Trầm cảm u sầu (Melancholia) là gì? Nguyên nhân và cách chữa

Trầm cảm u sầu (Melancholia) chiếm 25 – 30% trong tổng số các rối loạn trầm cảm, đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn, u uất, vô vọng, mất hoàn toàn các cảm xúc tích cực… Với dạng trầm cảm này, di truyền có vai trò rõ rệt trong cơ chế bệnh sinh nên điều trị thường khó khăn và ít có triển vọng phục hồi hoàn toàn.

Trầm cảm u sầu (Melancholia) là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia) là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi khí sắc buồn rầu, u uất, đau khổ, chán nản. Trên thực tế, các chuyên gia vẫn đang tranh luận liệu Melancholia là một dạng rối loạn trầm cảm hay là một triệu chứng của trầm cảm điển hình (rối loạn trầm cảm chủ yếu).

Trầm cảm u sầu
Trầm cảm u sầu nổi trội với khí sắc u uất, trầm buồn, chán nản và mất hy vọng vào mọi thứ

Trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn tâm thần ấn bản lần thứ 5 (DSM-5), Melancholia (u sầu) được xem là triệu chứng lâm sàng của bệnh trầm cảm.

Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) cho rằng, Melancholia là thuật ngữ cũ để chỉ bệnh trầm cảm. Thuật ngữ này được nhắc đến lần đầu tiên cách đây hơn 2000 năm. Tuy nhiên ở thời điểm này, tâm lý – tâm thần chưa được quan tâm.

Melancholia ban đầu được dùng để chỉ một loại rối loạn vận động khi người bệnh có xu hướng kích động, bồn chồn hoặc giảm vận động. Sau đó, Melancholia mới được nhìn nhận đúng bản chất là một dạng rối loạn tâm thần với biểu hiện chính là rối loạn khí sắc.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề này. Sau đó các nghiên cứu được thực hiện vào năm 2012 và 2016 củng cố nhận định, Melancholia nên được xếp vào thành một loại trầm cảm riêng biệt – được gọi là trầm cảm u sầu.

U sầu là triệu chứng thường thấy ở người bị trầm cảm nhưng không phải ai cũng gặp biểu hiện này. Thống kê cho thấy, khoảng 25 – 30% bệnh nhân trầm cảm nổi trội với khí sắc u sầu đặc trưng.

Hiện nay, đa phần các chuyên gia đều ủng hộ xếp trầm cảm u sầu thành một rối loạn trầm cảm riêng biệt. Melancholia được xác định khi có những đặc điểm như sau:

  • Có triệu chứng u sầu nổi trội và điển hình
  • Có vai trò rõ rệt của di truyền
  • Có liên quan đến suy nghĩ, hành vi học được (con cái học từ cha mẹ), ít khi do các yếu tố tâm lý xã hội như trầm cảm điển hình
  • Không có đáp ứng với giả dược
  • Có cải thiện rõ rệt hơn khi dùng thuốc chống trầm cảm và liệu pháp sốc điện (ECT) thay vì tâm lý trị liệu

Nhìn chung, xoay quanh thuật ngữ Melancholia vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ tập trung vào nguyên nhân và hướng điều trị. Vì suy cho cùng, việc phân loại Melancholia chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, không chi phối nhiều đến các lựa chọn điều trị.

Biểu hiện của trầm cảm u sầu

Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa coi trầm cảm u sầu là một rối loạn trầm cảm riêng biệt. Đặc tính u sầu được cho là một trong những biểu hiện điển hình của rối loạn trầm cảm chủ yếu. Nhưng rõ ràng ở một vài bệnh nhân hoàn toàn không có đầy đủ biểu hiện của trầm cảm u sầu.

Melancholia là gì
Ngay cả khi cuộc sống có những sự kiện hạnh phúc, người bị trầm cảm u sầu đều không cảm thấy hạnh phúc

Các triệu chứng thường thấy ở trầm cảm u sầu:

  • Tâm trạng buồn bã, chán nản, u uất trong một thời gian dài
  • Gần như không có phản ứng tâm trạng, ngay cả khi cuộc sống có nhiều sự kiện vui vẻ, đạt được thành công to lớn…
  • Mất hoàn toàn khả năng vui vẻ, lạc quan, dường như chìm đắm trong sự u uất và buồn bã
  • Khuôn mặt thể hiện rõ sự u ám, đau khổ và trống rỗng
  • Chán ăn, ăn rất ít dẫn đến sụt cân nhanh chóng
  • Có cảm giác tội lỗi và cho rằng bản thân đã phạm tội nghiêm trọng dù thực tế không phải như vậy
  • Có biểu hiện kích động (nói nhanh, đi đi lại lại liên tục, bồn chồn) hoặc chậm phát triển tâm thần vận động (suy nghĩ chậm, giọng nói thều thào, đi lại chậm chạp…)
  • Trong trầm cảm u sầu, các chuyên gia nhận thấy sự nổi trội của các triệu chứng thể chất, đặc biệt là biểu hiện ức chế về tư duy (suy nghĩ chậm chạp, khó đưa ra quyết định, giọng nói nhỏ, thều thào…) và hành vi (dáng đi ủ rũ, mệt mỏi, chậm đi đáng kể).
  • Trầm cảm u sầu được cho là có thể xuất hiện ở bất cứ loại trầm cảm nào, chẳng hạn như rối loạn trầm cảm chủ yếu (trầm cảm điển hình), rối loạn trầm cảm dai dẳng, giai đoạn trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực I hoặc II.

Việc phân loại Melancholia vẫn còn nhập nhằng và nhiều tranh cãi xoay quanh, vì vậy bạn đọc chỉ cần nắm rõ đặc tính của trầm cảm u sầu là khí sắc buồn bã chiếm ưu thế, mất hy vọng, bi quan và dường như không có bất cứ cảm xúc tích cực nào. Bên cạnh đó, các triệu chứng thể chất có xu hướng nổi trội hơn so với các dạng trầm cảm khác.

Nguyên nhân gây ra trầm cảm u sầu

Một trong những đặc điểm của trầm cảm u sầu là có vai trò rõ rệt của yếu tố di truyền. Trong khi đó, các loại trầm cảm khác đa phần đều liên quan đến yếu tố tâm lý xã hội và thường phát triển sau chấn thương tâm lý nghiêm trọng.

Dù vậy, nguyên nhân chính xác gây trầm cảm u sầu (Melancholia) vẫn chưa được biết rõ. Những giả thuyết được đặt ra chỉ được nhìn nhận là yếu tố tham gia vào cơ chế bệnh sinh.

Các yếu tố được cho là có liên quan đến trầm cảm u sầu:

1. Di truyền

Ở trầm cảm u sầu, các chuyên gia nhận thấy rõ vai trò của di truyền và con cái có thể thừa hưởng các yếu tố sinh học từ bố hoặc mẹ. Yếu tố trực tiếp liên quan đến trầm cảm u sầu là hệ trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận (HPA) bị rối loạn dẫn đến giảm khả năng điều chỉnh. Bên cạnh đó thông qua MRI, thấy rõ bất thường về liên kết giữa thùy đảo và vỏ não trước đỉnh.

Melancholia là gì
Trong trầm cảm u sầu, các chuyên gia nhận thấy vai trò rõ rệt của di truyền

Khi có yếu tố tác động, hormone cortisol có thể gia tăng dẫn đến những thay đổi bên trong cơ thể cả về mặt tâm lý và sinh lý. Lúc này, HPA có chức năng điều chỉnh để duy trì cơ thể ở trạng thái cân bằng.

Trong khi đó, nếu hệ trục này xảy ra bất thường, stress sẽ không được điều chỉnh và hormone cortisol gia tăng sẽ kéo theo một loạt phản ứng ở bên trong cơ thể lẫn não bộ. Do đó, có thể khẳng định vấn đề ở hệ trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận thực sự là yếu tố góp phần gây ra trầm cảm u sầu.

2. Các tình huống căng thẳng

Các tình huống căng thẳng được xem là yếu tố kích hoạt trầm cảm u sầu bùng phát. Khi bị stress, cortisol do tuyến thượng thận sản sinh sẽ có xu hướng gia tăng. Lúc này, HPA không hoàn thành chức năng điều chỉnh dẫn đến những thay đổi về mặt sinh hóa.

Đối với trầm cảm u sầu, bất cứ tình huống căng thẳng nào cũng đều có thể khởi phát bệnh. Trong khi đó, các dạng trầm cảm thường chỉ phát triển sau sang thương tâm lý nghiêm trọng.

3. Giới tính

Một vài nghiên cứu được thực hiện vô tình nhận thấy, nguy cơ mắc trầm cảm u sầu cao hơn ở nam giới. Điều này rõ ràng khác hoàn toàn so với các rối loạn trầm cảm thường gặp. Vì đa phần các dạng trầm cảm khác đều gặp chủ yếu ở nữ giới.

Trầm cảm u sầu (Melancholia) có nguy hiểm không?

Giống như các loại trầm cảm khác, trầm cảm u sầu là vấn đề đáng chú ý và nên được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không được điều trị, trạng thái u uất có thể nghiêm trọng hơn theo thời gian. Người bệnh bị nỗi buồn, sự u ám, chán nản nhấn chìm và dường như không còn bất cứ cảm xúc tích cực nào.

Hiện tại, chưa có nghiên cứu về tỷ lệ tự sát ở người bị trầm cảm u uất. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán con số này có thể cao hơn các rối loạn trầm cảm khác. Vì ở trạng thái u uất, chán nản, buồn bã, mất hy vọng và luôn mặc cảm tội lỗi, người bệnh có thể bộc phát hành vi tự sát để giải thoát bản thân.

Melancholia là gì
Trầm cảm u sầu có thể dẫn đến hành vi tự sát nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách

Ngoài nguy cơ tự sát cao, Melancholia còn ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày, hiệu suất học tập và lao động. Người bị trầm cảm u sầu có xu hướng tự cô lập, tách biệt với những người xung quanh.

Bệnh nhân gần như không còn hào hứng với bất cứ hoạt động nào. Mối liên kết giữa người bệnh và xã hội ngày càng lỏng lẻo chính là lúc ý nghĩ tự sát được thôi thúc. Tương tự như các rối loạn trầm cảm khác, người bị trầm cảm u sầu cũng có nguy cơ nghiện rượu bia, chất kích thích cao hơn bình thường.

Bệnh nhân cũng sẽ phải đối mặt với một loạt các vấn đề thể chất như mất ngủ, suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, các vấn đề về dạ dày và ruột. Trầm cảm u sầu còn góp phần làm gia tăng các vấn đề rối loạn tâm thần thứ phát như rối loạn ăn uống, loạn thần…

Chẩn đoán trầm cảm u sầu

Trầm cảm u sầu (Melancholia) chưa được công nhận là một rối loạn trầm cảm riêng biệt. Vì vậy, cả ICD và DSM đều chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh lý này.

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng u sầu nổi trội, bác sĩ sẽ xem xét biểu hiện đi kèm để xếp vào các nhóm tương ứng là rối loạn trầm cảm chủ yếu (trầm cảm điển hình), rối loạn trầm cảm dai dẳng, trầm cảm do nghiện chất hoặc bệnh thực tổn, rối loạn trầm cảm không biệt định và trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực I, II…

Các phương pháp điều trị trầm cảm u sầu (Melancholia)

Như đã đề cập, đặc trưng của trầm cảm u sầu là có đáp ứng tốt hơn với liệu pháp hóa dược và sốc điện (ECT). Vì vậy, đa phần bệnh nhân đều sẽ được điều trị kết hợp giữa hai liệu pháp này.

1. Liệu pháp hóa dược

Liệu pháp hóa dược là lựa chọn đầu tay khi điều trị trầm cảm u sầu. Tương tự như các rối loạn trầm cảm khác, bệnh nhân sẽ được thử nghiệm với nhiều loại thuốc khác nhau. Ưu tiên thuốc ít tác dụng phụ, an toàn trước, sau đó mới cân nhắc dùng các loại thuốc nguy cơ cao nếu lựa chọn ban đầu không có hiệu quả.

Trầm cảm u sầu
Các triệu chứng của trầm cảm u sầu thuyên giảm đáng kể khi sử dụng thuốc chống trầm cảm

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị trầm cảm u sầu (Melancholia) bao gồm:

  • Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) bao gồm Fluoxetine, Paroxetine, Sertraline…
  • Chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs) gồm Venlafaxine, Desvenlafaxine, Duloxetine…
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA) bao gồm Amitriptylin, Doxepin, Imipramine, Trimipramine…
  • Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) hiếm khi được sử dụng do nguy cơ cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng phụ nghiêm trọng.

Điểm chung của các loại thuốc chống trầm cảm là gia tăng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ bao gồm serotonin, norepinephrine… với mục đích cải thiện tâm trạng. Không chỉ riêng trầm cảm u sầu, đa phần các rối loạn trầm cảm đều có hiện tượng giảm serotonin ở khe synap.

Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh giữ nhiều vai trò quan trọng, điển hình là tạo cảm giác thèm ăn, vui vẻ, hào hứng, phấn chấn… Vì vậy khi serotonin sụt giảm, tâm trạng có xu hướng giảm thấp đi kèm với hiện tượng chán nản, ăn uống kém.

Bằng cách cải thiện nồng độ serotonin, thuốc chống trầm cảm làm giảm đáng kể triệu chứng của bệnh trầm cảm nói chung và trầm cảm u sầu nói chung. Ngoài nhóm thuốc này, bệnh nhân có thể phải dùng phối hợp với thuốc an thần benzodiazepine nếu có biểu hiện mất ngủ, kích động.

2. Liệu pháp sốc điện (ECT)

Liệu pháp sốc điện (ECT) đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị bệnh trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm u sầu. Phần lớn bệnh nhân phải can thiệp liệu pháp này đều có đặc tính u sầu rõ rệt và đáp ứng kém với các loại thuốc chống trầm cảm.

Trầm cảm u sầu
Bên cạnh liệu pháp hóa dược, bệnh nhân trầm cảm u sầu thường được điều trị phối hợp với liệu pháp sốc điện (ECT)

Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện để đánh giá hiệu quả của ECT. Kết quả cho thấy, liệu pháp sốc điện mang lại hiệu quả rõ rệt hơn ở trầm cảm u sầu so với các rối loạn trầm cảm khác.

3. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý tỏ ra không hiệu quả bằng liệu pháp hóa dược và sốc điện trong điều trị trầm cảm u sầu. Tuy nhiên, vì các tình huống căng thẳng có vai trò đáng kể trong việc khởi phát bệnh nên bệnh nhân sẽ được cân nhắc can thiệp trị liệu để học cách đối phó với stress, cân bằng cảm xúc, đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực

Đối với trầm cảm u sầu, liệu pháp tâm lý có vai trò phục hồi chức năng tâm lý – xã hội và hỗ trợ phòng ngừa bệnh tái phát. Hiện tại, chỉ có liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được áp dụng cho bệnh nhân trầm cảm u sầu. Dù hiệu quả kém hơn thuốc nhưng tâm lý trị liệu là phương pháp an toàn, có triển vọng về phòng ngừa bệnh tái phát nên vẫn được cân nhắc trong một số trường hợp.

Trầm cảm u sầu (Melancholia) đặc trưng bởi khí sắc u sầu, buồn bã, chán nản… với các triệu chứng thể chất nổi trội như tư duy ức chế, dáng đi chậm, thiếu sức sống, giọng nói thều thào. Dù chưa được công nhận là rối loạn trầm cảm chính thức nhưng bệnh lý này đã được nhìn nhận và nghiên cứu khá đầy đủ.

Trong Melancholia, vai trò của di truyền rất rõ rệt nên khả năng phục hồi hoàn toàn là rất khó. Bên cạnh các phương pháp điều trị, cần trang bị kỹ năng để gia tăng hòa nhập xã hội và tránh các tình huống căng thẳng.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *