10 Loại trầm cảm thường gặp và cách nhận diện chúng

Nắm rõ biểu hiện của các loại trầm cảm thường gặp sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phát hiện và điều trị. Bởi tỷ lệ mắc chứng bệnh này đang ngày càng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

các loại trầm cảm thường gặp
Nên tìm hiểu thông tin về các loại trầm cảm thường gặp để sớm phát hiện khi có triệu chứng nghi ngờ

10 Loại trầm cảm thường gặp và cách nhận biết

Trầm cảm (Depression) không đơn giản chỉ là cảm thấy buồn. Đa số người bệnh đều cảm thấy thấp thỏm, chán nản, buồn bã và đôi khi không có động lực. Rối loạn trầm cảm là một rối loạn tâm trạng ảnh hưởng tới cả cách suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của một người.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể bao gồm từ mệt mỏi và tuyệt vọng cho tới mất hứng thú với cuộc sống, đau đớn về thể xác hay thậm chí có ý định tự tử. Định nghĩa của DSM-5 về trầm cảm cho rằng, nếu một người có triệu chứng này trong khoảng thời gian 2 tuần thì người đó đang trải qua giai đoạn trầm cảm.

Trầm cảm được chia thành nhiều loại khác nhau. Một số là do các sự kiện trong cuộc sống gây ra. Trong khi đó, một số khác lại là do những thay đổi hóa học trong não. Trầm cảm có thể được coi là thuật ngữ bao trùm nhiều loại rối loạn.

Các chuyên gia cho biết, việc hiểu sâu hơn về các loại trầm cảm khác nhau là rất cần thiết để sớm phát hiện và có phương pháp can thiệp phù hợp. Bạn cần dành thời gian để xem xét căn nguyên của chứng trầm cảm và các biểu hiện mà bản thân gặp phải.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Dưới đây là 10 loại trầm cảm thường gặp và cách nhận diện chúng:

1. Rối loạn trầm cảm nặng (MDD)

Rối loạn trầm cảm nặng (MDD) còn được gọi là trầm cảm lâm sàng hoặc trầm cảm đơn cực. Đây là một loại trầm cảm thường gặp đặc trưng bởi cảm giác buồn dai dẳng hoặc không quan tâm tới các kích thích bên ngoài.

Bạn có thể mắc loại trầm cảm này nếu bạn có từ 5 triệu chứng trở lên trong số các triệu chứng dưới đây vào hầu hết các ngày trong thời gian dài hơn 2 tuần. Ít nhất một trong các triệu chứng phải là mất hứng thú với các hoạt động hoặc tâm trạng chán nản.

Các triệu chứng đặc trưng của rối loạn trầm cảm nặng (MDD) bao gồm:

  • Mất niềm vui hoặc mất hứng thú với các hoạt động
  • Cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng
  • Suy nghĩ tiêu cực, không có khả năng nhìn ra các giải pháp tích cực
  • Cảm thấy bồn chồn hoặc kích động
  • Không có khả năng tập trung
  • Cáu gắt, nóng nảy
  • Né tránh những người thân yêu
  • Ngủ nhiều hơn
  • Giảm hoặc tăng cân
  • Suy nghĩ bệnh hoạn, có ý định tự tử
Rối loạn trầm cảm nặng (MDD)
Rối loạn trầm cảm nặng (MDD) được xác định là loại bệnh trầm cảm thường gặp nhất hiện nay

Rối loạn trầm cảm nặng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu được điều trị đúng cách thì các triệu chứng có thể được kiểm soát và có xu hướng giảm bớt theo thời gian.

2. Rối loạn trầm cảm dai dẳng (PDD)

Rối loạn trầm cảm dai dẳng (PDD) là một loại trầm cảm thường gặp có xu hướng kéo dài nhiều năm. Hơn nữa nó còn có thể cản trở cuộc sống hằng ngày, công việc cũng như các mối quan hệ của người bệnh.

Những người mắc chứng trầm cảm dai dẳng thường khó có được hạnh phúc, ngay cả trong những nhịp vui vẻ điển hình. Họ thường được coi là người u ám, bi quan, hay phàn nàn trong khi bản thân họ đang phải đối mặt với một căn bệnh tâm thần mãn tính.

Các triệu chứng của rối loạn trầm cảm dai dẳng có thể bao gồm:

  • Cảm giác buồn
  • Mất hứng thú và niềm vui
  • Giận dữ và cáu kỉnh
  • Lòng tự trọng thấp
  • Cảm giác tội lỗi
  • Khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Cảm giác tuyệt vọng
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn
  • Mệt mỏi và thiếu năng lượng
  • Khó tập trung

Các triệu chứng của rối loạn trầm cảm dai dẳng có thể xuất hiện và biến mất theo thời gian. Đồng thời cường độ của triệu chứng cũng có thể thay đổi. Tuy nhiên triệu chứng thường không biến mất trong hơn 2 tháng cùng một lúc.

3. Rối loạn lưỡng cực – Loại trầm cảm thường gặp

Rối loạn lưỡng cực còn được gọi là hưng trầm cảm. Đây là một tình trạng sức khỏe tâm thần gây ra các dao động cực độ trong tâm trạng. Đi kèm với đó là những thay đổi về suy nghĩ, năng lượng, hành vi và giấc ngủ.

Với chứng rối loạn lưỡng cực, bạn không chỉ cảm thấy “như bị rơi xuống vực”. Trạng thái trầm cảm của bạn có thể dẫn tới suy nghĩ tự tử hay chuyển sang cảm giác hưng phấn và năng lượng vô tận. Những thay đổi tâm trạng cực đoan này có xu hướng xảy ra thường xuyên hằng tuần hoặc có thể chỉ xuất hiện 2 lần một năm.

Các triệu chứng rối loạn lưỡng cực giai đoạn hưng cảm:

  • Tâm trạng cao hoặc mở rộng
  • Giảm nhu cầu ngủ
  • Nói quá mức
  • Dễ bị phân tâm
  • Xuất hiện ý nghĩ hoang tưởng
  • Kích động thể chất và chuyển động không ngừng
  • Các hành vi rủi ro bốc đồng
  • Hành vi không phù hợp
  • Khó chịu hoặc gây hấn
  • Ảo tưởng hoặc ảo giác
  • Tăng ham muốn tình dục
Rối loạn lưỡng cực - Loại trầm cảm thường gặp
Rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi các dao động cực độ trong tâm trạng liên quan đến giai đoạn hưng cảm và trầm cảm

Các triệu chứng rối loạn lưỡng cực giai đoạn trầm cảm:

  • Buồn bã kéo dài hoặc khóc không lý do
  • Cảm giác tội lỗi hoặc tuyệt vọng
  • Mất hứng thú với các hoạt động thường mang đến cho bạn niềm vui
  • Mệt mỏi tột độ, không thể rời khỏi giường
  • Mất quan tâm đến sức khỏe, dinh dưỡng và ngoại hình
  • Khó tập trung hoặc thiếu quyết đoán
  • Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Thôi thúc tự làm hại bản thân hoặc suy nghĩ tự tử

Nguy cơ tự tử ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực lớn hơn khoảng 15 lần so với dân số nói chung. Rối loạn tâm thần (bao gồm ảo giác và hoang tưởng) cũng có nhiều nguy cơ xảy ra trong những trường hợp nghiêm trọng hơn.

4. Rối loạn trầm cảm tiền kinh nguyệt (PMDD)

Rối loạn trầm cảm tiền kinh nguyệt (PMDD) là một rối loạn tâm trạng có chu kỳ. Tình trạng này xuất hiện dựa trên hormone và thường được coi là một dạng nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).

Trong khi có tới 85% phụ nữ trải qua PMS thì sẽ chỉ có khoảng 5% phụ nữ được chẩn đoán là mắc PMDD. Các triệu chứng cốt lõi của PMDD có liên quan tới tâm trạng chán nản và lo lắng. Ngoài ra, một số triệu chứng về hành vi và thể chất cũng sẽ đi kèm.

Để được chẩn đoán PMDD, một phụ nữ phải trải qua các triệu chứng trong hầu hết các chu kỳ kinh nguyệt của năm. Đồng thời những triệu chứng này phải có ảnh hưởng tiêu cực tới công việc hoặc hoạt động xã hội.

Các triệu chứng rối loạn trầm cảm tiền kinh nguyệt (PMDD) có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi cực độ
  • Cảm thấy buồn, tuyệt vọng hoặc tự chỉ trích
  • Cảm giác lo lắng hoặc căng thẳng nghiêm trọng
  • Thay đổi tâm trạng, thường xuyên khóc
  • Cáu gắt
  • Thèm ăn hoặc ăn uống vô độ
  • Không có khả năng tập trung

Các triệu chứng của PMDD thường tái phát mỗi tháng trước và trong kỳ kinh nguyệt. Chúng có xu hướng bắt đầu trước kỳ kinh 7 – 10 ngày. Đồng thời giảm cường độ trong khoảng vài ngày kể từ khi bắt đầu có kinh. Các triệu chứng sẽ biến mất hoàn toàn cho tới giai đoạn tiền kinh nguyệt tiếp theo.

5. Trầm cảm sau sinh (PPD)

Mang thai và quá trình sinh nở có thể làm thay đổi nội tiết tố đáng kể và thường ảnh hưởng tới tâm trạng của phụ nữ. Bệnh trầm cảm có thể khởi phát khi mang thai hoặc sau khi sinh con. Đây cũng là một trong những loại trầm cảm thường gặp.

Trầm cảm sau sinh (PPD) không chỉ đơn thuần là “baby blues”. Thay đổi tâm trạng, lo lắng, cáu kỉnh và một số triệu chứng khác không phải là hiếm sau khi sinh và thường kéo dài tới 2 tuần. Tuy nhiên các triệu chứng PPD nghiêm trọng hơn và cũng sẽ kéo dài hơn.

Trầm cảm sau sinh (PPD)
Trầm cảm sau sinh (PPD) là tình trạng xảy ra rất phổ biến ở các mẹ bỉm hiện nay

Các triệu chứng trầm cảm sau sinh (PPD) có thể bao gồm:

  • Cảm giác buồn, tâm trạng thấp
  • Thay đổi tâm trạng nghiêm trọng
  • Gặp rắc rối trong việc liên kết với em bé
  • Xa lánh xã hội
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn
  • Cảm thấy tuyệt vọng và bất lực
  • Mất hứng thú với những thứ từng yêu thích
  • Cảm thấy bản thân không có giá trị
  • Lo lắng và hoảng sợ
  • Suy nghĩ làm tổn thương bản thân hoặc em bé
  • Ý nghĩ tự tử

PPD có thể bao gồm từ trạng thái buồn bã dai dẳng đòi hỏi phải điều trị y tế cho tới rối loạn tâm thần sau sinh. Đây là một tình trạng mà các triệu chứng tâm trạng đi kèm với nhầm lẫn, ảo giác hoặc ảo tưởng.

6. Trầm cảm không điển hình

Mặc dù có tên gọi là rối loạn trầm cảm không điển hình nhưng đây có thể là loại trầm cảm thường gặp và nổi bật nhất. Trầm cảm không điển hình khác với nỗi buồn dai dẳng hay tuyệt vọng trong chứng trầm cảm nặng.

Trầm cảm không điển hình được coi là một “đặc điểm” phụ của trầm cảm chính mô tả một dạng triệu chứng trầm cảm. Một trong những dấu hiệu chính của chứng trầm cảm này là khả năng cải thiện tâm trạng của người bệnh sau một sự kiện tích cực.

Các triệu chứng trầm cảm không điển hình thường bao gồm:

  • Ăn quá nhiều hoặc tăng cân
  • Ngủ quá nhiều
  • Mệt mỏi và suy nhược
  • Có cảm giác nặng nề ở tay và chân
  • Tâm trạng phản ứng mạnh
  • Nhạy cảm mãnh liệt với sự từ chối

Trầm cảm không điển hình thường có xu hướng bắt đầu ở lứa tuổi thanh thiếu niên (sớm hơn so với các loại trầm cảm thường gặp khác). Đồng thời có thể có một đợt bệnh dài hạn (mãn tính).

7. Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) – Loại trầm cảm thường gặp

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) là một loại trầm cảm thường gặp có liên quan tới sự thay đổi của mùa. Những người bị SAD thường nhận thấy các triệu chứng bắt đầu và kết thúc vào một khoảng thời gian giống nhau trong năm.

Đa số người bệnh đều có các triệu chứng bắt đầu vào mùa thu và kéo dài sang những tháng của mùa đông. Tuy nhiên, SAD cũng có thể xảy ra vào mùa xuân hoặc mùa hè nhưng hiếm hơn.

Nguyên nhân của rối loạn cảm xúc theo mùa được cho là do rối loạn nhịp sinh học bình thường của cơ thể. Ánh sáng đi qua mắt ảnh hưởng tới nhịp điệu này. Đồng thời bất cứ sự thay đổi mùa nào trong mô hình đêm/ ngày đều có thể gây gián đoạn và dẫn tới trầm cảm.

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD)
Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) đặc trưng bởi tình trạng các triệu chứng trầm cảm xuất hiện và kết thúc ở cùng một khoảng thời gian mỗi năm

Các triệu chứng xảy ra vào mùa thu – đông:

  • Lo lắng, chán nản và buồn bã hầu hết thời gian trong ngày
  • Giảm hoặc mất hoàn toàn hứng thú với các vấn đề trong cuộc sống
  • Thường xuyên khóc lóc không rõ nguyên do
  • Tâm trạng bất ổn và khó kiểm soát
  • Suy nghĩ chậm, khó tập trung
  • Khó duy trì hiệu suất học tập/ làm việc
  • Giảm năng lượng, mệt mỏi quá mức
  • Buồn ngủ quá mức và ngủ nhiều nhưng giấc ngủ không chất lượng
  • Có xu hướng thu mình, tách biệt với mọi người
  • Cho rằng bản thân yếu kém, vô dụng, thiếu tự tin
  • Đôi khi có cảm giác tội lỗi
  • Hình thành ý nghĩ và nỗ lực thực hiện hành vi tự sát
  • Chán ăn hoặc ăn uống quá mức

Vào mùa xuân – hè, triệu chứng có xu hướng giảm nhẹ:

  • Lo lắng
  • Buồn bã
  • Chán ăn
  • Khó ngủ, mất ngủ
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Đôi khi có biểu hiện tức giận và kích động

Ngoài ra, một số người bệnh còn khởi phát các triệu chứng hưng cảm trong mùa xuân hè. Hưng cảm chính là trạng thái khí sắc tăng cao có biểu hiện ngược lại hoàn toàn so với trầm cảm.

8. Trầm cảm tình huống

Trầm cảm tình huống còn được gọi là trầm cảm phản ứng hay rối loạn điều chỉnh. Đây là một loại trầm cảm ngắn hạn có liên quan tới căng thẳng. Loại trầm cảm này tương đối thường gặp, có thể phát triển sau khi một người trải qua một sự kiện đau buồn hay một loạt các thay đổi trong cuộc sống hằng ngày của bạn.

Ví dụ về các thay đổi hoặc sự kiện có thể gây ra trầm cảm tình huống bao gồm ly hôn, mất bạn bè, nghỉ hưu, bệnh tật hay các vấn đề trong mối quan hệ. Dạng trầm cảm này thường bắt nguồn từ cuộc đấu tranh của một người nhằm đối mặt với những thay đổi xảy ra.

Triệu chứng của trầm cảm tình huống về cơ bản giống với rối loạn trầm cảm nặng (MDD). Những người bị trầm cảm tình huống bắt đầu có các triệu chứng trong vòng 90 ngày sau khi các sự kiện đau buồn khởi phát.

Tin tốt lành cho người bệnh là chứng trầm cảm tình huống không phải là vĩnh viễn. Thông thường, nó có xu hướng khởi phát trong vòng 3 tháng kể từ khi xuất hiện sự khó chịu. Các triệu chứng thường bắt đầu thuyên giảm dần và biến mất trong vòng 6 tháng.

9. Trầm cảm cười

Trầm cảm cười là một loại rối loạn trầm cảm khá đặc biệt và thường gặp. Thuật ngữ này dùng để mô tả tình trạng một người dùng sự lạc quan và vui vẻ của mình nhằm che giấu căn bệnh trầm cảm của họ.

Những người mắc chứng trầm cảm cười vẫn có khả năng tiếp tục các hoạt động thường ngày một cách bình thường. Tuy nhiên, họ lại phải một mình đối mặt và vật lộn với sự giằng xé về mặt cảm xúc ở bên trong.

Trầm cảm cười là một loại trầm cảm thường gặp
Những người mắc chứng trầm cảm cười thường dùng sự lạc quan và vui vẻ để che giấu cảm xúc thật bên trong

Các triệu chứng bên trong của bệnh trầm cảm cười:

  • Cảm giác buồn bã, chán nản, tội lỗi và tuyệt vọng kéo dài
  • Mất hứng thú, ngay cả với các hoạt động trước đây từng yêu thích
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn, có thể ăn quá nhiều hoặc chán ăn
  • Thay đổi giấc ngủ, có người muốn ngủ mọi lúc mọi nơi nhưng cũng có nhiều người bị mất ngủ,…
  • Luôn có suy nghĩ về cái chết và tìm mọi cách để hiện thực hóa việc tự sát

Cách thể hiện bên ngoài của người bệnh trầm cảm cười:

  • Thường xuyên tươi cười, có thái độ sống lạc quan và vui vẻ
  • Hoàn thành tốt công việc, có được nhiều thành công, thăng tiến thuận lợi
  • Luôn năng động và nhiệt huyết
  • Năng nổ tham gia các hoạt động tập thể
  • Luôn lạc quan và bình tĩnh trước các tình huống bất ngờ

Những người mắc chứng trầm cảm cười thường có xu hướng sống một mình. Phong cách sống này giúp họ dễ dàng che giấu cảm xúc của mình. Tuy nhiên lại khiến cho người thân và bạn bè không thể phát hiện chứng bệnh của họ và cho lời khuyên kịp thời.

10. Trầm cảm ẩn – Loại trầm cảm thường gặp

Trầm cảm ẩn là một dạng rối loạn cảm xúc khá đặc biệt. Các triệu chứng của loại bệnh trầm cảm này không hoàn toàn giống với triệu chứng trầm cảm thông thường có trong các cẩm nang bệnh học như ICD-10 hay DSM-5. Do đó, trầm cảm ẩn thường khó phát hiện và không được chẩn đoán kịp thời.

Những người bị trầm cảm ẩn thường có xu hướng che giấu bệnh của mình do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như họ không muốn trở thành gánh nặng của người khác, sợ cái nhìn của người xung quanh, không chấp nhận bản thân mắc bệnh, cảm giác mặc cảm hay đơn giản do họ là người quá cầu toàn.

Các triệu chứng trầm cảm ẩn thường thấy bao gồm:

  • Dễ thay đổi cảm xúc
  • Hay nói về triết lý
  • Có suy nghĩ và hành vi bi quan
  • Sinh hoạt bất thường
  • Luôn tỏ ra hạnh phúc
  • Lẩn tránh và giấu giếm bệnh

Ngoài các triệu chứng về tinh thần thì người bệnh còn có thể gặp phải các triệu chứng thể chất. Chẳng hạn như đau dạ dày, đau nhức cơ thể không rõ nguyên nhân, các vấn đề về tim mạch, xương khớp,…

Lối sống lành mạnh cho người mắc bệnh trầm cảm

Khi nhận thấy bản thân có các dấu hiệu mắc các loại bệnh trầm cảm thường gặp thì bạn nên chủ động thăm khám. Có thể tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị đúng cách.

lưu ý khi bị trầm cảm
Khi có các triệu chứng nghi ngờ bị trầm cảm nên sớm tìm gặp chuyên gia tâm lý

Bên cạnh việc điều trị y tế thì người bệnh nên chú ý điều chỉnh lối sống khoa học và lành mạnh để hỗ trợ quá trình kiểm soát bệnh. Hãy thực hiện một số vấn đề sau đây:

  • Học cách mở lòng và chia sẻ, giãi bày các vấn đề mà mình gặp phải với những người xung quanh. Đặc biệt là với bạn bè, người thân hoặc bất cứ ai mà bạn cảm thấy tin tưởng.
  • Tuyệt đối không làm việc quá mức, nên biết cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Tốt nhất cần chú ý chăm sóc giấc ngủ, đi ngủ trước 23 giờ và đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày.
  • Trang bị và thực hành các kỹ năng kiểm soát căng thẳng. Có thể áp dụng các giải pháp đơn giản như nghe nhạc, đọc sách, ngồi thiền, tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương,… khi tâm trạng không tốt.
  • Nên dành thời gian khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất. Các nghiên cứu đã chứng minh, tập thể dục có thể giúp cơ thể sản xuất nhiều hormone endorphin hơn. Từ đó mang lại tinh thần thoải mái, lạc quan và chống lại các triệu chứng trầm cảm.
  • Khi có thời gian, nên tham gia các hoạt động xã hội. Điều này giúp bạn có thêm các mối quan hệ, hiểu rõ giá trị của bản thân và nhận thức đúng đắn hơn về mục đích sống.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Bài viết đã cung cấp thông tin về 10 loại trầm cảm thường gặp hiện nay. Bạn tuyệt đối không được chủ quan với bệnh trầm cảm, nên chủ động thăm khám khi có các triệu chứng nghi ngờ. Ngoài việc điều trị y tế thì nên chú ý điều chỉnh lối sống để hỗ trợ kiểm soát bệnh tốt hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *