Hội chứng sợ hạnh phúc (Cherophobia): Hậu quả và Cách vượt qua

Hội chứng sợ hạnh phúc có lẽ là một trong những hội chứng sợ lạ nhất từng tồn tại. Thực tế thì những người bị ảnh hưởng không sợ hãi bản chất của hạnh phúc, mà là lo sợ những đau khổ kéo đến khi hạnh phúc qua đi. 

Hội chứng sợ hạnh phúc là gì?

Có rất nhiều định nghĩa về hạnh phúc, và mỗi người sẽ có những quan đểm khác nhau về trạng thái cảm xúc này. Tuy nhiên xét về tổng thể, hạnh phúc là trạng thái hài lòng của một cá nhân với bản thân và cuộc sống. Trong đó, những cảm xúc tiêu cực xuất hiện ít, hoặc không xuất hiện. Những cảm xúc tích cực như niềm vui, sự hài lòng, cảm giác cuộc đời tươi đẹp, đầy ý nghĩa sẽ chiếm đa số.

hội chứng sợ hạnh phúc
Hội chứng sợ hạnh phúc nghe có vẻ kỳ lạ nhưng hoàn toàn có thật, ảnh hưởng đến rất nhiều người và khiến họ không có được cuộc sống vui vẻ.

Có thể thấy, hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc tích cực, giúp ta cảm thấy thoải mái, nâng cao chất lượng cuộc sống, và mang đến nhiều điều tốt đẹp. Thế nên vào năm 2012, LHQ đã tuyên bố ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc để tôn vinh trạng thái tích cực này. Càng nhiều người cảm thấy hạnh phúc thì xã hội càng phát triển, và mang đến nhiều ảnh hưởng tốt cho toàn cầu trong mọi vấn đề như kinh tế hay giải trí.

Những tác động tích cực của hạnh phúc đến cuộc sống là không cần bàn cãi. Tuy nhiên, với những người mắc hội chứng sợ hạnh phúc, hay hội chứng Cherophobia, nỗi sợ hạnh phúc khiến họ luôn chủ động tránh né những tình huống vui vẻ. Hội chứng này khiến người bệnh không thể tận hưởng cuộc sống một cách vui vẻ, họ cảm thấy sợ hãi và đau đớn với sự hạnh phúc, và lo sợ những điều tồi tệ sẽ kéo đến.

Hội chứng sợ hạnh phúc tuy không được đề cập trong mục “Rối loạn lo âu” của DSM-5 và ICD-10, nhưng vẫn được xem là một chứng liên quan đến rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi do những biểu hiện đặc trưng của bệnh. Hội chứng này khá hiếm gặp nên không có nhiều nghiên cứu chuyên sâu, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn thống kê được những điểm đặc trưng và ảnh hưởng của chứng này đến tinh thần.

Những người mắc hội chứng này luôn né tránh những sự vật, hay sự việc có thể gợi lên cảm xúc tích cực. Cảm xúc tiêu cực về hạnh phúc khiến họ tin rằng hạnh phúc sẽ không tồn tại lâu dài, và hạnh phúc sẽ kéo theo đau khổ và thất vọng khi nó qua đi. Họ cũng tin rằng việc bản thân hạnh phúc là một điều xấu xa, gây khó chịu cho người khác. Những cảm xúc này đeo bám suy nghĩ và khiến người bệnh đau khổ, mệt mỏi, suy nhược tinh thần trầm trọng.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ hạnh phúc

Tương tự nhiều hội chứng rối loạn tâm thần khác, chưa có những kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra hội chứng sợ hạnh phúc. Các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra những giả thuyết về yếu tố góp phần kích phát tình trạng này và khiến chúng trầm trọng hơn. Nhiều người tin rằng yếu tố gen di truyền, những niềm tin về văn hóa và tôn giáo, ám ảnh trong quá khứ, đặc điểm tính cách, hay thông tin trến các phương tiện truyền thông đều khiến có ảnh hưởng nhất định.

  • Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền luôn là điều được đề cập đến khi nói về những nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm thần, và hội chứng sợ hạnh phúc cũng không ngoại lệ. Nguyên nhân là do phần lớn những người mắc rối loạn lo âu, trầm cảm, hay những vấn đề tâm lý khác đều có tiền sử gia đình có liên quan đến những hội chứng này. Yếu tố di truyền ảnh hưởng từ cha mẹ sang con cái, hoặc những anh chị em sinh đôi vì cả hai thường bị ảnh hưởng chung bởi một tình trạng.
hội chứng cherophobia
Di truyền là một trong những yếu tố quan trọng góp phần kích phát các rối loạn tâm thần, và hội chứng sợ hạnh phúc cũng không ngoại lệ.
  • Bất thường trong não: Những bất thường trong hoạt động của não bộ có thể gây ra những cơn sợ hãi, ám ảnh phi lý cho người bệnh. Nguyên nhân có thể do sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh, khiến bộ phận điều khiển cảm xúc không làm việc bình thường, hoặc do những bất thường vô căn ở các phần não chịu trách nhiệm về cảm xúc.
  • Tuổi thơ bất hạnh: Những trải nghiệm trong thời thơ ấu ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của chúng ta khi lớn lên. Nếu trong quá khứ, người bệnh từng gặp nhiều bất hạnh, không được yêu thương, hoặc từng gặp nhiều trắc trở thì họ rất dễ đánh mất niềm tin vào hạnh phúc, từ đó kích phát hội chứng tâm lý này.

Xem thêm: Tuổi thơ bất hạnh, không hạnh phúc có thể hủy hoại cuộc đời trẻ

  • Cú sốc tâm lý: Những cú sốc tâm lý như mất đi người yêu, hoặc nếu người bệnh từng có được hạnh phúc nhưng mất đi, họ sẽ không dám cảm nhận và tận hưởng hạnh phúc nữa, vì lo sợ đau khổ sẽ kéo đến. Họ tin rằng nếu những điều tốt đẹp xảy đến với bản thân, thì kéo theo đó sẽ là những điều đau khổ và tồi tệ.
  • Đặc điểm tính cách: Những người nhút nhát, hướng nội, dè dặt trong suy nghĩ và hành động, hoặc quá nhạy cảm với mọi thứ xung quanh có khả năng cao mặc hội chứng sợ hạnh phúc hơn. Những người hướng nội, không thích sự ồn ào có thê cảm thấy không thoải mái khi tham dự những sự kiện ồn ào hay có tính chất vui vẻ. Ngoài ra, những người nhạy cảm rất dễ suy nghĩ suy nghĩ miên man, hoặc phản ứng quá khích trước những tác động trong cuộc sống. Vì thế, họ cũng dễ cảm thấy lo sợ hạnh phúc hơn.
  • Nhận thức và văn hóa: Trong một số nền văn hóa, và trong nhận thức của nhiều người, hạnh phúc và đau khổ là một vòng tuần hoàn khép kín của cuộc sống. Hạnh phúc qua đi thì đau khổ sẽ đến, đó là quy luật bất biến không thể phá vỡ. Do đó nếu chúng ta tận hường và cảm nhận hạnh phúc thì kéo theo đó sẽ là những bất hạnh không thể đoán trước. Vì suy nghĩ này, nhiều người có thể kích phát chứng Cherophobia.

Ngoại trừ những yếu tố trên, có thể có những nguyên nhân khác có thể kich phát hội chứng này, tùy vào trường hợp của từng người. Ví dụ việc đọc những thông tin tiêu cực trên báo chí, các trang mạng xã hội về thiên tai, tai nạn, chết chóc, hay những vụ án thương tâm cũng có thể khiến chúng ta bị ảnh hưởng, ám ảnh bởi những điều tiêu cực. Những người mắc hội chứng sợ hạnh phúc rất lo lắng, bất an về hạnh phúc, và sợ tất cả sẽ mất đi.

Triệu chứng và ảnh hưởng của hội chứng sợ hạnh phúc

Người mắc hội chứng sợ hạnh phúc không đồng nghĩa với việc họ luôn u sầu, lo lắng hay thể hiện sự buồn bã. Họ chỉ tránh những sự kiện và sự vật có thể kích phát cảm giác vui vẻ, hài lòng, và những cảm xúc mang tính tích cực, vì sợ phải đối diện với nó. Ví dụ, người mắc chứng sợ hạnh phúc sẽ cảm thấy lo lắng, và từ chối khi được mời đến một buổi họp mặt, tiệc tùng có nhiều người và có những hoạt động sôi nổi.

cherophobia là gì
Người mắc chứng Cherophobia từ chối cảm giác hạnh phúc, thế nên họ thường sống cô độc, ít tiếp xúc với mọi người, và không tham gia những buổi họp mặt, tiệc tùng.

Người bệnh còn luôn cảm thấy bản thân không xứng đáng có được hạnh phúc. Do đó họ có thể từ chối tình cảm hay sự giúp đỡ từ người khác, thậm chí là cả người thân. Họ lo lắng rằng nếu chấp nhận và thể hiện niềm hạnh phúc, mọi thứ sẽ dễ dàng trôi qua và mất đi, kéo theo những bất hạnh. Hành vi này thường xảy ra khi người bệnh có tuổi thơ bất hạnh, hoặc ám ảnh nặng nề sau những cú sốc tâm lý nghiêm trọng.

Một biểu hiện khác của hội chứng sợ hạnh phúc là người bệnh tin rằng, việc bản thân hạnh phúc khiến họ trở thành một người xấu xa và tồi tệ trong mắt những người xung quanh. Họ cho rằng việc thể hiện niềm hạnh phúc có thể gây hại cho bản thân, làm phật lòng bạn bè hay gia đình. Niềm hạnh phúc của bản thân sẽ gây hại cho người khác. Nghe thì rất vô lý, nhưng đây là suy nghĩ của không ít người bị ảnh hưởng bởi hội chứng này.

Nỗi sợ hãi hạnh phúc cũng ngăn cản người bệnh cảm nhận sự thành công trong cuộc sống, và khiến họ sinh ra cảm giác bất an. Họ cảm thấy những thành tựu đạt được sẽ nhanh chóng trôi qua, hoặc kéo theo những điều không may mắn xảy đến. Những suy nghĩ này khiến người bệnh vuột mất cơ hội thăng tiến, cơ hội đạt được những thay đổi tích cực trong cuộc sống, vì luôn lo sợ điều tồi tệ sẽ xảy đến sau thành công.

Ngoài ra, suy nghĩ rằng hạnh phúc là việc của những người không có mục tiêu trong cuộc sống, là lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc cũng là biểu hiện của chứng sợ hạnh phúc ở một số đối tượng. Họ cho rằng cảm xúc hạnh phúc không nên tồn tại, thế nên tránh xa những tình huống có thể kích phát trạng thái này. Một số người cũng lo lắng bản thân có thể quá trớn, lỡ lời, làm tổn thương người khác khi thể hiện niềm hạnh phúc.

Bên cạnh những triệu chứng tâm lý, người bệnh còn phải đối diện với những biểu hiện thể chất nếu rơi vào trạng thái vui vẻ, hạnh phúc. Những biểu hiện như tim đập nhanh, khó thở, thở gấp, đau tức ngực, run rẩy, choáng váng, đổ mồ hôi lạnh,… kèm theo đó là những vấn đè như chán ăn, mất ngủ, dễ mơ thấy ác mộng, khả năng tập trung kém, hoặc sức khỏe tinh thần xuống dốc trầm trọng là điều người bệnh phải đối mặt.

Hội chứng Cherophobia còn gây ảnh hưởng đến những mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng đến học tập, công việc, và vấn đề xã giao của mọi người. Nhiều người mắc hội chứng này thậm chí nhốt mình trong nhà, từ chối tham gia những hoạt động như tiệc tùng, cưới xin, kỷ niệm,… khiến những mối quan hệ xã hội bị ảnh hưởng. Họ cũng sẽ gặp nhiều vấn đề trong học tập và công việc, hoặc làm phật lòng những người xung quanh mà không hay biết.

ảnh hưởng của hội chứng sợ hạnh phúc
Ảnh hưởng tiêu cực của hội chứng sợ hạnh phúc là khiến người bệnh không thể tận hưởng những điều tốt đẹp, và tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần.

Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, cả sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất và chất lượng sống của người bệnh đều bị ảnh hưởng. Việc từ chối những cảm xúc tích cực có thể khiến suy nghĩ tiêu cực trong người ngày càng tích tụ nhiều hơn, thúc đẩy những vấn đề tâm lý như stress, trầm cảm, rối loạn cảm xúc phát sinh. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị chứng sợ hạnh phúc cần thực hiện càng sớm càng tốt.

Chẩn đoán và cải thiện hội chứng Cherophobia

Điều kiện chẩn đoán hội chứng Cherophobia sẽ tương tự những rối loạn lo âu ám ảnh khác. Đầu tiên, những triệu chứng bệnh phải kéo dài ít nhất 6 tháng, không có chuyển biến tích cực, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Nỗi sợ hãi hạnh phúc có thể xuất hiện liên tục hoặc không liên tục, nhưng luôn gây đau đớn, hoảng loạn cho người bệnh. Và cuối cùng, cảm giác sợ hãi này không bị ảnh hưởng bởi rượu bia, chất kích thích, hay những rối loạn tâm thần khác.

Trên thực tế không có nhiều nghiên cứu về hội chứng này, thế nên cách trị liệu hiệu quả vẫn là điều trị tâm lý kết hợp với điều trị bằng thuốc để loại bỏ ám ảnh, và cải thiện triệu chứng bệnh. Ngoài ra, việc xây dựng cuộc sống lành mạnh cũng góp phần cải thiện tình trạng sợ hãi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Người bệnh có thể tự cải thiện tại nhà thông qua việc viết nhật ký, hoặc những bài tập thư giãn nhẹ nhàng.

1. Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc thích hợp với những trường hợp nghiêm trọng, khi những triệu chứng sợ hãi ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh. Thuốc không có tác dụng chữa bệnh, mà chỉ hỗ trợ ức chế các triệu chứng, giúp người bệnh thoải mái hơn, nâng cao tinh thần, và hỗ trợ quá trình điều trị tâm lý diễn ra suôn sẻ. Chính vì thế điều trị bằng thuốc chỉ được sử dụng trong những tình huống cần thiết.

Bác sĩ và các chuyên gia tâm lý sẽ quyết định người bệnh có cần dùng thuốc hay không, dùng bao nhiêu, và trong tình huống nào. Người bệnh không được tự ý sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, hay những thuốc khác nếu chưa được phép, và không dùng chung thuốc với người khác. Tác dụng và liều lượng thuốc của từng bệnh nhân là khác nhau, thế nên chỉ được sử dụng khi có chỉ định.

2. Điều trị tâm lý

Điều trị tâm lý, hay tư vấn tâm lý, là liệu pháp chính khi điều trị bệnh. Liệu pháp này giúp người bệnh nhận thức nguyên nhân của nỗi sợ, hoặc học cách ứng phó với cảm xúc tiêu cực bằng cách tiếp xúc với ám ảnh theo nhiều mức độ. Từ đó, người bệnh có thể thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi tích cực hơn. Liệu pháp tâm lý giúp giải quyết nguyên nhân từ gốc rễ, và không gây tác dụng phụ nguy hiểm cho bệnh nhân.

điều trị rối loạn lo âu
Điều trị tâm lý là cách điều trị chứng sợ hạnh phúc tốt nhất, vì thế người bệnh nên tìm đến bệnh viện hoặc những trung tâm tư vấn uy tín.

Hai phương pháp được sử dụng thường xuyên là liệu pháp tiếp xúc, và liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) đều mang đến kết quả điều trị tốt. Liệu pháp tiếp xúc buộc người bệnh đối mặt trực tiếp với nỗi sợ hãi thay vì trốn tránh. Thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với cảm giác hạnh phúc theo nhiều mức độ khác nhau, người bệnh có thể nhận thấy nỗi sợ hạnh phúc của mình là vô lý, và dần làm quen với việc đối diện với chúng.

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) sẽ thông qua những cuộc trò chuyện 1:1 giữa chuyên gia và người bệnh, nhằm tìm hiểu nguyên nhân gây cảm giác sợ hãi hạnh phúc. Trong quá trình này, bác sĩ và chuyên gia có thể kết hợp với liệu pháp thôi miên để tăng hiệu quả. Tuy nhiên liệu pháp này chỉ phù hợp với một số trường hợp, chứ không phải tất cả. Liệu pháp hành vi nhận thức giúp loại bỏ nỗi sợ từ gốc, và giúp người bệnh suy nghĩ tích cực hơn.

3. Điều trị tại nhà

Bênh cạnh việc điều trị bằng thuốc và điều trị tâm lý, người bệnh hoàn toàn có thể điều trị tại nhà để hỗ trợ, và tăng hiệu quả điều trị thông qua những hoạt động dưới đây:

  • Thiền và yoga:  Thiền, yoga, và những bài tập thở có tác dụng rất tốt trong việc điều hòa cảm xúc, loại bỏ những nguồn năng lượng tiêu cực, và nâng cao sức khỏe tinh thần. Kiện trì luyện tập hàng ngày, hoặc hàng tuần theo liệu trình cụ thể giúp ích rất nhiều cho quá trình vượt quá ám ảnh, hỗ trợ điều tri chứng sợ hạnh phúc.
  • Viết nhật ký: Việc viết nhật ký nhằm mô tả những cảm xúc tiêu cực, những suy nghĩ và nỗi sợ về hạnh phúc có thể giúp cải thiện tâm trạng, và giúp người bệnh tìm ra những vấn đề ẩn giấu. Cứ giữ trogn lòng những cảm xúc tiêu cực có thể khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn. Thế nên việc phát tiết cảm xúc thông qua nhật ký là một ý hay và hiệu quả.
  • Thay đổi lối sống theo hương tích cực: Một lối sống lành mạnh có ảnh hưởng rất nhiều đến trạng thái tâm lý. Nếu người bệnh được nghỉ ngơi và sinh hoạt theo thời giáo khóa biểu khoa học, đảm bảo ăn ngủ đúng giờ, không bỏ bữa, có nhiều thời gian thư giãn và tập thể dục, không thức khuya dậy trễ, không tạo nhiều áp lực cho bản thân, ăn nhiều thực phẩm dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe,… thì những triệu chửng bệnh có thể thuyên giảm đáng kể.

Hội chứng sợ hạnh phúc rất cần được phát hiện và cai thiện sớm để tránh những hệ lụy không tốt cho sức khỏe. Do đó, người bệnh cần thay đổi bằng cách suy nghĩ tích cực. Hãy tận hưởng những khoảng khắc vui vẻ, và đừng suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai. Hạnh phúc là điều ai cũng có quyền được tận hưởng, thế nên bạn không cần cảm thấy xấu hổ hay lo lắng. Trạng thái lo lắng sợ hãi có thể được cải thiện nếu người bệnh tuân theo những yêu cầu từ bác sĩ.

Có lẽ bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *