10 Việc Chồng Nên Làm Khi Vợ Bị Trầm Cảm Sau Sinh

Nên làm gì khi vợ bị trầm cảm sau sinh là băn khoăn của nhiều nam giới khi nhận thấy bạn đời có các biểu hiện bất thường về mặt tâm lý. Những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc tránh tình trạng hoang mang và xử lý đúng cách khi rơi vào trường hợp này.

10 Việc chồng nên làm khi vợ mắc chứng trầm cảm sau sinh

Trong thời gian gần đây, tỷ lệ trầm cảm khi mang thai và sau khi sinh tăng lên đáng kể. Có thể nói, trầm cảm là bệnh rối loạn tâm lý, tâm thần thường gặp nhất (ảnh hưởng từ 5 – 6% dân số thế giới). Mang thai và sau khi sinh là giai đoạn cơ thể có sự thay đổi đột ngột về tâm sinh lý nên phụ nữ thường nhạy cảm hơn bình thường.

Nếu phải đối mặt với stress và các sự kiện sang chấn trong thời gian này, nữ giới sẽ có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh. Biểu hiện đặc trưng của bệnh lý này là tâm trạng buồn chán, u uất, đau khổ, tuyệt vọng, bi quan và lòng tự trọng thấp. Người bệnh không thể điều chỉnh cảm xúc của bản thân và gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

làm gì khi vợ bị trầm cảm sau sinh
Nên làm gì khi vợ bị trầm cảm sau sinh là mối quan tâm của khá nhiều nam giới

Cho đến nay, nguyên nhân gây trầm cảm vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy, mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, thể trạng suy nhược, cuộc sống áp lực và có nhiều biến cố là những yếu tố có liên quan đến cơ chế bệnh sinh. Vì vậy, người chồng cần phải hỗ trợ vợ lấy lại tinh thần, sự lạc quan để có thể vượt qua chứng trầm cảm.

Trên thực tế, người chồng giữ vai trò rất quan trọng trong điều trị các vấn đề tâm lý, tâm thần ở người vợ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết phải nên làm gì khi vợ bị trầm cảm sau sinh. Không giống với người khỏe mạnh, bệnh nhân trầm cảm có tâm lý rất nhạy cảm và có cách nhìn nhận, suy nghĩ khác hẳn so với bình thường. Nếu không tinh tế trong cách ứng xử, người bệnh có thể bị tổn thương, đau khổ và cho rằng bản thân là kẻ thất bại, vô dụng và trở thành gánh nặng của mọi người.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nếu đang băn khoăn “Chồng nên làm gì khi vợ bị trầm cảm sau sinh”, bạn đọc nên tham khảo thông tin sau để có thể xử lý đúng cách:

1. Trang bị kiến thức về bệnh trầm cảm

Khi biết vợ bị trầm cảm sau sinh, phản ứng chung của người chồng là lo lắng và muốn thể hiện sự quan tâm. Tuy nhiên, người mắc chứng trầm cảm thường mất đi sự hứng thú với mọi thứ xung quanh. Vì vậy, các hành động này không thực sự khiến bệnh nhân cảm thấy thoải mái.

Việc đầu tiên người chồng cần làm khi biết vợ bị trầm cảm sau sinh là trang bị kiến thức về bệnh trầm cảm. Thực tế, mọi người chỉ có hiểu biết về các bệnh thể chất và hầu như không biết nhiều đến các vấn đề tâm lý, tâm thần.

Tỷ lệ trầm cảm tăng mạnh trong những năm gần đây nên cộng đồng đã bắt đầu có những hiểu biết cơ bản về chứng bệnh này. Tuy nhiên nếu vợ bị trầm cảm sau sinh, bạn cần tìm hiểu sâu hơn để có thể hiểu rõ những bất thường về mặt cảm xúc, tư duy và hành vi.

Thông thường, cảm xúc của con người sẽ dao động trong một biên độ nhất định. Việc cảm xúc tăng lên và hạ xuống là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, trầm cảm là trạng thái cảm xúc giảm thấp xuống dưới biên độ thông thường và kéo dài liên tục trong ít nhất 6 tháng. Chứng bệnh này thường có liên quan đến bất thường trong cấu trúc não bộ và mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh (có hiện tượng giảm serotonin ở khe synap).

Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh có vai trò tạo cảm giác thèm ăn, ngon miệng, đảm bảo chất lượng giấc ngủ và tạo ra cảm xúc phấn chấn, vui vẻ, lạc quan, hào hứng,… Sự giảm thấp của serotonin khiến tâm trạng trở nên bi quan, buồn bã dai dẳng mà không thể kiểm soát hay điều chỉnh. Ngoài rối loạn cảm xúc, bệnh nhân trầm cảm cũng gặp phải các bất thường về hành vi và tư duy (suy nghĩ).

Trang bị những kiến thức về bệnh trầm cảm sẽ giúp người chồng hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và lý do vì sao người vợ lại có những hành vi, quan niệm sai lệch với thực tế. Bên cạnh đó, hiểu biết về bệnh cũng giúp mọi người hiểu được những hậu quả của chứng trầm cảm đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

2. Dành nhiều thời gian bên cạnh vợ con

Khi bị trầm cảm, phụ nữ sau sinh sẽ có xu hướng sống thu mình, khép kín và không muốn tiếp xúc với nhiều người. Vì vậy, bản thân người chồng cần dành nhiều thời gian hơn cho vợ con. Để có thời gian chăm sóc vợ, bạn nên trao đổi với cấp trên nhằm giảm khối lượng và thời gian làm việc. Sự đồng hành của người chồng trong thời điểm này có vai trò rất quan trọng đối với tâm lý của phụ nữ. Đồng thời có thể hạn chế được những tình huống đáng tiếc do bệnh nhân có thể tự gây tổn thương cho chính mình và đứa trẻ.

làm gì khi vợ bị trầm cảm sau sinh
Khi vợ bị trầm cảm sau sinh, bạn nên dành nhiều thời gian ở bên cạnh vợ con

Ban đầu, người vợ có thể sẽ cảm thấy không thoải mái và thờ ơ. Tuy nhiên, bạn nên kiên trì để cô ấy quen dần với vai trò của bạn trong cuộc sống. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ sự hỗ trợ của người thân trong thời gian đi làm và không thể có mặt tại nhà.

Khi dành nhiều thời gian bên cạnh vợ con, phụ nữ sau sinh sẽ giảm bớt sự nhạy cảm về mặt tâm lý và tránh những suy nghĩ bi quan như bản thân cô đơn vì bị bỏ rơi, sống tách biệt và không nhận được sự yêu thương của mọi người. Người bị trầm cảm có xu hướng đánh giá thấp bản thân và cho rằng bản thân kém cỏi hơn người khác. Vì vậy, việc dành thời gian nhiều sẽ giúp người bệnh giảm đáng kể các cảm xúc tiêu cực.

3. Lắng nghe và thấu hiểu

Rất nhiều người không biết cách nói chuyện an ủi người trầm cảm. Kết quả là khiến bệnh nhân bị tổn thương và ngày càng thu mình, sống khép kín với mọi người. Khi vợ bị trầm cảm sau sinh, chồng nên không nên đưa ra lời khuyên hay đề nghị một cách trực tiếp. Thay vào đó, việc làm cần ưu tiên chính là lắng nghe và thấu hiểu.

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường lo lắng quá mức về sức khỏe của bản thân, đứa trẻ và tương lai của con. Ngoài ra, một số người còn hoài nghi về khả năng làm mẹ của mình và cho rằng bản thân kém cỏi, không phải là người mẹ tuyệt vời. Khi cô ấy chia sẻ với bạn những điều này, đừng gạt phắt đi hay cho rằng cô ấy đang suy nghĩ thái quá.

Sự vô tâm và thiếu tinh tế của người chồng chính là nguyên nhân khiến cho phụ nữ sau sinh bị tổn thương, dễ rơi vào trạng thái u uất và buồn bã. Vì vậy, người chồng nên lắng nghe những lời chia sẻ, tâm sự của vợ và thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm.

Nếu như cô ấy cho rằng bản thân không hoàn thành tốt nhiệm vụ làm mẹ, hãy chia sẻ với vợ rằng bạn cũng cảm thấy bản thân còn nhiều thiếu sót khi làm bố, làm chồng. Đồng thời cần nhấn mạnh rằng tất cả mọi người đều không hoàn hảo. Việc cả hai cần làm là hài lòng với hiện tại và cải thiện bản thân hơn mỗi ngày.

Khi được thấu hiểu và đồng cảm, người vợ sẽ giảm đi những suy nghĩ tiêu cực và ít đánh giá thấp về bản thân. Bên cạnh đó, cách ứng xử khéo léo của người chồng cũng sẽ giúp mẹ bỉm có cái nhìn đa chiều hơn và dừng việc tự dằn vặt, trách móc bản thân.

4. Hỗ trợ vợ trong việc chăm sóc con và làm việc nhà

Sau khi sinh, phụ nữ sẽ phải đối mặt với một loạt những thay đổi từ sức khỏe thể chất, tinh thần cho đến cuộc sống. Bên cạnh thời gian chăm sóc con, phụ nữ còn phải hoàn thành việc nhà và chuẩn bị bữa ăn cho chồng cùng với những thành viên khác.

Cuộc sống bận rộn với nhiều áp lực khiến phụ nữ sau khi sinh trở nên bi quan, tiêu cực và mất đi niềm vui, hứng thú trong cuộc sống. Vì vậy, bạn nên hỗ trợ vợ làm việc nhà và chăm sóc trẻ. Sự đồng hành, hỗ trợ của người chồng sẽ giúp phụ nữ sau sinh có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.

làm gì khi vợ bị trầm cảm sau sinh
Người chồng nên hỗ trợ vợ trong việc chăm sóc con cái và hoàn thành việc nhà sau thời gian làm việc

Hơn nữa, thông qua những hành động đơn giản, người vợ sẽ cảm nhận được tình yêu thương và sự chân thành từ bạn đời. Đây là yếu tố quan trọng giúp phụ nữ sau khi sinh nhận ra giá trị bản thân đang sở hữu và dần tìm lại những cảm xúc tích cực trong cuộc sống.

Thực tế, nhiều nam giới không biết cách làm việc nhà và vụng về trong việc chăm sóc con. Tuy nhiên, điều này không phải là trở ngại. Bởi việc phụ nữ quan tâm là sự hỗ trợ và những nỗ lực của bạn đời.

5. Chăm sóc bữa ăn cho vợ

Thông qua việc chuẩn bị bữa ăn, bạn có thể bày tỏ tình cảm và sự quan tâm của mình dành cho vợ. Nếu không giỏi nấu ăn, bạn có thể chuẩn bị sữa ấm và các loại thức uống tốt cho sức khỏe. Sau khi trải qua quá trình sinh nở, cơ thể nữ giới thường bị suy nhược và mệt mỏi. Những bữa ăn được chuẩn bị chu đáo sẽ giúp cô ấy cảm nhận sự quan tâm của bạn và phục hồi sức khỏe nhanh chóng hơn.

làm gì khi vợ bị trầm cảm sau sinh
Tự tay chuẩn bị những bữa ăn hấp dẫn sẽ giúp bạn đời lấy lại tinh thần và tìm lại các cảm xúc tích cực

Sức khỏe thể chất và tinh thần có mối liên hệ mật thiết. Thông qua bữa ăn giàu dinh dưỡng, bạn có thể giúp vợ phục hồi sức khỏe thể chất và nhanh chóng ổn định tinh thần. Bên cạnh đó, nên bổ sung một số loại thực phẩm tốt cho người bị trầm cảm như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu Omega 3 và probiotic (lợi khuẩn).

6. Giúp vợ thực hiện mong muốn của bản thân

Trầm cảm sau sinh thường xảy ra ở những người ít có thời gian vui chơi, chăm sóc bản thân và không được gặp gỡ bạn bè thường xuyên. Cuộc sống gò bó, nhàm chán và mệt mỏi khiến phụ nữ sau sinh rơi vào trạng thái chán nản, buồn bã dai dẳng. Vì vậy, khi biết vợ bị trầm cảm sau sinh, chồng nên giúp vợ thực hiện mong muốn của bản thân.

Trước tiên, nên trò chuyện và chia sẻ để hiểu được cô ấy thực sự muốn gì. Nếu vợ muốn ra ngoài hoặc đi du lịch, nên tạo điều kiện để cô ấy có thời gian nghỉ ngơi sau những tháng ngày phải chăm sóc con cái và lo toan việc nhà.

Trên thực tế, phần lớn người bị trầm cảm mất đi sự quan tâm và hứng thú với tất cả mọi thứ. Do đó, cô ấy có thể bày tỏ sự thờ ơ, không hào hứng trước những chuyến du lịch và các hoạt động vui chơi khác. Trong trường hợp này, bạn nên mời bạn bè hoặc người thân đến nhà chơi để trò chuyện giúp vợ khuây khỏa. Tuy nhiên, cần thông báo với mọi người tình trạng sức khỏe của vợ để mọi người có cách ứng xử phù hợp.

Hoặc bạn cũng có thể đặt một số dịch vụ chăm sóc dành cho mẹ sau sinh tại nhà để giúp vợ có thời gian thư giãn và giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống thường nhật. Những liệu pháp như gội đầu dưỡng sinh, massage, bấm huyệt, chăm sóc da,… cũng góp phần giảm nhẹ các triệu chứng trầm cảm và giúp phụ nữ sau sinh tìm lại những cảm xúc tích cực.

7. Có những hành động lãng mạn

Sự xuất hiện của thành viên nhỏ sẽ khiến cho cuộc sống của cả hai trở nên bận rộn hơn. Những thay đổi này khiến cho không ít nữ giới gặp khó khăn trong việc thích nghi và nuối tiếc những tháng ngày trước đây – nhất là với những người bị trầm cảm. Vì vậy, bạn nên có những hành động lãng mạn để người vợ biết rằng, bạn luôn dành tình cảm cho họ dù đã có con hay chưa.

Phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh thường rất bi quan và đôi khi có những suy nghĩ tiêu cực về việc bạn đời không còn tình cảm, thiếu sự tôn trọng và quan tâm dành cho bản thân. Do đó, người chồng nên tinh tế bày tỏ tình cảm của mình bằng những hành động lãng mạn như nấu các món ăn mà vợ yêu thích, chuẩn bị bữa tiệc nhỏ chỉ có 2 người, tặng vợ những món quà ý nghĩa,…

làm gì khi vợ bị trầm cảm sau sinh
Nên có những hành động lãng mạn để “hâm nóng” tình cảm sau khi vợ trải qua quá trình sinh nở

Những hành động lãng mạn sẽ giúp củng cố mối quan hệ của cả hai, đồng thời giúp người vợ cảm nhận được tình cảm và sự quan tâm của bạn. Từ đó có thể tìm lại những cảm xúc tích cực và vượt qua được chứng trầm cảm sau khi sinh. Ngoài ra, khi tạo được mối quan hệ tin cậy, người vợ cũng sẽ thoải mái hơn trong việc chia sẻ với chồng những vấn đề và khó khăn trong cuộc sống.

8. Khuyên vợ nên tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ, chuyên gia

Sau một thời gian, bạn nên khuyên vợ tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc chuyên gia. Tuy nhiên, không nên đề nghị một cách thẳng thừng vì điều này có thể khiến cô ấy bị tổn thương. Khi vợ chia sẻ những khó khăn về mặt tinh thần, bạn nên khuyên vợ tìm gặp các chuyên gia. Bên cạnh đó, nên trấn an việc này là hoàn toàn bình thường và những người xung quanh bạn cũng tìm đến chuyên gia, bác sĩ khi có khó khăn về mặt tâm lý.

Để tăng tính thuyết phục cho lời khuyên, bạn nên chia sẻ với vợ việc bản thân cũng gặp khó khăn sau khi có con và đề nghị cả hai cùng tìm sự trợ giúp của chuyên gia. Điều này sẽ giúp người vợ không bị tổn thương và cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình thăm khám, điều trị.

9. Tham gia trị liệu tâm lý cùng vợ

Điều trị trầm cảm sau sinh bao gồm nhiều phương pháp, trong đó phổ biến nhất là sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu. Khi tham gia liệu pháp tâm lý, bạn nên trị liệu cùng vợ để tạo cảm giác thoải mái cho bạn đời. Thông thường, chuyên gia cũng sẽ yêu cầu người chồng trị liệu cùng để hiểu rõ hơn về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của vợ. Qua đó có cách ứng xử phù hợp để giúp vợ vượt qua trầm cảm và nhanh chóng quay trở lại với cuộc sống.

làm gì khi vợ bị trầm cảm sau sinh
Tham gia trị liệu tâm lý cùng bạn đời là điều nam giới nên làm khi vợ bị trầm cảm sau sinh

Thực tế, việc chăm sóc con và vợ bị trầm cảm sau sinh cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Tham gia trị liệu sẽ giúp nam giới ổn định tinh thần và biết cách giải tỏa căng thẳng hữu hiệu. Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp cả hai giải quyết những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân và biết cách chăm sóc con cái tốt hơn.

10. Đừng quên chăm sóc sức khỏe của bản thân

Nếu không có sự hỗ trợ của gia đình, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực từ việc chăm sóc vợ, con cái và tạo thu nhập ổn định. Vì vậy ngoài việc quan tâm đến bạn đời, bạn cũng nên chăm sóc sức khỏe của bản thân. Sức khỏe tốt sẽ giúp bạn đương đầu và vượt qua khó khăn. Đồng thời truyền năng lượng tích cực cho bạn đời, từ đó giúp vợ tìm lại ý nghĩa của cuộc sống.

Để duy trì sức khỏe ổn định, bạn cần ăn uống điều độ và đảm bảo ngủ ít nhất 6 giờ/ ngày. Bên cạnh đó, nên sắp xếp công việc một cách khoa học để hoàn thành trong thời gian nhanh chóng và vẫn đảm bảo được hiệu quả. Nếu cảm thấy “quá tải”, nên nhờ sự hỗ trợ của người thân, bạn bè để có thời gian tạo thu nhập ổn định và đồng hành cùng vợ vượt qua chứng trầm cảm.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã biết nên làm gì khi vợ bị trầm cảm sau sinh. Nếu không thể đảm đương mọi thứ, nên nhờ sự trợ giúp của những người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho bản thân để kiên trì, vững vàng hơn khi đồng hành cùng vợ vượt qua chứng bệnh này.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *