Hội chứng sợ già (Gerascophobia): Sự lão hóa thật sự đáng sợ
Tuổi già luôn đi kèm với tình trạng lão hóa, và là dấu hiệu cho thấy cuộc đời của chúng ta đang tiến dần đến những trang cuối cùng. Đó là lý do chúng ta biết rằng già cả là quá trình tiến hóa bình thường của con người, nhưng luôn lo lắng và sợ hãi vấn đề này. Một số người bịa ám ảnh và thể hiện sự đau khổ tột cùng và dai dẳng với tuổi già, người ta gọi trường hợp này là Gerascophobia, hay hội chứng sợ già.
Hội chứng sợ già (Gerascophobia) là gì?
Thuật ngữ Gerascophobia xuất phát từ tiếng Hy Lạp γηράσκω (gerasko) nghĩa là “Tôi già đi”, và φόβος (phobos) nghĩa là “sợ hãi”. Hội chứng sợ già được xếp vào rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, với ám ảnh là tình trạng già đi và lão hóa của cơ thể. Nỗi ám ảnh về sự lão hóa không chỉ dừng ở diện mạo, mà còn phản ánh ở sức khỏe và tâm trí khiến người bệnh đau khổ, mệt mỏi và bất lực tột cùng.
Trên thực tế, tất cả chúng ta đều sợ hãi cảm giác già đi. Sức khỏe xuống cấp, diện mạo lão hóa, tâm trí không còn minh mẫn, sự tự ti và cảm giác bản thân vô dụng, cùng với sự đe dọa của cái chết là những điều ta buộc phải đối mắt đi tuổi già kéo đến. Con người luôn muốn bản thân trẻ trung và trường thọ, và tư tưởng này thể hiện rất rõ qua truyền thuyết và thần thoại của các nền văn hóa trên thế giới.
Lo lắng về sự già cả và lão hóa là trạng thái tâm lý hết sức bình thường. Tuy nhiên nỗi lo này không đeo bám chúng ta từng phút từng giây, khiến ta ám ảnh, đau khổ, và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu xuất hiện những hiện tượng như trên, thì có thể bạn đang bị ảnh hưởng của hội chứng sợ già. Ám ảnh về những nếp nhăn trên khuôn mặt và bệnh tật tuổi già xuất hiện kể cả khi bạn đang khỏe mạnh, sống trong điều kiện vật chất đầy đủ.
Nỗi sợ già đi của người bệnh rất dai dẳng và phi lý. Họ luôn suy nghĩ về việc mình đã già đi bao nhiêu, trên cơ thể có những dấu hiệu lão hóa nào, và luôn trong tình trạng căng thẳng. Tình trạng căng thẳng, stress lâu ngày cũng là nguyên nhân khiến sức khỏe suy giảm, ảnh hưởng đến tâm trạng, gây đau nhức cơ thể, tức ngực, khó thở,… Những dấu hiệu bất ổn về sức khỏe này càng làm tăng nỗi sợ già cả ở người bệnh.
Người mắc hội chứng sợ già luôn bị ám ảnh về ngoại hình, và suy nghĩ bản thân sẽ thật vô dụng khi già đi. Họ sợ rằng mình sẽ không còn đẹp, không thể làm những điều yêu thích, sẽ phải chia tay với người thân và bạn bè, phải sống phụ thuộc vào người khác, và không còn cảm giác tự do nữa. Nỗi sợ hãi này rất phi lý, nhưng người bệnh không thể thoát khỏi việc bị ám ảnh và chi phối trong sinh hoạt hàng ngày.
Hội chứng sợ già – Không chỉ là vấn đề của người cao tuổi
Hội chứng sợ già không chỉ xuất hiện ở những người trung niên, mà cả ở thanh niên và người trẻ tuổi, những người đang trải qua những năm tháng tươi đẹp và sung mãn nhất của đời người. Có không ít những trường hợp người bệnh ám ảnh với tuổi già rơi vào độ tuổi khá trẻ là 15-30 tuổi. Họ tìm mọi cách để kiềm hãm sự phát triển của cơ thế, vì lo sợ bản thân sẽ tiến gần hơn đến sự lão hóa.
Một báo cáo từ Hiệp hội Y tế Công cộng Hoàng gia Anh (RSPH) vào năm 2018 cho thấy, thế hệ trẻ ngày nay bị ám ảnh nhiều hơn với tuổi già. Họ lo sợ tình trạng sức khỏe xuống cấp và suy giảm trí nhớ do lão hóa. Đặc biệt là ở phụ nữ, cụm từ “lão hóa” trở thành một ám ảnh dai dẳng đến mức, họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền bạc và công sức cho ngành công nghiệp làm đẹp để giữ lại tuổi xuân.
Ngành phẫu thuật thẩm mỹ và làm đẹp đã kiếm được doanh thu khổng lồ nhờ vào việc lợi dụng tâm lý này ở phụ nữ. Họ liên tục nói về việc phải đấu tranh với tuổi già và lão hóa. Sau đó bán những gói dịch vụ chuyên về làm đẹp, chống lão hóa và giúp níu kéo tuổi xuân thông qua serum, mỹ phẩm và phẫu thuật thẩm mỹ. Theo ước tính, có hơn 30% phụ nữ dưới 35 tuổi thường xuyên sử dụng mỹ phẩm chống lão hóa.
Nguyên nhân của hội chứng Gerascophobia
Hội chứng sợ già gây ra nỗi sợ quá mức và dai dẳng về vấn đề lão hóa. Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên hiện tượng tâm lý này. Tuy nhiên nghiên cứu trên nhiều trường hợp mắc Gerascophobia cho thấy, những yếu tố ảnh hưởng thường xuất phát từ nỗi sợ hãi, lo lắng về những khó khăn trong cuộc sống, và việc không thể tự chăm sóc bản thân trong độ tuổi xế chiều. Một số yếu tố thường gặp bao gồm:
- Sống trong môi trường căng thẳng kéo dài, thường lo lắng và stress về những vấn đề trong cuộc sống, từ đó lo sợ bản thân sẽ trở nên vô dụng, không thể sống nổi khi về già. Áp lực vì không có được thành tựu trong công việc, không có tài chính vững mạnh, không có thời gian tích lũy tài sản khiến ta lo sợ tuổi già đang kéo đến.
- Có thể vì đang mắc những bệnh lý tiềm ẩn như mất cân bằng nội tiết tố, suy thận, các vấn đề về tuyến giáp, hoặc các hội chứng rối loạn tâm thần khác. Những bệnh lý này có thể khiến tinh thần cùa chúng ta bị ảnh hưởng, từ đó sinh ra những nỗi sợ không thể giải thích được.
- Sợ hãi cái chết khi chứng kiến người thân qua đời do tuổi già, bị ám ảnh về việc vợ/chồng sẽ qua đời trong tương lai, lo lắng phải chia tay con cái,… Tuổi già kéo theo sự bất lực và những nuối tiếc, vì thế con người rất sợ mình dần già đi. Ám ảnh này có thể thúc đẩy nguy cơ mắc hội chứng sợ già.
- Chứng kiến tình trạng suy kiệt về thể chất và tinh thần khi người gia mắc phải những chứng bệnh như Alzheimer, Parkinson, hoặc những tình trạng thoái hóa khác liên quan đến tuổi tác.
- Sợ hãi vì việc không thể tự chăm sóc bản thân, không thể gọi giúp đỡ khi đau ốm hay té ngã. Già đi đồng nghĩa với việc phải phụ thuộc vào người khác trong những ngày tháng cuối đời. Điều này khiến nhiều người không thể chấp nhận, vì cảm thấ bản thân trở nên yếu đuối, vô dụng, và đánh mất lòng tự trọng. Tất cả những yếu tố này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trí của người ám ảnh.
- Hội chứng sợ già xảy ra do những lo lắng về việc phải nghỉ hưu, mất khả năng tài chính, bị bỏ rơi vì vô dụng và nhiều nỗi sợ khác. Đây là nỗi sợ rất phổ biến ở người trung niên.
- Khi về già, con người mất dần tự tin vì việc gì cũng phải phụ thuộc vào người khác, suy nghĩ này khiến họ cảm thấy mình vô dụng và rơi vào khủng hoảng.
- Người luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến sức khỏe và sắc đẹp cũng dễ bị ảnh hưởng bởi hội chứng sợ già. Họ sợ khuôn mặt sẽ có nếp nhăn, xuất hiện những vết nám, da không còn hồng hào và đàn hồi như thời còn trẻ,… Đặc biệt là trong thời đại hiện nay khi ngành làm đẹp lên ngôi, những thông tin tiêu cực và hình ảnh về hậu quả của lão hóa xuất hiện hàng ngày trên truyền thông khiến chị em phụ nữ lại càng khủng hoảng hơn khi nghĩ đến tuổi già.
Mỗi người sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác nhau, nhưng thông thường các trường hợp mắc hội chứng sợ già là do tổng hợp của nhiều yếu tố. Đàn ông thường lo lắng về những vấn đề như thiếu hụt tài chính, sức khỏe giảm sút, và cảm giác cô đơn, vô dụng khi về già. Trong khi đó phụ nữ thường lo lắng về nếp nhăn, lão hóa trên da và cơ thể, không giữ được vóc dáng đẹp và những vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Triệu chứng và ảnh hưởng của chứng sợ tuổi già
Ảnh hưởng của Gerascophobia đến mỗi người là không giống nhau, tùy thuộc vào mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe tâm thần hiện tại của bệnh nhân. Những triệu chứng của hội chứng sợ tuổi già thường thể hiện qua hành vi và trạng thái thể chất của người bệnh. Để biết rằng bệnh nhân có mắc Gerascophobia, chúng ta có thể dựa vào một số yếu tố sau:
- Nỗi sợ hãi về việc già đi kéo dài dai dẳng, ám ảnh trong thời gian dài (6 tháng), gây đau khổ cùng cực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày.
- Lo âu, sợ hãi về việc già đi, luôn nghĩ rằng thời gian trôi qua quá nhanh, và bản thân đang rơi vào quá trình lão hóa nhanh chóng. Ám ảnh này khiến bạn sợ hãi khi nhìn vào những hình ảnh già nua, tránh né mọi chủ đề liên quan đến tuổi tác, nhan sắc, chăm sóc sắc đẹp, bệnh tật, cái chết,…
- Đôi khi cảm thấy bản thân mất kết nối với thế giới bên ngoài vì bị ám ảnh tuổi già nhấn chìm, không thể suy nghĩ bất cứ thứ gì. Đôi khi mất kiểm soát cảm xúc, dễ nóng nảy khi chạm đến vấn đề tuổi tác hay lão hóa, cảm thấy như bản thân sắp phát điên.
- Lo lắng về tuổi già và cái chết dù bản thân còn rất trẻ, luôn tìm tòi những dấu hiệu về lão hóa trên khuôn mặt hay thân thể, và trở nên vô cùng lo lắng nếu có bất cứ tì vết nào trên mặt.
- Cảm giác căng thẳng bao trùm lấy cuộc sống khiến người bệnh mất tập trung trong công việc, thường xuyên bị stress, suy nhược cơ thể, mất ngủ do stress, ngủ không sâu giấc và thường gặp ác mộng. Ngoài ra, lo lắng quá mức cũng gây ra các vấn đề sức khỏe như bệnh tim hoặc huyết áp cao.
- Ám ảnh về cái chết và sự cô đơn khi về già, không ngừng nghĩ về cuộc sống sau này với những suy nghĩ tiêu cực, vẽ ra những viễn cảnh đen tối cho bản thân.
- Một số biểu hiện thể chất thường thấy: đổ mồ hôi nhiều, miệng khô, hơi thở nóng, buồn nôn, khó thở,tức ngực, đau cơ, tim đập nhanh, run rẩy, đồ mồ hôi lạnh, mất kiểm soát hành vi dẫn đến ngất xĩu,…
- Lo lắng về những dấu hiệu lão hóa khiến người bệnh không muốn gặp mặt người khác, dẫn đến việc họ dần sống tách biệt, cô lập với mọi người
Giữa một xã hội đề cao cái đẹp, sự già cả và lão hóa trở thành “kẻ thù” của tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Già cả gắn liền với hình ảnh sức khỏe kém, bệnh tật triền miên, da dẻ nhăn nheo và bị nám, cuộc sống không thể tự do, cô đơn, vô dụng nên luôn cần người chăm sóc. Chính xã hội đã định nghĩa tuổi già một cách tồi tệ và u ám, vì thế việc con người khủng hoảng khi nghĩ đến việc mình già đi hoàn toàn hợp lý.
Hội chứng sợ già ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Những thông tin tiêu cực về tuổi già trên mạng internet, cùng với cái nhìn khắt khe của xã hội về người cao tuổi cũng khiến sự ám ảnh và sợ hãi tăng cao. Nếu không đưa người bệnh đi cải thiện tâm lý kịp thời, hội chứng này sẽ gây nhiều phiền toái cho cuộc sống, và khiến người bệnh ngày càng lo lắng, mệt mỏi hơn.
Cách vượt qua hội chứng sợ già
Điều trị tâm lý, kết hợp với dùng thuôc trong một số trường hợp cần thiết, đang là phương pháp phổ biến giúp người bệnh vượt qua ảnh hưởng của hội chứng sợ già. Quan trọng là giúp người bệnh cần có nhận thức đúng đắn về tuổi già và sự lão hóa, chấp nhận việc già đi và lão hóa là một phần tự nhiên của cuộc sống. Chúng ta không thể thay đổi quá trình này, vì thế hãy chấp nhận nó một cách vui vẻ.
Người nhà nên đưa người bệnh đến gặp bác sĩ, hoặc các trung tâm tư vấn tâm lý uy tín để được các chuyên gia giúp đỡ tốt hơn trong quá trình điều trị. Tư vấn tâm lý là phương pháp bắt buộc trong quá trình điều trị các chứng rối loạn lo âu sợ hãi. Mục đích là giúp người bệnh nhận ra sự phí lý trong nỗi sợ, từ đó hận chế những ảnh hưởng tiêu cực của nỗi sợ đó đến tinh thần và thể chất người bệnh.
Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) được sử dụng phổ biến trong quá trình tư vấn tâm lý, và có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị chứng sợ già. Phương pháp này giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ về lão hóa và tuổi già thông qua những cuộc trò chuyện 1:1. Trong quá trình trao đổi, niềm tin của người bệnh về những điều tồi tệ xảy ra khi tuổi già ập đến sẽ được thay thế, và giúp họ suy nghĩ tích cực hơn.
Liệu pháp tiếp xúc cũng là một cách điều trị thường được áp dụng. Các bác sĩ và nhà tư vấn tâm lý sẽ cho bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với nỗi sợ, với một cường độ thích hợp, từ đó học cách làm quen và kiểm soát hành vi tốt hơn. Việc tiếp xúc có thể bao gồm nhiều cách khác nhau như qua tranh ảnh, các đoạn phim ngắn, hoặc tiếp xúc trực tiếp với người lớn tuổi. Liệu pháp tiếp xúc chỉ nên được sử dụng trong môi trường an toàn để tránh phản ứng quá khích từ bệnh nhân.
Ngoài ra trong một vài trường hợp, cách điều trị bằng thôi miên có thể mang đến hiệu quả tích cực, giúp người bệnh quên đi sự ám ảnh đeo bám. Trong trường hợp các triệu chứng sợ hãi vượt quá tầm kiểm soát, người bệnh có thể được cho dùng thuốc để giảm nhẹ cảm giác hoảng loạn và sợ hãi, sau đó tiếp tục quá trình trình điều trị. Việc dùng thuốc phải tuân theo hướng dẫn từ bác sĩ.
Người thân, bạn bè của người bệnh cũng cần động viên, hỗ trợ người bệnh nhiều hơn để vượt qua khó khăn trong quá trình điều trị. Hãy tránh nhắc đến vấn đề tuổi tác, hoặc gợi cho người bệnh những viễn cảnh đen tối khi già đi. Thay vào đó, hãy cùng họ tập thể dục, sinh hoạt lành mạnh để giữ cho tinh thần luôn thoải mái. Tâm trạng tốt, không căng thẳng và lo âu là liều thuốc tuyệt vời cho sức khỏe, giúp trẻ trẻ trung và yêu đời hơn.
Lão hóa là một phần tất yếu của cuộc sống, vì thế chúng ta không có cách nào chống lại quá trình này. Cách tốt nhất là nên nhìn nhận theo hướng tích cực, tận dụng thời gian còn trẻ để thực hiện những ước mơ và dự định bản thân luôn ấp ủ. Khi còn trẻ, chúng ta nên đi khám phá nhiều hơn. Còn khi về già, bạn hoàn toàn có thể tìm những việc vừa sức, hoặc chuẩn bị mọi thứ để cuộc sống về già không còn buồn tẻ, tránh căng thẳng hay lo âu quá đà.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Bệnh hoang tưởng ở người già là gì? Chăm sóc thế nào?
- Trầm Cảm Ở Người Cao Tuổi: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Điều Trị
- Rối loạn tâm thần là gì? Các loại rối loạn tâm thần thường gặp
- Khám Phá Công Dụng Của Tinh Dầu Giúp Giảm Stress, Lo Âu
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!