Rối Loạn Phân Liệt Cảm Xúc (SZD) là gì?

Rối loạn phân liệt cảm xúc (SZD) là một dạng loạn thần nội sinh tiến triển theo chu kỳ. Đặc điểm của bệnh là có các triệu chứng cảm xúc và phân liệt cùng nổi bật trong một giai đoạn bệnh. Bệnh lý này không thể điều trị dứt điểm nhưng có thể kiểm soát thông qua một số phương pháp.

rối loạn phân liệt cảm xúc là gì
Rối loạn phân liệt cảm xúc (Schizoaffective Disorder/ SZD) là một dạng loạn thần nội sinh tiến triển theo chu kỳ

Rối loạn phân liệt cảm xúc là gì?

Rối loạn phân liệt cảm xúc (Tiếng Anh: Schizoaffective Disorder/ SZD) là một dạng rối loạn tâm thần có các triệu chứng cảm xúc (hưng cảm, trầm cảm, hỗn hợp) xen lẫn với các triệu chứng tâm thần phân liệt. Đặc điểm của bệnh lý này là các triệu chứng phân liệt và cảm xúc đều nổi bật trong cùng một giai đoạn bệnh. Đồng thời các ảo giác, hoang tưởng có nội dung không phù hợp với khí sắc trong rối loạn cảm xúc.

Rối loạn phân liệt cảm xúc rất dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn cảm xúc và tâm thần phân liệt nên đòi hỏi phải được đánh giá kỹ lưỡng. Theo đánh giá của các chuyên gia, SZD có tiên lượng tốt hơn so với tâm thần phân liệt nhưng xấu hơn so với các rối loạn cảm xúc.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Theo ICD-10, rối loạn phân liệt cảm xúc được chia thành 3 loại sau đây:

  • Rối loạn phân liệt cảm xúc loại hưng cảm (F25.0)
  • Rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm (F25.1)
  • Rối loạn phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp (F25.2)

Tuy nhiên, DSM-5 lại chia rối loạn phân liệt cảm xúc thành 2 dạng:

  • Rối loạn phân liệt cảm xúc thể trầm cảm (nếu chỉ bao gồm giai đoạn trầm cảm nặng và các triệu chứng phân liệt)
  • Rối loạn phân liệt cảm xúc thể lưỡng cực (bao gồm một giai đoạn hưng cảm hoặc hỗn hợp và các triệu chứng phân liệt)

Nhận biết rối loạn phân liệt cảm xúc (SZD)

Rối loạn phân liệt cảm xúc đặc trưng bởi các triệu chứng phân liệt và cảm xúc rõ rệt. Các rối loạn cảm xúc có thể là hưng cảm, trầm cảm hoặc hỗn hợp. Các triệu chứng phân liệt và cảm xúc có thể tiến triển đồng thời hoặc cách nhau vài ngày nhưng đều nổi bật trong một giai đoạn bệnh.

SZD được chia thành 3 loại dựa trên biểu hiện lâm sàng và mỗi loại sẽ có triệu chứng khác nhau:

1. Rối loạn phân liệt cảm xúc loại hưng cảm

Rối loạn phân liệt cảm xúc loại hưng cảm đặc trưng bởi các triệu chứng hưng cảm và triệu chứng tâm thần phân liệt cùng nổi bật trong cùng một giai đoạn bệnh. Theo thống kê, dạng này phổ biến hơn so với loại trầm cảm và loại hỗn hợp, đồng thời cũng có tiên lượng tốt hơn.

rối loạn phân liệt cảm xúc là gì
Rối loạn phân liệt cảm xúc loại hưng cảm đặc trưng bởi khí sắc tăng cao và không ổn định

Các triệu chứng của rối loạn phân liệt cảm xúc loại hưng cảm:

  • Khí sắc tăng cao, luôn vui vẻ, hoạt bát, năng động, đôi khi kích động và cáu kỉnh
  • Khí sắc bất thường và không ổn định
  • Tăng hoạt động quá mức, có thể chạy nhảy, tập thể dục liên tục mà không cảm thấy mệt mỏi
  • Mất khả năng ức chế và rối loạn khả năng tập trung
  • Tư duy hưng phấn, ý tưởng khuếch đại và đánh giá bản thân quá cao so với thực tế. Một số bệnh nhân có hoang tưởng bị truy hại dẫn đến kích động và hành vi bạo lực.
  • Đôi khi xuất hiện hoang tưởng tự cao, truy hại, liên tưởng liên hệ, hoang tưởng chi phối và bị kiểm tra. Các hoang tưởng này chi phối cảm xúc và hành vi của bệnh nhân. Điểm khác biệt giữa SZD và hưng cảm trong các rối loạn cảm xúc là xuất hiện các hoang tưởng không phù hợp với khí sắc. Bởi hưng cảm thông thường hay đi kèm với hoang tưởng tự cao, hoang tưởng được yêu thay vì hoang tưởng bị truy hại.
  • Bệnh nhân cũng có thể gặp phải các hoang tưởng khác và đôi khi xuất hiện ảo giác (chủ yếu là ảo thanh).
  • Bị rối loạn hành vi nghiêm trọng.

Các triệu chứng của rối loạn phân liệt cảm xúc loại hưng cảm xuất hiện đột ngột và rầm rộ. Tuy nhiên, loại hưng cảm có thể thuyên giảm nhanh chóng chỉ sau vài tuần. Ở giữa các đợt tái phát, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh và có thể học tập, làm việc như bình thường.

2. Rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm

Rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm đặc trưng bởi các triệu chứng trầm cảm và triệu chứng tâm thần phân liệt cùng nổi bật trong cùng một giai đoạn bệnh. Dạng này có tỷ lệ thấp hơn so với loại hưng cảm nhưng tiên lượng thường xấu hơn.

Rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm có xu hướng tiến triển mãn tính, kéo dài, một số có thể thuyên giảm hoàn toàn nhưng cũng có bệnh nhân phải đối mặt với di chứng phân liệt. Tương tự như dạng hưng cảm, giữa các đợt tái phát bệnh nhân gần như ổn định hoàn toàn.

rối loạn phân liệt cảm xúc là gì
Rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm đặc trưng bởi loạn thần, khí sắc trầm buồn, giảm quan tâm và hứng thú

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm:

  • Có các triệu chứng trầm cảm đặc trưng như khí sắc trầm buồn, u uất, khuôn mặt thể hiện rõ sự buồn bã và đau khổ.
  • Giảm khả năng tập trung, hoạt động bị ức chế dẫn đến tác phong chậm chạp, ít vận động, dáng vẻ lờ đờ và thiếu sức sống.
  • Mất sự quan tâm và hứng thú với thứ xung quanh, kể cả những hoạt động và sở thích trước đây.
  • Có hoang tưởng bị kiểm tra, hoang tưởng tự cao, hoang tưởng kỳ quái
  • Các ý tưởng, tư duy vang thành tiếng
  • Xuất hiện ảo thanh với nội dung ra lệnh, bình phẩm và đánh giá
  • Cho rằng bản thân phạm phải tội lỗi nặng nề dẫn đến ý nghĩ và hành vi tự sát

Rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm khác với trầm cảm loạn thần. Trong trầm cảm loạn thần, các triệu chứng trầm cảm nổi bật hơn đi kèm với ảo giác và hoang tưởng có nội dung phù hợp với khí sắc (tức là hoang tưởng bị buộc tội). Trong khi đó, SZD gây ra hoang tưởng tự cao, hoang tưởng kì quái trên nền khí sắc giảm thấp.

3. Rối loạn phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp

Rối loạn phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp là rối loạn có các triệu chứng tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực hỗn hợp cùng nổi bật trong một giai đoạn bệnh.

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp:

  • Bệnh nhân có các triệu chứng rối loạn lưỡng cực loại hỗn hợp với các cơn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ đi kèm với ít nhất 3 triệu chứng trầm cảm.
  • Thay đổi trạng thái chu kỳ liên tục khiến bệnh nhân hình thành ý nghĩ và thôi thúc hành vi tự sát
  • Có biểu hiện loạn thần là các ảo giác, hoang tưởng
  • Có ít nhất một triệu chứng của tâm thần phân liệt

So với hai giai đoạn trên, rối loạn phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp có tiên lượng xấu hơn. Giữa các đợt tái phát bệnh thường thuyên giảm nhưng không hoàn toàn thuyên giảm như loại hưng cảm và trầm cảm. Hơn nữa, vì khí sắc không ổn định nên tỷ lệ tự sát cao hơn so với các dạng rối loạn phân liệt cảm xúc khác.

Nguyên nhân gây rối loạn phân liệt cảm xúc

Rối loạn phân liệt cảm xúc được xem là bệnh loạn thần nội sinh với vai trò rõ ràng của yếu tố di truyền. Dù vậy, yếu tố này không phải là nguyên nhân trực tiếp mà còn do tác động của các yếu tố tâm lý xã hội và nhiều vấn đề khác.

rối loạn phân liệt cảm xúc là gì
Bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc được xác định có liên quan đến yếu tố di truyền

Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây rối loạn phân liệt cảm xúc. Tuy nhiên, SZD được xác định có liên quan đến những yếu tố sau:

  • Tiền sử gia đình bị rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân biệt,…
  • Đối mặt với các sự kiện gây sang chấn tâm lý như mất người thân, tai nạn, ly hôn, phá sản,…
  • Có sẵn các rối loạn tâm lý, tâm thần cũng làm gia tăng nguy cơ rối loạn phân liệt cảm xúc

Rối loạn phân liệt cảm xúc có nguy hiểm không?

Rối loạn phân liệt cảm xúc là một dạng bệnh loạn thần nội sinh với vai trò rõ rệt của yếu tố di truyền. Bệnh tiến triển theo chu kỳ và giữa các đợt tái phát bệnh nhân gần như thuyên giảm hoàn toàn.

Tiên lượng bệnh có sự khác biệt tùy loại dạng lâm sàng. Trong đó, rối loạn phân liệt cảm xúc loại hưng cảm có tiên lượng tốt nhất. Các dạng còn lại như trầm cảm và hỗn hợp đều có tiên lượng không thuận lợi, bệnh có khuynh hướng kéo dài và mãn tính. Tuy nhiên, nếu tích cực điều trị, bệnh nhân vẫn có thể học tập và làm việc như bình thường.

rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm
Rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm và hỗn hợp có tiên lượng xấu, khuynh hướng dai dẳng và mãn tính

Rối loạn phân liệt cảm xúc gây ra không ít biến chứng – nhất là những trường hợp không được điều trị hoặc điều trị chậm trễ. Ảnh hưởng của bệnh xuất phát từ các rối loạn khí sắc, hoang tưởng và ảo giác. Bệnh nhân SZD có thể sẽ phải đối mặt với những biến chứng sau đây:

  • Gia tăng mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ. Thậm chí, bệnh nhân còn có hành vi gây hấn và bạo lực do bị hoang tưởng chi phối.
  • Sống khép kín, cách ly xã hội.
  • Đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, thu nhập không ổn định do rối loạn phân liệt cảm xúc khiến bệnh nhân giảm khả năng tập trung, chú ý và tư duy bị ức chế. Ngoài ra, các hoang tưởng, ảo giác và rối loạn cảm xúc cũng khiến người bệnh dễ phát sinh mâu thuẫn với đồng nghiệp. Năng lực hạn chế và thái độ không phù hợp khiến bệnh nhân khó khăn khi tìm kiếm việc làm và nhiều khả năng sẽ phải sống phụ thuộc vào gia đình.
  • Gia tăng nguy cơ rối loạn lo âu, nghiện rượu bia, chất kích thích,…
  • Hình thành ý nghĩ tự sát và nỗ lực thực hiện các hành vi tự tử.
  • Rối loạn phân liệt cảm xúc cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như mất ngủ, suy nhược cơ thể, rối loạn tiền đình, các bệnh lý tim mạch, nội tiết,…

Chẩn đoán rối loạn phân liệt cảm xúc (SZD)

Rối loạn phân liệt cảm xúc (SZD) được chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn của DSM-5 hoặc ICD-10. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ phải thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ những khả năng khác có thể xảy ra.

Các bước chẩn đoán rối loạn phân liệt cảm xúc (SZD):

  • Khám sức khỏe tổng quát
  • Xét nghiệm máu, nước tiểu để phát hiện ma túy, nghiện rượu
  • Các chẩn đoán hình ảnh MRI, CT,…
  • Đánh giá tâm thần bằng cách quan sát ngoại hình, phong thái, phản ứng khi trò chuyện, biểu cảm khuôn mặt,…
  • Khai thác tiền sử gia đình và cá nhân

Sau khi đã có đủ dữ liệu, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 hoặc ICD-10 để chẩn đoán bệnh lý này. Chẩn đoán có thể xác định được thể bệnh của SZD để bác sĩ có thể đưa ra tiên lượng và lên phác đồ điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị rối loạn phân liệt cảm xúc

Tương tự như tâm thần phân liệt, bệnh nhân rối loạn phân liệt cảm xúc sẽ được điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ đào tạo và trang bị kỹ năng sống để có thể dễ dàng thích nghi, hòa nhập.

Phác đồ điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào dạng lâm sàng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Trong giai đoạn tiến triển, bệnh nhân phải nhập viện để tránh tự tử và các hành vi kích động, gây hấn. Việc điều trị rối loạn phân liệt cảm xúc dứt điểm còn khó khăn nên mục tiêu chính là kiểm soát triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Các phương pháp điều trị rối loạn phân liệt cảm xúc bao gồm:

1. Liệu pháp hóa dược

Liệu pháp hóa dược được chỉ định trong cả giai đoạn tiến triển và ổn định. Loại thuốc được sử dụng phụ thuộc hoàn toàn vào triệu chứng và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân.

Sử dụng thuốc mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát các triệu chứng rối loạn khí sắc và phân liệt. Tuy nhiên, dùng thuốc không thực sự hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tái phát. Vì vậy sau giai đoạn tiến triển, bệnh nhân cần phải điều trị củng cố bằng một số phương pháp khác.

rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm
Sử dụng thuốc giúp giảm các triệu chứng phân liệt và cảm xúc do SZD gây ra

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn phân liệt cảm xúc:

  • Thuốc chống loạn thần: Thuốc chống loạn thần được sử dụng để làm giảm các triệu chứng hoang tưởng và ảo giác. Thuốc được dùng với liều thấp và tăng dần liều cho đến khi đạt hiệu quả điều trị. Hiện nay, loại thuốc chống loạn thần được dùng phổ biến nhất là Paliperidone. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng có thể được chỉ định các loại thuốc khác như Sulpiride, Haloperidol, Aminazin,…
  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm được dùng cho bệnh nhân rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm. Nhóm thuốc này có nhiều loại nhưng được dùng phổ biến nhất là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc và thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Thuốc có tác dụng nâng cao tâm trạng, giảm cảm giác buồn chán, bi quan và ngăn chặn ý nghĩ, hành vi tự sát.
  • Thuốc điều hòa khí sắc: Thuốc điều hòa khí sắc được dùng trong trường hợp rối loạn phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp. Thuốc có tác dụng ổn định khí sắc trong giai đoạn hỗn hợp của rối loạn lưỡng cực. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm Lamotrigine, Divalproex, Lithium,…
  • Thuốc an thần: Thuốc an thần thường được dùng trong tất cả các trường hợp rối loạn phân liệt cảm xúc – đặc biệt là loại hưng cảm. Thuốc có tác dụng giảm kích động, chống lo âu và cải thiện các triệu chứng do rối loạn thần kinh thực vật.

Sử dụng thuốc giúp kiểm soát tốt các triệu chứng rối loạn phân liệt cảm xúc (SZD). Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không có đáp ứng và buộc phải can thiệp các phương pháp tác động não bộ.

2. Liệu pháp sốc điện (ECT)

Liệu pháp sốc điện (ECT) được chỉ định trong trường hợp rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm đáp ứng kém với thuốc và có ý nghĩ tự sát. Phương pháp này sử dụng dòng điện có kiểm soát tác động trực tiếp vào não bộ. Tác động của dòng điện tạo ra những cú rung giật nhỏ giúp điều hòa lại nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh.

rối loạn phân liệt cảm xúc loại hưng cảm
ECT được chỉ định trong trường hợp rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm không có đáp ứng với thuốc

Liệu pháp sốc điện mang lại hiệu quả khá tốt đối với rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm. ECT tỏ ra có hiệu quả trong việc ngăn chặn các ý nghĩ tự sát và giảm các triệu chứng do trầm cảm gây ra. Với những cải tiến trong quy trình, liệu pháp sốc điện ngày càng trở nên an toàn và là một trong những lựa chọn tối ưu khi điều trị rối loạn tâm thần.

3. Trị liệu tâm lý

Bên cạnh liệu pháp hóa dược, bệnh nhân rối loạn phân liệt cảm xúc cũng sẽ được chỉ định trị liệu tâm lý. Phương pháp này mang lại hiệu quả trong việc điều chỉnh cảm xúc, cải thiện các rối loạn hành vi, tăng khả năng tương tác xã hội và giúp bệnh nhân xử lý hiệu quả những vấn đề trong cuộc sống.

Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, chuyên gia sẽ lựa chọn các hình thức trị liệu tâm lý sau:

  • Liệu pháp cá nhân
  • Liệu pháp nhóm, gia đình

Trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả cao trong việc kéo dài thời gian ổn định và ngăn ngừa bệnh tái phát. Các chuyên gia cho rằng, phương pháp này giúp bệnh nhân biết cách ổn định cảm xúc và kiểm soát các yếu tố gây stress trong cuộc sống. Nhờ đó mà có thể giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng trong các đợt tiến triển của bệnh.

4. Đào tạo kỹ năng sống

Bệnh nhân rối loạn phân liệt cảm xúc thường phải đối mặt với tình trạng bị cô lập, cách ly xã hội và khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Do đó ngoài các phương pháp điều trị trên, người bệnh sẽ được trang bị những kỹ năng sống cần thiết để tăng khả năng hòa nhập và gia tăng cơ hội việc làm.

rối loạn phân liệt cảm xúc loại hưng cảm
Bệnh nhân SZD sẽ được đào tạo kỹ năng sống để cải thiện chất lượng cuộc sống lâu dài

Các kỹ năng sống được đào tạo cho bệnh nhân rối loạn phân liệt cảm xúc (SZD):

  • Kỹ năng xã hội: Kỹ năng xã hội bao gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, tương tác xã hội,… Các kỹ năng này sẽ giúp bệnh nhân tăng khả năng thích nghi và hòa nhập với môi trường. Từ đó có thể cải thiện tình trạng cô lập, cách ly với xã hội và góp phần tạo dựng cho bệnh nhân môi trường sống lành mạnh.
  • Kỹ năng nghề nghiệp: Kỹ năng nghề nghiệp tập trung vào việc giúp bệnh nhân rối loạn phân liệt cảm xúc gia tăng cơ hội nghề nghiệp, ổn định hiệu suất lao động để có thể giữ được công việc và có thu nhập ổn định. Kỹ năng này sẽ giúp bệnh nhân có cuộc sống tốt đẹp hơn và giảm thiểu tối đa nguy cơ thất nghiệp, vô gia cư.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được trang bị thêm một số kỹ năng khác để có thể cải thiện chất lượng cuộc sống lâu dài.

Lời khuyên dành cho bệnh nhân rối loạn phân liệt cảm xúc

Bệnh nhân rối loạn phân liệt cảm xúc có thể ý thức được tình trạng sức khỏe của bản thân – đặc biệt là trong giai đoạn ổn định. Hiện nay, điều trị bệnh còn nhiều hạn chế và thách thức. Chính vì vậy, bệnh nhân nên có những biện pháp chăm sóc để quản lý bệnh thành công.

Dưới đây là những lời khuyên dành cho bệnh nhân rối loạn phân liệt cảm xúc:

  • Chủ động tìm hiểu về bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc để hiểu được các yếu tố gây bệnh và những yếu tố khiến bệnh tái phát. Hiểu biết về bệnh lý này sẽ giúp người bệnh biết cách chăm sóc và quản lý một cách hiệu quả nhất.
  • Nên ghi chép lại các triệu chứng mà bản thân gặp phải để kịp thời phát hiện các giai đoạn tiến triển. Từ đó kịp thời can thiệp các phương pháp y tế để kiểm soát bệnh và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
  • Nên tham gia vào các hội nhóm của những người bị rối loạn phân liệt cảm xúc hoặc các bệnh lý tương tự. Kinh nghiệm thực tế từ những bệnh nhân khác sẽ giúp người bệnh dễ dàng đối mặt với những thách thức, phiền toái trong cuộc sống.
  • Giữ cho bản thân lối sống lành mạnh, không tìm đến rượu bia, thuốc lá và chất kích thích.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Rối loạn phân liệt cảm xúc là dạng loạn thần nội sinh với căn nguyên chưa rõ ràng. Nhìn chung, bệnh lý này có tiên lượng tốt hơn tâm thần phân liệt. Nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh nhân có thể ổn định cuộc sống lâu dài mà không phải đối mặt với các di chứng phân liệt.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *