Nomophobia: Hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người

Với thời đại công nghệ 4.0, hiện nay có khoảng hơn 91% dân số trên toàn cầu sử dụng smartphone với nhiều mục đích khác nhau. Kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng người mắc phải hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người và gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với đời sống của mỗi chúng ta. 

Hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người
Hội chứng Nomophobia – “căn bệnh” đáng sợ với chiếc điện thoại.

Thế nào là hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người (Nomophobia)?

Thời đại 4.0 hiện nay, chiếc điện thoại được xem là một trong những vật bất ly thân của cuộc sống mỗi chúng ta. Không thể phủ nhận được những đóng góp vô cùng to lớn của chiếc smartphone đối với cuộc sống của con người. Tuy nhiên, nó cũng chính là một trong các thiết bị mang đến nhiều phiền toái, đặc biệt là làm phát triển số người mắc phải hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người hay còn được gọi là Nomophobia.

Đây là một thuật ngữ được sử dụng từ năm 2010 sau một cuộc khảo sát được tiến hành bởi Bưu điện Anh – Ủy ban YouGov. Kết quả nhận thấy rằng, có đến khoảng 53% các trường hợp sử dụng điện thoại thông minh cảm thấy vô cùng lo lắng, bất an hoặc thậm chí là thiếu đi sự an toàn khi điện thoại hết pin, mất điện thoại, điện thoại hư hoặc nằm ngoài vùng phủ sóng. Trong số đó có khoảng 58% là nam giới và 47% là nữ giới có biểu hiện lo lắng, sợ hãi quá mức khi chiếc điện thoại yêu dấu bị tắt nguồn.

Theo đó, các chuyên gia tâm lý cho biết rằng, hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên cạnh được xem như một dạng rối loạn tâm lý vô cùng phổ biến. Những người mắc phải chứng bệnh này sẽ vô cùng lo lắng, nỗi sợ có thể xâm chiếm cả tâm trí của họ khi họ không được sử dụng hoặc nhìn thấy chiếc điện thoại của mình.

Mặc dù trong thực tế, khi mất chiếc điện thoại hoặc không thể sử dụng điện thoại trong một vài tình huống bạn cũng sẽ khó tránh khỏi việc lo lắng, bất an. Cũng bởi trong điện thoại lưu trữ rất nhiều các thông tin, dữ kiện quan trọng và riêng tư, bạn có thể lo sợ chúng bị phát tán, rò rỉ ra bên ngoài hoặc các tài khoản ngân hàng dễ bị lạm dụng. Tuy nhiên, đối với những người bị hội chứng Nomophobia thì nỗi lo sợ này kéo dài dai dẳng và biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng hơn, họ cảm thấy sợ hãi, bất an khi không có chiếc điện thoại bên cạnh, dù trong bất kì tình huống nào.

Sau khi cuộc khảo sát trên được công bố rộng rãi thì các cuộc nghiên cứu khác cũng bắt đầu được thực hiện, các nhà nghiên cứu tiến hành tìm hiểu sâu hơn về hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người. Những cuộc khảo sát được thực hiện một cách liên tục và nhận thấy số lượng người bị Nomophobia đang có xu hướng gia tăng đáng kể trong những năm trở lại đây.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Các giáo sư Trường đại học Purdue – Ấn Độ cũng đã cùng nhau thực hiện một cuộc nghiên cứu và nhận thấy rằng có đến 89% các em sinh viên phụ thuộc quá nhiều vào chiếc điện thoại và cảm thấy lo lắng, bồn chồn khi điện thoại không có bất kì thông báo, cuộc gọi hay tin nhắn. Các chuyên gia còn khẳng định rằng, hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người là một hội chứng của giới trẻ và đang có xu hướng trẻ hóa theo từng ngày.

Tại các trường đại học, tỉ lệ sinh viên mắc phải hội chứng này càng tăng cao với đặc trưng là sự ám ảnh dữ dội về việc không có chiếc điện thoại bên người hoặc điện thoại rơi vào trạng thái hết pin, mất sóng, không kết nối mạng. Theo kết quả nghiên cứu nhận thấy rằng, cứ trong 2 người mắc hội chứng Nomophobia thì sẽ có hơn 1 người không bao giờ tắt điện thoại và luôn mang nó bên mình dù ở bất kì hoàn cảnh nào.

Tuy rằng, hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người chưa được xuất hiện trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê Rối loạn tâm thần DSM-V nhưng nó được xem như một dạng của ám ảnh cụ thể dựa trên các định nghĩa đã được nêu trong cẩm nang. Đối tượng có nguy cơ cao mắc phải hội chứng này đó chính là những người quá hướng nội, họ muốn tìm kiếm một cuộc sống trong thế giới ảo. Tuy nhiên, một số trường hợp hướng ngoại, do thích sử dụng điện thoại quá mức, “nghiện” phô diễn bản thân và tìm kiếm các mối quan hệ ảo cũng có thể mắc chứng Nomophobia.

Dấu hiệu nhận biết của hội chứng Nomophobia

Dấu hiệu đặc trưng nhất của những người mắc hội chứng Nomophobia đó chính là trạng thái lo lắng, bồn chồn, bất an quá mức khi thiếu vắng chiếc điện thoại bên cạnh. Các biểu hiện này cũng tương đồng với những triệu chứng của hội chứng sợ, ám ảnh cụ thể nào đó.

Hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người
Người mắc chứng Nomophobia luôn cảm thấy lo lắng quá mức khi thiếu vắng chiếc điện thoại thông minh

Để nhận biết được một người đang mắc chứng Nomophobia, bạn có thể dựa vào các biểu hiện sau đây:

  • Luôn cảm thấy lo lắng, hoảng sợ khi không nhìn thấy hoặc không tìm được chiếc điện thoại của mình.
  • Luôn thường trực nỗi lo sợ, hoang mang về việc nếu không có chiếc điện thoại bên người hoặc lo lắng về việc điện thoại sẽ hết pin, nằm ngoài vùng phủ sóng, không có wifi,…
  • Một số người trở nên hoảng loạn, kích động quá mức khi không được sử dụng điện thoại trong một thời gian.
  • Liên tục kiểm tra điện thoại dù ở bất kì hoàn cảnh nào (trong cuộc họp, thi cử, những nơi cấm sử dụng điện thoại)
  • Ngoài ra, người mắc hội chứng lo sợ không có điện thoại bên người còn có thể gặp phải các triệu chứng về thể chất như tim đập nhanh liên hồi, gia tăng tiết mồ hôi, run rẩy, khó thở, thở gấp, thở nông, chóng mặt, buồn nôn, choáng vàng, tức ngực, ngất xỉu.

Những người mắc phải hội chứng Nomophobia sẽ luôn cố gắng giữ điện thoại bên cạnh để chắc chắn rằng họ có thể sử dụng điện thoại vào bất cứ lúc nào mà mình muốn. Một vài hành vi thường gặp ở người bị hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên cạnh như:

  • Luôn giữ điện thoại 24/7, kể cả khi ngủ, đi vệ sinh, ăn cơm, tắm rửa.
  • Luôn mang theo dây sạc, sạc dự phòng để tránh tình trạng hết pin điện thoại.
  • Dành rất nhiều thời gian trong ngày để sử dụng điện thoại.
  • Liên tục kiểm tra xem điện thoại có đang bên cạnh mình hay không.
  • Bạn không thể ra khỏi nhà nếu không có chiếc điện thoại bên người.
  • Sạc pin điện thoại ngay cả khi nó vẫn chưa hết pin hoặc thậm chí còn đầy.
  • Thà mất đi một ngón tay còn hơn là phải rời xa chiếc điện thoại.
  • Liên tục cập nhật trạng thái trên các trang mạng xã hội mà không quan tâm đến việc giao tiếp thực tế.

Nguyên nhân gây ra hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người

Hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người là một chứng rối loạn tâm lý mới được phát hiện gần đây nhưng tỉ lệ người mắc phải cực cao. Tuy nhiên, về nguyên nhân gây ra các triệu chứng bệnh vẫn chưa được xác định một cách cụ thể và rõ ràng. Các nhà khoa học cũng chỉ mới chỉ ra được một vài yếu tố có khả năng làm khởi phát Nomophobia như:

Hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người
Hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người có thể xuất phát từ sự ảnh hưởng của gia đình.
  • Do nỗi sợ bị cô lập: Có thể thấy rằng, ngày nay hầu hết con người đều sử dụng điện thoại, các thiết bị thông minh để liên hệ, tương tác, trao đổi với nhau về cả cuộc sống lẫn công việc. Điều này khiến cho việc giao tiếp thực tế trở nên ít hơn, con người dần chỉ quan tâm đến các mối quan hệ ảo trên các trang mạng xã hội. Rất nhiều người có thể dành hàng giờ đồng hồ để kết bạn, nói chuyện với những người chưa từng quen biết trên mạng, mọi thông tin, hoạt động của họ đều được đăng tải và cập nhật trên đó. Chính vì thế, việc không có một chiếc điện thoại thông minh bên cạnh đôi khi trở thành một sự cản trở khiến cho nhiều người cảm thấy bất an, lo sợ mình sẽ bị mọi người lãng quên, cô lập.
  • Phụ thuộc nhiều vào công nghệ: Hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người có thể liên quan đến việc quá phụ thuộc vào công nghệ và những thiết bị điện tử. Hiện nay, điện thoại không chỉ đơn thuần là phương tiện để liên lạc với nhau mà nó còn là thiết bị lưu trữ nhiều thông tin, dữ kiện và có được rất nhiều các tính năng tiện ích đối với con người. Chỉ cần có chiếc điện thoại trong tay, bạn dường như có thể nắm được hầu hết mọi thông tin trên thế giới, có thể liên lạc mọi lúc mọi nơi, ghi chép các vấn đề cần thiết, giao dịch thoải mái,…Chính vì thế mà không ít người dần trở nên phụ thuộc vào nó, họ sẽ vô cùng cảm thấy bất an, lo sợ khi không có chiếc điện thoại bên người.
  • Ảnh hưởng từ gia đình, người thân: Hội chứng Nomophobia cũng có nhiều khả năng liên quan đến yếu tố gia đình. Nếu người thân thiết như cha mẹ, anh chị em trong nhà có biểu hiện nghiện điện thoại một cách thái quá thì những thành viên khác cũng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng và thực hiện theo hành vi đó. Đặc biệt là trẻ nhỏ, khi thấy người lớn liên tục sử dụng điện thoại thì trẻ cũng sẽ dễ hình thành theo thói quen đó.
  • Sang chấn tâm lý có liên quan đến điện thoại: Dựa vào kết quả của một số nghiên cứu nhận thấy, hội chứng lo sợ không có điện thoại bên người có thể xuất phát từ việc đã từng trải qua các sang chấn tâm lý có liên quan đến điện thoại, chẳng hạn như bị giật điện thoại, điện thoại không liên lạc được, bỏ lỡ công việc vì không nhận được email, không nghe điện thoại khi người thân gặp tai nạn,…

Theo đó, hội chứng Nomophobia đang có xu hướng càng trẻ hóa dần và thường xuất hiện ở thanh thiếu niên, người trẻ tuổi. Cũng bởi đây là những đối tượng thường xuyên tiếp cận nhiều với công nghệ, nắm bắt xu hướng, có nhiều cơ hội tiếp xúc với điện thoại,…

Hội chứng Nomophobia gây nên những ảnh hưởng gì?

Như đã nói, hiện nay, hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người – Nomophobia vẫn chưa được công nhận chính thức là một dạng rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, không thể nào phủ định sự ảnh hưởng to lớn của nó đối với sức khỏe, công việc và chất lượng cuộc sống của con người. Tuy rằng điện thoại là một trong các phương tiện hữu ích, mang đến nhiều điều tiện lợi cho chúng ta nhưng nếu bạn lạm dụng nó quá mức hoặc phụ thuộc vào nhiều vào nó thì sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực.

1. Nomophobia khiến bạn mất ngủ

Tạp chí Journal từng có một cuộc khảo sát vào năm 2020 được tiến hành trên 327 sinh viên về sự ảnh hưởng của chiếc điện thoại đối với cuộc sống của họ. Kết quả nhận thấy rằng, có đến gần 300 sinh viên (tỉ lệ chiếm gần 90%) chia sẻ rằng bản thân cảm thấy lo sợ, bất an khi không có chiếc điện thoại bên cạnh. Đồng thời, chất lượng giấc ngủ của các sinh viên này cũng không được đảm bảo tốt, thường xuyên bị gián đoạn, ngủ không sâu giấc, mất ngủ liên tục.

Từ đó các nhà nghiên cứu này cùng với phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Hendrix ở Conway, Jennifer Peszka đã tìm hiểu và lý giải cụ thể, việc nhiều người Nomophobia bị mất ngủ có thể là do thói quen thường xuyên kiểm tra thông báo, tin nhắn trên điện thoại. Liên tục bấm điện thoại trước khi đi ngủ sẽ khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, khi đã tắt đèn chuẩn bị đi ngủ, họ vẫn có thể tiếp tục lướt điện thoại thêm nhiều giờ liền, khiến giấc ngủ không được đảm bảo. Hoặc trong lúc ngủ vẫn để chuông điện thoại, làm giấc ngủ bị gián đoạn, ngủ không yên giấc.

2. Căng thẳng

Nếu hội chứng Nomophobia cứ liên tục kéo dài và không có biện pháp khắc phục tốt thì bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái stress, căng thẳng quá mức, rối loạn lo âu, trầm cảm. Việc lo lắng, sợ hãi, bất an về chiếc điện thoại sẽ khiến cho đầu óc bạn không thể nào thư giãn, luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng khi suy nghĩ về điều này.

Hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người
Hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người khiến nhiều người luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.

3. Ảnh hưởng đến công việc

Khi tâm trí luôn hướng đến chiếc điện thoại và cảm thấy bất an về nó thì chắc chắn rằng bạn không thể nào tập trung và hoàn thành tốt các công việc bên ngoài. Dù là những việc đơn giản bạn cũng sẽ khó có thể hoàn thành tốt. Dường như bạn dành quá nhiều thời gian cho chiếc điện thoại của mình và quên đi những nhiệm vụ khác của bản thân.

Nhiều người chỉ dán mắt vào điện thoại mà không quan tâm đến chuyện học tập, công việc nào xung quanh. Điều này khiến cho chất lượng công việc của họ bị giảm sút trầm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà đôi khi còn gây ra nhiều hệ lụy cho cả tập thể, cả công ty.

4. Dễ làm rạn nứt các mối quan hệ

Những người mắc hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người thường chỉ chú tâm vào những mối quan hệ “ảo” trên các trang mạng xã hội. Họ dường như không còn quan tâm đến đời sống thực tại, không màn để tâm đến những người xung quanh. Họ có thể giam mình trong nhà với chiếc điện thoại hàng giờ hoặc từ ngày này qua ngày khác mà không gặp gỡ bạn bè, người thân. Điều này dần khiến họ mất dần sự tương tác với xã hội, các mối quan hệ đời sống cũng sẽ trở nên nhạt dần và rạn nứt.

5. Mất khả năng giao tiếp

Trong thực tế, những người mắc hội chứng Nomophobia thường sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện qua tin nhắn, email hoặc nói chuyện với nhau qua điện thoại. Lâu dần họ cũng sẽ mất đi khả năng giao tiếp ngoài đời thực, không biết cách để trao đổi thông tin, trò chuyện, chia sẻ trực tiếp với những người xung quanh. Đôi khi với những người thân trong gia đình, họ cũng sẽ sử dụng điện thoại để nói chuyện, chia sẻ thông tin với nhau. Điều này gây ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, ý muốn của bản thân với người xung quanh.

6. Ảnh hưởng đến sức khỏe

Hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người còn có nhiều khả năng tác động tiêu cực đối với sức khỏe của con người. Khi bị Nomophobia, nhiều người sẽ liên tục cảm thấy lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi vì những vấn đề xoay quanh chiếc điện thoại. Lâu dần cơ thể họ sẽ bị suy kiệt về sức khỏe, khả năng hấp thụ dinh dưỡng cũng bị suy yếu, từ đó dễ sinh ra những triệu chứng như thường xuyên đau đầu, uể oải, mất năng lượng,….Bên cạnh đó, việc sử dụng điện thoại liên tục sẽ khiến cho thị lực bị giảm, gây nên tình trạng đau vai gáy,…

Phương pháp chẩn đoán hội chứng Nomophobia

Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần Hoa Kỳ DSM-5 và ICD-10 hiện vẫn chưa đề cập về hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người – Nomophobia nên không thể dựa vào các tiêu chí này để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cũng sẽ tiếp nhận và đánh giá về các triệu chứng bất thường để đưa ra liệu pháp cải thiện hiệu quả nhất cho từng trường hợp khác nhau.

Nomophobia thường bị nhầm tưởng với thói quen sử dụng điện thoại trong thời gian dài và liên tục. Tuy nhiên, diễn biến của hội chứng này sẽ mang phần phức tạp hơn về cả thể chất lẫn tinh thần. Một người được chẩn đoán mắc Nomophobia phải tồn tại triệu chứng tối thiểu trong 6 tháng và những biểu hiện đó gây ảnh hưởng đối với sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ.

Thông thường, hội chứng Nomophobia sẽ được chẩn đoán nếu một người có những dấu hiệu sau:

  • Sử dụng điện thoại liên tục, dành nhiều thời gian để lướt và kiểm tra điện thoại.
  • Mất ngủ, thiếu ngủ, khó ngủ.
  • Lo sợ, hoang mang, bất an khi không tìm thấy điện thoại hoặc điện thoại trong trạng thái không sử dụng được (hết pin, mất mạng,…)
  • Gây ảnh hưởng đến công việc, học tập, các mối quan hệ xã hội.
  • Làm xáo trộn các sinh hoạt đời sống hàng ngày.

Bên cạnh thăm khám và đánh giá về triệu chứng thì bác sĩ chuyên khoa còn thực hiện phân tích về mức độ lo lắng, sợ hãi khi đối tượng không có điện thoại bên người. Từ đó góp phần quan trọng đối với việc tìm ra phương pháp điều trị thích hợp nhất cho từng bệnh nhân.

Cách điều trị hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người

Tiến sĩ chuyên ngành An ninh mạng thuộc Đại học North America (Mỹ), John Laprose từng chia sẻ rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến bạn phụ thuộc quá nhiều vào chiếc điện thoại và sinh ra hội chứng Nomophobia đó là do bản thân chúng ta. Không ai có thể ép buộc bạn phải sử dụng điện thoại hàng giờ đồng hồ hoặc sử dụng chúng liên tục. Tuy nhiên, theo thống kê nhận thấy, trung bình chúng ta chạm tới smartphone khoảng hơn 2.500 lần trong ngày, con số này nhiều hơn 100 lần so với khi bạn chạm với người yêu.

Chính vì thế, để có thể khắc phục tốt hội chứng này, giảm bớt nỗi lo sợ khi thiếu vắng chiếc điện thoại bên người thì các biện pháp đa phần đều sẽ xuất phát từ chính bạn. Việc đầu tiên là bạn cần phải làm là hiểu rõ những tác hại nghiêm trọng của việc lạm dụng điện thoại quá mức và phải có sự cố gắng trong việc “kiêng” điện thoại.

Hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người
Cần biết cách điều chỉnh thời gian sử dụng điện thoại để hạn chế các ảnh hưởng đến đời sống.

Sau đây là một vài biện pháp hữu hiệu dành cho những ai đang mắc phải hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người:

1. Giới hạn thời gian sử dụng điện thoại

Để có thể loại bỏ thói quen sử dụng điện thoại quá mức, bạn cần phải biết cách giới hạn về thời gian sử dụng điện thoại của bạn. Hãy đưa ra quy định cụ thể về thời gian dùng điện thoại trong ngày, bạn cần có cách sắp xếp một cách hợp lý và gia giảm theo thời gian. Chắc hẳn bạn không thể ép buộc bản thân “cai nghiện” điện thoại một cách triệt để nhưng hãy dần giảm thời gian sử dụng nó trong ngày.

Hãy tắt hết toàn bộ các thông báo điện thoại sau 9 giờ tối và trước khi đi ngủ khoảng 30-45 phút. Để điện thoại ở những nơi khó quan sát hay tìm kiếm, chỉ có như vậy mới hạn chế được sự chú ý của bản thân đối với “dế yêu” của bạn.

Đồng thời cũng tránh được các thông báo, tin nhắn hoặc các cuộc gọi làm phiền khiến bạn không thể tập trung và duy trì tốt giấc ngủ của mình. Khi đã đặt ra quy định này, bạn cần phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt, bạn vẫn có thể bấm điện thoại vào buổi tối nhưng nên “cách ly” chúng trước khi ngủ 30 phút và nên đặt điện thoại ở xa giường để tránh việc không kiềm chế được.

2. Tham gia vào nhiều hoạt động

Để hạn chế việc quá tập trung vào điện thoại, bạn cần phân tán sự chú ý của bản thân bằng cách tích cực tham gia vào nhiều hoạt động lành mạnh, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời. Vào những thời gian rảnh, bạn có thể tập luyện thể dục thể thao, đi du lịch, cắm trại, học nấu ăn, tham gia vào các bộ môn yêu thích hoặc bất kì những hoạt động nào mà bạn mong muốn miễn bạn có thể tránh xa chiếc điện thoại của mình.

Việc này không chỉ giúp bạn hạn chế được thời gian sử dụng điện thoại mà còn gia tăng sức khỏe, nâng cao sự gắn kết cộng đồng. Bạn cũng có thể cùng bạn bè, người thân tham gia vào những hoạt động này để gia tăng sự gắn kết, cải thiện các mối quan hệ ngoài đời thực.

3. Liệu pháp tâm lý

Hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người cũng có thể được cải thiện tốt nhờ vào liệu pháp tâm lý. Với hình thức trò chuyện trực tiếp cùng nhà trị liệu hoặc chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn được nhìn nhận rõ hơn về vấn đề mà bản thân đang gặp phải, hiểu rõ về những suy nghĩ, hành vi chưa phù hợp của mình để điều chỉnh theo hướng thích hợp nhất.

Hiện nay, liệu pháp nhận thức hành vi và liệu pháp tiếp xúc sẽ được sử dụng phổ biến đối với các trường hợp mắc hội chứng Nomophobia. Cụ thể như sau:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Liệu pháp này sẽ tác động trực tiếp vào suy nghĩ, nhận thức và hành vi của người bệnh để có thể giúp họ hiểu rõ về những sai lệch của bản thân và dần điều chỉnh chúng theo chiều hướng tích cực, đúng đắn hơn. Cụ thể là trường hợp quá lạm dụng vào chiếc điện thoại, chuyên gia sẽ hỗ trợ bạn cách để kiểm soát nỗi sợ, hiểu rõ hơn về tác hại của việc dùng điện thoại quá mức và giúp bạn cách “cai” điện thoại hiệu quả.
  • Liệu pháp tiếp xúc: Đây là liệu pháp thường xuyên được áp dụng và cũng mang lại hiệu quả rất tốt đối với các trường hợp mắc phải hội chứng sợ hãi về một vấn đề cụ thể nào đó. Người bệnh sẽ được tiếp xúc với nỗi sợ theo từng cấp độ khác nhau, cụ thể ở đây là nỗi sợ hãi khi thiếu điện thoại. Theo một thời gian, bệnh nhân cũng sẽ dần quen với sự thiếu vắng này và sẽ hạn chế đi sự phụ thuộc quá mức vào nó.

4. Điều trị bằng thuốc

Thông thường thì người mắc chứng Nomophobia không nhất thiết phải sử dụng thuốc, chỉ có những trường hợp nặng, có kèm theo các dấu hiệu của trầm cảm, rối loạn lo âu, stress thì mới cần xem xét đến biện pháp này. Tùy vào mỗi trường hợp khác nhau mà thuốc có thể sử dụng ngắn hoặc dài hạn. Việc dùng thuốc cùng cần phải được theo dõi kỹ lưỡng bởi bác sĩ chuyên khoa để hạn chế các tác dụng phụ hoặc rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Một số loại thuốc có thể được sử dụng trong trường hợp này như:

  • Thuốc an thần: Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepine với mục đích giảm bớt sự lo lắng, sợ hãi và căng thẳng mỗi khi không có điện thoại. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chỉ được dùng trong thời gian ngắn để tránh việc gây nghiện.
  • Thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc này có thể được xem xét để dùng cho các trường hợp Nomophobia để cải thiện các triệu chứng rối loạn nhịp tim, mất ngủ, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, tăng tiết mồ hôi,…

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Điện thoại thông minh vốn dĩ giúp ích rất nhiều cho đời sống của chúng ta, tuy nhiên cần phải sử dụng điện thoại theo một cách thông minh để tránh rơi vào hội chứng lo sợ thiếu điện thoại bên người. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc sẽ hiểu hơn về chứng Nomophobia và biết cách khắc phục hiệu quả.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *