10 hậu quả do sang chấn tâm lý gây ra có thể gặp
Hậu quả do sang chấn tâm lý để lại là vô cùng to lớn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sang chấn gây ra sự méo mó về nhân cách, gia tăng các vấn đề sức khỏe thể chất, tâm thần và ảnh hưởng không nhỏ đến các khía cạnh của cuộc sống.
10 hậu quả của sang chấn tâm lý thường gặp
Sang chấn tâm lý là tình trạng tinh thần bị tổn thương sâu sắc do trải qua hoặc chứng kiến các sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Những sự kiện này thường có tính chất đau buồn và để lại những hậu quả nghiêm trọng như mất người thân, tai nạn bất ngờ, thiên tai, ly hôn, bản thân bị chẩn đoán mắc các bệnh nan y, bị lừa dối, phá sản,…
Sang chấn tâm lý gây ra những tác động mạnh đến sức khỏe tinh thần. Vì vậy, sau khi đối mặt với sang chấn khó tránh khỏi những thay đổi bất thường về cảm xúc, lời nói, hành vi và cách suy nghĩ. Tùy vào khả năng chịu đựng stress và môi trường sống của mỗi người, tổn thương tâm lý có thể được chữa lành theo thời gian nhưng cũng có thể phát triển thành các vấn đề đáng lo ngại.
Trên thực tế, mọi người chưa có ý thức chăm sóc sức khỏe tinh thần nên hầu hết đều không biết cách vượt qua tổn thương tâm lý. Việc tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia cũng còn quá xa lạ với người Việt. Vì những lý do này, đa phần những người bị sang chấn tâm lý đều không được can thiệp kịp thời và không ít trong số đó phải đối mặt với những hậu quả nặng nề.
Dưới đây là 10 hậu quả nghiêm trọng do sang chấn tâm lý gây ra:
1. Tinh thần bất ổn, hoảng loạn
Não bộ là cơ quan chi phối cảm xúc của con người trước những sự việc xảy ra trong cuộc sống. Khi tiếp nhận sự việc có tính chất đau buồn, não bộ sẽ truyền tín hiệu đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những sự kiện sang chấn ảnh hưởng đến vùng não chi phối cảm xúc, tư duy và ghi nhớ. Do đó, tinh thần hoảng loạn, bất ổn là tình trạng khó tránh khỏi. Nhiều người còn gặp phải tình trạng quên phân ly (chỉ quên một vài sự kiện, tình huống xảy ra trong sự kiện nhưng vẫn nhớ rõ những ký ức khác) và dễ hoảng loạn khi nhắc lại sự kiện gây sang chấn.
Tinh thần bất ổn do sang chấn tâm lý có thể được cải thiện theo thời gian nhưng cũng có thể tiến triển theo chiều hướng xấu. Đôi khi một số người không bộc lộ sự bất ổn thông qua lời nói và hành vi, họ kiềm chế cảm xúc trong lòng với những giằng xé nội tâm dữ dội. Do đó, gia đình và những người xung quanh cần chú ý để tránh những trường hợp đáng tiếc.
2. Gây ra các rối loạn liên quan đến stress
Stress là một phần tất yếu của cuộc sống. Đa phần mọi người đều dễ dàng vượt qua những yếu tố gây stress thường gặp như áp lực học tập, công việc, mâu thuẫn gia đình, bất hòa trong các mối quan hệ,… Tuy nhiên, sang chấn tâm lý là yếu tố gây stress nặng, tác động sâu sắc đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Trước áp lực quá lớn từ sang chấn tâm lý, không ít người phải đối mặt với các rối loạn liên quan đến stress như:
- Rối loạn stress cấp tính: Rối loạn stress cấp tính xảy ra khoảng vài ngày ngay sau sự kiện gây sang chấn. Triệu chứng khởi phát đột ngột và kéo dài trong khoảng vài giờ hoặc vài ngày. Biểu hiện của tình trạng này là sừng sỡ phân ly, hoảng loạn, kích động, mất khả năng tiếp nhận kích thích, luôn trong trạng thái ngây dại và không tỉnh táo. Rối loạn stress cấp tính thường sẽ tự thuyên giảm sau vài ngày nhưng một số ít trường hợp có thể kéo dài và phát triển thành rối loạn stress sau sang chấn.
- Rối loạn điều chỉnh: Rối loạn điều chỉnh là một trong những hậu quả do sang chấn tâm lý gây ra. Trước tổn thương quá lớn, cơ thể sẽ có phản ứng bất thường với những thay đổi rõ rệt và cảm xúc và hành vi. Rối loạn điều chỉnh có biểu hiện khá giống với trầm cảm, đôi khi xen lẫn lo âu nên rất dễ bị nhầm lẫn. Trẻ bị rối loạn điều chỉnh sẽ có hiện tượng thoái hóa với các biểu hiện như nói bập bẹ, mút tay, đái dầm,…
- Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD): PTSD thường xảy ra trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm xảy ra sự kiện sang chấn nên được xem là phản ứng muộn của cơ thể trước tổn thương tâm lý quá lớn. Tình trạng này có các triệu chứng như tái hiện sự kiện có tính chất thâm nhập (giấc mơ, suy nghĩ, hoang tưởng), cảm giác tách rời, tê dại, luôn né tránh những không gian, lời nói và đối tượng gợi nhắc lại sự kiện gây sang chấn.
Các rối loạn liên quan đến stress ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể chất và tâm thần. Các rối loạn này hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, có một số ít bệnh nhân bị rối loạn stress sau sang chấn phải sống chung với bệnh suốt đời.
3. Nguy cơ phát triển chứng trầm cảm
Trầm cảm là hậu quả của sang chấn tâm lý và stress trường diễn. Chứng bệnh này là một dạng rối loạn tâm thần với đặc điểm là khí sắc giảm thấp trong thời gian dài. Căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của trầm cảm chưa được biết rõ nhưng thường có liên quan đến tổn thương tâm lý.
Theo thống kê, trầm cảm thường phát triển sau những sự kiện sang chấn như phá thai, tai nạn, mất người thân, gặp phải các biến chứng thai kỳ, hậu sản,… Bệnh lý này đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn xảy ra vào hầu hết thời gian trong ngày, chán nản, bi quan, mất hy vọng và cảm thấy cuộc sống không có bất cứ niềm vui nào.
Người mắc chứng trầm cảm thường giảm hoặc mất hứng thú với mọi thứ – kể cả những sở thích trước đây và các mối quan hệ thân thiết. Ngoài ra, bệnh nhân còn có những biểu hiện như suy nghĩ chậm chạp, khó đưa ra các quyết định dù không quan trọng, cơ thể mệt mỏi và giảm năng lượng.
Khi đối mặt với các sự kiện sang chấn, não bộ sẽ bị tổn thương và rối loạn. Kết quả là làm mất sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh với biểu hiện thường thấy là giảm serotonin ở khe synap. Đây là yếu tố trực tiếp gây ra chứng trầm cảm và nhiều vấn đề tâm lý khác.
Ngoài những ảnh hưởng về mặt cảm xúc, rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh còn gây ra những triệu chứng bất thường về hành vi và tư duy (nhận thức). Các triệu chứng của trầm cảm khởi phát chậm và tiến triển từ từ nên không được chú ý. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể nảy sinh ý nghĩ về cái chết và nỗ lực tự sát.
4. Tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu
Ngoài trầm cảm, sang chấn tâm lý cũng có thể gia tăng nguy cơ rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu là rối loạn tâm lý khá phổ biến đặc trưng bởi nỗi sợ và tình trạng lo lắng một cách thái quá. Người mắc chứng bệnh này hoàn toàn nhận ra nỗi sợ của bản thân là vô lý nhưng không thể kiểm soát và điều chỉnh.
Có khá nhiều dạng rối loạn lo âu, trong đó các dạng sau đây thường có liên quan đến sang chấn tâm lý:
- Rối loạn lo âu lan tỏa
- Rối loạn lo âu xã hội
- Rối loạn lo âu bệnh tật
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
- Rối loạn hoảng sợ
Trong đó, rối loạn lo âu lan tỏa là dạng thường gặp nhất và đồng thời cùng là dạng có khả năng phát triển mãn tính, dai dẳng, dễ tái phát. Người mắc chứng rối loạn lo âu sẽ gặp phải nhiều phiền toái trong cuộc sống và đối mặt với hàng loạt các vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất. Bên cạnh đó, chứng bệnh này cũng làm gia tăng nguy cơ trầm cảm và nhiều rối loạn tâm thần khác.
5. Làm tái phát các rối loạn tâm thần
Sang chấn tâm lý là yếu tố kích thích các rối loạn tâm thần tái phát trở lại, trong đó thường gặp nhất là trầm cảm và rối loạn lo âu. Ngoài ra, những sự kiện sang chấn cũng có thể làm tái phát rối loạn lưỡng cực, rối loạn hoang tưởng, tâm thần phân liệt,…
Đây cũng là lý do bệnh nhân sau khi điều trị cần phải được cách ly với stress và các sự kiện gây sang chấn. Đồng thời phải đảm bảo môi trường sống lành mạnh, các thành viên cần thể hiện sự yêu thương, quan tâm và chia sẻ để phục hồi hoàn toàn chức năng tâm thần.
Ngược lại, đối mặt với sang chấn tâm lý có thể khiến các rối loạn tâm thần tái phát trở lại. Với những người đang có sẵn các bệnh tâm thần, sang chấn sẽ khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng tiêu cực.
6. Gặp khó khăn khi học tập, làm việc
Sang chấn tâm lý gây ức chế một phần não bộ chịu trách nhiệm ghi nhớ, xử lý thông tin và tư duy. Do đó, sau các sự kiện sang chấn, bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề khi học tập và làm việc. Vì trí nhớ giảm và khả năng tư duy bị ức chế nên bạn rất khó duy trì sự tập trung trong công việc, học tập, thường xuyên mắc phải sai sót và bị khiển trách.
Thậm chí, nhiều người bị sang chấn tâm lý nặng không thể học tập và làm việc như trước đây. Nếu không có biện pháp cải thiện, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
7. Gây ra các vấn đề sức khỏe thể chất
Ngoài những hậu quả về tinh thần, sang chấn tâm lý còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất. Bởi khi tinh thần không ổn định, thể trạng khó tránh khỏi tình trạng mệt mỏi và giảm năng lượng. Trong trường hợp sang chấn tâm lý kéo dài, bạn có thể phải đối mặt với những vấn đề như:
- Rối loạn giấc ngủ: Sang chấn tâm lý khiến cho các cơ quan bên trong não bộ bị ức chế và rối loạn. Trong đó, hiện tượng giảm serotonin có thể dẫn đến tình trạng giảm melatonin do tuyến tùng sản sinh. Melatonin là hormone tạo cảm giác buồn ngủ nên thiếu hụt hormone này sẽ gây ra nhiều vấn đề về giấc ngủ. Bên cạnh đó, sang chấn tâm lý cũng khiến bạn suy nghĩ quá nhiều dẫn đến tình trạng khó ngủ, ngủ chập chờn.
- Suy nhược cơ thể: Sang chấn tâm lý kéo dài có thể dẫn đến suy nhược cơ thể. Suy nhược cơ thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Nếu không có biện pháp cải thiện, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều phiền toái trong cuộc sống và khó khăn để duy trì hiệu suất lao động, học tập như trước đây.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính: Sang chấn tâm lý làm thay đổi hoạt động của não bộ và toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Những thay đổi này khiến cho sức khỏe tổng thể bị ảnh hưởng. Về lâu dài, bạn có thể phải đối mặt với các bệnh mãn tính như cao huyết áp, rối loạn lipid máu, rối loạn tiền đình, tiểu đường,…
8. Tăng tỷ lệ lạm dụng rượu bia, chất kích thích
Hậu quả thường thấy do sang chấn tâm lý là gia tăng tỷ lệ lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích. Mặc dù mọi người đều được giáo dục về tác hại của những thói quen thiếu lành mạnh này nhưng vẫn có nhiều người chọn cách uống rượu bia và dùng chất kích thích để giải tỏa cảm xúc.
Bản thân rượu bia và chất kích thích là những chất có tác dụng ức chế thần kinh trung ương nên sẽ mang đến cảm giác thoải mái, tạm quên đi những phiền muộn, sợ hãi,… Tuy nhiên, những chất này chỉ mang lại tác dụng tạm thời nên sẽ thôi thúc việc sử dụng thường xuyên.
Lạm dụng chất kích thích, rượu bia sẽ làm gia tăng mức độ lo lắng, căng thẳng và sợ hãi. Đa phần những trường hợp có thói quen này đều dễ phát triển chứng trầm cảm, rối loạn lo âu và các rối loạn tâm thần có liên quan đến nghiện rượu. Ngoài ra, sử dụng chất kích thích và rượu bia còn làm tăng các hành vi bạo lực, phạm tội.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, đa phần những người thường xuyên phạm tội đều trải qua sang chấn tâm lý và có xu hướng hút thuốc lá, dùng chất gây nghiện, uống rượu bia,… Đây cũng là lý do sang chấn tâm lý cần được điều trị như các vấn đề sức khỏe khác.
9. Gia tăng biến chứng của các bệnh sẵn có
Các sự kiện sang chấn chính là tác nhân gây stress. Sau khi tiếp nhận những sự kiện này, não bộ sẽ truyền tín hiệu đến tuyến thượng thận dẫn đến việc gia tăng cortisol và epinephrine. Khác với stress thông thường, sang chấn tâm lý gây ra những ảnh hưởng dai dẳng hơn.
Nếu không có biện pháp cải thiện, sức khỏe thể chất sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng kéo dài. Ngoài việc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, sang chấn tâm lý còn gia tăng biến chứng của các vấn đề sức khỏe sẵn có – đặc biệt là các vấn đề tim mạch và não bộ. Thậm chí nhiều người có thể lên cơn đau tim và xuất huyết tiêu hóa do xúc động quá mức.
10. Ảnh hưởng đến nhân cách
Hậu quả lâu dài của sang chấn tâm lý là ảnh hưởng đến nhân cách. Ở trẻ em và thanh thiếu niên, sang chấn tâm lý không được giải tỏa sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển tính cách.
Trẻ phải đối mặt với việc mất đi người thân một cách đột ngột sẽ trở nên bi quan, nhút nhát, lo lắng thái quá và luôn tìm kiếm các mối quan hệ để có cảm giác được bảo vệ và quan tâm. Trong khi những trẻ thường xuyên bị bạo lực và lừa dối sẽ phát triển dạng nhân cách chống đối, ích kỷ, thiếu tình thường, không biết cách chia sẻ và đồng cảm.
Đối với người từ 18 tuổi trở lên, nhân cách đã phát triển hoàn chỉnh nên ít khi thay đổi. Tuy nhiên, sang chấn tâm lý phần nào khiến tính cách trở nên dè dặt, lo âu, bi quan và tiêu cực hơn. Trong trường hợp sang chấn tâm lý dẫn đến các rối loạn tâm thần mãn tính, bệnh nhân cũng có thể bị biến đổi nhân cách – đặc biệt là trong trường hợp lạm dụng rượu bia và chất gây nghiện.
Theo thống kê, đa phần những người bị rối loạn nhân cách đều trải qua một hoặc nhiều sự kiện sang chấn trong quá khứ. Điều này có thể khẳng định vai trò của tổn thương tâm lý trong quá trình phát triển nhân cách ở mỗi người.
Làm thế nào để phòng tránh hậu quả của sang chấn tâm lý?
Sang chấn tâm lý gây ra nhiều hậu quả và mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào các yếu tố như tính chất của sự kiện sang chấn, khả năng chịu đựng stress, tính cách của mỗi người và môi trường sống. Thông thường, những tổn thương tâm lý sẽ dần được chữa lành sau một thời gian. Tuy nhiên để tránh những hậu quả đáng tiếc, bạn nên có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Các biện pháp giúp ngăn chặn hậu quả của sang chấn tâm lý:
- Sau sang chấn tâm lý, nên tìm gặp chuyên gia để được giải tỏa cảm xúc bị dồn nén và học cách cân bằng cảm xúc. Can thiệp tâm lý giúp bạn ổn định tinh thần và lấy lại trạng thái cân bằng sau các sự kiện sang chấn.
- Chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của bản thân với những người xung quanh. Nói ra suy nghĩ sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, đồng thời cảm nhận được sự quan tâm và tình cảm từ những người thân yêu.
- Cố gắng duy trì lối sống khoa học để nâng đỡ tinh thần và phòng ngừa suy nhược cơ thể.
- Tránh xa bia rượu, chất kích thích và thuốc lá.
- Sau các sự kiện sang chấn, bạn nên gặp gỡ bạn bè và dành thời gian chăm sóc bản thân. Không nên giam mình trong phòng để suy nghĩ về những chuyện đã qua. Suy nghĩ quá nhiều sẽ khiến cho tinh thần, thể chất trở nên mệt mỏi và bản thân quẩn quanh với những ý nghĩ tiêu cực, bi quan.
Sang chấn tâm lý để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể vượt qua sang chấn và phòng tránh những hậu quả này bằng cách tìm gặp chuyên gia tâm lý trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, nên hỗ trợ những người bị sang chấn tâm lý vượt qua khó khăn về mặt tinh thần để có thể đón nhận cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.
Tham khảo thêm:
- Nhận biết và phòng ngừa khủng hoảng tâm lý khi mang thai
- 7 Nguyên nhân dẫn đến hành vi tự sát ở thanh thiếu niên
- Làm thế nào để phòng tránh bệnh trầm cảm tấn công?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!