nhầm lẫn với hội chứng Tourette. Tuy nhiên, người mắc hội chứng này thường sẽ nói những câu ngẫu nhiên (phát âm không chủ đích) hoặc hét lên một cách bất thường. Trong khi đó, người mắc chứng nhại lời có xu hướng nhại lại lời nói của người khác và vẫn có khả năng kiểm soát lời nói của bản thân.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Giao tiếp là yếu tố cần thiết để trẻ có thể phát triển kiến thức, tương tác với mọi người và mở rộng các mối quan hệ. Nếu gặp phải các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ (bao gồm ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết), trẻ sẽ gặp rất nhiều cản trở trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi nhận thấy trẻ có biểu hiện nhại lời, gia đình nên cho trẻ thăm khám sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết chứng nhại lời (Echolalia)

Như đã đề cập, dấu hiệu đặc trưng của chứng nhại lời là tình trạng lặp lại lời nói hoặc âm thanh mà bệnh nhân nghe được. Một số bệnh nhân sẽ có phản ứng lặp lại ngay lập tức. Tuy nhiên cũng có những trường hợp trì hoãn một thời gian (khoảng vài giờ đến vài ngày) sau đó mới lặp lại âm thanh đó.

chứng nhại lời
Do gặp trở ngại trong giao tiếp nên người mắc chứng nhại lời thường rất ít khi giao tiếp, khép kín và dễ cáu kỉnh

Nếu chú ý, gia đình có thể nhận biết sớm những dấu hiệu bất thường ở bệnh nhân. Ngoài biểu hiện lặp lại lời nói và âm thanh nghe được, người mắc chứng nhại lời còn có một số triệu chứng khác như:

  • Không thích giao tiếp
  • Dễ cáu kỉnh (đặc biệt là khi người khác đặt câu hỏi cho bản thân)
  • Tâm trạng buồn chán, đau khổ
  • Cảm thấy không thoải mái, vui vẻ khi giao tiếp
  • Một số người có biểu hiện im lặng hoàn toàn khi giao tiếp với người khác

Gia đình có thể phát hiện sớm chứng nhại lời ở những trẻ có phản ứng lặp lại ngay lập tức sau khi nghe thấy âm thanh. Những trường hợp lặp lại trì hoãn thường sẽ khó nhận biết hơn. Ở những trường hợp này, gia đình và những người xung quanh phải mất một thời gian rất dài để có thể nhận ra sự bất thường.

Phân loại chứng nhại lời

Chứng nhại lời (Echolalia) được chia thành 2 loại là Echolalia chức năng/ Echolalia tương tác và Echolalia không tương tác. Mỗi loại sẽ có những biểu hiện lâm sàng riêng biệt.

1. Echolalia tương tác

Echolalia tương tác đề cập đến tình trạng người mắc chứng nhại lời vẫn có sự tương tác khi giao tiếp với người khác. Đây là dạng có tiên lượng tốt hơn bởi người bệnh vẫn có nhu cầu giao tiếp và tương tác với những người xung quanh.

Các biểu hiện của chứng Echolalia tương tác:

  • Thường sử dụng những cụm từ thay vì một câu hoàn chỉnh.
  • Có xu hướng lặp lại những cụm từ hoặc những câu mà người khác thường nói. Chẳng hạn như bố mẹ thường khen trẻ giỏi quá khi hoàn thành nhiệm vụ, trẻ sẽ lặp đi lặp lại câu nói này ngay khi đang thực hiện nhiệm vụ được giao.
  • Không biết cách diễn đạt ý muốn của bản thân. Thay vì đặt câu hỏi rõ ràng, trẻ thường hát hoặc nói những câu có mối liên hệ đến vấn đề mà trẻ quan tâm. Chẳng hạn như thay vì hỏi mẹ trẻ có thể uống sữa hay không, trẻ sẽ hát bài hát liên quan đến sữa hoặc lặp lại đoạn quảng cáo sữa trên tivi để bày tỏ mong muốn của mình.
  • Thay vì nói câu khẳng định, trẻ thường đặt câu hỏi cho chính mình để bày tỏ mong muốn của bản thân. Tình trạng này lặp đi lặp lại khiến cho những người xung quanh dễ dàng nhận ra sự bất thường. Chẳng hạn như thay vì đề nghị mẹ cho ăn trưa, bé sẽ nói “Bé có muốn ăn trưa không?”.

Echolalia tương tác là dạng nhại lời có tiên lượng khá tốt. Bởi bệnh nhân vẫn có sự tương tác với đối phương và ít nhiều vẫn biết cách sử dụng từ ngữ với mục đích giao tiếp.

2. Echolalia không tương tác

Ngược lại với Echolalia tương tác, người mắc chứng Echolalia không tương tác gần như không có tương tác với đối phương. Lời nói của bệnh nhân không được thực hiện vì mục đích giao tiếp mà vì những mục đích cá nhân (tự động viên, nhắc nhở,…). Dạng Echolalia không tương tác sẽ dễ nhận biết hơn nhưng tiên lượng sẽ xấu hơn so với dạng còn lại.

Các dấu hiệu nhận biết chứng Echolalia không tương tác:

  • Thường xuyên lẩm bẩm những câu nói không liên quan đến hoàn cảnh hoặc tình huống hiện tại. Chẳng hạn như trẻ thường lặp lại các câu nói trong một bộ phim hoặc chương trình truyền hình khi đang ngồi trong lớp. Trong trường hợp này, lời nói của trẻ được thực hiện với mục đích nhắc nhở và tác động lên bản thân thay vì mục đích giao tiếp.
  • Bệnh nhân thường có những lời nói bộc phát trong một số tình huống nhất định. Chẳng hạn như khi nhìn thấy một sản phẩm nào đó trong cửa hàng, trẻ sẽ vô thức hát bài hát quảng cáo hoặc lẩm bẩm câu slogan của sản phẩm.
  • Có xu hướng diễn tập trước khi tương tác trực tiếp. Có nghĩa là trẻ thường tự lẩm bẩm những cụm từ hoặc câu nói vài lần, sau đó mới đáp lại đối phương bằng một giọng bình thường.
  • Thường xuyên tự lẩm bẩm quy trình thực hiện một việc nào đó. Chẳng hạn như khi rửa tay, trẻ sẽ lẩm bẩm trong đầu những cụm từ liên quan đến các bước rửa tay như “Bật vòi nước lên. Mở nước. Làm ướt tay. Lấy xà phòng. Xoa đều. Rửa sạch. Lau khô”. Trẻ sẽ liên tục lẩm bẩm cho đến khi hành động này được hoàn tất.

Một số người mắc chứng Echolalia không biết cách bộc lộ cảm xúc. Thay vì có những câu nói phù hợp với tâm trạng, trẻ thường sử dụng những câu nói đã nghe được trên tivi để bộc lộ cảm xúc của bản thân. Chẳng hạn như khi trẻ xem tivi và thấy nhân vật bộc lộ sự giận dữ bằng một câu nói nào đó. Khi trẻ tức giận, trẻ sẽ lặp lại câu nói đó với đối phương mặc dù câu nói này hoàn toàn không phù hợp với ngữ cảnh.

Nguyên nhân gây ra chứng nhại lời (Echolalia)

Hiện tượng nhại lời không phải lúc nào cũng là tình trạng bất thường. Khi bắt đầu tập nói, trẻ sẽ có biểu hiện nhại lại lời nói của những người xung quanh. Tuy nhiên khi lên 3 tuổi, tình trạng này sẽ thuyên giảm dần và biến mất hoàn toàn.

chứng nhại lời
Trẻ mắc chứng tự kỷ sẽ có nguy cơ cao phát triển chứng nhại lời – Echolalia

Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra chứng nhại lời (Echolalia). Dù vậy, qua các nghiên cứu, một số yếu tố nguy cơ đã được xác định bao gồm:

  • Mắc các dạng rối loạn phát triển thần kinh như tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý,…
  • Bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng dẫn đến rối loạn ngôn ngữ giao tiếp, thậm chí là bị câm.
  • Chấn thương đầu
  • Suy giảm trí nhớ nghiêm trọng

Chứng nhại lời có thể gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành nhưng phổ biến hơn ở trẻ nhỏ. Echolalia ở trẻ em có tiên lượng tốt hơn so với người lớn. Nếu được can thiệp kịp thời, trẻ có thể cải thiện khả năng ngôn ngữ và giảm những trở ngại trong giao tiếp cũng như cuộc sống.

Chứng nhại lời gây ra những trở ngại gì?

Trong cuộc sống, giao tiếp là một phần không thể thiếu ở bất cứ mối quan hệ nào. Giao tiếp không nhất thiết phải bằng lời nói mà có thể được thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể và chữ viết. Tuy nhiên, lời nói vẫn là phương tiện chính và được sử dụng phổ biến nhất. Do đó, bất cứ các rối loạn liên quan đến ngôn ngữ lời nói đều gây ra những cản trở đối với giao tiếp và chất lượng cuộc sống.

Người mắc chứng nhại lời (Echolalia) rất khó có thể bày tỏ mong muốn và ý nghĩ của bản thân. Thay vì bộc lộ một cách dễ dàng thông qua lời nói, người bệnh sẽ đặt những câu hỏi hoặc lẩm bẩm những cụm từ, câu nói có liên quan. Điều này khiến cho những người xung quanh không hiểu được ý muốn và không đáp ứng yêu cầu của họ.

Về lâu dài, những người mắc chứng nhại lời có thể né tránh giao tiếp bởi các cuộc giao tiếp gần như không mang lại hiệu quả. Hạn chế về giao tiếp cũng khiến trẻ chậm tiếp thu, không biết cách kết bạn và duy trì các mối quan hệ. Ngoài những ảnh hưởng đối với giao tiếp, chứng nhại lời còn gia tăng căng thẳng, trầm cảm và rối loạn lo âu.

Chẩn đoán chứng nhại lời

Chứng nhại lời cần được chẩn đoán sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời. Thông thường, chuyên gia sẽ trò chuyện với bệnh nhân để nhận ra sự bất thường trong cách giao tiếp. Sau đó, sẽ tiến hành sàng lọc những yếu tố có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh như tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, tiền sử chấn thương đầu,…

Bác sĩ sẽ trao đổi thêm với gia đình để hiểu rõ những bất thường của trẻ trong quá trình giao tiếp với những người xung quanh. Chứng Echolalia sẽ được phân loại và đánh giá mức độ để có thể tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Các phương pháp điều trị chứng nhại lời

Chứng nhại lời thường được điều trị kết hợp bằng nhiều phương pháp khác nhau để có thể mang lại hiệu quả tối ưu. Các phương pháp được cân nhắc bao gồm:

1. Liệu pháp ngôn ngữ

Liệu pháp ngôn ngữ là lựa chọn ưu tiên cho chứng nhại lời (Echolalia). Nhà trị liệu sẽ dựa vào triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải để tìm ra hướng can thiệp phù hợp. Liệu pháp ngôn ngữ bao gồm rất nhiều phương pháp và kỹ thuật. Tuy nhiên, mục tiêu chính của liệu pháp này là giúp bệnh nhân cải thiện khả năng ngôn ngữ và biết cách sử dụng ngôn ngữ với mục đích giao tiếp.

Echolalia
Liệu pháp ngôn ngữ là phương pháp có triển vọng nhất đối với chứng nhại lời (Echolalia)

Mức độ cải thiện khi trị liệu bằng liệu pháp ngôn ngữ có sự khác biệt ở từng bệnh nhân. Nếu tích cực điều trị, khả năng ngôn ngữ ít nhiều sẽ có cải thiện. Ngoài những nỗ lực từ chuyên gia trị liệu và bệnh nhân, gia đình cũng nên hỗ trợ để quá trình trị liệu mang lại kết quả khả quan nhất.

2. Sử dụng thuốc

Chứng nhại lời (Echolalia) có thể khiến cho bệnh nhân bị căng thẳng, lo âu, trầm cảm,… Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc cho bệnh nhân dùng một số loại thuốc để cải thiện tâm trạng. Thuốc không giúp điều trị chứng Echolalia nhưng sẽ giúp bệnh nhân ổn định tâm trạng và cởi mở hơn khi trị liệu ngôn ngữ.

Các loại thuốc có thể được sử dụng cho chứng nhại lời (Echolalia):

Thuốc được xem là biện pháp hỗ trợ bên cạnh phương pháp chính là trị liệu ngôn ngữ. Do đó, thuốc thường sẽ được dùng trong thời gian ngắn để hạn chế tối đa tác dụng phụ.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Ngoài các phương pháp chính, gia đình có thể giúp bệnh nhân mắc chứng nhại lời cải thiện ngôn ngữ bằng một số biện pháp hỗ trợ. Gia đình có thể nghiên cứu các phương pháp hỗ trợ để giáo dục trẻ ngay tại nhà hoặc có thể cho trẻ đến các trung tâm âm ngữ trị liệu.

Các biện pháp hỗ trợ đặc biệt có hiệu quả với trẻ bị tự kỷ. Mặc dù việc giáo dục trẻ sẽ có không ít khó khăn nhưng nhìn chung, vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng. Những trường hợp có sự hỗ trợ tích cực từ gia đình sẽ có đáp ứng tốt, khả năng ngôn ngữ được cải thiện đáng kể và trẻ bắt đầu có thể sử dụng ngôn ngữ đúng với mục đích.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Chứng nhại lời (Echolalia) gây ra rất nhiều trở ngại trong cuộc sống. Nhận biết và điều trị sớm chính là giải pháp duy nhất có thể cải thiện triệu chứng, giúp bệnh nhân phát triển khả năng ngôn ngữ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối với những trường hợp bị tự kỷ, gia đình nên có các biện pháp kết hợp để giúp trẻ phát triển toàn diện các khía cạnh từ ngôn ngữ đến tư duy, hành vi, cảm xúc,…

Tham khảo thêm:

5/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *