Chứng ăn cắp vặt (Kleptomania): Là bệnh hay tật xấu?

Chứng ăn cắp vặt (Kleptomania) đã được công nhận là rối loạn tâm thần chính thức. Hội chứng này là vấn đề sức khỏe cần được thăm khám và điều trị chứ không đơn thuần là hành vi trộm cắp vì lợi ích cá nhân.

hội chứng ăn cắp vặt
Trong một số trường hợp, ăn cắp vặt là biểu hiện của bệnh tâm thần hay cụ thể hơn là hội chứng ăn cắp vặt (Kleptomania)

Chứng ăn cắp vặt (Kleptomania) là gì?

Ăn cắp là hành vi sai trái, không được chấp nhận về mặt luật pháp và chuẩn mực đạo đức. Hành vi ăn cắp thông thường được điều khiển bởi nhận thức và mục đích sâu xa là chiếm đoạt tài sản và những vật dụng có giá trị. Tuy nhiên, hành vi này khác hoàn toàn với hội chứng ăn cắp vặt hay còn được biết đến với thuật ngữ “Kleptomania”.

Chứng ăn cắp vặt (Kleptomania) đặc trưng bởi ý muốn ăn cắp không thể cưỡng lại. Người mắc chứng bệnh này ý thức được mức độ sai trái của hành vi nhưng liên tục có cảm giác thôi thúc dẫn đến việc lặp đi lặp lại hành vi trộm cắp. Sau khi thực hiện hành vi này, người bệnh sẽ cảm thấy sự căng thẳng, bức bối được giải tỏa và thậm chí một số người còn cảm thấy phấn khích. Tuy nhiên, sau đó không lâu người bệnh sẽ cảm thấy xấu hổ và đau khổ về hành vi của mình.

Kleptomania là hội chứng tâm lý hiếm gặp với tỷ lệ mắc bệnh dao động khoảng 0.3 – 0.6% dân số thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, con số thực tế có thể nhiều hơn vì rất nhiều người không biết đến hội chứng ăn cắp vặt. Hội chứng này xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn vị thành niên với nguy cơ cao hơn ở nữ giới.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Chứng ăn cắp vặt được xếp vào nhóm rối loạn kiểm soát xung động (là tình trạng liên tục có các suy nghĩ và ý muốn thôi thúc phải làm điều gì đó nhưng bản thân không thể nào kiểm soát được). Ngoài hành vi ăn cắp, một số người còn có các hành vi sai lệch như mua sắm quá độ, hoạt động tình dục quá mức, nghiện cờ bạc và ăn uống không kiểm soát.

Ăn cắp là hành vi vi phạm pháp luật. Người mắc chứng Kleptomania chủ yếu ăn cắp những vật dụng có giá trị thấp nhưng hành vi này vẫn bị cộng đồng lên án. Do đó, nếu không điều trị, người bệnh phải đối mặt với các vấn đề pháp lý. Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị chính thức cho hội chứng ăn cắp vặt nhưng can thiệp một số phương pháp trị liệu có thể chấm dứt hành vi sai trái này.

Nhận biết hội chứng ăn cắp vặt

Chứng ăn cắp vặt (ăn cắp bệnh lý) khác hoàn toàn so với hành vi trộm cắp thông thường. Hội chứng này đặc trưng bởi các triệu chứng sau đây:

Kleptomania là gì
Người mắc chứng Kleptomania thường ăn cắp những đồ vật có giá trị thấp và bản thân không cần đến
  • Liên tục xuất hiện ý nghĩ ăn cắp vặt và những suy nghĩ này thôi thúc người bệnh thực hiện hành vi sai trái. Mặc dù ý thức được hành vi ăn cắp là không đúng nhưng người bệnh không thể cưỡng lại ý muốn thôi thúc.
  • Cảm giác thôi thúc sẽ gây ra sự căng thẳng và khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, sau khi thực hiện hành vi ăn cắp, bệnh nhân sẽ cảm thấy lo lắng và căng thẳng được giải phóng. Thậm chí, một số người cảm thấy nhẹ nhõm, hài lòng và đôi khi là thích thú.
  • Tuy nhiên, sau cảm giác nhẹ nhõm, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái xấu hổ, tội lỗi và hối hận về hành vi của mình. Cảm giác này khiến người bệnh liên tục nghĩ về hành vi sai trái và chìm đắm trong cảm giác đau khổ, phiền muộn.
  • Hành vi ăn cắp của người mắc chứng Kleptomania không xuất phát từ lợi ích cá nhân. Những vật dụng mà bệnh nhân ăn cắp thường có giá trị thấp và cũng không phải là những vật dụng cần thiết. Người bệnh hoàn toàn có khả năng mua các vật dụng này nhưng họ chọn cách ăn cắp vì hành vi ăn này mang lại cảm giác thoải mái và nhẹ nhõm.
  • Các món đồ ăn cắp thường sẽ không được sử dụng đến. Người bệnh có thể cho bạn bè, người thân những đồ vật này hoặc có thể trả lại nơi đã lấy.
  • Khác với hành vi trộm cắp thông thường, người mắc chứng Kleptomania thường bộc phát hành vi trộm cắp một cách bất ngờ mà không hề lên kế hoạch trước đó. Cảm giác thôi thúc xuất hiện liên tục khiến người bệnh không thể cưỡng lại và bắt buộc phải thực hiện hành vi trộm cắp mới có thể giải tỏa sự bức bối, căng thẳng.
  • Người mắc hội chứng ăn cắp vặt thường chỉ ăn cắp ở cửa hàng, siêu thị,… Tuy nhiên, cũng có những người ăn cắp đồ dùng của bạn bè và người thân.

Người mắc hội chứng ăn cắp vặt (Kleptomania) ý thức được hành vi sai trái của mình nhưng không thể chống lại sự thôi thúc mạnh mẽ. Điều này khiến cho người bệnh luôn phải sống trong đau khổ, dằn vặt và tội lỗi. Nếu không được thăm khám và can thiệp trị liệu kịp thời, nhiều khả năng bệnh nhân sẽ phải đối mặt với chứng trầm cảm và nhiều vấn đề tâm lý khác.

Nguyên nhân gây ra hội chứng ăn cắp vặt

Các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra hội chứng ăn cắp vặt. Hội chứng này được xếp vào nhóm rối loạn kiểm soát xung động nên các chuyên gia cho rằng, di truyền và bất thường trong não bộ là nguyên nhân chính dẫn đến chứng Kleptomania.

Kleptomania là gì
Mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng ăn cắp vặt

Các nguyên nhân, yếu tố có liên quan đến hội chứng ăn cắp vặt:

  • Rối loạn chức năng của thùy trán: Thùy trán là một phần của vỏ não với chức năng chính là chi phối khả năng chuyển động mắt, cơ thể, ngôn ngữ, hình thành nhân cách và kiểm soát sự chú ý. Rối loạn chức năng của cơ quan này khiến cho một số người không thể kiểm soát xung động và dẫn đến việc phải thực hiện các hành vi theo ý muốn thúc giục. Các chuyên gia cũng nhận thấy, phần lớn người mắc chứng Kleptomania bị rối loạn chức năng ở thùy trán.
  • Rối loạn chất dẫn truyền thần kinh: Ngoài rối loạn chức năng ở thùy trán, chứng ăn cắp vặt cũng có liên quan đến rối loạn nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine. Mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh có thể liên quan đến việc luôn suy nghĩ đến hành vi trộm cắp và cảm thấy nhẹ nhõm sau khi thực hiện hành vi này.
  • Sang chấn tâm lý nghiêm trọng: Một số chuyên gia tin rằng, sang chấn tâm lý nghiêm trọng có thể làm mất cân bằng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh. Ngoài ra, một số người có thể xem hành vi trộm cắp là cách để giải tỏa cảm xúc. Đây cũng là lý do nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm, thậm chí là phấn khích sau khi ăn cắp vặt.
  • Tìm kiếm sự chú ý: Một số người thực hiện hành vi ăn cắp chỉ vì muốn tìm kiếm sự chú ý từ mọi người. Những người này thường bị bỏ rơi và lạm dụng ngay từ khi còn nhỏ. Do đó, họ luôn muốn nhận được sự quan tâm, chú ý ngay cả khi phải thực hiện các hành vi sai trái.
  • Di truyền: Rối loạn kiểm soát xung động nói chung và chứng ăn cắp vặt nói riêng có khả năng di truyền cao. Nếu gia đình có người mắc chứng bệnh này, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên đáng kể.
  • Đặc điểm nhân cách: Một nghiên cứu được thực hiện gần đây cho thấy, 73% người mắc chứng ăn cắp vặt bị rối loạn nhân cách ái kỷ. Số còn lại bị rối loạn nhân cách kịch tính và rối loạn nhân cách hoang tưởng. Điều này cho thấy nhân cách méo mó, bất thường là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng ăn cắp vặt.
  • Ảnh hưởng của các vấn đề tâm lý khác: Hội chứng ăn cắp vặt hiếm khi xảy ra độc lập mà thường đi kèm với các vấn đề tâm lý khác. Chẳng hạn như rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu chia ly, rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn kiểm soát xung động khác. Ngoài ra, rối loạn tâm thần do rượu bia cũng có liên quan đến hội chứng này.

Ảnh hưởng của chứng ăn cắp vặt

Chứng ăn cắp vặt (Kleptomania) gây ra rất nhiều phiền toái cho người bệnh. Người mắc hội chứng này thường bộc phát hành vi ăn cắp một cách bất ngờ do không cưỡng lại được cảm giác thôi thúc. Vì không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên đa phần hành vi trộm cắp đều bị phát giác.

Người mắc chứng Kleptomania thường trộm những đồ vật có giá trị thấp hoặc thậm chí là không có giá trị nên ít bị kết án hình sự. Tuy nhiên, ăn cắp vặt cũng khiến người bệnh liên tục dính líu đến luật pháp và chịu sự chỉ trích, dè bỉu từ những người xung quanh. Người bệnh có thể phải nhận án treo và phải bồi thường sau những vụ kiện có liên quan đến hành vi trộm cắp.

Kleptomania là gì
Người mắc hội chứng ăn cắp vặt phải đối mặt với nhiều phiền toái do hành vi sai trái của bản thân

Ngoài ra, chứng ăn cắp vặt cũng khiến cho bệnh nhân mâu thuẫn với gia đình, bạn bè và bạn đời. Những người xung quanh khó có thể đồng cảm cho hành vi sai trái, do đó họ sẽ chọn cách cắt đứt liên hệ với người bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ phải sống cô độc và đánh mất tất cả các mối quan hệ thân thiết.

Sau cảm giác thỏa mãn, người bệnh sẽ phải sống trong sự dằn vặt, đau khổ và tội lỗi về hành vi sai trái của mình. Thậm chí, một số người cảm thấy ghê tởm chính bản thân nhưng không thể nào cưỡng lại cảm giác thôi thúc. Tình trạng này lặp đi lặp lại khiến cho tinh thần trở nên bức bối, căng thẳng và đôi khi có thể phát triển thành trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lưỡng cực,…

Người mắc chứng ăn cắp vặt có thể phát triển các rối loạn kiểm soát xung động khác như quan hệ tình dục phóng túng, mua sắm quá mức, đua xe và nghiện bài bạc. Ngoài ra, hội chứng này cũng làm gia tăng nguy cơ nghiện rượu bia, ma túy, rối loạn ăn uống và làm biến đổi nhân cách. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi cảm giác tội lỗi, đau khổ.

Chẩn đoán hội chứng ăn cắp vặt

Hội chứng ăn cắp vặt thường bị nhầm lẫn là triệu chứng của rối loạn hành vi và rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Người mắc các chứng bệnh này thường xuyên có các hành vi trộm cắp, thao túng và lừa gạt nhưng mục đích là vì lợi ích cá nhân. Trong khi đó, hành vi trộm cắp của người mắc chứng Kleptomania chỉ là hành vi bộc phát do không thể cưỡng lại ý muốn thôi thúc.

Chứng ăn cắp vặt (Kleptomania) thường sẽ xảy ra đồng thời với nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần. Chính vì vậy, quá trình chẩn đoán sẽ mất khá nhiều thời gian. Các kỹ thuật được sử dụng trong chẩn đoán hội chứng ăn cắp vặt:

  • Khám sức khỏe tổng quát
  • MRI não bộ
  • Trắc nghiệm tâm lý
  • Khai thác tiền sử cá nhân, gia đình, hỏi bệnh

Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác như X – quang, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu,… Tương tự như các vấn đề tâm lý khác, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5) để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Các phương pháp điều trị hội chứng ăn cắp vặt

Hầu hết mọi người đều không hề biết đến hội chứng ăn cắp vặt (Kleptomania). Do đó, người bệnh hiếm khi được thấu hiểu và đồng cảm – ngay cả khi chủ động chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản thân. Khó khăn lớn nhất trong quá trình điều trị hội chứng này là bệnh nhân gần như phải đối mặt một mình. Bởi những người xung quanh đều có định kiến sâu sắc với những hành vi ăn cắp vặt của người bệnh.

Hội chứng Kleptomania thường được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần có các biện pháp tự cải thiện để có thể cưỡng lại ý muốn ăn cắp vặt.

1. Sử dụng thuốc

Thuốc có thể được xem xét sử dụng trong một số trường hợp mắc hội chứng ăn cắp vặt. Bởi người mắc chứng bệnh này thường sẽ phải đối mặt với đau khổ, muộn phiền và căng thẳng dai dẳng. Trong trường hợp này, thuốc sẽ được sử dụng để nâng cao tâm trạng và giảm cảm giác thôi thúc thực hiện hành vi trộm cắp.

Kleptomania là gì
Một số loại thuốc có thể được xem xét dùng cho bệnh nhân mắc hội chứng ăn cắp vặt như thuốc đối kháng opiate, thuốc chống trầm cảm,…

Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân bị chứng Kleptomania:

  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng cho người mắc hội chứng ăn cắp vặt. Trong đó, chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất. Nhóm thuốc này có tác dụng cải thiện tình trạng phiền muộn, đau khổ do hội chứng ăn cắp vặt gây ra.
  • Thuốc đối kháng opiate: Thuốc đối kháng opiate (Naltrexone) có thể được sử dụng để điều trị chứng ăn cắp vặt. Một số nghiên cứu cho thấy, loại thuốc này có thể làm giảm ý muốn thôi thúc và giảm cảm giác thỏa mãn, hài lòng sau khi thực hiện hành vi ăn cắp. Tuy nhiên, thuốc đối kháng opiate tiềm ẩn không ít rủi ro nên chỉ được sử dụng trong những trường hợp thật sự cần thiết.

Ngoài hai loại thuốc trên, bác sĩ có thể xem xét sử dụng một số loại thuốc khác như thuốc an thần và thuốc chẹn beta. Sử dụng thuốc chỉ mang lại những lợi ích ngắn hạn. Do đó, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ và lợi ích mang lại trước khi chỉ định cho bệnh nhân.

2. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là phương pháp chính đối với chứng ăn cắp vặt. Phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân hiểu được vì sao bản thân không thể cưỡng lại ý muốn thôi thúc, đồng thời học được cách giải tỏa căng thẳng một cách lành mạnh. Trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả tốt trong hầu hết các trường hợp mắc chứng ăn cắp vặt. Tuy nhiên, một số bệnh nhân sẽ phải dùng đồng thời với thuốc để đảm bảo mang lại kết quả khả quan nhất.

Hiện nay, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là phương pháp tâm lý được áp dụng phổ biến nhất. Phương pháp này tập trung vào việc thay đổi những suy nghĩ, hành vi không phù hợp. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng sẽ củng cố nhận thức của người bệnh về mức độ nghiêm trọng của các hành vi trộm cắp để ngăn chặn tình trạng tái diễn.

Kleptomania là gì
Trị liệu tâm lý là phương pháp chính trong điều trị hội chứng ăn cắp vặt

Trong liệu pháp nhận thức hành vi, chuyên gia sẽ hướng dẫn người bệnh cách giải tỏa căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực. Lâu dần, người bệnh có thể duy trì lối sống lành mạnh và chấm dứt các hành vi trộm cắp. Ngoài ra, trị liệu tâm lý cũng có hiệu quả trong việc kiểm soát các rối loạn tâm lý, tâm thần đi kèm như trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn lưỡng cực,…

3. Các biện pháp tự cải thiện

Trị liệu tâm lý và dùng thuốc có thể kiểm soát hành vi trộm cắp có liên quan đến chứng Kleptomania. Tuy nhiên, chứng bệnh này có nguy cơ tái phát khi gặp phải căng thẳng hoặc sang chấn tâm lý. Do đó, người bệnh cần củng cố hiệu quả của các phương pháp y tế bằng cách chăm sóc đúng cách.

Các biện pháp tự cải thiện hội chứng ăn cắp vặt:

  • Bệnh nhân nên chủ động tìm hiểu về chứng Kleptomania để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe mà bản thân đang phải đối mặt. Khi nắm bắt được bản chất của hội chứng này, người bệnh sẽ giảm bớt sự đau khổ và hiểu rõ vì sao bản thân không thể chống lại ý muốn thôi thúc.
  • Trong thời gian điều trị, nên hạn chế đến những nơi có thể bộc phát hành vi trộm cắp như siêu thị, cửa hàng mỹ phẩm, nhà thuốc,…
  • Tránh xa bia rượu, thuốc lá và chất kích thích. Bởi những thói quen này sẽ làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các vấn đề tâm lý và tạo nên vòng tròn luẩn quẩn, không lối thoát.
  • Học cách kiểm soát căng thẳng để hạn chế ý muốn trộm cắp. Các biện pháp thư giãn hiệu quả mà bệnh nhân có thể áp dụng bao gồm ngồi thiền, hít thở sâu, tập thái cực quyền, yoga, uống trà thảo mộc, xoa bóp cơ thể, liệu pháp mùi hương,…
  • Nên chia sẻ với người thân, bạn bè về tình trạng sức khỏe của bản thân để được hỗ trợ và giúp đỡ.
  • Có thể tham gia các hội nhóm của những người bị rối loạn kiểm soát xung động hoặc những người bị chứng ăn cắp vặt. Kinh nghiệm từ mọi người sẽ giúp người bệnh quản lý và kiểm soát hội chứng này một cách hiệu quả hơn.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Chứng ăn cắp vặt (Kleptomania) là một trong những rối loạn kiểm soát xung động hiếm gặp. Chứng bệnh này gây ra rất nhiều phiền toái cho bệnh nhân ở hầu hết các khía cạnh từ học tập, nghề nghiệp đến các mối quan hệ. Nếu nghi ngờ mắc hội chứng Kleptomania, bệnh nhân nên liên hệ sớm với bác sĩ chuyên khoa để được điều trị.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *