Hội chứng rối loạn tình yêu ám ảnh là gì? Cách vượt qua
Rối loạn tình yêu ám ảnh (Obsessive Love Disorder – OLD) là hội chứng hiếm gặp với tỷ lệ dưới 0.1% dân số thế giới. Hiện tại, OLD vẫn chưa được công nhận là rối loạn tâm thần chính thức trong ICD-10 và DSM-5. Dù vậy, hội chứng này gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bản thân người bệnh.
Hội chứng rối loạn tình yêu ám ảnh là gì?
Hội chứng rối loạn tình yêu ám ảnh (Tiếng Anh: Obsessive Love Disorder – OLD) còn được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như hội chứng ám ảnh tình yêu, hội chứng Adele, chứng cuồng yêu và một số cái tên ít phổ biến khác.
Thuật ngữ này đề cập đến một dạng rối loạn tâm thần mà người bệnh bị ám ảnh quá mức bởi ham muốn chiếm hữu và bảo vệ người mà mình yêu thương. Người bệnh luôn có cảm giác yêu đến mức cuồng điên dẫn đến hoang tưởng, ảo giác và các hành vi mất kiểm soát. Khi không có sự hiện diện của người mà họ yêu, bệnh nhân gần như không thể chịu đựng được và khỏa lấp ham muốn bằng cách tưởng tượng ra hình ảnh người thương.
Rối loạn tình yêu ám ảnh là một dạng rối loạn tâm thần nặng, không đơn thuần chỉ là cảm giác yêu điên cuồng như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Hội chứng này sẽ hủy hoại người bệnh dần theo thời gian nếu không được điều trị. Thậm chí, một số người rời bỏ thực tế và chìm đắm trong thế giới tưởng tượng để có thể thỏa mãn ham muốn chiếm hữu.
Nguồn gốc của hội chứng ám ảnh tình yêu
Hội chứng ám ảnh tình yêu có nguồn gốc từ mối tình bi thảm của Adele Hugo – con gái của nhà văn Pháp Victor Hugo. Đây cũng là lý do hội chứng này còn có tên gọi khác là hội chứng Adele.
Là con gái của đại văn hào, Adele Hugo (1830 – 1916) được nuôi dạy trong môi trường tốt, sở hữu kiến thức uyên bác và nhan sắc xinh đẹp. Vào năm 16 tuổi, cô đem lòng yêu nhiếp ảnh gia, nhà báo Auguste Vacquerie (1819 – 1895) nhưng không thể kết hôn vì chưa đủ tuổi. Sau đó, gia đình Victor Hugo phải chuyển đến đảo Jersey (Mỹ) vào năm 1851 sau khi công khai tuyên bố Louis Napoleon III là kẻ phản bội nước Pháp và ủng hộ một tờ báo chỉ trích nữ hoàng Victoria.
Trong thời gian lưu đày, Adele Hugo đã gặp gỡ và dành tình cảm cho người sĩ quan quân đội Anh – Albert Andrew Pison. Mặc dù khá lớn tuổi nhưng người sĩ quan này có ngoại hình mạnh mẽ, đẹp trai và rất thu hút. Mối tình của họ bắt đầu khá thuận lợi, thậm chí Albert Andrew Pison còn ngỏ lời cầu hôn Adele Hugo nhưng cô không đồng ý vì tính cách kiêu kỳ. Tuy nhiên, một số thông tin cho rằng cô không nhận lời cầu hôn là do sự phản đối của gia đình.
Sau đó không lâu, sĩ quan Albert Andrew Pison cũng phải chuyển công tác đến Bedfordshire (Anh) vào năm 1856. Khoảng cách địa lý đã khiến tình cảm của Albert Andrew Pison dành cho Adele Hugo phai nhạt dần. Ngược lại, Adele Hugo vẫn luôn dành tình yêu say đắm cho đối phương. Để rồi tình yêu này lớn dần trở thành sợ ám ảnh tột cùng, hủy hoại dần người con gái xinh đẹp và khiến cô phải sống trong đau khổ cho đến cuối đời.
Mặc dù Albert Andrew Pison lạnh nhạt và không còn quan tâm đến mình nhưng Adele Hugo vẫn giữ tình cảm sâu đậm. Cô đã cùng chàng sĩ quan đi khắp nơi và theo chân anh trong những lần chuyển công tác. Thế nhưng, Albert Andrew Pison đã không còn tình cảm với Adele Hugo dù chỉ là một chút.
Trong thời gian này, gia đình rất lo lắng nên đã viết thư cho cô. Thay vì nói sự thật, cô đã thông báo với mọi người rằng bản thân đã đến gặp gia đình người yêu, họ cũng đã kết hôn và sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Cố chấp giữ lấy tình yêu của chàng sĩ quan, Adele Hugo không từ bất cứ cách nào – kể cả việc giả trai để tiện theo dõi và giám sát người mình yêu.
Adele Hugo liên tục viết nhật ký trong thời gian theo dõi người mình yêu. Vào năm 1869, Albert Andrew Pison rời Barbados về Anh và bỏ rơi cô hoàn toàn. Lúc này, Adele Hugo vẫn ở Barbados và nghe được tin người mình yêu đã kết hôn với Catherine Edith Roxburgh.
Sự kiện này như giọt nước tràn ly khiến cho tinh thần của Adele Hugo không còn tỉnh táo. Cô không quay trở lại Pháp mà tiếp tục lang bạt khắp nơi và hoàn toàn cắt đứt liên lạc với gia đình. Sau đó, cô trở nên tuyệt vọng, hoảng loạn, đi thang lang khắp mọi nơi và trở nên điên loạn. Cô luôn cho rằng bản thân là vợ của Albert Andrew Pison nên yêu cầu tất cả mọi người phải gọi mình là “bà Pinson”.
Khi chứng kiến Adele Hugo bị những người xung quanh cười cợt, một người phụ nữ gốc Phi đã đưa cô về nhà sống. Tuy nhiên, lúc này tâm thần của cô đã bị suy sụp hoàn toàn. Cô hoàn toàn không nhớ bản thân là ai và liên tục xuất hiện ảo giác, hoang tưởng. Trước tình trạng ngày càng nghiêm trọng, Adele Hugo bị đưa vào nhà thương điên và chìm đắm trong sự ám ảnh về tình yêu cho đến cuối đời.
Nhận biết rối loạn tình yêu ám ảnh
Hiện nay, rối loạn tình yêu ám ảnh chưa được liệt kê trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám có biểu hiện của hội chứng này. Vì vậy, hội chứng ám ảnh tình yêu thường được chẩn đoán kèm theo các rối loạn tâm thần đã được công nhận.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn tình yêu ám ảnh:
- Có cảm giác yêu đến mức cuồng điên và mất đi lý trí. Ngay cả khi không có hồi đáp, họ vẫn yêu điên cuồng, khao khát được yêu và chìm đắm trong sự lãng mạn của tình yêu.
- Bệnh nhân gần như không thể chịu đựng khi không ở cạnh người mình yêu. Họ dành nhiều thời gian để nghĩ đến người mình yêu và nội dung của những giấc mơ đều liên quan đến người mà họ dành tình yêu say đắm.
- Một số dành tất cả thời gian trong ngày để thu thập và tìm hiểu thông tin về người mình yêu.
- Luôn bị thu hút và ám ảnh quá mức về người đó. Bệnh nhân luôn cảm thấy cần phải chiếm hữu và bảo vệ người đó khỏi những tổn thương, đau khổ.
- Suy nghĩ và hành vi đều được thực hiện với mục đích chiếm hữu người mình yêu.
- Có cảm giác ghen tuông tột độ, đau khổ, tức giận khi người mình yêu thân thiết hoặc kết hôn với người khác.
- Lòng tự trọng thấp, thường bất chấp mọi thủ đoạn để chiếm được trái tim của người mà họ yêu.
- Không chấp nhận lời chia tay của đối phương. Họ luôn tìm cách để cứu vãn mối quan hệ ngày cả khi cả hai đã thực sự chấm dứt.
- Mong muốn được đối phương quan tâm và ở bên cạnh mỗi ngày. Sự ám ảnh về tình yêu khiến người bệnh không quan tâm đến những mối quan hệ khác.
- Khi người yêu không ở bên cạnh, bệnh nhân thường sẽ giám sát hoặc gửi tin nhắn, gọi điện thoại liên tục.
- Trong một số trường hợp, hội chứng ám ảnh tình yêu xảy ra khi bệnh nhân đem lòng yêu say đắm một người lạ hay người nổi tiếng chưa từng tiếp xúc.
- Cảm giác khao khát được yêu đến điên cuồng khiến cho bệnh nhân không thể tập trung vào bất cứ việc gì. Sự thái quá trong cách yêu và quan tâm của bệnh nhân khiến cho đối phương cảm thấy ngột ngạt. Do đó, đa phần bệnh nhân đều sẽ bị bỏ rơi trong mối quan hệ tình cảm.
- Khi tình yêu không được đáp trả, bệnh nhân sẽ xuất hiện ảo tưởng và hoang tưởng với nội dung là cả hai đang có tình yêu hoàn hảo, đã kết hôn và cùng chung sống hạnh phúc.
- Khi trở về thực tại, bệnh nhân sẽ trở nên đau khổ, tuyệt vọng, hoảng loạn khi không nhận được sự hồi đáp trong tình yêu. Một số người tự ngược đãi bản thân, mất kiểm soát hành động hoặc tự trấn an bản thân bằng những hy vọng hão huyền.
- Dần dần, sức khỏe của bệnh nhân suy kiệt hoàn toàn. Bệnh nhân mất đi nhận thức và chìm đắm trong thế giới tưởng tượng.
Nguyên nhân gây hội chứng ám ảnh tình yêu
Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây hội chứng ám ảnh tình yêu. Bởi nhiều bệnh nhân mắc hội chứng này nhưng hoàn toàn không trải qua sự kiện sang chấn liên quan đến các mối quan hệ tình cảm hay tình dục.
Theo các chuyên gia, hội chứng ám ảnh tình yêu có thể liên quan đến những yếu tố sau:
1. Rối loạn gắn bó (Attachment Disorders)
Rối loạn gắn bó được chia thành 2 loại là rối loạn ràng buộc xã hội thiếu kiềm chế (DSED) và rối loạn gắn bó phản ứng (RAD). Người mắc hội chứng không có sự phân biệt tâm lý đối với những người chưa từng quen biết. Họ hoàn toàn không có sự đề phòng với người lạ, sẵn sàng tiếp cận, ôm ấp và có những hành vi thân thiết với người khác nếu được yêu thương.
Rối loạn gắn bó thường có liên quan đến những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Kết quả là khi lớn lên, bệnh nhân dành sự tin tưởng và thân thiết với hầu hết người lạ mà không có bất cứ sự đề phòng nào.
Nhiều chuyên gia cho rằng, những người bị rối loạn gắn bó có thể hình thành khao khát yêu đương mãnh liệt với một đối tượng nào đó. Đối tượng này có thể sở hữu ngoại hình, tính cách hoàn hảo hoặc có những điểm đặc biệt khiến bệnh nhân yêu điên cuồng, say đắm.
2. Rối loạn nhân cách ranh giới
Người bị rối loạn nhân cách ranh giới có đặc điểm là quá nhạy cảm trong các mối quan hệ cá nhân, dao động tâm trạng quá lớn, tư duy trắng đen và mất ổn định về hình ảnh của bản thân. Theo thống kê, đây là dạng rối loạn nhân cách phổ biến nhất hiện nay.
Người mắc chứng bệnh này luôn có nỗi sợ về việc bị bỏ rơi. Họ có thể trở nên tức giận, hoảng loạn và sợ hãi tột độ chỉ trong vài phút ngay khi đối phương có những hành vi gợi ý đến việc sẽ bỏ rơi họ. Đặc điểm của người bị rối loạn nhân cách ranh giới là tư duy trắng đen. Tức là với tất cả các vấn đề, khía cạnh và cả con người, họ đều cho rằng mọi thứ đều chỉ có 2 mặt là tốt và xấu.
Khi nhận được sự quan tâm của người khác, họ có xu hướng thần tượng hóa, ngưỡng mộ và đặc biệt yêu quý người đó. Tuy nhiên, chỉ vì một hành động rất nhỏ như từ chối cuộc hẹn hoặc yêu cầu của người bệnh, người này lập tức trở thành đối tượng xấu trong mắt họ. Vì vậy, họ có thể chuyển rất nhanh từ trạng thái yêu quý, thấu cảm, chăm sóc sang mỉa mai, cay nghiệt.
Rối loạn ám ảnh tình yêu có thể xảy ra trong giai đoạn người bệnh đang yêu say đắm đối tượng. Họ luôn muốn kiểm soát và đồng hành cùng với người yêu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thậm chí khi không có sự hiện diện của người yêu ở bên cạnh, họ sẽ dành nhiều thời gian để nghĩ về người đó. Dần dần sự ám ảnh lớn hơn và xuất hiện các ảo giác, hoang tưởng.
3. Bệnh hoang tưởng ghen tuông
Hoang tưởng ghen tuông được xác định là một trong những vấn đề tâm thần có liên quan đến rối loạn tình yêu ám ảnh. Hoang tưởng ghen tuông là tình trạng bệnh nhân có niềm tin sai lệch về việc bạn đời không chung thủy mặc dù không có bằng chứng, thậm chí thực tế cho thấy các bằng chứng chứng minh điều ngược lại.
Người bệnh bất chấp giữ niềm tin của bản thân bất chấp thực tế và lời khuyên từ những người xung quanh. Nhiều chuyên gia cho rằng, một số bệnh nhân mắc hội chứng ám ảnh tình yêu có thể bị hoang tưởng. Điều này khiến cho người bệnh nghĩ rằng đối phương cũng dành tình cảm đặc biệt cho mình mặc dù trên thực tế là không phải. Tuy nhiên, vì cố chấp giữ niềm tin nên bệnh nhân chìm đắm trong ảo giác, hoang tưởng.
4. Hội chứng Erotomania
Hội chứng Erotomania còn được biết đến với tên gọi hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình. Người mắc hội chứng này tin rằng đang có một hoặc nhiều người đang yêu họ một cách mãnh liệt, say đắm. Đối tượng bị hoang tưởng thường là người có địa vị, nhan sắc, nổi tiếng, giàu có hoặc có năng khiếu đặc biệt.
Vì ảo tưởng đối phương yêu say đắm mình nên bệnh nhân thường có hành vi quấy rối và theo dõi. Tuy nhiên, họ không nhận thức được hành vi của bản thân là không phù hợp. Ngược lại, bệnh nhân có cảm giác cuồng yêu và si mê đối phương. Khi mắc hội chứng này, bệnh nhân rất khó tập trung để có thể học tập, làm việc, không quan tâm đến bạn bè và những mối quan hệ khác trong cuộc sống.
5. Các yếu tố khác
Rối loạn tình yêu ám ảnh cũng có thể liên quan đến những yếu tố như:
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
- Hội chứng sợ bị bỏ rơi
- Bị trầm cảm
- Ám ảnh ghen tuông
- Từng trải qua những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ
- Tiền sử gia đình bị hoang tưởng, tâm thần phân liệt, rối loạn tình yêu ám ảnh,…
Hội chứng ám ảnh tình yêu có nguy hiểm không?
Rối loạn tình yêu ám ảnh là hội chứng hiếm gặp với tỷ lệ ít hơn 0.1% dân số thế giới và thường sẽ đi kèm với các rối loạn tâm thần khác. Hiện nay, hội chứng này vẫn chưa được công nhận là rối loạn tâm thần riêng biệt. Do đó, bác sĩ thường sẽ đưa ra chẩn đoán là các rối loạn tâm thần khác như hoang tưởng, loạn thần, tâm thần phân liệt, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm,…
Nếu được thăm khám và điều trị sớm, rối loạn tình yêu ám ảnh thường có đáp ứng tốt. Bệnh nhân có thể giảm đi cảm giác cuồng yêu và sự si mê tột độ. Ngoài ra, điều trị cũng sẽ giúp bệnh nhân tìm lại sự quan tâm đối với những vấn đề và khía cạnh khác trong cuộc sống.
Ngược lại, rối loạn tình yêu ám ảnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian nếu không được chữa trị. Vì chìm đắm trong sự si mê và cảm giác khao khát yêu đương đến cuồng dại nên bệnh nhân gần như không thể học tập, làm việc và không quan tâm đến những mối quan hệ khác.
Về lâu dài, sự ham muốn và khao khát được yêu khiến bệnh nhân có những hành vi mất kiểm soát, hy vọng hão huyền, ảo giác, hoang tưởng và đôi khi có hành vi tự ngược đãi bản thân. Những điều này lặp đi lặp lại trong một thời gian dài khiến cho thể chất và tinh thần của người bệnh bị hủy hoại. Bệnh nhân dần chìm đắm trong thế giới tưởng tượng và xa rời thực tế.
Chẩn đoán rối loạn tình yêu ám ảnh
Hiện nay, rối loạn tình yêu ám ảnh chưa được công nhận là rối loạn tâm thần chính thức. Chính vì vậy, chẩn đoán sẽ dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ. Thông thường, hội chứng này sẽ được chẩn đoán sau khi đã loại trừ những khả năng có thể xảy ra.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ sàng lọc những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như giới tính nữ, có sẵn các rối loạn tâm thần liên quan, tiền sử gia đình và trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Những trường hợp đồng mắc sẽ mất nhiều thời gian chẩn đoán hơn và rối loạn tình yêu ám ảnh thường được xem là một nhóm triệu chứng của rối loạn tâm thần chính thức được chẩn đoán.
Các phương pháp điều trị rối loạn tình yêu ám ảnh
Rối loạn tình yêu ám ảnh là một dạng rối loạn tâm thần nên cần được điều trị mặc dù chưa được công nhận trong Sổ tay thống kê và chẩn đoán của Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ (DSM). Hiện nay, điều trị hội chứng này còn khá nhiều thách thức.
Trên thực tế, không có phác đồ điều trị cụ thể cho hội chứng ám ảnh tình yêu. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp hóa dược hoặc tâm lý, hoặc cũng có thể kết hợp cả hai liệu pháp.
1. Liệu pháp hóa dược
Sử dụng thuốc không thể làm giảm cảm giác cuồng yêu và yêu đương đến si mê, mất tỉnh táo. Tuy nhiên, thuốc có thể cải thiện một số triệu chứng như ảo giác, hoang tưởng, rối loạn khí sắc, mất ngủ,… do hội chứng ám ảnh tình yêu gây ra.
Dựa vào triệu chứng cụ thể của từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc sau:
- Thuốc an thần, giải lo âu
- Thuốc chống loạn thần
- Thuốc ổn định khí sắc
- Thuốc chống trầm cảm
Những loại thuốc trên sẽ được dùng ngắn hạn hoặc dài hạn tùy theo từng loại. Bên cạnh những lợi ích mang lại, các loại thuốc này cũng gây ra không ít tác dụng phụ. Chính vì vậy, gia đình và bản thân bệnh nhân cần chú ý đến những biểu hiện bất thường để kịp thời thông báo cho bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
2. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý cũng mang lại hiệu quả trong điều trị rối loạn tình yêu ám ảnh. Phương pháp này sẽ được thực hiện theo hình thức trị liệu cá nhân. Những trường hợp bị hội chứng ám ảnh tình yêu do những trải nghiệm từ thời ấu sẽ được kết hợp trị liệu gia đình.
Các liệu pháp tâm lý được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn tình yêu ám ảnh:
- Liệu pháp hành vi nhận thức
- Liệu pháp trò chuyện
- Trò chơi trị liệu (dành cho trẻ em)
- Liệu pháp hành vi biện chứng
Quá trình trị liệu rất cần sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè. Sự chia sẻ và động viên của những người xung quanh sẽ giúp bệnh nhân tìm lại sự quan tâm với các khía cạnh khác trong cuộc sống. Từ đó giảm bớt sự ám ảnh quá mức và dai dẳng đối với tình yêu.
Bên cạnh đó, trị liệu tâm lý cũng giúp bệnh nhân tìm thấy động lực và những điều mà bản thân yêu thích. Nhờ vậy, người bệnh có thể tập trung phát triển bản thân nhằm xây dựng cuộc sống tốt đẹp thay vì chỉ chìm đắm trong ảo tưởng. Trị liệu tâm lý cũng sẽ nâng đỡ tinh thần cho những người bị sang chấn tâm lý, trang bị kỹ năng và kinh nghiệm đối đầu, vượt qua stress.
Rối loạn tình yêu ám ảnh là hội chứng ít gặp nhưng ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất, tinh thần. Do đó, những người xung quanh cần đặc biệt quan tâm đến bệnh nhân để hỗ trợ người bệnh vượt qua bệnh tật và quay trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.
Có thể bạn quan tâm:
- Hiện tượng Deja Reve: Khi giấc mơ thành hiện thực
- Hội chứng sợ bị bỏ rơi: Nguyên nhân và cách vượt qua
- Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) là gì? Cách vượt qua nỗi sợ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!