Rối Loạn Nhân Cách Schizotypal Là Gì?

Rối loạn nhân cách Schizotypal đặc trưng bởi những nhận thức, cảm giác và hành vi kỳ quặc, lập dị. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của một người mà về lâu dài còn làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng khác. Do đó cần chú ý thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Rối loạn nhân cách Schizotypal
Rối loạn nhân cách Schizotypal là dạng rối loạn nhân cách nhóm A ảnh hưởng đến khoảng 4% người trưởng thành

Rối loạn nhân cách Schizotypal là gì?

Rối loạn nhân cách Schizotypal (STPD – Schizotypal Personality Disorder) còn được gọi là rối loạn nhân cách dạng phân liệt. Đây là một rối loạn tâm thần thuộc rối loạn nhân cách nhóm A cùng với rối loạn nhân cách hoang tưởng và rối loạn nhân cách phân liệt ScPD.

Cũng giống như các rối loạn nhân cách khác, STPD đặc trưng bởi một mô hình suy nghĩ, cảm giác và tương tác nhất quán với người khác. Nó có xu hướng gây ra các vấn đề nghiêm trọng đáng kể cho những người mắc phải.

Cụ thể, STPD có xu hướng liên quan tới kiểu suy nghĩ và hành vi kỳ quặc, lập dị và trải nghiệm nhận thức bất thường. Những người mắc chứng bệnh này có xu hướng cô độc và khó chịu trong các tình huống xã hội. Họ cũng có thể bị hoang tưởng nhưng mức độ nghi ngờ không tăng đến mức ảo tưởng.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Số liệu thống kê cho thấy, rối loạn nhân cách Schizotypal ảnh hưởng đến khoảng gần 4% người trưởng thành. Trong đó, thường xảy ra ở nam nhiều hơn là nữ. STPD được cho là một phần của chuỗi các bệnh có liên quan tới tâm thần phân liệt.

Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách Schizotypal

Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nào gây ra chứng rối loạn nhân cách Schizotypal. Tuy nhiên cũng giống như hầu hết các chứng rối loạn tâm thần khác, STPD được hiểu là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố. Chẳng hạn như tổn thương sinh học, cách suy nghĩ hay các yếu tố gây căng thẳng xã hội.

Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị rối loạn nhân cách Schizotypal:

  • Về mặt sinh học: Những người mắc chứng STPD được cho là có ít chất não ở một số khu vực nhất định. Đồng thời có sự bất thường của chất dẫn truyền thần kinh dopamine trong não. Cùng với đó là một số điểm tương đồng với bất thường về não ở những người bị tâm thần phân liệt.
  • Về mặt phát triển thần kinh: Những người bị STPD thường cho thấy sự khác biệt trong cách mà họ hình thành ký ức mới (trí nhớ tương lai), cùng với đó là cách bộ não của họ phản ứng khi đối mặt với các tình huống xã hội.
  • Tiền sử gia đình: Có tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần là một trong những yếu tố nguy cơ phát triển chứng rối loạn nhân cách Schizotypal. Những người có thành viên trong gia đình trực hệ mắc chứng STPD thì nguy cơ mắc bệnh của họ tăng lên 50%.
  • Các yếu tố nguy cơ xã hội: Phải kể đến như sinh vào mùa đông hoặc mùa hè, thứ tự sinh cao hơn, có tình trạng kinh tế – xã hội gia đình thấp hơn trong thời thơ ấu, lạm dụng thể chất và tình dục trong thời thơ ấu,… STPD cũng được phát hiện là xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ da đen so với các phụ nữ khác mà không phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế xã hội.
nguyên nhân gây rối loạn nhân cách Schizotypal
Tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn nhân cách Schizotypal

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể liên quan, chẳng hạn như:

  • Những người sinh ra từ người mẹ hút thuốc lá khi mang thai
  • Có cân nặng khi sinh thấp hơn và có vòng đầu nhỏ hơn khi được 12 tháng tuổi
  • Các tình trạng y tế như động kinh ở thời thơ ấu
  • Có cha mẹ gặp khó khăn trong giao tiếp
  • Trẻ em sử dụng cần sa lần đầu tiên trước 14 tuổi
  • Trẻ em dậy thì sớm

Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách Schizotypal

Những người bị rối loạn nhân cách Schizotypal thường cảm thấy vô cùng khó chịu trong quá trình tương tác giữa các cá nhân với nhau. Họ thậm chí không thoải mái ngay cả khi tiếp xúc với những người giống nhau trong cùng một môi trường lặp đi lặp lại.

Rối loạn này cũng liên quan đến suy nghĩ méo mó và hành vi lập dị. Người bệnh có xu hướng đẩy mọi người ra xa, thậm chí tạo ra sự cô lập. Các triệu chứng và dấu hiệu có liên quan đến rối loạn nhân cách Schizotypal có thể bao gồm:

  • Cảm thấy người lạ đang chú ý hoặc bằng cách nào đó giao tiếp với bản thân
  • Niềm tin kỳ quặc hoặc suy nghĩ ma thuật ảnh hưởng tới hành vi và không phù hợp với các chuẩn mực văn hóa. Chẳng hạn như mê tín dị đoan, thần giao cách cảm, tin vào khả năng thấu thị hoặc giác quan thứ sáu.
  • Ở trẻ em và thanh thiếu niên, niềm tin kỳ quặc có thể liên quan đến các tưởng tượng kỳ quái hoặc sự ám ảnh.
  • Có thể trải qua những thay đổi về tri giác. Chẳng hạn như nghe thấy ai đó đang lẩm bẩm tên mình hoặc cảm nhận rằng có một linh hồn đang hiện diện.
  • Suy nghĩ và lời nói kỳ quặc (chẳng hạn như lời nói mơ hồ hoặc chứa quá nhiều chi tiết, ở dạng ẩn dụ, rập khuôn hoặc quá trau chuốt)
  • Tỏ ra gò bó và ít thể hiện cảm xúc trong quá trình tương tác với người khác. Hoặc cũng có thể có những cách cư xử khác thường, chẳng hạn như cách ăn mặc lôi thôi.
  • Đôi khi có thể bày tỏ nỗi buồn vì thiếu các mối quan hệ thân thiết. Tuy nhiên hành vi lại cho thấy rằng bản thân không có nhiều mong muốn có những mối quan hệ thân thiết.
  • Trải qua các giai đoạn loạn thần thoáng qua trong những thời gian căng thẳng tột độ (thường kéo dài vài phút cho tới vài giờ). Tuy nhiên không có ảo giác hoặc ảo tưởng thường xuyên.
dấu hiệu rối loạn nhân cách Schizotypal
Người bệnh có thể trải qua các giai đoạn loạn thần thoáng qua trong thời gian bị stress tột độ

Phân biệt rối loạn nhân cách Schizotypal và tâm thần phân liệt

Mặc dù có khả năng liên quan nhưng bạn không nên nhầm lẫn giữa rối loạn nhân cách Schizotypal (STPD) và tâm thần phân liệt. Có một số điểm khác biệt chính cần ghi nhớ khi phân biệt giữa hai rối loạn này. Bao gồm:

  • Sự khác biệt cơ bản của hai rối loạn này xoay quanh các triệu chứng chính của bệnh tâm thần phân liệt là ảo giác và ảo tưởng. Cả STPD và tâm thần phân liệt đều có thể bao gồm các hành vi xã hội kỳ quặc và niềm tin kỳ lạ. Tuy nhiên một số người mắc chứng STPD lại không trải qua ảo giác và ảo tưởng.
  • Suy nghĩ méo mó là đặc điểm trung tâm của STPD, khác xa với tình trạng loạn thần (hoàn toàn xa rời thực tế) xảy ra với bệnh tâm thần phân liệt. Mặc dù trong một số trường hợp hiếm hoi, người mắc chứng Schizotypal có thể vẫn bị rối loạn tâm thần cường độ thấp.
  • Chẩn đoán phân biệt Schizotypal và tâm thần phân liệt cũng xem xét sự hiện diện của một số rối loạn xảy ra đồng thời. Rối loạn tâm trạng thứ phát thường đi kèm với Schizotypal. Trong khi đó tâm thần phân liệt hiếm khi xảy ra đồng thời với rối loạn tâm trạng.
phân biệt STPD là tâm thần phân liệt
STPD và tâm thần phân biệt có thể liên quan đến nhau nhưng cần phân biệt rõ

Phân biệt STPD và rối loạn nhân cách phân liệt ScPD

Rất nhiều người còn bị nhầm lẫn giữa rối loạn nhân cách Schizotypal với rối loạn nhân cách phân liệt ScPD (Schiziod). Bởi cả hai dạng bệnh này đều thuộc rối loạn nhân cách nhóm A. Tuy nhiên chúng có triệu chứng cũng như mức độ nguy hiểm khác nhau. Cần chú ý đến các thông tin chính sau đây để phân biệt:

  • Rối loạn nhân cách phân liệt ScPD (Schiziod): Dạng rối loạn này liên quan tới sự thiếu quan tâm kéo dài trong các mối quan hệ thân thiết. Người bệnh thường không quan tâm đến cả lời khen và lời chỉ trích. Đồng thời không quan tâm tới cảm xúc của người khác, có giới hạn về mặt cảm xúc và tình cảm với người khác. Những người mắc chứng ScPD thường có xu hướng né tránh giao du với người khác hay với các tình huống mà họ có thể sẽ tương tác với người khác.
  • Rối loạn nhân cách Schizotypal (STPD): Dạng rối loạn này có liên quan tới những suy nghĩ, nhận thức, lời nói và hành vi lập dị, kỳ quặc. Mặc dù các triệu chứng nghiêm trọng để chẩn đoán là rối loạn nhân cách nhưng lại không đủ nghiêm trọng để được chẩn đoán là tâm thần phân liệt. So với ScPD thì STPD có mức độ nguy hiểm cao hơn.

Rối loạn nhân cách Schizotypal có ảnh hưởng gì?

Những người mắc chứng rối loạn nhân cách Schizotypal có nhiều khả năng bị lo âu hoặc trầm cảm. Ngoài ra, họ cũng có xu hướng có kỹ năng xã hội kém và thiếu các mối quan hệ thân thiết.

Trường hợp không được điều trị kịp thời thì người bệnh thậm chí còn ngày càng trở nên khó chịu hơn trong các tình huống xã hội. Điều này có thể dẫn tới sự tự cô lập nhiều hơn nữa.

Cụ thể, STPD có thể làm gia tăng một số nguy cơ như:

  • Trầm cảm
  • Rối loạn lo âu
  • Các rối loạn nhân cách khác
  • Tâm thần phân liệt
  • Các giai đoạn rối loạn tâm thần tạm thời (thường là để đáp ứng với căng thẳng)
  • Vấn đề với rượu hoặc ma túy
  • Vấn đề công việc, trường học và các mối quan hệ hoặc vấn đề xã hội
  • Nỗ lực tự tử
hệ quả của STPD
Rối loạn nhân cách Schizotypal có thể làm gia tăng nguy cơ bị trầm cảm

Chẩn đoán rối loạn nhân cách Schizotypal

Không có xét nghiệm xác định cụ thể nào có thể đánh giá chính xác một người có mắc chứng rối loạn nhân cách Schizotypal hay không. Nếu bạn lo ngại mình mắc chứng bệnh này thì có thể tự kiểm tra bằng một bài kiểm tra trực tuyến. Chẳng hạn như:

  • Bảng câu hỏi về tính cách Schizotypal
  • Bản kiểm kê về cảm giác và trải nghiệm của Oxford-Liverpool (O-LIFE)
  • Kiểm kê Rust về Nhận thức Schizotypal
  • Đánh giá cộng đồng về Trải nghiệm ngoại cảm
  • Thang đo Tính cách Schizotypal

Để xác định sự hiện diện của rối loạn nhân cách Schizotypal, bác sĩ sẽ tiến hành một cuộc phỏng vấn sức khỏe tâm thần nhằm tìm lịch sử và sự hiện diện của các triệu chứng. Bác sĩ cần làm việc để loại trừ các rối loạn tâm thần khác.

Cần sàng lọc các vấn đề tâm trạng như trầm cảm, rối loạn lo âu, các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, các loại rối loạn nhân cách khác. Chẳng hạn như rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách tự ái,… Ngoài ra, các vấn đề lạm dụng ma túy, tâm thần phân liệt hoặc rối loạn ảo tưởng cũng cần được loại trừ.

Bác sĩ cũng cần cố gắng đảm bảo rằng bạn không mắc phải một vấn đề y tế nào đó có khả năng gây ra các triệu chứng cảm xúc giống như STPD. Bác sĩ thường hỏi bạn về thời điểm khám sức khỏe gần đây nhất, xét nghiệm máu hay bất cứ xét nghiệm nào khác mà chuyên gia y tế cho là cần thiết.

Chẩn đoán sẽ không được xác định nếu nó chỉ xảy ra trong quá trình mắc các bệnh lý khác. Chẳng hạn như tâm thần phân liệt, rối loạn trầm cảm với các biểu hiện loạn thần, rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn phổ tự kỷ.

chẩn đoán rối loạn nhân cách Schizotypal
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc chứng STPD cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán sớm

Theo DSM-5, các triệu chứng rối loạn nhân cách Schizotypal phải bắt đầu trước tuổi trưởng thành. Để đáp ứng các tiêu chí chẩn đoán, người bệnh phải trải qua ít nhất 5 triệu chứng sau đây:

  • Ý tưởng tham chiếu (diễn giải thiếu chính xác về các sự cố hay sự kiện là có ý nghĩa bất thường).
  • Niềm tin kỳ quặc hoặc tư duy ma thuật ảnh hưởng tới hành vi và không phù hợp với các chuẩn mực văn hóa.
  • Trải qua tri giác bất thường, bao gồm cả sự ảo tưởng về cơ thể.
  • Suy nghĩ và lời nói kỳ quặc.
  • Sự nghi ngờ và hoang tưởng.
  • Hành vi hoặc ngoại hình kỳ quặc, lập dị.
  • Thiếu bạn thân hoặc bạn tâm giao không phải là người thân cấp một.
  • Lo lắng xã hội quá mức không giảm đi, có xu hướng liên quan tới những nỗi sợ hãi hoang tưởng hơn là những đánh giá tiêu cực về bản thân.

Các triệu chứng có thể bắt đầu trong thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Một số triệu chứng rõ ràng trong thời thơ ấu có thể bao gồm:

  • Mối quan hệ bạn bè kém
  • Lo lắng xã hội, có xu hướng tự cô lập
  • Không đạt kết quả học tập ở trường
  • Quá mẫn cảm
  • Có những suy nghĩ và ngôn ngữ đặc biệt
  • Những tưởng tượng kỳ quái

Điều trị rối loạn nhân cách Schizotypal

Điều trị rối loạn nhân cách Schizotypal thường bao gồm sự kết hợp giữa tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc. Ngoài ra, một số giải pháp khác cũng có thể hỗ trợ để giúp kiểm soát triệu chứng và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Cụ thể như sau:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu có thể giúp những người mắc chứng rối loạn Schizotypal bắt đầu tin tưởng người khác. Đồng thời học các kỹ năng đối phó bằng cách xây dựng mối quan hệ tin cậy với chuyên gia tư vấn tâm lý.

Liệu pháp tâm động học và liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể được áp dụng:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Đây là một hình thức trị liệu tâm lý tập trung vào việc giúp một người hiểu được suy nghĩ và hành vi của họ ảnh hưởng đến nhau như thế nào. Việc nhấn mạnh vào việc cải thiện các kỹ năng xã hội là đặc biệt quan trọng đối với quá trình giải quyết những thiếu hụt xã hội. Trong khi đây lại là một phần của chứng rối loạn nhân cách Schizotypal.
  • Liệu pháp tâm động học: Còn được gọi với tên khác là liệu pháp phân tích tâm lý. Mục đích chính của liệu pháp này là tìm cách giúp các cá nhân hiểu và quản lý tốt hơn các cách phòng vệ của bản thân trước những cảm xúc tiêu cực.
tâm lý trị liệu chữa STPD
Tâm lý trị liệu mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân rối loạn nhân cách Schizotypal

Ngoài hai liệu pháp chính nêu trên thì liệu pháp gia đình cũng được cho là mang lại nhiều lợi ích đối với người bệnh STPD. Sự tham gia của các thành viên trong gia đình sẽ giúp cải thiện giao tiếp, sự tin tưởng cũng như khả năng làm việc cùng nhau trong nhà.

2. Sử dụng thuốc

Cho đến nay, vẫn chưa có loại thuốc nào được phê duyệt đặc biệt để điều trị chứng rối loạn nhân cách Schizotypal. Tuy nhiên một số loại thuốc có thể được sử dụng để giải quyết một số triệu chứng đi kèm như hoang tưởng, suy nghĩ ma thuật, hành vi kỳ quặc, trầm cảm hoặc lo lắng. Các loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa bao gồm:

– Thuốc chống loạn thần:

Thuốc chống loạn thần còn được gọi là thuốc an thần kinh. Chúng mang lại hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng hoang tưởng, thay đổi tâm trạng hay cảm xúc không ổn định. Tuy nhiên nhóm thuốc này tiềm ẩn khá nhiều tác dụng phụ.

Một số loại thuốc chống loạn thần có thể được dùng bao gồm:

  • Chlorpromazine (Thorazine)
  • Haloperidol (Haldol)
  • Fluphenazine (Prolixin)
  • Thiothixene (Navane)
  • Perphenazine (Trilafon)
  • Thioridazine (Mellaril)
  • Clozapine (Clozaril)
  • Asenapine (Saphris)
  • Iloperidone (Fanapt
  • Brexpiprazole (Rexulti)

– Thuốc chống trầm cảm:

Những người mắc chứng rối loạn nhân cách Schizotypal có nhiều nguy cơ bị trầm cảm hơn. Do đó, một số loại thuốc chống trầm cảm cũng có thể được bác sĩ kê toa để mang lại lợi ích cho quá trình kiểm soát các triệu chứng liên quan. Chẳng hạn như:

  • Venlafaxine (Effexor)
  • Duloxetine (Cymbalta)
  • Desvenlafaxine (Pristiq)
  • Levomilnacipran (Fetzima)
  • Bupropion (Wellbutrin)
thuốc chữa rối loạn nhân cách Schizotypal
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để kiểm soát tốt hơn các triệu chứng liên quan

Bất cứ loại thuốc nào dùng cho bệnh nhân STPD cũng cần phải sử dụng đúng chỉ định từ bác sĩ. Đảm bảo tuân thủ liều lượng, tần suất và cả thời gian dùng thuốc. Riêng đối với các thuốc chống trầm cảm tuyệt đối không được ngừng sử dụng một cách đột ngột. Trường hợp gặp phải các bất thường với thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ được biết.

3. Các giải pháp hỗ trợ khác

Điều chỉnh lối sống tích cực có thể là chìa khóa giúp bạn đối phó tốt hơn với chứng rối loạn nhân cách Schizotypal. Việc hình thành các mối quan hệ – mặc dù điều này rất khó thực hiện cũng có khả năng làm giảm bớt sự lo lắng có liên quan đến chứng rối loạn này.

Ngoài ra, cảm giác nhận được thành tích cũng có thể sẽ làm giảm bớt đi các triệu chứng. Bạn nên chủ động tìm kiếm việc làm, đi học, đi tình nguyện hoặc tham gia vào các hoạt động cộng đồng khác để hỗ trợ tốt hơn cho quá trình kiểm soát và điều trị STPD.

4. Vai trò của gia đình

Sự hỗ trợ và tình yêu thương từ phía gia đình được cho là biện pháp hiệu quả với chứng rối loạn nhân cách Schizotypal. Người nhà cần chú ý rằng, người bệnh vẫn có khả năng nhận thức được thực tế. Vì vậy, gia đình cần tăng độ tin tưởng và cố gắng đưa người bệnh về với thực tại, tránh các ảo tưởng viển vông. Điều này sẽ giúp kiểm soát dần triệu chứng bệnh.

Các thành viên trong gia đình nên dành thời gian chăm sóc, yêu thương và kết nối với người bệnh nhiều hơn. Hãy lắng nghe, khuyến khích và động viên để người bệnh có niềm tin với người khác và với chính mình. Nên bắt đầu mối liên kết với xã hội từ gia đình. Sau đó từ từ đưa người bệnh tiến tới thế giới rộng lớn hơn. Từ đó giúp người bệnh không còn cảm thấy quá sợ hãi.

Gia đình tuyệt đối không nên phủ nhận hoặc tỏ thái độ gay gắt trước những ảo tưởng huyền diệu của người bệnh. Bởi điều này có thể kích thích tâm lý tức giận. Tốt nhất nên từ từ và chậm rãi để giúp người bệnh cảm nhận được sự quan tâm và chăm sóc. Lâu dần, các trạng thái mơ hồ cũng sẽ từ từ thuyên giảm.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Rối loạn nhân cách Schizotypal gây ra rất nhiều ảnh hưởng và khiến chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu người bệnh có động lực để thay đổi và nghiêm túc điều trị sớm thì có thể kiểm soát được bệnh. Trong đó tâm lý trị liệu, thuốc cùng với sự hỗ trợ từ gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *