Tìm hiểu về bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân
Tâm thần phân liệt thể thanh xuân có đặc điểm là khởi phát sớm và tiến triển nhanh mặc dù được điều trị. Thể bệnh này có tiên lượng rất xấu và khả năng phục hồi kém hơn so với các thể lâm sàng khác.
Tâm thần phân liệt thể thanh xuân là bệnh gì?
Tâm thần phân liệt là chứng loạn thần nặng, điển hình với các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng và rối loạn về tri giác, cảm xúc, tư duy. Các triệu chứng của bệnh được chia thành 2 nhóm là triệu chứng dương tính và âm tính. Bệnh có căn nguyên chưa rõ ràng và tính chất dai dẳng, tiến triển theo thời gian. Đa số bệnh nhân bị tâm thần phân liệt đều suy giảm chức năng với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng và phải điều trị củng cố suốt đời.
Tâm thần phân liệt có triệu chứng đa dạng với mức độ khác nhau ở từng bệnh nhân. Dựa vào triệu chứng nổi bật trong thời gian đánh giá, bệnh lý này được chia thành nhiều 5 thể khác nhau và một trong những thể phổ biến là thể thanh xuân.
Tâm thần phân liệt thể thanh xuân đặc trưng bởi hành vi thanh xuân, ngôn ngữ thanh xuân, cảm xúc không phù hợp, vô cảm hoặc cảm xúc cùn mòn. Thể bệnh này có triệu chứng âm tính xuất hiện sớm, tiến triển nhanh và tiên lượng không thuận lợi. Thể thanh xuân thường khởi phát trong giai đoạn từ 15 – 25 tuổi.
Tâm thần phân liệt thể thanh xuân là một trong những thể bệnh nặng và có tiên lượng rất xấu. Ngay cả khi được điều trị, bệnh vẫn tiến triển liên tục, bệnh nhân sa sút các chức năng và khó duy trì được cuộc sống bình thường.
Nhận biết tâm thần phân liệt thể thanh xuân
Tâm thần phân liệt thể thanh xuân được đặt tên theo các triệu chứng nổi trội đó là ngôn ngữ và hành vi thanh xuân. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các triệu chứng âm tính như cảm xúc cùn mòn hoặc biểu đạt cảm xúc không phù hợp. Người bệnh có thể có hoặc không có các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác và căng trương lực.
Các triệu chứng nổi bật của rối loạn tâm thần phân liệt thể thanh xuân:
- Ngôn ngữ thanh xuân: Ngôn ngữ thanh xuân có đặc điểm là ngôn ngữ lố lăng, kỳ dị, khó hiểu và hỗn loạn. Người bệnh thường giả giọng địa phương, đặt ra các chữ hoặc từ ngữ mới, lời nói rời rạc, không rõ nghĩa.
- Hành vi thanh xuân: Hành vi thanh xuân thường thấy ở bệnh nhân tâm thần phân liệt thể thanh xuân và không biệt định. Hành vi thanh xuân là những hành vi bất thường với mức độ nặng. Bệnh nhân có thể đi lại một cách lố lăng, kỳ dị, có các hành vi khó hiểu, tác phong tinh nghịch, quậy phá, đôi khi có biểu cảm nheo mắt và nhăn mắt rất khác thường.
- Cảm xúc cùn mòn, vô cảm: Bệnh nhân có cảm xúc hời hợt và đôi khi vô cảm với mọi thứ xung quanh. Có thể cười, khóc bất thường hoặc trêu đùa những người xung quanh trong hoàn cảnh không phù hợp.
- Hoang tưởng, ảo giác: Người bị tâm thần phân liệt thể thanh xuân cũng có các hoang tưởng và ảo giác thoáng qua và rời rạc. Hoang tưởng, ảo giác có nội dung đa dạng nhưng chỉ xuất hiện đôi khi chứ không rõ rệt như thể paranoid.
- Căng trương lực: Một số bệnh nhân tâm thần phân liệt thể thanh xuân có hành vi căng trương lực như sữa sờ căng trương lực (giảm sút các phản ứng với môi trường xung quanh), phủ định căng trương lực (chống lại mọi tác động bên ngoài), kích động căng trương lực (các hành vi kích động có tính chất kỳ quái, lố lăng và thường xảy ra trong gian hẹp như phòng ngủ), uốn sáp căng trương lực (người bệnh giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài). Bệnh nhân có thể bị bất động do căng trương lực quá nặng.
Sau một thời gian, các triệu chứng âm tính sẽ xuất hiện (cùn mòn cảm xúc, ngôn ngữ nghèo nàn và thiếu ý chí). So với các thể bệnh khác, thể thanh xuân có triệu chứng âm tính xuất hiện sớm và tiến triển nhanh. Bệnh nhân có xu hướng sống cô độc, nhiều khả năng sẽ trở thành người vô gia cư và không được chăm sóc sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân
Tương tự như các thể bệnh khác, các chuyên gia chưa xác định được nguyên nhân gây ra tâm thần phân liệt thể thanh xuân. Vì thể bệnh này được khởi phát khá sớm từ 15 – 25 tuổi, trong khi độ tuổi khởi phát bệnh trung bình là 20 – 32 tuổi. Do đó, nhiều khả năng tâm thần phân liệt thể thanh xuân liên quan đến gen di truyền.
Các chuyên gia cho rằng, bất thường về gen khiến cho não bộ bị rối loạn. Kết quả là làm tăng nồng độ dopamine ở khe synap lên 300%, đồng thời tăng sự nhạy cảm của các thụ thể dopamin ở nhân dưới vỏ và vỏ não. Dù vậy, các nghiên cứu về căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của chứng bệnh này vẫn cần được nghiên cứu thêm trước khi đưa ra kết luận chính thức.
Tâm thần phân liệt thể thanh xuân nguy hiểm không?
Thể thanh xuân là một trong những thể bệnh tâm thần phân liệt có mức độ nặng. Người mắc chứng bệnh này có triệu chứng âm tính xuất hiện rất sớm, bệnh khởi phát sớm từ 15 – 25 tuổi và tiến triển liên tục mặc dù được điều trị tích cực. Tiên lượng của tâm thần phân liệt thể thanh xuân thường rất xấu.
Sau khoảng vài năm, bệnh nhân gần như sa sút hoàn toàn và mất các chức năng dẫn đến việc không thể duy trì cuộc sống. Nếu được gia đình quan tâm và hỗ trợ, bệnh nhân sẽ được chăm sóc sức khỏe tại các trung tâm và bệnh viện tâm thần.
Trường hợp không có gia đình sẽ trở thành người vô gia cư, thất nghiệp, tham gia tệ nạn xã hội,… Khi các triệu chứng âm tính xuất hiện (vô cảm, cảm xúc cùn mòn, mất ý chí và ngôn ngữ nghèo nàn), bệnh nhân gần như không còn nhận thức. Do đó, việc để bệnh nhân ở ngoài xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nguy cơ. Hiện nay, nhà nước đã có chính sách miễn phí chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần nặng để bảo vệ người bệnh và phòng tránh các rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra.
Mặc dù tiên lượng xấu nhưng can thiệp điều trị sớm sẽ mang lại kết quả tốt hơn đáng kể. Ngoài ra, phát hiện kịp thời sẽ giúp bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe và tránh được những hành vi gây tổn thương chính bản thân hoặc những người xung quanh.
Chẩn đoán tâm thần phân liệt thể thanh xuân
Tâm thần phân liệt thể thanh xuân là thể bệnh rất được quan tâm vì khởi phát sớm và tiên lượng rất xấu. Hiện tại, các bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn DSM-IV để đưa ra chẩn đoán xác định.
Tiêu chuẩn chẩn đoán tâm thần phân liệt:
- Nhóm A: Bệnh nhân phải có từ 2 triệu trong 5 triệu chứng sau và mỗi triệu chứng phải biểu hiện rõ ràng trong ít nhất 1 tháng. Trong đó, bệnh nhân tâm thần phân liệt thể thanh xuân phải nổi bật bởi ngôn ngữ và hành vi thanh xuân. 5 Triệu chứng bao gồm ảo giác, hoang tưởng, ngôn ngữ thanh xuân, hành vi căng trương lực hoặc hành vi thanh xuân, triệu chứng âm tính.
- Nhóm B: Mất chức năng nghề nghiệp hoặc xã hội sau một thời gian khởi phát bệnh. Đồng thời tình trạng này phải xảy ra trong một thời gian đủ dài gây ảnh hưởng đến công việc, các mối quan hệ và làm giảm sút các hoạt động tự chăm sóc bản thân.
- Nhóm C: Các triệu chứng tiếp theo của tổn thương phải kéo dài ít nhất 6 tháng (có thể ngắn hơn nếu đã được điều trị). Đồng thời phải đáp ứng được tiêu chuẩn nhóm A. Ở giai đoạn tiền triệu hoặc di chứng, các tổn thương chỉ có thể là 2 triệu chứng của nhóm A với mức độ nhẹ hoặc một triệu chứng âm tính.
- Nhóm D: Phân biệt với rối loạn cảm xúc và rối loạn phân liệt cảm xúc.
- Nhóm E: Các triệu chứng cũng phải được phân biệt với rối loạn tâm thần do ma túy, bệnh cơ thể, tổn thương thực tổn hoặc do thuốc.
- Nhóm F: Trong trường hợp bệnh nhân bị rối loạn chậm phát triển hoặc tự kỷ, chẩn đoán chỉ được xác định khi ảo giác hoặc hoang tưởng phải xảy ra rõ ràng trong thời gian ít nhất 1 tháng.
Sau khi dựa vào các tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5, bác sĩ sẽ xác định thể bệnh. Trong đó, thể thanh xuân được xác định khi:
- Nổi bật với ngôn ngữ và hành vi lố lăng, kỳ dị
- Cảm xúc cùn mòn hoặc không phù hợp
- Các triệu chứng khác có thể có hoặc không nhưng không nổi bật bằng các triệu chứng kể trên
Điều trị bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân
Tâm thần phân liệt nói chung và tâm thần phân liệt thể thanh xuân nói riêng đều chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Các phương pháp hiện nay chỉ có thể cải thiện triệu chứng, ngăn chặn bệnh tiến triển và hỗ trợ bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thể thanh xuân là một trong những thể bệnh có tiên lượng rất xấu. Do đó, điều trị cho kết quả khá hạn chế. Dù vậy, can thiệp điều trị sớm sẽ mang lại kết quả khả quan hơn và góp phần giảm thiểu ảnh hưởng đối với sức khỏe lẫn cuộc sống của người bệnh.
Các phương pháp điều trị được cân nhắc cho bệnh nhân tâm thần phân liệt thể thanh xuân:
1. Liệu pháp hóa dược
Hiện nay, liệu pháp hóa dược được đánh giá là phương pháp có hiệu quả nhất trong điều trị tâm thần phân liệt nói chung và tâm thần phân liệt thể thanh xuân nói riêng. Việc lựa chọn loại thuốc và liều lượng sẽ được dựa trên thể bệnh, mức độ triệu chứng và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân.
Tuy nhiên, nhìn chung bệnh nhân chủ yếu được điều trị bằng thuốc an thần kinh, thuốc điều chỉnh khí sắc và thuốc chống trầm cảm. Đối với tâm thần phân liệt thể thanh xuân, các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
- Thuốc chống loạn thần như Stelazine hoặc Aminazin
- Trường hợp kích động tâm thần vận động sẽ được dùng Haloperidol
Sử dụng thuốc có đáp ứng tốt với các triệu chứng dương tính như ảo giác, hoang tưởng và căng trương lực. Các triệu chứng nổi bật ở thể thanh xuân như ngôn ngữ thanh xuân, hành vi thanh xuân, cảm xúc cùn mòn và vô cảm không có thuốc đặc hiệu. Chính vì vậy, tiên lượng của tâm thần phân liệt thể thanh xuân thường xấu hơn so với các thể bệnh khác.
Mặc dù không hẳn trường hợp nào sử dụng thuốc cũng mang lại hiệu quả tốt. Dù vậy, liệu pháp hóa dược hiện đang là phương pháp triển vọng nhất cho bệnh nhân tâm thần phân liệt. Thuốc phải được dùng hằng ngày để ổn định bệnh, ngăn chặn bệnh tiến triển và phòng ngừa tái phát.
Đối với những bệnh nhân tâm thần không chịu uống thuốc hằng ngày, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc an thần kinh tác dụng chậm như:
- Piportil
- Fluphenazine enanthate
- Moditen – Dépo
- Haldol decanoat
- Flupentixol decanoate
Các loại thuốc này được dùng ở đường tiêm với hiệu quả kéo dài từ 2 – 4 tuần. Do đó, bệnh nhân không phải uống thuốc hằng ngày. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc tiêm cũng có thể loại trừ khả năng bệnh nhân quên uống thuốc hoặc cố ý gây nôn ói để đào thải thuốc.
Ngoài ra, bệnh nhân tâm thần phân liệt thể thanh xuân còn có thể được chỉ định dùng thêm một số loại thuốc nếu có biểu hiện trầm cảm và loạn khí sắc. Các loại thuốc bổ thần kinh và thuốc chẹn beta cũng có thể được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng thể chất.
Các loại thuốc khác được sử dụng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt thể thanh xuân:
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân có khí sắc trầm buồn, bi quan, u uất, mất sự quan tâm và hứng thú với mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, việc sử dụng nhóm thuốc này cần được thực hiện cẩn trọng vì nguy cơ hoạt hóa các ảo giác và hoang tưởng dẫn đến hành vi tự sát.
- Thuốc điều hòa khí sắc: Thuốc điều hòa khí sắc được xem xét dùng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt thể thanh xuân để dự phòng tái phát. Loại thuốc này mang lại hiệu quả ở những trường hợp có đi kèm với rối loạn cảm xúc.
- Các loại thuốc khác: Thuốc chẹn beta, thuốc làm giảm nhịp tim và thuốc bổ cũng được xem xét trong quá trình điều trị tâm thần phân liệt thể thanh xuân.
Khả năng dung nạp thuốc có sự khác biệt ở từng bệnh nhân. Do đó, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của từng trường hợp sau một thời gian điều trị để điều chỉnh kịp thời. Một số bệnh nhân tâm thần phân liệt thể thanh xuân có đáp ứng tốt với thuốc nhưng nhiều trường hợp kháng trị và phải can thiệp thêm các liệu pháp khác.
2. Liệu pháp sốc điện
Liệu pháp sốc điện tỏ ra có hiệu quả trong điều trị tâm thần phân liệt thể căng trương lực. Dù vậy, các thể bệnh khác bao gồm cả thể thanh xuân sẽ được chỉ định liệu pháp này trong những trường hợp sau:
- Bệnh nhân kích động mạnh
- Kháng điều trị
- Có hành vi tự sát
Liệu pháp sốc điện sử dụng dòng điện có kiểm soát tác động đến não bộ. Bệnh nhân sẽ được gắn các điện cực ở vùng đầu và theo dõi bằng thiết bị chuyên dụng. Dòng điện sẽ đi sâu vào bên trong tạo các cú rung giật nhỏ nhằm điều chỉnh nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh. Liệu pháp sốc điện có thể giảm nhẹ các triệu chứng do tâm thần phân liệt gây ra và ngăn chặn được hành vi tự sát.
3. Liệu pháp tâm lý
Tất cả các bệnh nhân tâm thần phân liệt đều sẽ được can thiệp liệu pháp tâm lý. Liệu pháp này giúp giải quyết mâu thuẫn của bệnh nhân với cộng đồng và phục hồi các chức năng (lao động, học tập, các kỹ năng sống cơ bản). Đặc biệt, liệu pháp tâm lý là phương pháp duy nhất có thể cải thiện phần nào các triệu chứng âm tính như cảm xúc cùn mòn, thiếu ý chí,…
Hiện tại, hiệu quả của tâm lý trị liệu đối với bệnh tâm thần phân liệt còn khá hạn chế. Dù vậy, việc can thiệp trị liệu vẫn được đánh giá mang lại những lợi ích nhất định. Bệnh nhân thường sẽ được trị liệu tâm lý kết hợp liệu pháp lao động.
Tâm thần phân liệt thể thanh xuân là thể bệnh có tiên lượng rất xấu. Do đó, gia đình cũng sẽ được trị liệu và nâng cao nhận thức để có thể chăm sóc bệnh nhân tốt nhất. Thông thường sau một thời gian tiến triển, bệnh nhân sa sút rõ và mất hẳn khả năng lao động nên sẽ được chăm sóc trong các bệnh viện hoặc trung tâm dành riêng cho bệnh nhân tâm thần.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!