Hội chứng sợ gà (Alektorophobia): Cách chẩn đoán và cải thiện

Hội chứng sợ gà (Alektorophobia) là tình trạng ám ảnh và sợ hãi quá mức về gà hoặc các món ăn từ gà. Hội chứng này tương đối ít gặp nên chưa được nghiên cứu nhiều. Mặc dù căn nguyên chưa rõ ràng nhưng các chuyên gia đã tìm ra giải pháp cho chứng Alektorophobia.

hội chứng sợ gà
Hội chứng sợ gà (Alektorophobia) là vấn đề tâm lý ít gặp và ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ dưới 10 tuổi

Hội chứng sợ gà (Alektorophobia) là gì?

Hội chứng sợ gà (Alektorophobia) là một trong những dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi ít gặp. Giống như các hội chứng ám ảnh sợ khác, người mắc hội chứng sợ gà có nỗi sợ mãnh liệt, vô lý và dai dẳng khi nhìn thấy gà hoặc các món ăn được chế biến từ thịt gà. Ngoài cảm xúc sợ hãi, người mắc chứng Alektorophobia còn xuất hiện các triệu chứng thể chất khi nhìn thấy gà – dù loài động vật này hoàn toàn vô hại và gần như không tiềm ẩn bất cứ nguy hiểm nào đối với con người.

Tên gọi Alektorophobia có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, trong đó “alektor” có nghĩa là gà và “phobos” mang ý nghĩa là nỗi sợ hãi, ám ảnh. Người mắc hội chứng này ý thức được nỗi sợ của bản thân là quá mức và vô lý nhưng không thể nào kiểm soát.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Gà là loại thực phẩm lành mạnh được sử dụng phổ biến. Do đó, hội chứng sợ gà sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống. Nỗi sợ quá mức khi nhìn thấy gà khiến người bệnh né tránh dùng các món ăn từ gà, không đến những nơi có thể nhìn thấy gà như nông trại, siêu thị,… Mặc dù việc né tránh dùng các món ăn từ gà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất nhưng điều này gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống.

Hiện tại, vẫn chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ người mắc hội chứng sợ gà. Tuy nhiên, theo ước tính có khoảng 1/5 trẻ em và 1/10 người trưởng thành ở Mỹ có biểu hiện sợ gà ở mức độ nào đó. Trong trường hợp nỗi sợ gà ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, việc điều trị là cần thiết để bảo vệ sức khỏe và cải thiện cuộc sống lâu dài.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ gà

Hội chứng sợ gà (Alektorophobia) có biểu hiện giống với các hội chứng ám ảnh sợ (rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi) khác. Điểm khác biệt duy nhất giữa các hội chứng này là nguồn gốc gây ra nỗi sợ. Mức độ sợ hãi và ám ảnh về gà sẽ có sự khác biệt ở từng trường hợp. Một số người chỉ gặp phải cảm giác khó chịu và lo sợ thoáng qua nhưng cũng có người sợ hãi khủng khiếp và hoảng loạn.

hội chứng sợ gà
Người mắc hội chứng sợ gà sẽ trở nên sợ hãi, hoảng loạn, khó thở, đổ mồ hôi,… khi nhìn thấy gà

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ gà:

  • Thường trực cảm giác sợ hãi, lo lắng về việc sẽ nhìn thấy gà và các món ăn từ thịt gà
  • Né tránh dùng các món ăn từ gà, không đến nông trại, siêu thị và né tránh những hình ảnh về gà
  • Luôn có nỗi sợ về việc sẽ gặp phải thảm họa nếu dùng món ăn từ gà hoặc nhìn thấy gà (chẳng hạn như bị gà mổ, nhiễm bệnh,…)
  • Một số người có thể sợ hãi với các loài động vật có lông như chim, vịt, ngan, thiên nga,…
  • Bệnh nhân có thể hình thành cảm xúc xấu hổ và bất lực vì không thể kiểm soát nỗi sợ vô lý của bản thân

Khi nhìn thấy gà, cảm giác sợ hãi gia tăng dẫn đến tăng hormone cortisol và adrenalin. Do đó, trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng mạnh mẽ hơn như:

  • Sợ hãi mạnh mẽ
  • Hoảng loạn, mất kiểm soát
  • Ớn lạnh
  • Choáng váng
  • Chóng mặt
  • Tim đập nhanh
  • Đổ mồ hôi
  • Run rẩy
  • Khó thở, thở nông
  • Đau thắt ngực
  • Bồn chồn
  • Đau bụng, khó tiêu
  • Trẻ em có phản ứng quấy khóc, la hét dữ dội và bám víu ba mẹ

Nguyên nhân gây hội chứng sợ gà

Hội chứng sợ gà có thể là kết quả của những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Những sự việc này có thể khiến cho não bộ hình thành cơ chế phòng vệ trong vô thức. Vì vậy, khi nhìn thấy gà, não bộ sẽ kích hoạt phản ứng gây ra cảm giác sợ hãi tột độ, lo lắng, hoảng loạn,…

Hội chứng sợ gà chưa được nghiên cứu nhiều nên nguyên nhân chưa được xác định. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu đã thực hiện, hội chứng này được cho là có liên quan đến những yếu tố sau:

1. Trải nghiệm tiêu cực từ thời thơ ấu

Trải nghiệm tiêu cực liên quan đến gà như bị gà mổ, bị nhiễm bệnh từ gà,… có thể hình thành nỗi sợ quá mức và vô lý về loài động vật này. Đây là phản ứng phòng vệ trong vô thức của não bộ nhằm giúp con người nhận biết mối nguy hiểm.

Khi nhìn thấy gà, hạch hạnh nhân bên trong não bộ sẽ hoạt động quá mức dẫn đến cảm giác sợ hãi mãnh liệt. Bởi cơ quan này có thể ghi lại cảm xúc của bản thân từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Vì vậy, những người có sang chấn tâm lý liên quan đến gà sẽ có nguy cơ cao phát triển chứng Alektorophobia.

2. Các yếu tố khác

Ngoài những sự kiện sang chấn, nguy cơ phát triển hội chứng sợ gà sẽ tăng lên đáng kể khi có những yếu tố như sau:

  • Trẻ nhỏ dưới 10 tuổi
  • Lớn lên ở vùng nông thôn
  • Gia đình có người bị hội chứng sợ gà hoặc bị các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác

Hội chứng sợ gà (Alektorophobia) có nguy hiểm không?

Hội chứng sợ gà (Alektorophobia) là vấn đề tâm lý tương đối ít gặp. Dù vậy, những ảnh hưởng của hội chứng này đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống đã được đề cập. Các chuyên gia nhận thấy, những người mắc chứng sợ gà dễ bị căng thẳng và có thể phát triển chứng trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn hoảng sợ nếu không được điều trị.

Gà là loại thực phẩm quen thuộc và được sử dụng ở hầu hết tất cả các quốc gia. Do đó, việc né tránh gà và các món ăn từ gà sẽ khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống. Người bệnh có thể né tránh đến nông trại, siêu thị hoặc từ chối các bữa ăn nếu thực đơn có gà để tránh cảm giác sợ hãi quá mức. Tuy nhiên, những hành vi né tránh này sẽ khiến cho bệnh nhân khó hòa nhập và có xu hướng cách ly xã hội.

Bản thân người bị hội chứng sợ gà nhận thức được nỗi sợ vô lý của chính mình nhưng không thể nào kiểm soát. Vì vậy, không ít người lạm dụng ma túy, rượu bia và thuốc lá để giải tỏa cảm xúc. Lối sống không lành mạnh cộng với tâm trạng không ổn định và cách ly xã hội khiến cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tuột dốc chỉ trong một thời gian ngắn.

Để ngăn chặn biến chứng của hội chứng sợ gà, cách hiệu quả nhất là thăm khám và điều trị kịp thời. Đa số những người mắc chứng bệnh này đều có đáp ứng tốt sau khi trị liệu. Bệnh nhân sẽ giảm bớt hoặc loại bỏ hoàn toàn nỗi sợ về gà, một số người thậm chí có thể thoải mái dùng các món ăn từ loài động vật này.

Chẩn đoán hội chứng sợ gà

Hội chứng sợ gà sẽ được chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Hội chứng này chỉ được xem là vấn đề tâm lý khi nỗi sợ và sự ám ảnh về gà ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Bản thân người mắc chứng Alektorophobia ý thức được nỗi sợ vô lý và có thể nhìn nhận khách quan những bất thường trong cảm xúc, phản ứng và hành vi của bản thân. Do đó, quá trình chẩn đoán sẽ diễn ra tương đối thuận lợi.

Để loại trừ một số khả năng có thể xảy ra, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng khác. Ngoài ra, chẩn đoán còn bao gồm việc xác định các biến chứng (nếu có) như trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu lan tỏa,…

Các phương pháp điều trị hội chứng sợ gà

Hội chứng sợ gà thường được điều trị kết hợp bằng nhiều phương pháp. Mặc dù phác đồ có thể khác nhau ở từng trường hợp nhưng mục tiêu chung là giảm bớt nỗi sợ về gà và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, điều trị còn giúp phòng ngừa các biến chứng đối với cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.

Các phương pháp điều trị được áp dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ gà:

1. Tâm lý trị liệu

Giống như các hội chứng ám ảnh sợ, hội chứng sợ gà sẽ được điều trị bằng tâm lý trị liệu. Phương pháp này được xem là giải pháp tối ưu đối với các vấn đề tâm lý có liên quan đến stress và sang chấn tâm lý trong quá khứ. Theo thống kê, đa phần bệnh nhân bị chứng Alektorophobia đều có đáp ứng tốt khi can thiệp trị liệu, nhiều trường hợp có thể thoải mái khi ăn uống và có thể tự chế biến thịt gà.

alektorophobia là gì
Tâm lý trị liệu được thực hiện để giảm bớt nỗi sợ về gà và giúp cải thiện các hành vi né tránh

Các liệu pháp tâm lý được áp dụng trong quá trình trị liệu hội chứng sợ gà:

– Liệu pháp phơi nhiễm (liệu pháp tiếp xúc):

Liệu pháp phơi nhiễm là lựa chọn đầu tiên khi điều trị hội chứng sợ gà. Liệu pháp này giúp bệnh nhân kiểm soát nỗi sợ và sự lo lắng bằng cách tiếp xúc với nỗi sợ theo mức độ tăng dần. Ban đầu, người bệnh chỉ tiếp xúc hình ảnh hoặc video về gà. Khi nỗi sợ bùng phát, chuyên gia sẽ hướng dẫn các kỹ năng đối phó để kiểm soát và vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân.

Sau khi bệnh nhân đã thích nghi với việc nhìn hình ảnh hoặc xem video clip về gà, bác sĩ sẽ cho tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng công nghệ thực tế ảo. Tương tự, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cách đối phó và quản lý nỗi sợ hãi, lo lắng khi nhìn thấy loài động vật này.

– Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT):

Liệu pháp nhận thức hành vi là liệu pháp tâm lý được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Liệu pháp này tập trung vào việc thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và sai lệch về gà. Từ đó giúp bệnh nhân nhận thức đúng đắn hơn về mức độ nguy hiểm cũng như lợi ích mà gà mang lại. Kết quả là sau khi trị liệu, bệnh nhân có thể giảm bớt nỗi sợ với gà và cải thiện các hành vi né tránh.

Liệu pháp nhận thức hành vi có thể được thực hiện độc lập nhưng đa phần sẽ kết hợp với liệu pháp phơi nhiễm để đạt được kết quả tốt nhất. Hai phương pháp này cũng mang lại hiệu quả trong điều trị các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác như hội chứng sợ sấm sét, hội chứng sợ lỗ, hội chứng sợ biển, hội chứng sợ đàn ông,…

2. Dùng thuốc

Thuốc không được dùng cho tất cả các trường hợp bị hội chứng sợ gà. Phương pháp này được cân nhắc trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện lo âu, căng thẳng, mất ngủ,… do cảm giác sợ hãi quá mức chi phối. Ngoài ra, nếu thường xuyên bị hoảng loạn, tăng nhịp tim, huyết áp do nỗi sợ về gà chi phối, bác sĩ sẽ xem xét dùng một số loại thuốc để giảm các triệu chứng thể chất.

Các loại thuốc thường được dùng trong quá trình điều trị hội chứng sợ gà:

  • Thuốc an thần: Thuốc an thần nhóm benzodiazepine thường được sử dụng để giải tỏa cảm giác lo lắng, căng thẳng và hoảng sợ ở bệnh nhân mắc hội chứng sợ gà. Nhóm thuốc này mang lại hiệu quả cao nhưng có nguy cơ gây nghiện và lệ thuốc nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn. Các loại thuốc an thần được dùng phổ biến bao gồm Diazepa và Alprazolam.
  • Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta có tác dụng hạ áp và thường được sử dụng để điều trị các vấn đề tim mạch. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể được dùng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ gà để cải thiện các triệu chứng thể chất như tăng huyết áp, đau đầu, tăng nhịp tim, đổ mồ hôi,…

3. Lối sống lành mạnh

Đặc điểm chung của các hội chứng ám ảnh sợ là gây ra căng thẳng kéo dài. Do bị nỗi sợ chi phối nên người bệnh gần như không thể thư giãn và khó có thể hòa nhập với mọi người. Bên cạnh các phương pháp y tế, bệnh nhân nên tổ chức lối sống lành mạnh để nâng đỡ sức khỏe thể chất và tinh thần.

Hội chứng sợ gà
Người mắc hội chứng sợ gà nên trang bị các kỹ thuật thư giãn để giảm căng thẳng và giải tỏa cảm xúc lành mạnh

Cách tổ chức lối sống cho bệnh nhân bị hội chứng sợ gà (Alektorophobia):

  • Nỗi sợ quá mức và mãnh liệt về gà khiến bệnh nhân thường rơi vào trạng thái căng thẳng, phiền muộn. Do đó, nên thực hiện các biện pháp thư giãn và giải tỏa cảm xúc lành mạnh như massage, liệu pháp mùi hương, yoga, ngồi thiền,…
  • Cố gắng ngủ đủ giấc và hạn chế thức khuya. Giấc ngủ ngon sẽ giúp xoa dịu những cảm xúc tiêu cực, đồng thời thư giãn hệ thần kinh trung ương và giảm sự nhạy cảm quá mức của hạch hạnh nhân khi nhìn thấy gà.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng để nâng đỡ thể chất và tinh thần. Nên đa dạng các loại thịt và cá để cung cấp đủ dinh dưỡng, tránh tình trạng thiếu dưỡng chất do kiêng cữ các món ăn từ gà.
  • Tránh sử dụng quá nhiều caffeine, kiêng tuyệt đối rượu bia, thuốc lá và không sử dụng chất gây nghiện. Những thói quen không lành mạnh sẽ làm gia tăng mức độ lo âu và căng thẳng. Từ đó gây ảnh hưởng đến hiệu quả trị liệu, đồng thời gia tăng các vấn đề tâm lý và thể chất như mất ngủ, stress, rối loạn lo âu,…
  • Nên chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản thân với những người xung quanh. Như vậy, mọi người có thể hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị và tìm cách để người bệnh cùng tham gia các hoạt động của nhóm (chẳng hạn như chọn các món ăn khác thay cho các món ăn từ gà, lựa chọn địa điểm du lịch không có sự xuất hiện của gà,…). Sự hỗ trợ của những người xung quanh sẽ giúp bệnh nhân thoải mái hơn và giảm phần nào căng thẳng do hội chứng sợ gà gây ra.
  • Tham gia các hội nhóm của những người bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi để được chia sẻ và đồng cảm. Thực tế, những người xung quanh khó có thể thấu hiểu sâu sắc nỗi sợ hãi và ám ảnh quá mức về gà. Vì vậy, nên xem xét tham gia các hội nhóm để có cơ hội chia sẻ, đồng thời mở rộng các mối quan hệ và có thêm kinh nghiệm trong quá trình điều trị.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Hội chứng sợ gà (Alektorophobia) là chứng bệnh tâm lý chứ không đơn thuần là cảm giác khó chịu khi nhìn thấy gà. Nếu không thể kiểm soát nỗi sợ của bản thân, nên chủ động thăm khám để được tư vấn giải pháp khắc phục phù hợp. Ngoài ra, cần học cách chia sẻ với mọi người thay vì đối mặt một mình. Sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè sẽ tiếp thêm động lực để bạn có thể kiên trì trong quá trình trị liệu.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *