Hội chứng sợ chó (Cynophobia): Biểu hiện và Cách khắc phục

Hội chứng sợ chó, hay còn gọi là Cynophobia, là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi liên quan đến động vật. Hội chứng này thường xuất hiện sau những sự kiện kinh hoàng liên quan đến chó như bị chó tấn công, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe người bệnh. Hội chứng sợ chó thường gặp ở trẻ em.

Đôi điều về hội chứng sợ chó

Hội chứng sợ chó (Cynophobia) là trạng thái lo âu, hoảng sợ, đau khổ tột độ khi đối diện với chó ngoài đời thật, nghe tiếng chó sủa, thậm chí là nhìn thấy hình ảnh chó trên truyền hình. Người bệnh luôn có sự ám ảnh bất thường với chó đến mức họ luôn tránh xa những nơi có chó, thậm chí là trốn trong nhà vì sợ có thể gặp chó ở xung quanh.

chứng sợ chó
Hội chứng sợ chó thường gặp ở trẻ em và phụ nữ sau những trải nghiễm kinh hoàng trong quá khứ liên quan đến chó, ví dụ như bị chó tấn công.

Mặc dù không có những số liệu thống kê chính xác về số người mắc hội chứng này, vì một số đối tượng mắc chứng sợ chó mức độ nhẹ có thể không tìm đến sự giúp đỡ y tế. Tuy nhiên theo những thống kê có được, hội chứng sợ chó vẫn được xem là một trong những rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi liên quan đến động vật phổ biến nhất.

Nguyên nhân cho điều này cũng rất dễ hiểu vì so với những loài động vật khác, chó là loài vật nuôi phổ biến, quen thuộc và có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Do đó, tỷ lệ người bị chó tấn công, hoặc có những trải nghiệm tồi tệ liên quan đến chó sẽ dễ xảy ra hơn so với rắn, chuột hay gà.

Xem thêm: Hội chứng sợ động vậtDấu hiệu và hướng khắc phục

Đây cũng là nguyên nhân khiến hội chứng sợ chó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày của con người hơn, vì tỷ lệ chúng ta bắt gặp chó ngoài đời thật cao hơn nhiều so với những loài động vật khác. Nỗi đau dai dẳng, phi lý, và những cảm xúc bất ổn khiến người bệnh luôn nghĩ rằng, mọi chú chó đều sẵn sàng lao vào tấn công bản thân.

Trện thực tế, nếu không phải là người nuôi chó hoặc gắn bó nhiều với chó, mỗi người trong chúng ta đều có nỗi sợ hãi nhất định với loài chó, đặc biệt là những giống chó có thể hình lớn, hoặc đặc biệt hung dữ. Nhưng nỗi sợ này không gây cảm giác sợ hãi, đau khổ khủng khiếp, hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày như với người mắc chứng Cynophobia.

Nỗi sợ chó có thể trở nên nghiêm trọng đến mức khiến người bệnh ngất xỉu, hoặc có những hành vi quá khích trong cơn sợ hãi. Thông thường, nỗi sợ chó ảnh hưởng đến trẻ em nhiều hơn, và kéo dài đến khi trưởng thành. Cũng có nhiều trường hợp ám ảnh phát sinh sau khi người lớn bị chó tấn công. Cynophobia thường thấy ở nữ hơn so với nam giới.

Biểu hiện của hội chứng sợ chó

Biểu hiện của hội chứng sợ chó có thể nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng tùy vào tình trạng sợ chó của từng người. Có những người không phản ứng quá mãnh liệt khi thấy hình ảnh hoặc hình vẽ, mà chỉ sợ hãi chó thật. Nhưng cũng có người sẽ phản ứng ngay lập tức khi nghe tiếng chó sủa, hoặc thấy bất cứ điều gì liên quan đến chó.

Một số biểu hiện của hội chứng sợ chó bao gồm:

  • Sợ hãi, khủng hoảng và đau khổ tột cùng khi nhìn thấy chó, dù chúng được thả rông hay nhốt trong lồng. Nỗi sợ có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu loài chó càng lớn và càng hung dữ.
hội chứng cynophobia
Mức độ to lớn và hung dữ của một loài chó cụ thể có thể kích thích nỗi sợ hãi trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thôi thúc mãnh liệt phải chạy trốn, thoát khỏi nơi có chó, hoặc khi nghe tiếng chó sủa, dù là tiếng động ở xa.
  • Cảm thấy sợ hãi và bị đe dọa tính mạng khi đứng trước chó, luôn có cảm giác bất cứ chú chó nào cũng có thể nhào lên tấn công bản thân ngay lập tức.
  • Việc tiếp xúc với chó, dù là trực tiếp hay gián tiếp đều gây ra nỗi sợ hãi khủng khiếp.
  • Né tránh, làm lơ và cảm thấy sợ hãi với những đề tài liên quan đến chó trong cuộc trò chuyện với người khác.
  • Từ chối đến nhà những người nuôi chó hay những nơi có thể xuất hiện chó. Nhiều người mắc hội chứng sợ chó nặng thậm chí không dám ra khỏi nhà vì tưởng tượng đến cảnh bị chó tấn công.
  • Có biểu hiện khóc lóc, la hét, mất kiềm chế cảm xúc, thậm chí ngất xỉu khi đối diện với chó.
  • Xuất hiện một số phản ứng thể chất như: chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh, đau tức ngực, khó thở dẫn đến thở gấp, khô miệng, tay chân run rẩy, đổ mồ hôi lạnh, đau bụng, ớn lạnh,…

Những biểu hiện tiêu biểu này là dấu hiệu dễ nhận biết nếu một người mắc chứng sợ chó, đặc biệt là ở mức độ nghiêm trọng. Người mắc chứng sợ chó có thể ý thức được nỗi sợ vô lý của bản thân. Trong thâm tâm, họ biết rằng con chó trước mắc không thể đe dọa tính mạng, hay gây thương tích cho bản thân, nhưng không thể chống lại nỗi sợ bao trùm suy nghĩ.

Ảnh hưởng của hội chứng sợ chó đến người bệnh

Rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra nếu hội chứng sợ chó không được cải thiện sớm. Đầu tiên và vấn đề sức khỏe tinh thần và thể chất. Chó là một loại vật nuôi gần gũi và phổ biến với con người, thế nên việc xuất hiện chó ở quanh ta là điều khó tránh khỏi. Do đó người bệnh có thể thường xuyên rơi vào tình trạng sợ hãi, lo lắng và khủng hoảng.

Những cảm xúc tiêu cực về chó gây căng thẳng kéo dài rất dễ dẫn đến stress, trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội. Từ đó, người bệnh có thể sinh ra những vấn đề sức khỏe như: mất ngủ, thức giấc giữa đêm do gặp ác mộng, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, sụt cân,… Những bất ổn tinh thần này gây hại cho các bộ phận trong cơ thể như hệ tim mạch, hệ hô hấp, và cả hệ miễn dịch.

Hội chứng sợ chó cũng cản trở công việc và hoạt động thường ngày. Người bệnh buộc phải sống ở nơi không có chó, hoặc càng ít chó càng tốt. Nếu hàng xóm có nuôi chó, nhiều người có thể sợ đến mức không giao tiếp với những người xung quanh, thậm chí trốn trong nhà và chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.

sợ chó
Hội chứng sợ chó khiến nhiều người nhốt mình trong nhà, hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh.

Ngoài ra, những mối quan hệ như bạn bè hay đồng nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng nếu người bệnh có xu hướng nhốt mình trong nhà, ít giao du với mọi người. Nếu công việc đòi hỏi phải tiếp xúc với chó, thông qua hình ảnh hoặc tiếp xúc với chó thật, người bệnh cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ và năng suất công việc.

Việc trốn tránh cảm giác sợ hãi, đau khổ và lo lắng quá độ khi tiếp xúc với tác nhân gây ám ảnh không hề tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Do đó, việc tìm kiếm nguyên nhân, làm sao khắc phục triệt để tình trạng này là ưu tiên hàng đầu cho những người bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân của hội chứng sợ chó

Việc một người kích phát hội chứng sợ chó có thể chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố sinh học hay những yếu tố môi trường. Hiện nay vẫn chưa có những bằng chứng thuyết phục về nguyên nhân chính xác gây ra những hội chứng rối loạn lo âu, nhưng chúng ta vẫn có thể tìm ra một số yếu tố ảnh hưởng bao gồm:

  • Người bệnh từng bị chó gầm gừ hoặc tấn công khi còn nhỏ. Ám ảnh về sự hung dữ của loài chó, và cảm giác đau đớn khi bị chó cắn có nguy cơ cao phát triển thành hội chứng sợ chó khi trưởng thành.
  • Một số trẻ có thần kinh yếu, tính tình nhút nhát có thể cảm thấy sợ hãi, ám ảnh khi nhìn thấy những chú chó to lớn và có vẻ ngoài hung dữ. Có thể chúng không gầm gừ hay tấn công, nhưng vẫn để lại sự ám ảnh không hề nhỏ trong tâm trí trẻ, từ đó hình thành hội chứng Cynophobia.
  • Sự mất cân bằng của những chất dẫn truyền thần kinh trong não, ví dụ như dopamine và serotonin, có thể phóng đại nỗi sợ, và gây ra những ám ảnh vô lý, khó giải thích cho người bệnh nếu họ bị kích thích.
  • Người lớn hay trẻ nhỏ đều có thể bị sang chấn tâm lý khi tận mắt chứng kiến việc người khác bị chó dữ tấn công.
  • Trẻ nhỏ có thể bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ từ người lớn. Nếu trong gia đình có người mắc hội chứng sợ chó, những cảm xúc tiêu cực và phản ứng mãnh liệt của họ trước loài chó có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm nhận của trẻ. Trẻ sẽ hình thành nỗi sợ hãi vô hình với loài chó, dù chưa từng tiếp xúc qua.
  • Hội chứng sợ chó cũng được cho là có tính di truyền. Tỷ lệ người mắc hội chứng này nếu trong gia đình có tiền sử sợ chó, sợ động vật, hay mắc các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm,… cao hơn so với những trường hợp khác.
cynophobia
Chứng sợ chó có thể mang tính di truyền, hoặc di truyền có thể là yếu tố phụ kích phát những biểu hiện sợ chó khi gặp kích thích.
  • Nếu trẻ nghe cha mẹ cảnh báo về những nguy hiểm khi tiếp xúc với chó, hoặc nhìn thấy những hình ảnh về việc chó tấn công người, trẻ cũng sẽ hình thành nỗi sợ.
  • Hội chứng sợ chó xuất hiện ở trẻ em và phụ nữ nhiều hơn so với đàn ông, và có thể kéo dài suốt đời.

Người bệnh có thể chịu ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân, nhưng thông thường yếu tố phổ biến nhất là sang chấn tâm lý sau những trải nghiệm tiêu cực liên quan đến chó. Hiện nay hội chứng sợ chó đã được đề cập trong DSM-5 và ICD-10, giúp việc chẩn đoán và điều trị hội chứng này dễ dàng hơn.

Chẩn đoán hội chứng sợ chó

Rất nhiều người sợ chó, nhưng không phải ai cũng được chẩn đoán mắc chứng sợ chó. Nỗi sợ chó phải là nỗi sợ phi lý, gây ám ảnh kinh hoàng, và xuất hiện trong mọi trường hợp. Các triệu chứng sợ hãi, lo âu, trốn tránh kéo dài quá 6 tháng, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Người bệnh thể hiện những biểu hiện sợ hãi, lo âu, kích động cực độ khi nghe tiếng chó sủa, nhìn thấy hình ảnh chó qua tranh ảnh, phim ảnh, hoặc tiếp xúc thực tế. Người bệnh nhận thưc được nỗi sợ của bản thân là vô lý, nhưng không thể ngăn cản nỗi sợ chiếm lấy tâm trí. Cảm giác ám ảnh và sợ hãi ngày càng nghiêm trọng, không giảm bớt dù làm mọi cách.

Ngoài ra để được chẩn đoán mắc hội chứng sợ chó, cảm giác sợ hãi dành cho loài động vật này phải đến trong tình trạng tỉnh táo, không bị ảnh hưởng bởi những rối loạn tâm thần khác. Nỗi sợ phát sinh khi người bệnh không tỉnh táo, chịu ảnh hưởng của rượu bia, chất kích thích,… cũng không được xem là điều kiện chẩn đoán chính xác.

Việc chẩn đoán cần được thực hiện bởi những bác sĩ, những chuyên gia tư vấn tâm lý uy tín, có chuyên môn để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất. Hội chứng sợ chó có thể được cải thiện thông qua điều trị tâm lý, điều trị bằng thuốc, và một số phương háp tự cải thiện tại nhà để tăng hiệu quả điều trị.

Những cách cải thiện hội chứng sợ chó

Điều trị tâm lý là liệu pháp hàng đầu trong việc cải thiện những chứng rối loạn lo âu, bao gồm cả hội chứng sợ chó. Liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT), cùng với liệu pháp giải mẫn cảm là hai liệu pháp mang đến hiệu quả cao, được sử dụng phổ biến trong điều trị. Việc áp dụng kết hợp cả hai liệu pháp có thể làm tăng hiệu quả.

cải thiện chứng sợ chó
Điều trị tâm lý là liệu pháp hiệu quả nhất, an toàn nhất, giúp thay đổi suy nghĩ và hành vi của người bệnh theo hướng tích cực.
  • Liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT): Mục tiêu của liệu pháp tâm lý này là giúp người bệnh nhận thức được nỗi sợ của bản thân là phi lý, không có thực, từ đó thay đổi suy nghĩ và hành vi. Thông qua những cuộc trò chuyện và các biện pháp hỗ trợ khác, bác sĩ có thể giúp người bệnh nhận ra rằng chó không đáng sợ như họ vẫn nghĩ. Người bệnh sẽ đước hướng dẫn những biện pháp đối mặt với nỗi sợ, thay đổi những phản ứng và hành vi quá khích khi đối diện với ám ảnh.
  • Liệu pháp giải mẫn cảm: Liệu pháp giải mẫn cảm còn được gọi là liệu pháp tiếp xúc. Liệu pháp này giúp người bệnh giảm bớt cảm giác sợ hãi khi tiếp xúc với yếu tố gây ám ảnh, thông qua việc tiếp xúc nhiều lần. Để đảm bảo người bệnh không bị sốc khi tiếp xúc với chó thật, bác sĩ sẽ bắt đầu với những những hình ảnh về chó, hoặc yêu cầu người bệnh tưởng tượng trong đầu. Khi bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu thích ứng tốt, mức độ tiếp xúc sẽ dần tăng lên.

Trong quá trình thực hiện tâm lý trị liệu, bác sĩ có thể áp dụng kỹ thuật thôi miên hoặc công nghệ thực tế ảo nhằm giúp quá trình điều trị hiệu quả và nhanh chóng hơn. Trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ cũng có thể kê đơn cho người bệnh để hạn chế ảnh hưởng của các triệu chứng sợ hãi.

Điều trị bằng thuốc không có tác dụng loại bỏ nỗi sợ hãi, không thể chữa trị dứt điểm chứng sợ chó, mà chỉ giúp người bệnh bình tĩnh hơn khi tiếp xúc với đối tượng gây ám ảnh. Thuốc cũng có tác dụng giúp người bệnh ngủ ngon, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất, và cảm thấy thoải mái hơn.

Các loại thuốc được sử dụng thường là thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, hoặc thuốc chẹn beta tùy vào từng trường hợp. Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ như nổi mẫn, buồn nôn, chóng mặt, tiêu chảy, giảm ham muốn tình dục, và một số vấn đề sức khỏe khác. Thế nên điều trị bằng thuốc chỉ được sử dụng khi thật sự cần thiết.

Người bệnh cần tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình dùng thuốc. Cần đảm bảo uống đủ liều lượng, và uống trong thời gian quy định, như vậy thuốc mới có thể phát huy hiệu quả tuyệt đối. Người bệnh có thể thảo luận việc đổi thuốc hoặc tăng liều với bác sĩ nếu sau một thời gian, thuốc không phát huy tác dụng.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, đảm bảo ăn uống nghỉ ngơi phù hợp để cải thiện tình trạng tinh thần. Cần hạn chế thức khuya và ăn những thức ăn cay nóng, có tính kích thích, thay vào đó, người bệnh cần ăn nhiều rau củ và trái cây hơn để điều hòa cơ thể. Cuộc sống lành mạnh giúp cải thiện những triệu chứng lo âu rất tốt.

cynophobia là gì
Lối sống lành mạnh giúp tinh thần tỉnh táo, giảm lo âu, căng thẳng nên có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị chứng sợ chó.

Hội chứng sợ chó nếu được điều trị và cải thiện sớm có thể giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và thể chất. Việc chúng ta tiếp xúc hoặc nhìn thấy chó là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống, vì thế thay vì sợ hãi và né tránh, ta nên cải thiện nỗi sợ để hòa nhập tốt hơn, cũng như hạn chế những ảnh hưởng xấu đến tâm lý.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *