Rối loạn giả bệnh là gì? Nguyên nhân và cách nhận biết

Rối loạn giả bệnh (Factitious Disorder) là một dạng rối loạn tâm thần có mức độ nghiêm trọng và rất khó nhận biết. Người mắc chứng bệnh này thường xuyên thực hiện các hành vi giả bệnh lên bản thân hoặc người khác không vì mục đích hay động cơ rõ ràng.

rối loạn giả bệnh
Rối loạn giả bệnh (Factitious Disorder) ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số thế giới

Rối loạn giả bệnh là gì?

Rối loạn giả bệnh (Tiếng Anh: Factitious Disorder) là một dạng rối loạn tâm thần ít gặp có mức độ nghiêm trọng. Người mắc chứng bệnh này thường cố ý bắt chước các triệu chứng thể chất và tâm thần để người khác tin rằng bản thân đang thực sự mắc bệnh. Các hành vi giả bệnh hoàn toàn không vì những mục đích hay động cơ rõ ràng như thắng kiện, thao túng tâm lý người khác, được nghỉ làm, hưởng bảo hiểm,…

Bản thân người bị rối loạn giả bệnh ý thức được các hành vi giả vờ của mình nhưng không hiểu rõ động cơ và lý do vì sao bản thân có các hành vi này. Người bệnh cũng có xu hướng phóng đại các triệu chứng mà bản thân gặp phải để thuyết phục những người xung quanh việc mình thực sự mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng.

Rối loạn giả bệnh là một dạng rối loạn tâm thần nặng với tỷ lệ khoảng 1% dân số thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ mắc bệnh có thể cao hơn vì bệnh lý này rất khó phát hiện. Đa số người bệnh đều rất am hiểu kiến thức về y học nên có thể đánh lừa tất cả mọi người, bao gồm cả nhân viên y tế.

Rối loạn giả bệnh thường khởi phát cấp tính, các triệu chứng xuất hiện đột ngột và kịch tính. Một số bệnh nhân chỉ xảy ra 1 – 3 đợt phát bệnh nhưng đa phần đều có tiến triển dai dẳng, khuynh hướng kéo dài và phải điều trị suốt đời. Rối loạn giả bệnh xảy ra chủ yếu ở những người bị rối loạn nhân cách và có thể đồng mắc với các rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu,…

Cách nhận biết rối loạn giả bệnh

Rối loạn giả bệnh đặc trưng bởi các hành vi giả mạo để người khác tin rằng bản thân đang mắc bệnh. Tuy nhiên, một số người cố ý thực hiện các hành vi giả mạo lên người khác. Tình trạng này được gọi là rối loạn giả bệnh lên người khác. Ở cả hai dạng này, người bệnh đều ý thức được hành vi của bản thân nhưng đều không có lý do và mục đích rõ ràng.

1. Rối loạn giả bệnh lên bản thân

Rối loạn giả bệnh lên bản thân là tình trạng bệnh nhân cố ý phóng đại các triệu chứng bản thân mắc phải. Hoặc cũng có thể bắt chước hành vi, biểu cảm để thuyết phục mọi người tin rằng bản thân đang thực sự có các vấn đề thể chất và tâm thần.

rối loạn giả bệnh
Bệnh nhân cố ý bắt chước các triệu chứng bệnh lý hoặc phóng đại những triệu chứng bản thân gặp phải

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn giả bệnh lên bản thân:

  • Có các hành vi giả vờ để thuyết phục người khác rằng bản thân đang mắc bệnh như đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đau tim, toát mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi,…
  • Một số bệnh nhân thực hiện các hành vi tự gây tổn thương như cố ý khiến bản thân chảy máu, bị nhiễm trùng hoặc thậm chí là tự tiêm vi khuẩn vào da để hình thành áp xe, ổ mủ,…
  • Người bệnh có thể tự dùng dao, kéo rạch để tạo vết thương trên cơ thể. Trường hợp nặng có thể tự cắt đứt các ngón tay và ngón chân.
  • Bệnh nhân có thể làm giả xét nghiệm hoặc cố ý uống thuốc, dùng rượu bia,… để làm sai lệch kết quả xét nghiệm.
  • Người mắc chứng rối loạn giả bệnh thường không thật thà khi khai báo các triệu chứng và tiền sử sức khỏe với bác sĩ. Bệnh nhân có xu hướng phóng đại mức độ của các triệu chứng, phức tạp hóa cơn đau và cảm giác của bản thân.
  • Người bệnh thường đi khám ở rất nhiều bệnh viện, phòng khám và đặc biệt hay sử dụng tên giả để gây khó khăn cho bác sĩ trong việc kiểm tra tiền sử thăm khám và sức khỏe. Bệnh nhân luôn có nhu cầu được thăm khám, xét nghiệm, chụp X quang, MRI và được theo dõi tại bệnh viện mặc dù bác sĩ cho là không cần thiết.
  • Đa số bệnh nhân có kiến thức sâu rộng và am hiểu về lĩnh vực y tế. Khi thăm khám, bệnh nhân thường gợi ý cho bác sĩ một số vấn đề bản thân có thể mắc phải và đa số các bệnh lý được bệnh nhân đề cập đều có mức độ nghiêm trọng.
  • Người bệnh cố ý tạo ra nhiều triệu chứng giả nên đôi khi các triệu chứng không nhất quán và bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh. Bệnh nhân thường cố ý bịa ra việc bản thân từng mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
  • Người bị rối loạn giả bệnh cố ý sinh hoạt và ăn uống không điều độ như sử dụng nhiều rượu bia, hút thuốc lá, thức ăn mặn, nhiều dầu mỡ,  nhịn ăn, thức khuya và ít vận động để bản thân mắc bệnh thực sự.
  • Khi nhân viên y tế cho rằng bệnh nhân không mắc bệnh hoặc chỉ mắc phải các vấn đề sức khỏe nhẹ, người bệnh có thể trở nên tức giận và cáu kỉnh. Một số người tranh luận gay gắt và yêu cầu bác sĩ phải kiểm tra thêm nhiều lần.
  • Rối loạn giả bệnh khác với các hành vi cố ý gây bệnh có động cơ. Người mắc chứng bệnh này nhận thức được hành vi của bản thân nhưng hoàn toàn không có bất cứ động cơ hay mục đích nào. Bản thân người bệnh thường không suy xét đến mục đích mà chỉ muốn thuyết phục những người xung quanh rằng bản thân mình thực sự mắc bệnh.
  • Bệnh nhân có triệu chứng rất rõ ràng nhưng kết quả xét nghiệm đều âm tính.
  • Từ chối được đánh giá tâm lý, tâm thần.
  • Khi được đề nghị xuất viện, bệnh nhân thường cố ý giả bệnh để được chăm sóc và điều trị tại bệnh viện trong thời gian lâu hơn.
  • Khi bị bắt quả tang về việc cố ý bắt chước các triệu chứng hoặc làm giả giấy xét nghiệm, bệnh nhân không bao giờ thừa nhận. Người bệnh sẽ tiếp tục thăm khám tại các cơ sở y tế khác cho đến khi được chẩn đoán mắc bệnh nguy hiểm và được can thiệp điều trị.

Trên thực tế, rối loạn giả bệnh rất khó phát hiện vì bệnh nhân không trung thực trong việc khai báo và cố ý bắt bước các triệu chứng. Bản thân người mắc chứng bệnh này dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng về các vấn đề sức khỏe. Do đó, bác sĩ thường cho rằng bệnh nhân đang mắc cùng lúc nhiều bệnh nên mới có triệu chứng phức tạp.

Chính vì lý do trên mà đa số bệnh nhân bị rối loạn giả bệnh đều không được phát hiện sớm. Chứng bệnh này thường chỉ được phát hiện khi người bệnh sơ hở trong việc trả lời câu hỏi của bác sĩ hoặc bị người khác tìm thấy bằng chứng về các hành vi cố ý giả bệnh.

2. Rối loạn giả bệnh lên người khác

Rối loạn giả bệnh lên người khác là tình trạng bệnh nhân cố ý giả mạo các triệu chứng lên người khác để mọi người tin rằng người này thực sự mắc bệnh. Đối tượng mà bệnh nhân nhắm đến thường là người mà họ chăm sóc như con cái, em út trong gia đình hoặc người cao tuổi.

Tương tự như rối loạn giả bệnh lên bản thân, bệnh nhân cũng hoàn toàn không có động cơ hay mục đích đối với hành vi giả bệnh lên người khác. Tình trạng này vô cùng nguy hiểm bởi đối tượng mà bệnh nhân cố ý giả bệnh có nguy cơ tử vong hoặc phải đối mặt với các di chứng vĩnh viễn.

rối loạn giả bệnh
Bệnh nhân cũng có thể thực hiện các hành vi giả bệnh lên người khác – thường là người già và trẻ nhỏ

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn giả bệnh lên người khác:

  • Bịa ra những triệu chứng lên những người mà bệnh nhân đang chăm sóc như trẻ em, anh chị em, người tàn tật, người cao tuổi,… để mọi người tin rằng những người này thực sự mắc bệnh.
  • Bệnh nhân cũng có thể cố ý thực hiện các hành vi nhằm mục đích khiến người khác bị bệnh như sử dụng thuốc, thêm các chất độc vào đồ ăn, thức uống, cho người đó dùng thức ăn mà họ bị dị ứng,… Hoặc bệnh nhân cũng có thể thêm vi khuẩn vào nước tiểu hoặc phân để làm sai lệch kết quả xét nghiệm.
  • Tỏ ra quan tâm và mong muốn người mà bệnh nhân chăm sóc được can thiệp các phương pháp y tế kịp thời.
  • Các hành vi giả bệnh lên người khác có thể khiến nạn nhân tử vong hoặc mắc bệnh thực sự.
  • Đối với trẻ em, bệnh nhân có thể ám thị để trẻ tin rằng mình thực sự mắc bệnh. Do đó, đa số bác sĩ đều chẩn đoán sai trong trường hợp này.
  • Các hành vi rối loạn giả bệnh lên người khác hoàn toàn không có động cơ như cố ý che giấu các hành vi ngược đại hay nhận tiền quyên góp, hỗ trợ,…

So với rối loạn giả bệnh lên bản thân, rối loạn giả bệnh lên người khác rất khó phát hiện. Đối tượng mà bệnh nhân nhắm đến đều là những đối tượng nhạy cảm, sức khỏe kém và dễ bị tổn thương. Với kiến thức sâu rộng, người bệnh có thể thao túng tâm lý khiến những đối tượng này tin rằng bản thân thực sự có các triệu chứng bệnh lý.

Nguyên nhân gây rối loạn giả bệnh

Giống như các rối loạn tâm thần khác, nguyên nhân gây rối loạn giả bệnh vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia cho rằng, người mắc chứng bệnh này thường phải trải qua sang chấn liên quan đến tình cảm.

Dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhưng rối loạn giả bệnh được cho là có liên quan đến những yếu tố sau:

  • Các trải nghiệm tiêu cực từ thời thơ ấu như bị bỏ rơi, lạm dụng tình cảm, thể chất,…
  • Trải qua sang chấn nghiêm trọng như người thân mắc bệnh nan y, mất người thân đột ngột, tai nạn nghiêm trọng hoặc mắc căn bệnh nặng khi còn nhỏ.
  • Mắc các rối loạn nhân cách, đặc biệt là rối loạn nhân cách ranh giới.
  • Người mắc chứng bệnh này thường có các mối quan hệ không ổn định và hiếm khi duy trì được các mối quan hệ lành mạnh, lâu dài (ngoại trừ gia đình).
  • Các chuyên gia cho rằng, đôi khi hành vi giả bệnh là để bệnh nhân bảo vệ lòng tự trọng khi đối mặt với thất bại.
  • Mắc các rối loạn khí sắc như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,… có thể làm gia tăng nguy cơ bị rối loạn giả bệnh.
  • Một số chuyên gia nhận thấy, bệnh nhân rối loạn giả bệnh có thể thực hiện hành vi giả bệnh với mục đích phô trương kiến thức của bản thân. Tuy nhiên, mục đích này hoàn toàn không mang đến lợi ích cho người bệnh. Có chăng là cảm giác thỏa mãn khi bệnh nhân đánh lừa được bác sĩ, y tá và những người xung quanh.

Rối loạn giả bệnh được xác định không có liên quan đến gen di truyền. Tuy nhiên, việc sống chung với những người mắc chứng bệnh này ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hành vi và cảm xúc của trẻ khi lớn lên.

Rối loạn giả bệnh có nguy hiểm không?

Rối loạn giả bệnh là một dạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Chứng bệnh này không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, các hành vi giả bệnh của bệnh nhân có thể khiến bản thân họ hoặc những đối tượng bị giả bệnh lên phải đối mặt với các di chứng nặng và đôi khi là tử vong.

Bên cạnh đó, việc liên tục giả bệnh và phóng đại các triệu chứng khiến bệnh nhân tiêu tốn nhiều chi phí cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Người bệnh hoàn toàn không tập trung cho công việc, học tập và không quan tâm đến những mối quan hệ. Điều này mà người bệnh quan tâm nhất là thuyết phục mọi người tin rằng bản thân hoặc đối tượng mà họ đang chăm sóc bị bệnh – dù điều này hoàn toàn không mang lại bất cứ lợi ích gì.

rối loạn giả bệnh
Bản thân người bệnh hoặc đối tượng bị bệnh nhân giả bệnh lên có nguy cơ đối mặt với các di chứng vĩnh viễn

Nhìn chung, người bị rối loạn giả bệnh không thể duy trì cuộc sống như bình thường. Họ liên tục thăm khám, thực hiện xét nghiệm và điều trị khiến những người xung quanh vô cùng mệt mỏi và áp lực. Khi không được chẩn đoán mắc bệnh, bệnh nhân có thể bị căng thẳng, cáu kỉnh, tức giận và chán ghét. Những cảm xúc này tích tụ thôi thúc người bệnh sử dụng bia rượu, thuốc lá và chất kích thích.

Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, rối loạn giả bệnh sẽ làm gia tăng các vấn đề trong cuộc sống. Đây chính là điều kiện để một số vấn đề tâm thần phát triển, thường gặp nhất là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoang tưởng,… Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân có thể mất công việc và sống phụ thuộc vào gia đình.

Chẩn đoán rối loạn giả bệnh bằng cách nào?

Một trong những lý do khiến rối loạn giả bệnh có mức độ nghiêm trọng hơn so với nhiều bệnh tâm thần khác là vì quá trình chẩn đoán vô cùng khó khăn. Thứ nhất là vì bệnh nhân rất am hiểu các vấn đề sức khỏe nên các triệu chứng mà người bệnh bộc lộ và khai báo có tính thuyết phục cao. Thứ hai là vì bệnh nhân thực sự đã tự thực hiện các hành vi để bản thân mắc bệnh (nhịn ăn, tự tiêm vi khuẩn vào người,…).

Đa số các bệnh nhân bị rối loạn giả bệnh đều không được phát hiện sớm. Thời gian trung bình để có thể phát hiện bệnh là khoảng 10 – 20 năm. Người phát hiện có thể là người thân trong gia đình hoặc các bác sĩ vô tình tìm thấy bệnh nhân sử dụng nhiều tên giả để khám bệnh.

Người bị rối loạn giả bệnh luôn phủ định bệnh nên việc chẩn đoán dựa trên thăm hỏi gần như không mang lại hiệu quả. Đối với chứng bệnh này, quá trình chẩn đoán đôi khi cần sự tham gia của các thành viên trong gia đình.

Hiện tại, chẩn đoán rối loạn giả bệnh dựa vào những yếu tố sau đây:

  • Tiền sử thăm khám (tuy nhiên rất khó để tìm thấy lịch sử thăm khám do bệnh nhân dùng nhiều tên giả và vì lý do bảo mật của phòng khám/ bệnh viện)
  • Dựa vào biểu hiện lâm sàng (bệnh nhân có vẻ cường điệu các triệu chứng mà họ mắc phải)
  • Xác định hành vi giả bệnh không vì các mục đích rõ ràng như thắng kiện, đòi bồi thường, nghỉ làm, hưởng bảo hiểm,…

Bác sĩ sẽ trao đổi thêm với gia đình để khai thác tiền sử bệnh lý và lịch sử khám bệnh của bệnh nhân. Hiện tại, rối loạn giả bệnh đã được công nhận là bệnh tâm thần trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Do đó, các bác sĩ có thể sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 để đưa ra chẩn đoán đối với chứng bệnh này.

Các phương pháp điều trị rối loạn giả bệnh

Rối loạn giả bệnh là một dạng rối loạn tâm thần rất phức tạp và nghiêm trọng. Hiện nay, chưa có phương pháp nào được xác định mang lại hiệu quả rõ ràng đối với bệnh lý này. Dù vậy, các phương pháp điều trị vẫn sẽ được áp dụng để cải thiện triệu chứng và giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống.

1. Tiếp cận bệnh nhân đúng cách

Bệnh nhân rối loạn giả bệnh thường từ chối đánh giá tâm lý và tâm thần. Do đó, quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh lý này vô cùng thách thức. Phản ứng thường thấy ở người bị rối loạn giả bệnh là phủ định bệnh. Bệnh nhân thường tranh cãi gay gắt với bác sĩ, tức giận, cáu kỉnh và không tiếp nhận điều trị.

Sau đó, bệnh nhân tiếp tục hành trình đến các phòng khám/ bệnh viện khác cho đến khi được chẩn đoán và can thiệp điều trị đúng như mong muốn. Để lịch sử thăm khám không bị ghi chép và tìm kiếm, bệnh nhân thường sử dụng tên giả cho mỗi lần khám chữa bệnh.

rối loạn giả bệnh
Bước quan trọng nhất khi điều trị rối loạn giả bệnh là bác sĩ phải tiếp cận đúng cách để bệnh nhân chấp nhận điều trị

Vì vậy, điều quan trọng nhất khi điều trị rối loạn giả bệnh là phải tiếp cận bệnh nhân đúng cách. Thay vì khẳng định bệnh nhân cố ý giả bệnh, bác sĩ chỉ đưa ra chẩn đoán và không nhắc đến các hành vi giả vờ của bệnh nhân. Một số bác sĩ lấy lý do là bệnh nhân căng thẳng để giải thích cho các triệu chứng mà họ cố ý bắt chước hoặc phóng đại.

Việc phớt lờ hành vi giả bệnh sẽ giúp người bệnh tránh khỏi cảm giác hổ thẹn và tức giận. Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và xác định nguyên nhân là do căng thẳng, sau đó sẽ đưa ra các phương án điều trị. Dù không thừa nhận thẳng thừng các hành vi giả bệnh nhưng bác sĩ vẫn sẽ đề cập đến tầm quan trọng của việc điều trị. Như vậy, bệnh nhân sẽ có ý thức hơn trong quá trình can thiệp điều trị.

Mục đích của bệnh nhân rối loạn giả bệnh là được thừa nhận mắc bệnh và chăm sóc sức khỏe. Do đó, điều quan trọng nhất là bác sĩ phải tiếp cận để người bệnh chấp nhận các phương pháp điều trị. Sau khi tình trạng ổn định, các chuyên gia có thể thông qua liệu pháp tâm lý để thông báo bệnh tình và hướng dẫn bệnh nhân thay đổi các hành vi cố ý gây bệnh.

2. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp hiệu quả nhất đối với chứng rối loạn giả bệnh mặc dù quá trình trị liệu còn nhiều khó khăn và hạn chế. Mục tiêu của phương pháp này là thay đổi các hành vi giả bệnh lên bản thân và người khác. Đối với rối loạn giả bệnh lên người khác, các chuyên gia sẽ cách ly bệnh nhân với đối tượng để tránh những tình huống đáng tiếc.

rối loạn giả bệnh
Trị liệu tâm lý hiện đang là phương pháp có hiệu quả nhất đối với bệnh nhân rối loạn giả bệnh

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, các hành vi giả bệnh thường có liên quan đến tổn thương tâm lý tiềm ẩn. Tùy theo từng bệnh nhân, các chuyên gia có thể sử dụng các biện pháp tâm lý trị liệu như:

Các liệu pháp này sẽ giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ méo mó, sai lệch, từ đó giảm các hành vi giả bệnh lên bản thân và người khác. Bên cạnh đó, gia đình cũng sẽ được tham gia trị liệu để hiểu rõ hơn về chứng rối loạn giả bệnh. Đồng thời chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn người thân điều chỉnh thái độ và cách ứng xử để bệnh nhân giảm các hành vi giả bệnh.

3. Sử dụng thuốc

Không có loại thuốc nào có thể điều trị rối loạn giả bệnh. Tuy nhiên, đa phần người mắc chứng bệnh này đều đồng mắc với nhiều rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoang tưởng,… Do đó, thuốc sẽ được dùng để cải thiện các triệu chứng thể chất và tâm thần đi kèm.

Bệnh nhân có thể phải dùng thuốc dài hạn nên cần gia đình theo dõi sát sao để tránh tình trạng tự ý bỏ thuốc. Ngoài ra, gia đình cũng nên chú ý đến những biểu hiện bất thường để kịp thời cho bệnh nhân nhập viện. Trong trường hợp bệnh nhân có các hành vi nguy hiểm, điều trị nội trú là cần thiết để tránh các tình huống đáng tiếc.

Rối loạn giả bệnh là bệnh tâm thần ít gặp nhưng có mức độ vô cùng nghiêm trọng. Hiện tại, không có cách nào có thể phòng ngừa chứng bệnh này. Điều duy nhất có thể làm là chú ý các biểu hiện bất thường để bệnh nhân được thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, gia đình không nên nói trực tiếp với bệnh nhân về việc họ cố ý giả bệnh mà nên thông báo với bác sĩ để có hướng tiếp cận phù hợp.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *