Bất lực tập nhiễm (Learned helplessness) và 4 Cách vượt qua
Bất lực tập nhiễm (Learned helplessness) là tình trạng tâm lý làm cho người mắc phải cảm thấy mắc kẹt trong một vòng lặp tiêu cực. Chứng bệnh này khiến người bệnh mất đi động lực từ đó dẫn đến việc suy giảm tinh thần, tự ti, lo lắng và trầm cảm.
Bất lực tập nhiễm (Learned helplessness) là gì?
Bất lực tập nhiễm (Learned helplessness) hay còn được gọi là sự bất lực có điều kiện là một trạng thái tâm lý của con người. Chứng bệnh này xuất hiện khi chúng ta trải qua nhiều trải nghiệm thất bại liên tục mà không thể can thiệp hoặc đạt được kết quả tích cực. Điều này dẫn đến cảm giác mất niềm tin vào bản thân và không thể kiểm soát sự việc, mặc dù thực tế bản thân có khả năng làm điều đó.
Khái niệm bất lực tập nhiễm vô tình được khám phá bởi nhà tâm lý học Martin Seligman và Steven F. Maier trong thí nghiệm nghiên cứu về hành vi con chó năm 1967. Họ đã phát hiện ra rằng con chó sau một thời gian bị trói buộc sẽ mất đi khả năng phản kháng hay chạy trốn mặc dù các nhà tâm lý đã tạo môi trường cho nó thực hiện những điều đó.
Từ kết quả trên, Seligman và Maier rút ra được một nhận định quan trọng: cảm giác bất lực không chỉ là một phản ứng tạm thời mà còn có thể trở thành một mẫu hành vi mang tính ổn định, ảnh hưởng đến cách chúng ta đối phó với những thách thức trong cuộc sống.
Thí nghiệm này đã vô tình mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới cho ngành tâm lý học, đồng thời làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan tới hành vi mất kiểm soát và tâm lý tiêu cực của con người.
Nguyên nhân
Tình trạng bất lực tập nhiễm có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm:
- Trải nghiệm thất bại: Bất lực tập nhiễm xuất phát từ việc bị thất bại lặp đi lặp lại nhiều lần. Điều này, khiến con người có suy nghĩ nỗ lực của bản thân là vô dụng từ đó hình thành nên sự bất lực.
- Mất kiểm soát: Một yếu tố quan trọng góp phần vào bất lực tập nhiễm đó là mất khả năng kiểm soát. Khi con người cảm thấy không có cách nào để can thiệp hay ảnh hưởng đến kết quả của sự việc họ dễ dàng rơi vào trạng thái bất lực.
- Mắc các bệnh mãn tính: Những người mắc các bệnh mãn tính thường có xu hướng buông bỏ bản thân vì họ không thể kiểm soát và cải thiện căn bệnh của mình. Điều này khiến họ mất đi động lực trong cuộc sống từ đó sinh ra cảm giác bất lực.
- Môi trường sống: Người bệnh bị cô lập hoặc bị bắt nạt, lạm dụng,… Sự đau đớn về thể xác lẫn tinh thần khiến họ mất niềm tin vào bản thân và hình thành thói quen cam chịu sự dày vò này mà không có hành vi phản kháng.
- Stress và áp lực: Áp lực gia đình, công việc, cuộc sống có thể làm gia tăng cảm giác bất lực khi người bệnh cảm thấy không có cách nào để giải quyết các vấn đề mà bản thân đang đối mặt. Điều này khiến họ mất tự tin và không thể đối phó với những biến động trong cuộc sống.
- Thảm họa thiên nhiên: Khi con người đứng trước thảm họa như động đất, lũ lụt,… thường xu hướng hoảng sợ, tuyệt vọng. Những sự kiện này không thể lường trước và khiến cho người dân cảm thấy bất lực trước sức mạnh tàn phá của thiên nhiên.
Biểu hiện
Một số biểu hiện của chứng bất lực tập nhiễm có thể nói tới như:
- Trốn tránh thực tại: Người bị bất lực tập nhiễm thường có xu hướng né tránh các tình huống hoặc thách thức trong cuộc sống. Người bệnh luôn tin rằng bản thân không thể giải quyết hay đối mặt với những thử thách đó vì họ đã trải qua những thất bại tương tự.
- Tự ti: Learned helplessness khiến người bệnh sinh ra cảm giác tự ti trước những thành công của người khác và nghi ngờ năng lực của bản thân.
- Mất hứng thú trong cuộc sống: Người mắc phải chứng bất lực tập nhiễm sẽ có nguy cơ cao mắc các vấn đề như: trầm cảm, rối loạn ác mộng, rối loạn lo âu,… Những chứng bệnh này khiến họ mất đi hứng thú và suy giảm năng lượng trong cuộc sống hằng ngày.
- Phó mặc cuộc sống: Người bệnh có xu hướng “mặc kệ” bản thân do mất đi động lực. Họ có thể rơi vào trạng thái thụ động trong việc tìm kiếm cơ hội mới hoặc đối diện với những thách thức.
- Hoài niệm quá khứ: Đây có thể là kỷ niệm về những thành tựu trước đó của bản thân. Người bệnh có thể trải qua cảm giác bất lực khi nhớ về những thành công đó và có xu hướng so sánh bản thân với quá khứ thay vì cố gắng thay đổi hoặc tìm cách khắc phục vấn đề.
Một số hệ quả của bất lực tập nhiễm bạn nên biết
Learned helplessness là một trạng thái tâm lý phổ biến nhiều người gặp phải, cảm giác bất lực khiến cho người bệnh mất đi sự tự tin, lo lắng liên tục về một vấn đề nào đó. Điều này gây ra nhiều hệ quả tiêu cực ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tư duy của người mắc phải chứng bệnh này.
Ngoài ra, những người bị learned helplessness thường mắc phải các bệnh lý đi kèm như trầm cảm, các rối loạn âu lo, stress. Điều này khiến họ có xu hướng né tránh những tình huống có thể tạo ra áp lực, các cơ hội phát triển bản thân.
Người bị ảnh hưởng từ chứng bệnh này thường rụt rè, nhút nhát, tránh xa các mối quan hệ xã hội. Họ có nguy cơ cao mắc phải hội chứng sợ giao tiếp xã hội vì luôn có suy nghĩ không bằng người khác và tự cô lập bản thân với những người xung quanh.
Ngoài ra, bất lực tập nhiễm khiến người bệnh trở nên cầu toàn một cách không phù hợp, không hài lòng với những người xung quanh hay trong công việc. Điều này khiến họ trở nên khó gần, thường xuyên tức giận mất kiểm soát hoặc có tính đa nghi.
Learned helplessness không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng cá nhân mà còn tác động tiêu cực đến cuộc sống và mối quan hệ xã hội của người mắc hội chứng này. Việc nhận biết và khắc phục vấn đề này một cách đúng đắn sẽ giúp người bệnh có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống.
4 cách vượt qua bất lực tập nhiễm hiệu quả nhất
Bất lực tập nhiễm là một trạng thái tâm lý nguy hiểm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ tâm lý và thể chất của chúng ta. Dưới đây là 4 phương pháp hiệu quả có thể giúp người bệnh vượt qua trạng thái learned helplessness và tiến tới cuộc sống tươi đẹp hơn.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp can thiệp không dùng thuốc được các chuyên gia ưu tiên sử dụng trong điều trị bất lực tập nhiễm. Quá trình trị liệu tập trung vào việc tìm ra nguyên nhân từ đó có phương pháp thay đổi tư duy và hành vi của người bệnh.
Các phương pháp như biện pháp nhận thức – hành vi (Cognitive-Behavioral Therapy – CBT), phương pháp chấp nhận và cam kết (Acceptance and Commitment Therapy – ACT) và tâm lý học tích cực (Positive Psychology) có thể được sử dụng trong quá trình điều trị để giúp người bệnh thay đổi tư duy, hành động với những khó khăn trong cuộc sống.
Điều trị bất lực tập nhiễm thông qua tâm lý trị liệu không chỉ giúp người bị ảnh hưởng vượt qua chứng bệnh này mà còn tạo ra cơ hội cho họ tìm lại bản thân, động lực để tiến tới tương lai tươi sáng hơn.
Thiền và yoga
Thiền và yoga là phương pháp hiệu quả trong việc điều trị, khắc phục bất lực tập nhiễm. Đây là liệu pháp tập trung vào việc kết nối cơ thể, tinh thần và hơi thở, giúp tạo ra sự cân bằng và yên tĩnh trong tâm trí.Từ đó, hỗ trợ làm giảm căng thẳng, mệt mỏi và lo âu.
Hơn nữa việc thực hành thiền và yoga đều đặn còn giúp cải thiện sự tập trung, kiểm soát tâm trí và làm tăng sự linh hoạt của cơ bắp.
Tin tưởng vào bản thân
Tin tưởng vào chính mình là nền móng quan trọng trong việc vượt qua bất lực tập nhiễm. Việc tự nhận thức và công nhận ưu điểm của bản thân sẽ giúp bạn tự tin hơn, ngừng so sánh mình với người xung quanh, hạn chế những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý.
Việc tin tưởng vào chính mình sẽ là động lực thúc đẩy bạn học hỏi, vượt qua mọi thử thách và đạt được mục tiêu, thành công trong cuộc sống.
Tìm một thú vui mới
Tìm kiếm một sở thích mới là cách hữu hiệu giúp chúng ta có được niềm vui trong cuộc sống hằng ngày. Bạn có thể nấu ăn, sưu tầm món đồ chơi mới (sticker, mô hình,…) hoặc trồng cây hay tập thể dục. Những hoạt động này không chỉ giúp bạn giải tỏa căng thẳng, lo âu mà còn hỗ trợ mở rộng mối quan hệ xã hội và tạo ra những kỉ niệm đáng nhớ.
Bất lực tập nhiễm là một thách thức lớn trong xã hội hiện nay, nó gây ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Việc tìm đến những phương pháp điều trị khắc phục tình trạng này kịp thời sẽ giúp ta tránh được những hậu quả không đáng có, tìm lại cuộc sống vui vẻ, an nhiên.
Có thể bạn quan tâm:
- 9 Cách giúp bạn chuyển suy nghĩ tiêu cực thành tích cực
- Cảm xúc tiêu cực trong học tập: Hệ lụy và cách lấy lại động lực
- Nghiện công việc (Workaholism): Hậu quả đến tâm lý và giải pháp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!