Tổng quan về bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid
Tâm thần phân liệt thể paranoid là thể bệnh phổ biến nhất – chiếm hơn 50% trường hợp. Thể bệnh này thường khởi phát muộn và các triệu chứng âm tính xuất hiện chậm nên được đánh giá có tiên lượng thuận lợi hơn các thể lâm sàng còn lại.
Tâm thần phân liệt thể paranoid là bệnh gì?
Tâm thần phân liệt thể paranoid (mã bệnh F20.0) là một trong những thể lâm sàng của bệnh tâm thần phân biệt. Chứng bệnh này được chia thành 6 thể lâm sàng dựa trên biểu hiện và triệu chứng nổi bật trong thời gian đánh giá bệnh. Trong đó, thể paranoid là thể bệnh thường gặp nhất chiếm hơn 50% tổng số bệnh nhân tâm thần phân liệt.
Như tên gọi, thể bệnh này nổi bật bởi các hoang tưởng và ảo giác (paranoid có nghĩa là hoang tưởng). Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có những biểu hiện khác của tâm thần phân liệt như cảm xúc cùn mòn, giải thể nhân cách, tri giác sai thực tại, tư duy vang thành tiếng,… nhưng không rõ rệt như các thể bệnh khác.
Tâm thần phân liệt thể paranoid có biểu hiện khá giống với rối loạn nhân cách hoang tưởng và rối loạn hoang tưởng. Tuy nhiên, chứng bệnh này có triệu chứng nghiêm trọng và tiên lượng xấu hơn so với các rối loạn tâm thần kể trên. Nếu so sánh với những thể bệnh khác, thể paranoid có tiên lượng tốt hơn, bệnh có thể thuyên giảm từng phần hoặc hoàn toàn nhưng cũng có những trường hợp tiến triển mãn tính, kéo dài suốt đời.
Nhận biết tâm thần phân liệt thể paranoid
Tâm thần phân liệt thể paranoid nổi bật bởi các hoang tưởng và ảo giác (thường là ảo thanh). Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng gặp phải các triệu chứng khác nhưng thường không rõ rệt. Thể paranoid khởi phát muộn hơn những thể bệnh khác nên được đánh giá có tiên lượng tốt hơn và nhiều bệnh nhân vẫn giữ được các chức năng xã hội để có một cuộc sống độc lập.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid:
- Hoang tưởng là triệu chứng nổi bật nhất của thể paranoid. Trong đó, thường gặp nhất là hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng bị kiểm tra và chi phối.
- Hoang tưởng truy hại là tình trạng bệnh nhân có niềm tin rằng bản thân họ đang bị một tổ chức hoặc cá nhân nào đó nhắm đến, tương lai sẽ bị hành hạ, đầu độc và sát hại.
- Hoang tưởng bị kiểm tra, chi phối là niềm tin cho rằng bản thân đang bị một thế lực nào đó chi phối thông qua các phương tiện đặc biệt.
- Một số bệnh nhân cũng có thể xuất hiện hoang tưởng liên hệ – người bệnh tin rằng các bài hát, bình luận, thông tin trên ti vi, sách báo đang ám chỉ điều gì đó. Bệnh nhân luôn cố gắng kết nối những thông tin này để giải mã được ẩn ý bên trong.
- Một số ít người có có các hoang tưởng kỳ quái và lập dị.
- Ngoài hoang tưởng, bệnh nhân thể paranoid còn gặp phải ảo giác – phổ biến nhất là ảo thanh. Ảo thanh có nội dung là lời bình phẩm về hành vi của người bệnh. Đôi khi nội dung là lời ra lệnh, đe dọa hoặc lời nói có liên quan đến người bệnh.
- Các loại ảo giác khác như ảo khứu giác, ảo thị giác, ảo vị giác,… đôi khi cũng có thể xuất hiện nhưng khá hiếm.
- Bệnh nhân bị các hoang tưởng và ảo giác chi phối dẫn đến khó tập trung, luôn đề phòng những người xung quanh và đôi khi có hành vi bạo lực (đặc biệt là với đối tượng bệnh nhân nghĩ rằng họ sẽ sát hại bản thân).
- Bệnh nhân có những cảm xúc không thích hợp với hoàn cảnh ở mức độ nhẹ như nghi ngờ, giận dữ, cáu gắt, sợ hãi,…
- Người bị tâm thần phân liệt thể paranoid còn gặp phải một số triệu chứng khác như tư duy vang thành tiếng (nghe được tư duy/ suy nghĩ của bản thân như nghe được âm thanh từ bên ngoài), tư duy bị áp đặt (bệnh nhân tin rằng suy nghĩ của bản thân bị áp đặt bởi các yếu tố bên ngoài), tư duy bị đánh cắp (người bệnh cho rằng những người xung quanh có thể nghe và hiểu hết được những gì bản thân đang suy nghĩ)
- Tri giác sai thực tại cũng là nhóm triệu chứng thường gặp ở thể paranoid. Tình trạng này đặc trưng bởi cảm giác bị tách rời ra khỏi cơ thể, có cảm giác như đang đứng ở bên ngoài quan sát cuộc sống của chính mình (giải thể nhân cách).
- Bệnh nhân thể paranoid cũng có các triệu chứng âm tính như cảm xúc cùn mòn, ngôn ngữ nghèo nàn và thiếu ý chí nhưng không sâu sắc như các thể bệnh khác. Đặc biệt, các triệu chứng âm tính ở thể bệnh này xuất hiện khá muộn – khác với tâm thần phân liệt thể thanh xuân.
Mức độ của các triệu chứng sẽ có sự khác biệt ở từng bệnh nhân. Tuy nhiên, đa phần người bị tâm thần phân liệt thể paranoid đều có tiến triển chậm và tiên lượng tốt hơn so với những thể bệnh khác.
Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid
Căn nguyên của tâm thần phân liệt chưa được biết rõ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng chưa tìm ra cơ chế bệnh sinh và căn nguyên cụ thể của từng thể bệnh – bao gồm cả thể paranoid.
Hiện tại, các chuyên gia ủng hộ giả thuyết tâm thần phân liệt nói chung và tâm thần phân liệt thể paranoid nói riêng có liên quan đến di truyền kết hợp với các yếu tố ngoại sinh khác.
- Di truyền: Vai trò của di truyền trong cơ chế bệnh sinh của tâm thần phân liệt là rất rõ ràng. Nguy cơ mắc chứng bệnh này tăng lên đáng kể đối với người có tiền sử gia đình mắc bệnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, khiếm khuyết của gen chính là nguyên nhân gây ra các bất thường về não bộ dẫn đến rối loạn về tri giác, tư duy và cảm xúc. Tuy nhiên, giả thuyết này chỉ được củng cố khi bản đồ gen người được giải mã hoàn toàn và các chuyên gia xác định được loại gen cụ thể.
- Bất thường trong cấu trúc não bộ: Các nghiên cứu về sinh học và hóa sinh cho thấy, phần lớn bệnh nhân tâm thần phân liệt đều có hiện tượng giãn rộng não thất, teo vỏ não, giảm kích thước hồi hải mã, đồi thị, bất thường trong cấu trúc tế bào ở vùng trước trán, rối loạn chuyển hóa dopamin và bất thường của hệ dẫn truyền glutamate.
- Các yếu tố khác: Các chuyên gia nhận thấy, tâm thần phân liệt nói chung và thể paranoid nói riêng có liên quan đến những yếu tố như mang thai, suy dinh dưỡng, biến chứng sản khoa và các sự kiện sang chấn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp tự phát bệnh mà không có sang chấn đột ngột hay stress trường diễn.
Nhìn chung, căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của tâm thần phân liệt còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Tuy nhiên, đến nay có thể khẳng định được vai trò của gen di truyền. Đa phần các rối loạn tâm thần có liên quan đến gen đều rất khó điều trị, khuynh hướng dai dẳng và mãn tính. Do đó, tâm thần phân liệt là một trong những chứng loạn thần nặng, tiên lượng không thuận lợi và bệnh nhân thường phải điều trị củng cố suốt đời.
Bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid có nguy hiểm không?
Tất cả các trường hợp bị tâm thần phân liệt đều phải được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh thường tiến triển nặng dần theo thời gian, khuynh hướng mãn tính và dai dẳng. Đa số bệnh nhân đều khởi phát các triệu chứng dương tính trước (ảo giác, hoang tưởng, căng trương lực), sau đó giảm dần và thay thế bằng triệu chứng âm tính (ngôn ngữ nghèo nàn, tư duy bị rối loạn, thiếu ý chí, cùn mòn cảm xúc).
Các triệu chứng âm tính khó nhận biết hơn so với triệu chứng dương tính nhưng tiên lượng xấu do chưa có cách điều trị. Trong khi đó, triệu chứng dương tính thường khởi phát rầm rộ nhưng đa phần đều đáp ứng tốt với thuốc.
Bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid khởi phát muộn hơn các thể bệnh khác, nổi bật với các triệu chứng dương tính như ảo giác và hoang tưởng. Các triệu chứng âm tính ở thể bệnh này xuất hiện khá muộn và không rõ rệt. Do đó, theo đánh giá của các chuyên gia, thể paranoid có tiên lượng tốt hơn so với những thể bệnh khác.
Nếu được điều trị tích cực, bệnh nhân có thể duy trì cuộc sống độc lập và phục hồi được các chức năng. Theo thống kê, khoảng 22% bệnh nhân chỉ có duy nhất 1 thời kỳ bệnh và khỏi bệnh hoàn toàn sau đó. Một số nhóm bệnh nhân có nhiều cơn tái phát nhưng giữa các cơn thường ổn định hoặc có biểu hiện nhẹ. Những trường hợp còn lại tái phát bệnh thường xuyên, giữa các cơn có biểu hiện thiếu sót tâm thần và gặp khó khăn để duy trì cuộc sống.
Nhìn chung, tâm thần phân liệt có tiên lượng rất đa dạng và thể paranoid là thể bệnh có tiên lượng thuận lợi nhất. Do đó, gia đình nên khuyến khích bệnh nhân thăm khám và điều trị sớm. Bên cạnh việc tích cực điều trị, gia đình cũng cần theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị củng cố để phòng ngừa tái phát. Ngưng sử dụng thuốc là nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh tái phát nhiều lần và có nguy cơ kháng trị cao.
Bệnh nhân tâm thần phân liệt nói chung và thể paranoid nói riêng không được điều trị sẽ gia tăng nguy cơ lạm dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích. Người bệnh không thể duy trì công việc, học tập và có nhiều vấn đề trong các mối quan hệ. Những trường hợp không có sự nâng đỡ của gia đình sẽ trở thành người vô gia cư và bị lôi kéo tham gia tệ nạn xã hội.
Vì những lý do này, việc thăm khám và điều trị kịp thời cho bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid là vô cùng cần thiết. Mặc dù khả năng chữa khỏi là không cao nhưng bệnh nhân thể paranoid có thể sống độc lập nếu được điều trị tích cực.
Chẩn đoán tâm thần phân liệt thể paranoid
Bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid được chẩn đoán dựa trên biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện trắc nghiệm tâm lý để hỗ trợ chẩn đoán và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng nhằm loại trừ những khả năng có thể xảy ra.
Như đã đề cập, tâm thần phân liệt thể paranoid đặc trưng bởi các hoang tưởng và ảo giác. Các triệu chứng đi kèm có thể là tư duy vang thành tiếng, tư duy bị đánh cắp, tư duy bị áp đặt, tri giác sai thực tại và giải thể nhân cách. Một số trường hợp có các triệu chứng âm tính nhưng đều có đặc điểm là khởi phát muộn và không sâu sắc như các thể bệnh khác – đặc biệt là tâm thần phân liệt thể thanh xuân.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ dựa vào tiền sử gia đình và thời điểm khởi phát bệnh để chẩn đoán bệnh và thể bệnh. Chứng bệnh này sẽ được chẩn đoán phân biệt với trạng thái suy nhược thần kinh, rối loạn nhân cách hoang tưởng, rối loạn hoang tưởng, rối loạn khí sắc kèm loạn thần, rối loạn stress cấp tính,…
Điều trị bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid
Tương tự như các thể bệnh khác, tâm thần phân liệt thể paranoid được điều trị chủ yếu bằng liệu pháp hóa dược. Ngoài ra, liệu pháp tâm lý, sốc điện và phục hồi chức năng cũng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Các phương pháp điều trị bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid:
1. Liệu pháp hóa dược
Sử dụng thuốc là liệu pháp mang lại hiệu quả tốt trong điều trị tâm thần phân liệt. Tùy theo thể bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và liều lượng phù hợp. Hiện tại, thuốc chỉ có thể cải thiện các triệu chứng dương tính, hầu như không có tác dụng với triệu chứng âm tính. Ngoài ra, sử dụng thuốc cũng có thể kiểm soát một số triệu chứng đi kèm khác như rối loạn khí sắc, mất ngủ,…
Các loại thuốc được dùng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt thể paranoid:
- Thuốc chống loạn thần: Thuốc chống loạn thần là nhóm thuốc quan trọng trong điều trị tâm thần phân liệt thể paranoid và các thể bệnh khác. Thuốc được sử dụng ở liều tấn công trong 4 – 6 tuần, sau đó chuyển sang liều củng cố. Hiện nay, một số loại thuốc chống loạn thần như Olanzapin cũng có thể cải thiện triệu chứng âm tính sau 6 – 12 tháng sử dụng.
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm được sử dụng nếu bệnh nhân có khí sắc trầm buồn, bi quan, mất đi sự quan tâm và hứng thú với mọi thứ xung quanh. Nhóm thuốc này giúp nâng cao tâm trạng và cải thiện một số triệu chứng thể chất. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, thuốc chống trầm cảm có thể gia tăng hành vi tự sát do hoạt hóa ảo giác và hoang tưởng bùng phát mạnh.
- Các loại thuốc khác: Ngoài ra, bệnh nhân tâm thần phân liệt thể paranoid cũng có thể được chỉ định thuốc chống Parkinson, thuốc điều hòa khí sắc,… Các loại thuốc bổ thần kinh, vitamin và khoáng chất cũng có thể được sử dụng để cải thiện sức khỏe và giảm các triệu chứng thể chất có liên quan.
Bệnh nhân tâm thần phân liệt thể paranoid thường được chỉ định dùng Aminazin hoặc Haloperidol. Trong thời gian đầu, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc tiêm sau đó chuyển sang thuốc uống.
Đối với người bệnh tâm thần không chịu uống thuốc hằng ngày, có thể xem xét dùng thuốc an thần kinh tác dụng kéo dài. Ngoài ra, nên kết hợp với việc nâng cao nhận thức của gia đình và người bệnh để bệnh nhân chủ động điều trị củng cố. Thực tế, chỉ sau khoảng 2 năm ngưng thuốc, khả năng tái phát lên đến 90%. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân tái phát bệnh khi điều trị củng cố bằng thuốc là rất thấp.
2. Liệu pháp sốc điện
Liệu pháp sốc điện ít khi được chỉ định trong trường hợp tâm thần phân liệt thể paranoid. Tuy nhiên, liệu pháp này vẫn sẽ được cân nhắc trong trường hợp kháng điều trị, bệnh nhân đang ở trong trạng thái kích động mạnh và các trường hợp đã có hành vi tự sát. Nhìn chung, liệu pháp sốc điện mang lại hiệu quả khá tốt trong những trường hợp này.
Ngày nay, kỹ thuật gây mê đã được cải tiến nên những rủi ro và tác dụng phụ của liệu pháp sốc điện cũng giảm đi đáng kể. Sau khi bệnh nhân đã ổn định, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc để điều trị củng cố.
3. Liệu pháp tâm lý xã hội
Trước đây, liệu pháp tâm lý chưa được quan tâm trong điều trị tâm thần phân liệt nói chung và tâm thần phân liệt thể paranoid nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân kết hợp sử dụng thuốc với liệu pháp tâm lý để phục hồi tốt các chức năng xã hội.
Liệu pháp tâm lý giúp bệnh nhân giải tỏa cảm xúc, học cách đối phó với những mâu thuẫn trong cuộc sống và giúp người bệnh thay đổi những hành vi, cảm xúc không phù hợp. Khi thực hiện liệu pháp này, chuyên gia cũng sẽ giải thích hợp lý và nâng cao nhận thức của bệnh nhân về vai trò của điều trị củng cố. Ngoài trị liệu cá nhân, liệu pháp tâm lý nhóm và gia đình cũng có vai trò đáng kể trong việc phục hồi chức năng tâm thần cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, liệu pháp lao động và tái thích ứng xã hội cũng được cân nhắc cho bệnh nhân tâm thần phân liệt thể paranoid. Liệu pháp này giúp người bệnh phục hồi chức năng lao động, học tập, hòa nhập tốt với cộng đồng và chủ động trong cuộc sống. Kết hợp dùng thuốc và liệu pháp tâm lý – xã hội sẽ giúp bệnh nhân phục hồi tốt, có thể hạn chế được nguy cơ bệnh tái phát và ổn định cuộc sống lâu dài.
Tâm thần phân liệt thể paranoid là thể bệnh phổ biến nhất với tiên lượng khá thuận lợi. Nếu được thăm khám và điều trị sớm, bệnh nhân có thể ổn định cuộc sống và nhiều khả năng vẫn sẽ học tập, làm việc được như bình thường. Bên cạnh những nỗ lực của người bệnh, gia đình cần hỗ trợ để bệnh nhân có môi trường sống lành mạnh, học cách yêu thương, chia sẻ và có mục tiêu sống rõ ràng.
Tham khảo thêm:
- Bệnh Tâm Thần Phân Liệt Có Chữa Được Không?
- Rối Loạn Phân Liệt Cảm Xúc (SZD) là gì?
- Tổng quan về chứng rối loạn nhân cách phân liệt Schizoid
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!