Liệu Pháp Sốc Điện Chữa Trầm Cảm Có An Toàn Và Hiệu Quả?

Sốc điện chữa trầm cảm là phương pháp ra đời trước cả thuốc chống trầm cảm nhưng không được áp dụng phổ biến. Phải đến những năm gần đây, liệu pháp này mới được chứng minh về hiệu quả và độ an toàn. Hiện nay, sốc điện được xem là giải pháp tối ưu cho bệnh trầm cảm nặng và kháng trị.

sốc điện chữa trầm cảm
Liệu pháp sốc điện chữa trầm cảm là phương pháp điều trị quan trọng bên cạnh dùng thuốc và tâm lý trị liệu

Đôi nét về liệu pháp sốc điện

Liệu pháp sốc điện (Electroconvulsive Therapy – ECT) là phương pháp điều trị bệnh tâm thần ra đời từ rất lâu và cũng là phương pháp gây ra nhiều tranh cãi nhất. ECT là phương pháp sử dụng dòng điện có cường độ nhỏ được truyền vào não bộ thông qua các điện cực. Khi vào bên trong não, dòng điện gây ra các cơn co giật có kiểm soát và được theo dõi thông qua điện não đồ (EEG).

Phương pháp này ra đời cách đây khoảng 80 năm về trước. ECT lần đầu tiên được thực hiện cho một bệnh nhân nam 39 tuổi bị tâm thần phân liệt nặng. Ban đầu, liệu pháp sốc điện được thực hiện trực tiếp mà không có sự hỗ trợ thuốc giãn cơ và gây tê nên dẫn đến tình trạng co giật, gãy xương, mất trí nhớ tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Trong thời gian đầu, liệu pháp sốc điện chưa thực sự được chấp nhận vì đã có không ít số ca tử vong. Hơn nữa, việc ra đời của thuốc chống trầm cảm (1950) đã khiến cho liệu pháp sốc điện càng ít được quan tâm. Thậm chí, một số phương tiện truyền thông còn cho rằng ETC gây mất trí nhớ và phá hủy tâm trí con người.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Mặc dù những định kiến về ECT không có cơ sở nhưng phải đến năm 2004, liệu pháp này mới bắt đầu được sử dụng rộng rãi hơn. Bởi đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện để chứng minh hiệu quả của liệu pháp sốc điện đối với bệnh trầm cảm nặng. Ngày nay, kỹ thuật gây mê và kinh nghiệm sử dụng thuốc giãn cơ đã được cải thiện nên nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của ECT đã giảm đi đáng kể.

Sốc điện điều trị trầm cảm là liệu pháp gì?

Ngày nay, liệu pháp sốc điện (ECT) đã trở thành phương pháp quan trọng đối với các rối loạn tâm thần bao gồm cả bệnh trầm cảm. Sốc điện điều trị trầm cảm là phương pháp dùng dòng điện kích thích não bộ thông qua các điện cực. Từ đó tạo ra các cú rung giật có kiểm soát nhằm cải thiện triệu chứng và tiến triển của bệnh.

Hiện tại, cơ chế tác động của liệu pháp sốc điện vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, phương pháp này đã được xác định có thể mang đến những tác động tích cực như sau:

  • Kích thích giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin.
  • Thay đổi lưu lượng máu của não bộ.
  • Thay đổi nhanh chóng tính thẩm của hàng rào máu não
  • Giải phóng một số loại hormone
  • Kích thích hoạt động của các gen, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các tế bào não

Với những cơ chế kể trên, liệu pháp sốc điện cũng cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Ngoài ra, sốc điện làm thay đổi cấu trúc và hoạt động của não bộ. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc quản lý và ngăn ngừa tiến triển của bệnh.

Khi nào nên chữa trầm cảm bằng sốc điện?

Sốc điện không phải là lựa chọn ưu tiên trong điều trị trầm cảm. Lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh lý này là sử dụng thuốc chống trầm cảm và một số loại thuốc tác động trung ương khác. Nhìn chung, trầm cảm thường có đáp ứng tốt với liệu pháp hóa dược và chỉ có một số trường hợp phải can thiệp ECT.

sốc điện chữa trầm cảm
Những trường hợp trầm cảm nặng, kháng trị, bệnh nhân đã có ý tưởng tự sát sẽ được chỉ định sốc điện

Liệu pháp sốc điện chữa trầm cảm thường được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Trầm cảm không có đáp ứng với thuốc điều trị
  • Trầm cảm có ý tưởng tự sát và đã thực hiện hoặc lên kế hoạch cho các hành vi tự tử
  • Trầm cảm kèm loạn thần với các hoang tưởng dai dẳng, kích động,…
  • Những bệnh nhân trầm cảm không thể dùng thuốc cũng có thể được chỉ định sốc điện
  • Bệnh nhân từ chối ăn uống trong nhiều ngày

Cơ chế của liệu pháp sốc điện là tạo ra các cơn rung giật ở bên trong não bộ nên ảnh hưởng nhiều đến nhịp tim, nhịp thở và nhiều cơ quan khác. Do đó, phương pháp này chống chỉ định với những trường hợp sau:

  • Tăng áp lực nội sọ
  • Đang bị nhiễm khuẩn cấp tính
  • Tăng nhãn áp
  • Mắc các bệnh hô hấp nặng có thể dẫn đến hôn mê (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy hô hấp cấp)
  • Các bệnh tim mạch nặng như suy mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim mới xảy ra, phình động mạch chủ, xơ cứng động mạch não,…
  • Cường giáp
  • Bệnh gan, thận
  • Chấn thương cột sống, lao cột sống, dị tật cột sống, viêm xoang, loãng xương,…
  • Phụ nữ đang trong thời gian hành kinh
  • Người già trên 60 tuổi và người chưa đủ 16 tuổi

Có thể thấy, liệu pháp sốc điện có phạm vi chỉ định hạn chế và phạm vi chống chỉ định khá rộng. Vì vậy, một số bệnh nhân đôi khi không thể thực hiện liệu pháp này. Ngoài bệnh trầm cảm nặng, liệu pháp sốc điện cũng được áp dụng trong điều trị nhiều bệnh tâm thần khác như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực,…

Sốc điện chữa trầm cảm có hiệu quả không?

Hiện nay, liệu pháp sốc điện đã được sử dụng phổ biến hơn và được chấp nhận như một phương pháp điều trị các rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn cấm thực hiện sốc điện vì lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn. Do đó, không ít người hoài nghi về hiệu quả thực sự của liệu pháp sốc điện chữa trầm cảm.

Tính đến thời điểm hiện tại, phương pháp này đã có gần 80 năm lịch sử và được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh tâm thần. Với cơ chế tăng sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu hình điện của não, thay đổi lưu lượng máu,… sốc điện giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm và ngăn bệnh tiến triển theo chiều hướng tiêu cực.

Nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu về ECT (CORE) thực hiện vào năm 2004 trên 253 bệnh nhân trầm cảm nặng cho thấy, 75% bệnh nhân giảm hoàn toàn triệu chứng chỉ sau 7 lần thực hiện sốc điện trong vòng 21 ngày. Bên cạnh đó, liệu pháp này còn tỏ ra an toàn hơn cho người cao tuổi và phụ nữ mang thai. Bởi hai nhóm đối tượng này không thể sử dụng thuốc chống trầm cảm.

sốc điện điều trị trầm cảm
Hiệu quả của liệu pháp sốc điện trong điều trị trầm cảm đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy, ECT có thể làm giảm các ý nghĩ tự sát. Cụ thể, các bệnh nhân trầm cảm nặng có ý tưởng và đã lên kế hoạch tự sát được điều trị bằng ETC trong một khoảng thời gian. Sau 1 tuần, khoảng 38% người bệnh không còn ý nghĩ tự tử và sau khi kết thúc trị liệu, 81% trường hợp đã hoàn toàn gạt bỏ ý tưởng tự sát.

Thực tế, mỗi phương pháp sẽ có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Sốc điện tác động trực tiếp đến não bộ nên sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt cho bệnh nhân trầm cảm nặng. Tuy nhiên, bệnh nhân phải đến bệnh viện để thực hiện sốc điện nên khá bất tiện và thiếu chủ động hơn so với việc dùng thuốc. Đây cũng là lý do bệnh nhân sẽ được ưu tiên dùng thuốc và chỉ được sốc điện trong trường hợp trầm cảm kháng trị, trầm cảm nặng, đã có ý tưởng và hành vi tự sát.

Trong bối cảnh tỷ lệ tự sát liên quan đến trầm cảm ngày càng tăng cao, liệu pháp sốc điện thực sự là giải pháp tối ưu cho những bệnh nhân không có đáp ứng với thuốc hoặc không thể sử dụng thuốc. Để tối ưu hiệu quả, bệnh nhân sẽ được sốc điện kết hợp với sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu.

Hiện nay, một số phương pháp mới có cơ chế tương tự như ECT cũng đã được ra đời như kích thích từ xuyên sọ (TMS) và kích thích não sâu (DBS). Các liệu pháp này mang đến hiệu quả trong điều trị bệnh Parkinson, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm và các rối loạn tâm thần thường gặp khác. Mặc dù vậy khi so sánh hiệu quả giữa các phương pháp, ECT tỏ ra có hiệu quả hơn khi điều trị bệnh trầm cảm.

Tác dụng phụ của liệu pháp sốc điện

Tương tự như liệu pháp hóa dược, liệu pháp sốc điện cũng gây ra một số tác dụng phụ. Tuy nhiên, tác dụng ngoại ý của liệu pháp này không thực sự “rùng rợn” như những định kiến ác ý. Với sự phát triển của y học, hay cụ thể hơn là kinh nghiệm dùng thuốc giãn cơ và kỹ thuật gây tê đã giúp hạn chế tối đa các tác dụng phụ của ECT.

Các tác dụng ngoại ý có thể gặp phải khi thực hiện sốc điện chữa trầm cảm:

  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Buồn nôn
  • Rối loạn ý thức
  • Quên (mất trí nhớ tạm thời)
  • Một số người cũng có thể bị rối loạn nhịp tim và nhịp thở

Quy trình sốc điện điều trị trầm cảm

Liệu pháp sốc điện chữa trầm cảm thường được thực hiện 1 lần/ ngày hoặc 2 – 3 lần/ tuần tùy theo mức độ của từng trường hợp. Bệnh nhân sẽ được điều trị trong khoảng 3 – 6 tuần để đạt được kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, bác sĩ cũng có thể điều chỉnh số buổi và tần suất phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của từng trường hợp.

Mỗi buổi sốc điện sẽ kéo dài khoảng 60 phút, trong đó 20 phút thực hiện và 30 phút để bệnh nhân nghỉ ngơi, theo dõi. Sau khi sốc điện, bệnh nhân sẽ thiếu tỉnh táo nên cần có người thân hỗ trợ và tránh để bệnh nhân lái xe trong ít nhất 24 giờ kể từ khi trị liệu.

sốc điện điều trị trầm cảm
Mỗi buổi sốc điện điều trị trầm cảm sẽ kéo dài khoảng 60 phút và thời gian thực hiện sẽ mất khoảng 20 – 30 phút

Các bước chuẩn bị:

  • Bác sĩ và nhân viên y tế sẽ chuẩn bị các dụng cụ, máy móc cần thiết
  • Bệnh nhân và người nhà sẽ được bác sĩ giải thích cụ thể về phương pháp để hiểu rõ trước khi quyết định thực hiện.
  • Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 3 giờ và đi đại tiện trước khi sốc
  • Tháo bỏ các đồ kim loại, răng giả (nếu có) để để phòng tai biến có thể xảy ra.
  • Cuối cùng, bệnh nhân sẽ được kiểm tra nhiệt độ, huyết áp và mạch trước khi sốc điện.

Các bước thực hiện:

  • Bệnh nhân sẽ được nằm trên ghế hoặc giường và đeo các điện cực
  • Phụ tá sẽ có vai trò giữ vai cho bệnh nhân và điều chỉnh ngáng lưỡi trong quá trình sốc nhằm tránh tình trạng bệnh nhân cắn lưỡi, gãy xương, chấn thương cột sống,…
  • Sau khi đã chuẩn bị, bác sĩ sẽ điều chỉnh thông số và cắm điện gây sốc. Thông thường, kích thích điện sẽ có xung động từ 0.5 – 2.0ms nhưng cũng có khi dưới 0.5ms.
  • Quá trình thực hiện sẽ diễn ra trong phòng kín với sự hỗ trợ của khoảng 2 phụ tá và 1 bác sĩ

Sau khi thực hiện:

  • Sau khi sốc điện, bệnh nhân sẽ được di chuyển đến phòng thoáng để nghỉ ngơi trong 30 – 60 phút. Lúc này, nhân viên y tế sẽ đo huyết áp, đếm nhịp thở, đo mạch và thân nhiệt để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.
  • Người nhà sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân trong 24 giờ đầu tiên. Bởi lúc này bệnh nhân chưa thực sự tỉnh táo.

Một số lưu ý khi chữa trầm cảm bằng sốc điện

Liệu pháp sốc điện chữa trầm cảm là giải pháp cho những trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân đã có ý nghĩ và hành vi tự sát. Tuy nhiên trước khi áp dụng phương pháp này, bệnh nhân cần phải lưu ý những vấn đề sau:

sốc điện điều trị trầm cảm
Bên cạnh liệu pháp sốc điện, bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng và ngăn bệnh tái phát
  • Chỉ thực hiện sốc điện khi có chỉ định của bác sĩ và phải thực hiện ở những bệnh viện lớn, có máy móc, thiết bị và đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo bài bản.
  • Mặc dù mang lại hiệu quả cao nhưng ECT không thể thay thế cho liệu pháp hóa dược và trị liệu tâm lý. Tốt nhất, nên kết hợp thêm với các phương pháp khác để kiểm soát bệnh hiệu quả.
  • Nên thăm khám và điều trị trầm cảm sớm để hạn chế phải can thiệp các phương pháp kích thích não bộ như ECT, kích thích não sâu hay từ xuyên sọ. Bởi các phương pháp này phải thực hiện tại bệnh viện và có thể gây ra tác dụng phụ.
  • Hơn nữa, ECT không thể thay thế cho thuốc nên bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc chống trầm cảm dài hạn. Những trường hợp phải áp dụng liệu pháp hóa dược và ECT sẽ gặp phải nhiều tác dụng phụ hơn so với bệnh nhân chỉ thực hiện đơn trị liệu. Do đó, việc điều trị sớm sẽ giúp ích hơn trong việc kiểm soát bệnh và hạn chế các tác dụng ngoại ý.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Liệu pháp sốc điện chữa trầm cảm đã được chứng minh về hiệu quả và độ an toàn. Trong trường hợp được bác sĩ chỉ định, bệnh nhân nên thực hiện để kiểm soát bệnh và phòng tránh các hành vi tự sát. Ngoài ra, nên trang bị kiến thức về liệu pháp này để an tâm khi trị liệu và có các bước chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *