Hội chứng Fregoli: Biểu hiện, ảnh hưởng và cách điều trị

Hội chứng Fregoli là rối loạn tâm thần cực kỳ hiếm gặp được mô tả lần đầu tiên vào năm 1927. Người mắc hội chứng này tin rằng một hoặc nhiều người cố ý mạo danh thành những người thân quen để tiếp cận và làm hại bản thân. Đối tượng có nguy cơ cao là người bị sa sút trí tuệ, chấn thương sọ não và đặc biệt là tâm thần phân liệt.

Hội chứng Fregoli
Hội chứng Fregoli đặc trưng bởi niềm tin mãnh liệt về việc ai đó đã mạo danh thành người khác để tiếp cận, theo dõi bản thân

Hội chứng Fregoli là gì?

Hội chứng Fregoli (Fregoli Delusion) còn được biết đến tên gọi ảo tưởng Fregoli là một hội chứng rất hiếm gặp. Hội chứng này đặc trưng bởi niềm tin mãnh liệt về việc ai đó thường xuyên thay đổi danh tính, cố ý mạo danh thành nhiều người khác nhau để theo dõi, đe dọa, ám sát bản thân.

Về bản chất, hội chứng Fregoli là một dạng hoang tưởng – niềm tin sai lệch hình thành một cách vô lý, không có cơ sở rõ ràng và cũng không dựa trên những sự kiện thực tế xảy ra trong cuộc sống. Tức là những người mắc hội chứng Fregoli hoàn toàn không thể giải thích và không có bằng chứng chứng minh đó là kẻ mạo danh.

Dù những người xung quanh có khuyên ngăn, giải thích một cách logic, niềm tin này vẫn không suy chuyển. Giống như các dạng hoang tưởng khác, hội chứng Fregoli gây ra sự lo lắng, căng thẳng nhất định. Nhiều người bị hoang tưởng chi phối dẫn đến không thể học tập, làm việc bình thường như trước.

Hội chứng Fregoli được xếp vào nhóm Delusional Misidentification Syndromes – DMS (tạm dịch: hội chứng nhận dạng sai ảo tưởng) cùng với hội chứng Capgras. Cả hai hội chứng này đều có điểm chung là rối loạn nhận dạng và nhận thức. Các chuyên gia cho rằng, cả hội chứng Fregoli và ảo tưởng Capgras đều có liên quan đến tổn thương bán cầu não phải.

Nguồn gốc của hội chứng Fregoli

Hội chứng Fregoli được mô tả lần đầu tiên vào năm 1927 bởi hai tác giả Courbon và Fail. Bài báo cáo mô tả về trường hợp đầu tiên mắc bệnh – đó là người phụ nữ 27 tuổi.

Người phụ nữ này có niềm tin mãnh liệt rằng hai diễn viên nổi tiếng lúc bấy giờ là Sarah Bernhardt và Robine đã mạo danh thành ông chủ, bạn bè, thậm chí là người lạ trên đường để theo dõi mình. Cô ta còn tin rằng nữ diễn viên Robine đã mạo danh thành hàng xóm và người qua đường với mục đích bức hại bản thân.

Hội chứng Fregoli
Hội chứng Fregoli được mô tả lần đầu vào năm 1927 và được đặt theo tên của nam diễn viên người Ý Leopoldo Fregoli

Hội chứng Fregoli được đặt theo tên của nam diễn viên người Ý Leopoldo Fregoli – người nổi tiếng với khả năng thay đổi diện mạo nhanh xuất thần. Đặc tính này phù hợp với biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân mắc hội chứng Fregoli.

Tính đến nay, hội chứng này đã được biết đến gần 100 năm nhưng số ca mắc bệnh rất thấp. Chỉ có khoảng 38 trường hợp đã được ghi nhận. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, con số thực tế có thể nhiều hơn vì nhiều trường hợp không được chẩn đoán chính thức.

Giống như ảo tưởng Capgras, hội chứng Fregoli có liên quan đến vấn đề trong việc nhận thức khuôn mặt kết hợp với hoang tưởng. Vì vậy, cả hai hội chứng này thường sẽ gặp ở những người bị tổn thương não thực thể và mắc các rối loạn tâm thần nghiêm trọng.

Biểu hiện của hội chứng Fregoli

Hội chứng Fregoli đặc trưng bởi niềm tin sai lệch về việc ai đó cố ý mạo danh với mục đích theo dõi, thậm chí ám sát và hành hạ bản thân. Hoang tưởng này sẽ chi phối cảm xúc, suy nghĩ khiến bệnh nhân thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng và mệt mỏi.

Hội chứng Fregoli là gì
Người mắc hội chứng Fregoli tin rằng một kẻ nào đó đã giả dạng thành những người thân cận để theo dõi, hãm hại mình

Các biểu hiện của ảo tưởng Fregoli:

  • Tin rằng ai đó cố ý giả danh thành người khác để tiếp cận và theo dõi bản thân
  • Luôn cảm thấy bản thân đang bị theo dõi, hãm hại
  • Tin rằng nhiều người khác nhau (hàng xóm, bạn bè, người qua đường) đều cùng là một người
  • Cảm thấy lo lắng, căng thẳng trước sự an toàn của bản thân
  • Đối tượng mà bệnh nhân tin rằng đã mạo danh thành người khác để theo dõi, hãm hại bản thân thường là những người xa lạ. Chẳng hạn như người nổi tiếng, người bán hàng vô tình gặp phải, thậm chí là những người họ biết đến thông qua internet…
  • Bệnh nhân mắc hội chứng Fregoli luôn cho rằng những người này sẽ mạo danh thành người thân cận để có thể dễ dàng tiếp cận mình. Lúc thì cho rằng kẻ đó giả dạng thành bạn đời, người thân, khi thì trở thành bạn bè, hàng xóm của mình.
  • Trong môi trường bệnh viện, bệnh nhân thường cho rằng người nào đó đã giả danh thành bác sĩ, y tá để tiếp cận mình. Điểm chung của người mắc hội chứng Fregoli là tin rằng kẻ muốn theo dõi, hãm hại mình đều giả dạng thành những người thân cận.
  • Niềm tin sai lệch khiến người bệnh cảm thấy bị đe dọa, sợ hãi và đôi khi có những hành vi tấn công các y bác sĩ, người thân trong gia đình…
  • Ở người mắc hội chứng Fregoli, vừa có sự kết hợp giữa hoang tưởng và rối loạn nhận dạng. Tương tự như những trường hợp hoang tưởng bị hại, bệnh nhân thường giữ thái độ thù địch với đối tượng mà họ cho rằng có ý định hãm hại bản thân.
  • Tuy nhiên trong hội chứng Fregoli, bệnh nhân cho rằng kẻ mạo danh có thể thay đổi thân thế liên tục nên có thể tấn công vào bất cứ ai. Để đảm bảo an toàn, các bác sĩ thường khuyên gia đình cho bệnh nhân nhập viện.

Nguyên nhân gây ra ảo tưởng Fregoli

Trước đây, hội chứng Fregoli được cho là một biến thể của hội chứng Capgras, nhưng qua nhiều nghiên cứu các chuyên gia thấy rằng hai hội chứng này khác biệt về phân bố tuổi tác, giới tính, biểu hiện…

Hiện nay, hội chứng Fregoli được xếp vào nhóm Delusional Misidentification Syndromes – DMS (tạm dịch: hội chứng nhận dạng sai ảo tưởng) bên cạnh ảo tưởng Capgras, Intermetamorphosis syndrome (tạm dịch: hội chứng biến hình) và Syndrome of Subjective Doubles (tạm dịch: hội chứng nhân đôi chủ thể).

Sau nhiều nghiên cứu, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng Fregoli vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia có thể khẳng định hội chứng này là kết quả của bất thường về khả năng nhận dạng và xử lý khuôn mặt.

Một số yếu tố đã được xác định có liên quan đến hội chứng Fregoli bao gồm:

1. Tác dụng phụ của Levodopa

Levodopa được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh Parkinson và chứng loạn trương lực cơ. Loại thuốc này là tiền chất của dopamin, sau khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành dopamin ở các nhân nằm tại đáy não. Nhờ đó, thuốc có thể điều hòa trương lực cơ, cải thiện đáng kể các triệu chứng do bệnh Parkinson gây ra.

Điều trị dài hạn bằng Levodopa đã được chứng minh có thể dẫn đến hoang tưởng và ảo giác, trong đó có hội chứng Fregoli. Đến nay, Levodopa vẫn được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra hội chứng này.

2. Tổn thương thực thể ở não bộ

Hội chứng Fregoli còn có thể bắt nguồn từ tổn thương ở bán cầu não phải hoặc xảy ra ở cả hai thùy trán. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng thấy rằng giữa vùng cận hải mã và vùng hình thoi bên phải bị suy giảm hoặc mất kết nối. Đây là lý do trực tiếp dẫn đến rối loạn nhận dạng ở hội chứng Fregoli.

Hội chứng Fregoli là gì
Hội chứng Fregoli có liên quan đến tổn thương ở bán cầu não phải

Thực tế cũng cho thấy, hội chứng này thường gặp ở những bệnh nhân bị chấn thương sọ não nghiêm trọng. Dù trước đây những bệnh nhân này hoàn toàn không có vấn đề về tâm thần nhưng vẫn phát triển ảo tưởng Fregoli. Bằng chứng này cho thấy, tổn thương thực thể ở não bộ có tham gia vào cơ chế bệnh sinh.

3. Do các rối loạn tâm thần

Ngoài hai nguyên nhân trên, hội chứng Fregoli còn có liên quan đến các rối loạn tâm thần. Hội chứng này thường phát triển ở những người có các vấn đề sau:

nguyên nhân Hội chứng Fregoli
Hội chứng Fregoli thường phát triển ở người bị tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực…
  • Tâm thần phân liệt: Tâm thần phân liệt là rối loạn tâm thần nghiêm trọng đặc trưng bởi sự suy giảm nhận thức, hoang tưởng, ảo giác, loạn thần… Sau một thời gian phát triển, hoang tưởng có thể phát triển thành hội chứng Fregoli – đặc biệt là những bệnh nhân có hoang tưởng bị hại.
  • Sa sút trí tuệ: Hội chứng Fregoli và hội chứng Capgras thường gặp ở người bị sa sút trí tuệ. Khi não bộ suy giảm chức năng, khả năng nhận dạng, tư duy, trí nhớ đều suy giảm… Dẫn đến sự sai lệch trong suy nghĩ và có thể phát triển hội chứng Fregoli.
  • Các rối loạn tâm thần khác: Hội chứng Fregoli có thể phát triển ở người bị rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, rối loạn lo âu… Tuy nhiên, tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với tâm thần phân liệt.

Chẩn đoán hội chứng Fregoli

Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị cho hội chứng Fregoli. Dù vậy, phát hiện sớm và chẩn đoán kịp thời vẫn được cho là cần thiết. Bệnh nhân sẽ được chăm sóc, hỗ trợ để có thể giảm nhẹ triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hội chứng Fregoli đặc trưng bởi niềm tin sai lầm về việc ai đó đã mạo danh thành những người lân cận để theo dõi, hãm hại bản thân. Ngoài ra, hội chứng này không có các biểu hiện điển hình khác.

Triệu chứng nghèo nàn khiến cho quá trình phát hiện và chẩn đoán hội chứng Fregoli trở nên vô cùng khó khăn. Hội chứng này thường sẽ được chẩn đoán thông qua 3 bước sau:

Đầu tiên, cần xác định bệnh nhân có các vấn đề rối loạn tâm thần hay không. Đồng thời cần nhìn nhận ảo tưởng Fregoli có thật sự là hoang tưởng, hay là đánh giá khách quan dựa trên những sự kiện ngoài đời thực. Ví dụ một người nào đó đã từng bị hãm hại bởi một kẻ giả danh, nỗi sợ quá lớn có thể dẫn đến niềm tin sai lệch. Đây không được xem là hội chứng Fregoli.

Bước thứ hai, bác sĩ sẽ xác định các triệu chứng liên quan đến hoang tưởng như rối loạn tri giác, lú lẫn, kích động, tâm trạng thất thường, thường giữ thái độ thù địch…

Bước cuối cùng, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán phân biệt để loại trừ các bệnh thực thể và rối loạn tâm thần. Quá trình này sẽ mất khá nhiều thời gian và người bệnh cần thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau.

Về bản chất, hội chứng Fregoli là một dạng rối loạn hoang tưởng kết hợp với rối loạn nhận dạng. Bác sĩ có thể sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn hoang tưởng để hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán hội chứng này.

Các phương pháp điều trị hội chứng Fregoli

Điều trị hội chứng Fregoli còn rất nhiều hạn chế và hiện chưa có phương pháp nào được đánh giá hiệu quả. Dù vậy, điều trị tích cực phần nào có thể giảm nhẹ triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một số phương pháp được cân nhắc cho bệnh nhân mắc hội chứng Fregoli bao gồm:

1. Liệu pháp hóa dược

Một số loại thuốc có thể được sử dụng để cải thiện hoang tưởng trong hội chứng Fregoli. Khi triệu chứng này thuyên giảm, người bệnh sẽ giảm bớt tâm lý lo lắng, căng thẳng. Trong khi đó, rối loạn nhận dạng thường rất khó điều trị. Bệnh nhân ít nhiều vẫn còn niềm tin về việc ai đó đã mạo danh thành những người thân cận để tiếp cận, theo dõi bản thân.

nguyên nhân Hội chứng Fregoli
Thuốc chống loạn thần và thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng để điều trị ảo tưởng Fregoli

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị hội chứng Fregoli bao gồm:

  • Thuốc chống loạn thần: Các loại thuốc chống loạn thần như Risperidone, Olanzapine, Sulpiride, Quetiapine… được sử dụng để cải thiện tình trạng hoang tưởng. Trong đó, Clozapine được chứng minh có hiệu quả đối với hội chứng Fregoli ở bệnh nhân sa sút trí tuệ và Parkinson.
  • Thuốc chống trầm cảm: Hiệu quả của thuốc chống trầm cảm trong điều trị hội chứng Fregoli vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Dù vậy, một số trường hợp vẫn được chỉ định sử dụng để tăng hiệu quả của thuốc chống loạn thần. Hai loại thuốc được cân nhắc là thuốc chống trầm cảm 3 vòng và chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs).

Vì hội chứng Fregoli có liên quan đến các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt… nên những loại thuốc này ít nhiều đều có hiệu quả nhất định. Bệnh nhân và người nhà được tư vấn cụ thể về liều lượng, thời gian sử dụng để đảm bảo tuân thủ điều trị, giảm thiểu tình trạng tích lũy thuốc để tự sát (nhất là những trường hợp bị trầm cảm).

2. Trị liệu tâm lý

Bên cạnh liệu pháp hóa dược, bệnh nhân mắc hội chứng  Fregoli sẽ được trị liệu tâm lý để đối phó với tình trạng căng thẳng, lo lắng, tâm trạng thất thường, dễ kích động… Niềm tin về việc ai đó cố ý giả mạo thành những người quen thuộc để hãm hại, tiếp cận mình sẽ khiến bệnh nhân dễ kích động và có xu hướng hung hăng.

ảo tưởng Fregoli
Tâm lý trị liệu giúp người mắc hội chứng Fregoli kiểm soát các cảm xúc tiêu cực như lo lắng, căng thẳng, kích động…

Trị liệu tâm lý sẽ giúp quản lý những cảm xúc tiêu cực có liên quan đến ảo tưởng Fregoli. Sau nhiều thử nghiệm, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được chứng minh là phương pháp có hiệu quả nhất đối với hội chứng này.

3. Tìm các nhóm hỗ trợ

Số lượng người mắc hội chứng Fregoli không nhiều. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ, chuyên gia tâm lý để kết nối với các hội nhóm hỗ trợ. Kinh nghiệm thực tế được chia sẻ sẽ giúp người bệnh dễ dàng thích nghi, vượt qua những khó khăn do hội chứng Fregoli gây ra.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên tìm hiểu về căn bệnh mà mình mắc phải để ý thức hơn trong quá trình điều trị. Tăng cường kết nối với những người xung quanh nhằm duy trì lối sống lành mạnh, giải tỏa căng thẳng, phiền muộn. Cân nhắc thực hiện những liệu pháp thư giãn như yoga, massage, tập thể dục thường xuyên… vì rất hữu ích trong việc giảm stress và lo âu.

Hội chứng Fregoli là tình trạng vô cùng hiếm gặp và chưa được nghiên cứu nhiều. Hiện tại vẫn chưa có bất cứ phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm hội chứng này. Tuy nhiên, phát hiện sớm có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bản thân người bệnh sẽ khó có thể nhận ra sự bất thường trong suy nghĩ, hành vi. Vì vậy, những người xung quanh cần hỗ trợ khi phát hiện các biểu hiện kỳ lạ – đặc biệt là với những đối tượng có nguy cơ cao như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chấn thương sọ não…

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *