Nhận Biết Và Phòng Ngừa Rối Loạn Lo Âu Tái Phát
Thống kê cho thấy, khoảng 25% trường hợp rối loạn lo âu tái phát sau một thời gian điều trị. Những trường hợp bệnh hay tái phát thường có chất lượng cuộc sống suy giảm và sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề. Vì những lý do này, bệnh nhân cần chủ động phòng ngừa và nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh tái phát.
Rối loạn lo âu có tái phát không? Dấu hiệu nhận biết
Rối loạn lo âu là một trong những vấn đề tâm lý phổ biến hiện nay bên cạnh stress và trầm cảm. Chứng bệnh này đặc trưng bởi sự lo lắng, sợ hãi, căng thẳng và bất an thái quá, kéo dài về những đối tượng và sự việc không thực sự nghiêm trọng. Rối loạn lo âu được chia thành nhiều dạng nhưng thường gặp nhất là rối loạn lo âu lan tỏa và rối loạn hoảng sợ.
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã phát hiện vai trò của gen di truyền, đặc điểm tính cách, giải phẫu não bất thường và stress trong cơ chế bệnh sinh. Với áp lực cuộc sống gia tăng, tỷ lệ người bị rối loạn lo âu cũng tăng lên đáng kể.
Ngoài những băn khoăn về triệu chứng và cách điều trị, khá nhiều bệnh nhân thắc mắc về vấn đề “Rối loạn lo âu có tái phát không?”. Theo các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần, rối loạn lo âu là bệnh lý có khả năng tái phát. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát sẽ phụ thuộc vào dạng rối loạn lo âu, mức độ bệnh, khả năng đáp ứng với điều trị và chế độ chăm sóc của từng trường hợp.
Theo thống kê, rối loạn lo âu lan tỏa là dạng có khả năng tái phát cao nhất. Người mắc chứng bệnh này luôn có nỗi sợ, sự lo lắng và bất an về mọi thứ xung quanh cuộc sống từ công việc, sức khỏe, hạnh phúc gia đình, trách nhiệm với bố mẹ, chăm sóc và nuôi dạy con cái. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có nỗi sợ mơ hồ mà không xác định được nguyên nhân cụ thể.
Các dạng rối loạn lo âu khác cũng có khả năng tái phát nhưng tỷ lệ thấp hơn. Hầu hết các dạng này chỉ tái phát trở lại khi bị stress nặng do sang chấn tâm lý. Ngoài ra, stress trường diễn cũng khiến cho tâm lý bị tổn thương và gia tăng nguy cơ bệnh tái phát.
Hầu hết các rối loạn tâm lý, tâm thần đều có khả năng tái phát. Bên cạnh việc điều trị, bệnh nhân rối loạn lo âu cần thực hiện các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe. Hơn nữa, cần nhận biết sớm các dấu hiệu rối loạn lo âu tái phát để kịp thời có biện pháp khắc phục.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn lo âu tái phát:
- Tâm trạng lo lắng, bồn chồn, căng thẳng dai dẳng và kéo dài
- Nhận thấy bản thân có nỗi sợ và sự lo lắng thái quá nhưng không thể nào kiểm soát
- Đôi khi trở nên hoảng loạn, sợ hãi tột độ, nỗi sợ thường là sợ mất trí nhớ, sợ chết,…
- Sự căng thẳng, lo lắng kéo dài khiến cơ thể và tâm trí không bao giờ được thư giãn. Điều này dẫn đến một loạt các triệu chứng thể chất như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, mệt mỏi, ăn uống kém, đau vai gáy,…
Ngay khi xuất hiện các triệu chứng kể trên, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được thăm khám và tư vấn điều trị. Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp kiểm soát tình trạng nhanh chóng, hiệu quả. Ngược lại những trường hợp chậm trễ sẽ mất nhiều thời gian điều trị hơn và đôi khi phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng, biến chứng của bệnh.
Cách phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát hiệu quả
Rối loạn lo âu ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống từ hiệu suất lao động, học tập đến các mối quan hệ. Ngoài ra, bệnh lý này còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất và gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần đi kèm như trầm cảm, rối loạn hoang tưởng,…
Để giảm thiểu nguy cơ bệnh tái phát, bệnh nhân rối loạn lo âu nên chủ động thực hiện các biện pháp sau:
1. Tích cực điều trị theo hướng dẫn
Theo thống kê, khoảng 25% trường hợp bị rối loạn lo âu tái phát suốt đời và không thể điều trị hoàn toàn. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do bệnh nhân không thăm khám và điều trị sớm hoặc tự ý ngưng điều trị khi các triệu chứng thuyên giảm.
Tương tự như trầm cảm, bệnh nhân rối loạn lo âu cần phải dùng thuốc duy trì trong một thời gian dài để ổn định tinh thần và hạn chế nguy cơ bệnh tái phát. Việc ngưng thuốc quá sớm sẽ khiến triệu chứng bùng phát chỉ sau một thời gian ngắn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể tái phát do bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc và không can thiệp tâm lý trị liệu để phục hồi chức năng tâm thần.
Để phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát, bệnh nhân cần điều trị tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh nên can thiệp các phương pháp trị liệu tâm lý như liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp thư giãn,… Đa phần những trường hợp điều trị sớm và tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ đều có đáp ứng tốt và nguy cơ bệnh tái phát cũng thấp hơn.
2. Học cách kiểm soát stress
Stress được xem là tác nhân làm nghiêm trọng triệu chứng của rối loạn lo âu và kích thích bệnh tái phát. Chính vì vậy, bệnh nhân cần trang bị những kỹ năng kiểm soát stress để bảo vệ sức khỏe tinh thần và phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát hiệu quả.
Các biện pháp giúp kiểm soát stress nhằm phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát:
- Trước tiên, cần học cách quản lý thời gian, lên kế hoạch làm việc khoa học và chi tiêu hợp lý. Những kỹ năng này sẽ giúp giảm thiểu phiền toái và các vấn đề trong cuộc sống. Như vậy, khả năng bị stress và tái phát rối loạn lo âu sẽ giảm đi đáng kể.
- Áp lực công việc, cuộc sống sẽ gây căng thẳng thần kinh. Vì vậy, bệnh nhân nên cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để giảm stress, phiền muộn.
- Dành thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động mà bản thân yêu thích như đọc sách, nghe nhạc, chăm sóc thú cưng, nấu ăn, trồng cây, bơi lội, vẽ tranh,… Niềm vui từ các hoạt động này sẽ giúp xoa dịu căng thẳng và mang đến những cảm xúc tích cực.
- Trong trường hợp căng thẳng nhiều, có thể dùng một số loại thảo dược giảm stress như trà hoa cúc, bạc hà, trà tim sen, trà mật ong,… Ngoài hiệu quả giải tỏa cảm xúc, các loại trà này còn giúp thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Thực hiện các liệu pháp thư giãn khi đối mặt với căng thẳng như tắm nước ấm, massage, gội đầu dưỡng sinh, tập yoga, ngồi thiền,…
3. Thay đổi suy nghĩ
Rối loạn lo âu thường gặp ở những người có đặc điểm tính cách hay lo lắng, nhạy cảm và bi quan. Trong khi những người có tính cách vui vẻ và lạc quan hiếm khi phát triển chứng bệnh này. Do đó, bệnh nhân cần phải thay đổi suy nghĩ của chính mình để duy trì tinh thần ổn định và phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát.
Để thay đổi suy nghĩ không phải là việc đơn giản. Tuy nhiên, bệnh nhân nên nỗ lực mỗi ngày để có thể giảm bớt tâm lý nặng nề, lo lắng và giữ cho bản thân tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Bệnh nhân nên sống chậm lại để có thể nhìn nhận những giá trị bản thân đang sở hữu. Trân trọng từng khoảnh khắc chính là “chìa khóa” giúp mỗi người học cách lạc quan, vui vẻ trong mọi hoàn cảnh và nỗ lực để vượt qua khó khăn. Ngoài ra, có thể tham gia các hoạt động thiện nguyện để nhận ra ý nghĩa của cuộc sống và trân trọng hơn những giá trị bản thân đang sở hữu.
4. Xây dựng lối sống khoa học
Lối sống khoa học giúp nâng cao thể trạng và cải thiện sức khỏe tinh thần. Khi thể trạng ổn định, tinh thần sẽ ít bị dao động khi đối mặt với áp lực và căng thẳng. Bên cạnh đó, lối sống lành mạnh cũng giúp giải tỏa kịp thời stress, lo âu và phiền muộn.
Xây dựng lối sống khoa học không phải là vấn đề quá phức tạp. Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng và bi quan nên bệnh nhân khó có thể duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện lành mạnh. Vì vậy, những người xung quanh nên hỗ trợ để bệnh nhân có thể duy trì lối sống hợp lý nhằm phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả.
Cách xây dựng lối sống giúp phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát:
- Nên nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng. Tránh tình trạng làm việc quá 9 giờ/ ngày trong thời gian dài. Áp lực từ công việc sẽ gây stress và tình trạng sẽ tích tụ kích thích rối loạn lo âu bùng phát.
- Tập thể dục thường xuyên giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Hoạt động thể chất làm tăng nồng độ serotonin và endorphin, qua đó giảm lo lắng, muộn phiền và tạo cảm giác vui vẻ, phấn chấn. Các bộ môn thể thao tốt cho bệnh nhân rối loạn lo âu bao gồm đạp xe, đi bộ, tập yoga, chạy bộ, bơi lội,…
- Đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày để hạn chế căng thẳng và lo lắng. Trong khi đó, những trường hợp thường xuyên mất ngủ và thiếu ngủ sẽ có nguy cơ tái phát rối loạn lo âu cao hơn.
- Không dùng chất kích thích, rượu bia và tránh hút thuốc lá. Bởi các thói quen này sẽ làm gia tăng mức độ căng thẳng, lo lắng và khiến bệnh có nguy cơ tái phát cao.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Ngoài ra, có thể bổ sung các loại thực phẩm có tác dụng giảm stress như rau củ, trái cây, thực phẩm giàu Omega 3, probiotic (lợi khuẩn), kẽm,…
5. Can thiệp liệu pháp tâm lý ngay khi bị sang chấn
Trong cuộc sống, đôi khi khó tránh khỏi những sự kiện gây sang chấn tâm lý như ly hôn, ly thân, tai nạn, mất người thân,… Các sự kiện này sẽ gây tổn thương tâm lý và khiến cho rối loạn lo âu bùng phát.
Khi gặp phải các sự kiện sang chấn, bệnh nhân nên can thiệp liệu pháp tâm lý càng sớm càng tốt. Liệu pháp này giúp ổn định tinh thần, giải tỏa stress và cảm xúc tiêu cực. Can thiệp trị liệu tâm lý sớm sẽ hạn chế nguy cơ tái phát rối loạn lo âu và phòng ngừa các rối loạn liên quan đến stress như rối loạn stress cấp tính, rối loạn điều chỉnh, rối loạn stress sau sang chấn,…
Rối loạn lo âu là bệnh có khả năng tái phát cao. Vì vậy, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường. Hiện tại, quá trình điều trị bệnh còn nhiều thách thức nên rất cần sự nỗ lực của bệnh nhân và sự động viên, hỗ trợ của những người xung quanh.
Tham khảo thêm:
- Trầm Cảm Có Tái Phát Không? Nguyên Nhân Và Cách Phòng Ngừa
- Rối loạn lo âu có gây biến chứng nguy hiểm không?
- Rối loạn lo âu có chữa khỏi được không? Có tự khỏi không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!